Chuyện ghi ở Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Bài 1)
Đời sống - 18/06/2024 18:50 PHẠM XUÂN DŨNG
Chỉ là công nhân cũng nỗ lực hết mình
Gặp nhiều người lao động ở doanh nghiệp này, tôi có cảm nhận khá đặc biệt không giống một số nơi khác. Đó là việc tuy chỉ là những công nhân bình thường nhưng họ có tinh thần lao động rất cao, miệt mài và cống hiến hết mình, xem doanh nghiệp thực sự là ngôi nhà thứ hai của mình.
Còn nhớ anh công nhân thợ điện, đảng viên Nguyễn Minh Thắng (SN 1982) ở Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa trực thuộc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị.
Anh Nguyễn Minh Thắng - công nhân Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa. Ảnh: TRƯỜNG SƠN. |
Anh kể lại câu chuyện đời mình thật giản dị, theo kiểu có gì nói nấy như bản tính nông dân chân mộc: “Tôi thiết nghĩ, mình gốc gác nông dân, sau khi được học trung cấp nghề của tỉnh trở thành công nhân thì phải cố gắng để có tay nghề vững, đáp ứng yêu cầu của công việc, như vậy mới có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Không làm thầy giỏi thì phải cố gắng mà làm thợ tốt, phải khiêm tốn, không ngừng học hỏi để trau dồi nghề nghiệp ngày một tiến bộ”.
Với tâm nguyện như vậy, anh Thắng đã say mê với công việc, không ngại khó, ngại khổ, luôn trăn trở tìm cách vượt qua khó khăn, vất vả, luôn suy nghĩ để tìm ra sáng kiến phục vụ ngày một tốt hơn cho công việc sản xuất của nhà máy. Nhờ lòng say mê và tinh thần chịu khó, tìm tòi, học hỏi mà anh đã trở thành “cây” sáng kiến của nhà máy, liên tục có những sáng kiến mang lại hiệu quả cụ thể cho công việc, có sáng kiến làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng.
Điển hình, là những sáng kiến mà anh Thắng làm chủ như: Sáng kiến làm máng dẫn cùi sắn cho cụm băng tải; sáng kiến cải tạo đường ống cấp nước cho bơm rửa lưới máy ép băng tải; sáng kiến lắp ốp đỡ trung gian cho trục máy rửa nước chuyền 1 và chuyền 3; sáng kiến gia công lắp đặt bầu lọc nước cấp vào bơm rửa lưới máy ép băng tải’; sáng kiến lắp đặt khớp nối truyền động bơm bằng đai cao su…
Chính vì thế, nhiều năm liền anh được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đảng viên gương mẫu…
Anh Thắng kiểm tra hệ thống điện tại nơi làm việc. Ảnh: TRƯỜNG SƠN. |
Đánh giá về việc này, anh Lê Đức Vưỡng - Quản đốc phân xưởng, Tổ trưởng tổ Đảng của phân xưởng chế biến tinh bột sắn, cấp trên trực tiếp và là người gần gũi với anh Thắng, khẳng định: “Anh Thắng là một tấm gương sáng tạo cho công nhân học hỏi. Anh hầu như không chịu bó tay trước công việc khó khăn mà luôn tìm cách cải tiến, kể cả mày mò cũng quyết làm cho được và nhìn chung đã thành công. Là người sâu sát với anh, tôi chứng kiến nhiều việc đáng hoan nghênh. Như trước đây nhiều hộp số trục trặc phải đưa đi xa, bên ngoài nhà máy, mới sửa chữa được, sau này anh Thắng nhận về và khắc phục tốt các hỏng hóc, máy móc lại tiếp tục hoạt động bình thường”.
Tết là dịp để gia đình sum họp, họ hàng, bạn bè đoàn viên đón chào năm mới nhưng anh Thắng tự nguyện ở lại làm việc. Anh chia sẻ: “Do nguyện vọng của bà con trồng sắn vùng cao muốn được thu hoạch, bán sản phẩm để trồng lại vụ mới. Lý do là sắn đang được giá gấp đôi nên bà con chạy đua với thời vụ. Lãnh đạo Tổng công ty, nhà máy đã đồng ý và chúng tôi cũng sẵn sàng làm xuyên đêm để phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ bà con. Sau Tết, khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi về với gia đình, vợ con của mình”.
Chúng ta hay đề cập đến quan hệ khăng khít của liên minh công nông, tình cảm giữa giai cấp công nhân với nông dân. Thì đây, không cần phải nói nhiều, việc tình nguyện ở lại của những công nhân như anh Thắng là một biểu hiện sinh động và cụ thể của mối tình cao đẹp trong thực tế đời thường hôm nay không ở đâu xa, mà ngay ở địa bàn miền núi, biên cương tỉnh Quảng Trị.
Nhặt được túi vàng rồi thì sao?
Cho đến bây giờ nhiều người vẫn nhớ đến vụ nhặt được túi vàng vào năm 2022 của một công nhân thuộc Nhà máy viên nén năng lượng huyện Cam Lộ, trực thuộc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị.
Chiều ngày 11/11/2022, chị Nguyễn Thị Tuyên (SN 1990) trên đường đi làm qua xã Cam Hiếu thì tình cờ nhặt được một chiếc túi. Chị mở ra nhìn thấy áo quần và một túi nhỏ đựng vàng. Nhìn quanh không thấy có ai, chị biết là của người khác đánh rơi nên nhờ người thân tìm cách trả lại cho chủ nhân.
Chị Nguyễn Thị Tuyên - công nhân Nhà máy viên nén năng lượng huyện Cam Lộ. Ảnh: Đ.V.C.C |
Sau khi xác định mới biết đây là tài sản của ông Trần Ẩn, trú tại Phường 1, TP. Đông Hà. Ông đi từ Lao Bảo về nhà không may đánh rơi tư trang, trong đó có túi nhỏ đựng 7 chỉ vàng đang định làm đám cưới cho con.
Nhận lại tài sản, ông Ẩn và gia đình rưng rưng xúc động. Nếu không, ông và gia đình không biết xoay xở thế nào để lo liệu việc hỷ cho con.
Sự việc lan truyền khiến cộng đồng trầm trồ cảm phục. Và khi biết gia cảnh chị Nguyễn Thị Tuyên gặp nhiều khó khăn, chồng hay đau ốm, hai con còn nhỏ thì càng ngưỡng mộ tấm lòng của một người lao động bình thường trong doanh nghiệp.
Ngay sau đó, lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã biểu dương và thưởng “nóng” chị số tiền 20 triệu đồng để thiết thực động viên một tấm gương dù còn vất vả, khó khăn nhưng không tham tài sản dù là cả túi vàng nếu đó không phải là của mình.
Tổng công ty Thương mại Quảng Trị trao thưởng nóng cho chị Nguyễn Thị Tuyên. Ảnh: Đ.V.C.C |
Chị Tuyên không phải là tấm gương cá biệt, nhiều người lao động khác cũng đã có nghĩa cử tương tự. Như anh Nguyễn Thanh Cảnh, anh Lê Thanh Tùng… cũng đã nhặt được của rơi trả lại cho người mất. Những việc làm đầy thiện tâm như vậy đã được lan tỏa, sinh sôi trong một môi trường sống và làm việc văn minh và nhân ái.
Người kỹ sư tâm huyết và sáng tạo
Kỹ sư Hồ Xuân Hiếu là một người lao động trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, đã từng giữ chức Tổng Giám đốc Tổng công ty và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị.
Ngồi nhấp ngụm nước chè Cùa, anh hồi tưởng, năm 2002, khi mới mới tốt nghiệp kỹ sư, được nhận vào công ty, tôi liền xung phong lên làm việc tại huyện miền núi Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị, để xây dựng một nhà máy chế biến sắn. Anh cùng anh em đi trồng sắn ở vùng Lìa, nơi đa phần là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều sinh sống từ bao đời nay. Phải tạo được vùng nguyên liệu mới thì nhà máy sắn mới có cơ sở để ra đời và tồn tại.
Công nhân Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa vui mừng đón nhận lì xì đầu năm của lãnh đạo Tổng công ty. Ảnh: Đ.V.C.C |
Buổi đầu cũng nhiều gian khó lắm, nhưng chúng tôi đã thành công vì quyết tâm và đi đúng hướng. Chính vì hiệu quả thiết thực từ cây sắn đã động viên được bà con dân tộc Vân Kiều cùng nhau trồng loại cây này và nhiều người đã trở thành thành viên câu lạc bộ trăm triệu nhờ cây sắn, còn các anh thì có được vùng nguyên liệu ổn định và sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, không chỉ châu Á mà còn sang tận những thị trường khó tính ở Âu Mỹ.
Quả thực, doanh nghiệp cũng đã trải qua những lúc gian nan, thử thách. Nhưng tất cả khoảng 600 lao động đã đồng tâm hiệp lực vượt qua sóng gió, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
“Bản thân tôi sau khi công tác ở nhà máy sắn, trở về làm việc ở Tổng công ty cũng đã từng bước trưởng thành, vừa làm vừa học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm để đam đương vị trí mình được giao phó”, anh Hiếu chia sẻ.
Khi tôi hỏi anh về việc doanh nghiệp có quỹ đất để chủ động trồng sắn nguyên liệu, anh lắc đầu. Kỹ sư Hiếu giãi bày: “Không, chúng tôi không làm như vậy, không tìm mọi cách để thuê đất trồng cây nguyên liệu. Đất là tư liệu sản xuất quý giá, phải dành cho bà con bản địa. Mình là doanh nghiệp đừng nên ham hố chuyện đất đai mà phát sinh những rầy rà, thậm chí là đụng đến pháp luật như nhiều trường hợp. Doanh nghiệp chỉ nên là bà đỡ của nông dân, hỗ trợ cho họ trong đầu ra, thu mua tốt là việc nên làm và duy trì lâu dài.
Người lao động Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được thăm hỏi, nhận lì xì nhân dịp đêm giao thừa. Ảnh: Đ.V.C.C |
Câu chuyện từ miền núi lại chuyển xuống đồng bằng với việc sản xuất lúa hữu cơ, một trong những hướng đầu tư được xem là mũi nhọn của doanh nghiệp. Đây là hướng đi mới trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ban đầu cũng không phải dễ khi tập quán canh tác đã in hằn trong tâm thức nhiều người.
Cái mới đưa ra vẫn gặp phải những e ngại từ nhiều phía. Vậy là lãnh đạo doanh nghiệp lại phải về với nông dân, đi sớm về khuya, không chỉ nói lý thuyết mà dùng cả thực tế để chứng minh và thuyết phục cách làm của mình là hiệu quả để thuyết phục người dân. Nhiều địa phương và nông dân đã hưởng ứng đem lại những thành quả trên các vùng quê từ Hải Lăng cho đến các nơi khác trong tỉnh.
Kỹ sư Hiếu cho biết, Tổng công ty luôn đồng hành với tỉnh để tháo gỡ các điểm nghẽn. Ví dụ trồng lúa hữu cơ tuy thu nhập cao hơn trồng lúa bình thường rõ rệt nhưng nông dân và cả ngành nông nghiệp, chính quyền cơ sở gặp khó khăn trong thu hoạch, bảo quản.
Vậy là Tổng công ty hình thành các lò sấy lúa cho bà con, hơn thế còn xây kho bảo quản cho nông dân, với giá cả mỗi tấn lúa gởi kho chỉ có 20 ngàn đồng/tháng.
“Bà con phấn khởi, vì không sợ lúa thu hoạch xong không phơi kịp bị hư, để lâu dài trong nhà không có chỗ cất, dễ bị mốc. Ngay cả rơm cũng có giá, không phải bỏ không vì chúng tôi thu mua để nuôi bò. Chúng tôi luôn hướng đến sản xuất tuần hoàn, khép kín, kể cả nông nghiệp cũng là nông nghiệp tuần hoàn vừa tận dụng phế phẩm, vừa tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Xin nói thêm để chia vui, trong năm vừa rồi, riêng xuất khẩu tinh bột sắn và viên nén năng lượng, gạo hữu cơ cũng đã đạt doanh thu cả ngàn tỷ đồng”, anh Hiếu chia sẻ trong niềm phấn khởi.
86 các cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận bảo trợ vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Ảnh: Đ.V.C.C |
Kỹ sư Hiếu hoan hỉ nói có vẻ đùa nhưng mà thật: “Liên kết nông dân thủy chung, từ miền núi đến đồng bằng như vậy nên liên minh công nông ngày càng bền vững”.
Anh còn nói thêm: “Chúng tôi định hướng ngay từ đầu và kiên quyết thực hiện, đó là không vì thấy lợi nhuận cao mà chạy vạy đi làm những công trình xây dựng, đi đấu thầu này nọ, theo kiểu lấy ngắn nuôi dài dù có những quan hệ nhất định. Làm vậy biết là có thể lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn, lại rất dễ bị pháp luật “sờ gáy”, anh em dễ làm sai phải vào vòng lao lý như anh và mọi người đã thấy ở nhiều doanh nghiệp khác. Mình dù năng động, táo bạo đến đâu cũng phải thượng tôn pháp luật, thấy có thể không ổn hay dễ phát sinh rắc rối về mặt pháp luật thì cương quyết không làm. Làm gì cũng phải giữ vững được vị thế của doanh nghiệp, bảo vệ tốt cán bộ của mình, bảo vệ người lao động, đó chính là tài sản quý giá nhất của công ty”.
Dù qua những thử thách nhưng doanh nghiệp đã đứng vững với phong độ đáng nể phục. Các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch doanh nghiệp đặt ra, thực hiện tốt các nhiệm vụ mà tỉnh giao phó như: Dự trữ bình ổn giá; dự trữ phòng chống bão lụt, thiên tai; phục vụ Tết; làm tốt đầu mối để quảng bá, bán hàng nông sản tỉnh nhà; duy trì hoạt động thực hiện chủ trương: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Anh Hồ Xuân Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị trao quà cho tứ thân phụ mẫu của người lao động. Ảnh: Đ.V.C.C |
Tổng doanh thu năm 2023 đạt hơn 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận 17 tỷ đồng, nộp ngân sách 60 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động 17 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn làm rất tốt công tác an sinh, thiện nguyện trong và cả ngoài đơn vị. Chính vì vậy được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý: “Huân chương Độc Lập hạng nhì”. Nhiều tập thể, cá nhân người lao động được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương khen thưởng.
Trước khi tôi viết những dòng này vào tháng 6 thì Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị Lê Quang Nhật cho biết, doanh nghiệp đã rất sẵn sàng, chủ động về chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ để phục vụ đại biểu và du khách trước thềm lễ hội “Vì hòa bình” vào tháng 7. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức tại Quảng Trị và hứa hẹn thu hút đông du khách gần xa.
Đó quả là những thành tích và công việc của những người lao động từ quản lý đến công nhân rất đáng ghi nhận.
Quý bạn đọc thân mến! Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị là một doanh nghiệp tiêu biểu của vùng quê nắng gió, đã có nhiều nỗ lực bền bỉ và sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, trong công tác công đoàn, chăm lo tận tình mọi mặt đời sống của người lao động cũng như gia đình của họ; hơn thế còn thể hiện trách nhiệm với người dân, với địa phương và cả cộng đồng. Bài viết dự thi với 2 kỳ sẽ phần nào phản ánh những nội dung đáng quan tâm đã nêu. |
(Còn nữa)
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết về “Công nhân và Công đoàn Quảng Trị” năm 2024. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY |
Cô giáo Lê Thị Hoa - chủ tịch công đoàn cơ sở gương mẫu, gần gũi Trong muôn vàn nghề, cô giáo Lê Thị Hoa lại chọn nghề giáo viên mầm non. Hơn 20 năm trực tiếp đứng lớp, với cái ... |
Xây “mái nhà thứ 2” giúp giáo viên vùng khó yên tâm gieo chữ Câu chuyện về những khó khăn của thầy, cô giáo gieo chữ vùng cao tỉnh Quảng Trị luôn là điều mà khi nghe đến, bất ... |
Công đoàn Cục Hải quan Quảng Trị: Chăm lo tốt người lao động, hướng về vì cộng đồng Song song với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiều năm qua, Công đoàn Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã quan tâm, ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- Hướng dẫn mới nhất về thanh toán tiền khám bệnh bảo hiểm y tế
- Fan Việt bùng nổ cảm xúc sau lời chào chính thức từ Imagine Dragons
- "Ngôi nhà yêu thương" - Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội
- Những trường hợp nghỉ làm có lương và 3 quy định dành riêng cho lao động nữ
- Cô giáo mắc bệnh nan y truyền cảm hứng sống tích cực, lạc quan cho đồng nghiệp