|
Đồng chí Nguyễn Tài Minh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2023, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị triển khai quy trình thương lượng, tổ chức ký kết 02 TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm: nhóm doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu gỗ và nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, với thời hạn là 2 năm. Việc triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp đã nhận được sự ủng hộ cao của đông đảo đoàn viên, người lao động và cả sự đồng thuận, quan tâm, tạo điều kiện của người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp cùng sự nỗ lực tham gia triển khai, theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện của các cấp công đoàn từ cơ sở đến LĐLĐ tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. “Các doanh nghiệp đã thực hiện cơ bản đầy đủ các nội dung TƯLĐTT nhóm đã tham gia ký kết, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người lao động, đem lại nhiều quyền lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, hạn chế việc dịch chuyển, cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề”, đồng chí Minh nói.
Theo thống kê từ LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, đã có 986/986 người lao động của 16 doanh nghiệp thuộc 2 nhóm ký kết TƯLĐTT chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu gỗ và nhóm sản xuất vật liệu xây dựng được trả tiền lương; tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ; khám sức khỏe định kỳ, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và các chế độ hỗ trợ khác... theo đúng quy định của pháp luật lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thực hiện các chế độ thưởng lương tháng 13; nâng lương trước thời hạn; mức hỗ trợ ăn ca từ 20.000 đồng trở lên; hỗ trợ 100% tiền học phí khi người lao động tham gia các khóa học nghề, nghiệp vụ do lãnh đạo doanh nghiệp cử đi; mua bảo hiểm thân thể 24/24h cho người lao động làm công việc có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động; cho người lao động nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương tối thiểu 01 ngày trong trường hợp ông bà nội ngoại, anh chị em ruột chết; hỗ trợ người lai động bị tai nạn lao động; các chế độ phúc lợi hỗ trợ người lao động nhân các ngày lễ, Tết...
Đồng chí Lê Thị Như Hoa - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thiên Tân cho biết, trong 2 năm thực hiện TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp, công ty thưởng cuối năm từ 3,5 - 4,5 tháng lương, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu của thỏa ước là 1 tháng lương. “Ngoài những điều khoản thực hiện theo mức của TƯLĐTT nhóm, công ty chi hỗ trợ các ngày lễ, Tết 500.000 đồng/người/ngày, cao hơn so với mức tối thiểu của thỏa ước là 200.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ ngày 8/3, 20/10 mức 1 triệu đồng/người/ngày, cao hơn so với mức tối thiểu TƯLĐTT nhóm là 200.000 đồng/người/ngày... Nhờ vậy, công nhân lao động trong công ty rất phấn khởi, ra sức thi đua lao động sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao doanh thu cho doanh nghiệp”, đồng chí Hoa phấn khởi nói. Tương tự, ở Công ty TNHH Tiến Phong, trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, ngoài chế độ trợ cấp hoặc bồi thường và các chế độ khác theo quy định của pháp luật còn được doanh nghiệp trợ cấp mức 2 triệu đồng/người, cao hơn mức thỏa ước quy định tối thiểu 1 triệu đồng; sinh nhật đoàn viên tặng quà 300.000 đồng/người; ngày 8/3, 20/10 được tặng quà 300.000 đồng/người, cao hơn mức thỏa ước quy định tối thiểu là 200.000 đồng/người... |
|
Sau hơn 6 tháng tìm đến các trường, lớp mầm non tư thục để gặp gỡ, thuyết phục, đàm phán người lao động và người sử dụng lao động, LĐLĐ thành phố Đông Hà đã xây dựng bản TƯLĐTT chung và tổ chức ký kết TƯLĐTT nhóm các trường/lớp mầm non tư thục vào đầu tháng 6/2024. Đồng chí Hoàng Kim Hà - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đông Hà cho hay, trên địa bàn thành phố có nhiều trường, lớp mầm non tư thục với quy mô vừa và nhỏ, và có nhiều đơn vị lâu nay chưa có thỏa ước lao động tập thể. Vì vậy, quyền lợi của người lao động làm việc tại đây có khi chưa được đảm bảo.
Đặc điểm chung ở các trường, lớp mầm non tư thục là quy mô không được ổn định. Có thể năm học này, số lượng trẻ đông, nhưng năm sau biến động. Bên cạnh đó, một số trường, lớp mầm non đã có TƯLĐTT nhưng chưa đem lại nhiều quyền lợi cho người lao động. Trong lúc, chủ sử dụng lao động lại muốn giảm các chi phí, nên việc đàm phán để xây dựng bản TƯLĐTT mới rất khó. “TƯLĐTT nhóm các trường/lớp mầm non tư thục được ký kết có 8 đơn vị với hơn 250 người lao động tham gia gồm: Trường Mầm non tư thục Bình Minh, Hoa Mai, Vành Khuyên, Ban Mai, Hoa Phượng và lớp Mầm non tư thục Khai Trí, Ánh Sao, lớp Mầm non độc lập tư thục Đức Trí, với nhiều nội dung có lợi cho người lao động” đồng chí Hà nói. Theo bản TƯLĐTT nhóm các trường/lớp mầm non tư thục, ngoài tiền lương hằng tháng trả cho người lao động theo hợp đồng lao động, người sử dụng lao động thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động đang làm việc tại 8 đơn vị trên, với giá trị mỗi suất ăn tối thiểu từ 20.000 đồng/ngày.
Hằng năm, căn cứ kết quả kinh doanh của đơn vị, người sử dụng lao động sẽ thưởng cho người lao động đã làm việc đủ 12 tháng với mức thưởng phân loại A, B, C. Bên cạnh đó, người lao động được xét nâng lương trước thời hạn cho những trường hợp có sáng kiến, giải pháp trong dạy và học, tiết kiệm thời gian, công sức làm lợi cho đơn vị. Ngoài những ngày nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động còn được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương 01 ngày trong trường hợp người thân là ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột mất. Hằng năm, lãnh đạo đơn vị phối hợp cùng công đoàn cơ sở tổ chức cho người lao động tham quan du lịch một lần và nhiều điều khoản khác có lợi cho người lao động… |
Theo đồng chí Nguyễn Tài Minh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, trước khi tiến hành hội nghị bàn về nội dung thương lượng cần có sự chuẩn bị chu đáo, có sự tích cực vận động, nắm tình hình từ trước của LĐLĐ tỉnh, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Nhất là nắm bắt trước một bước về các điều khoản mà một số người sửa dụng lao động chưa đồng tình để chuẩn bị chu đáo các lý lẽ, lập luận, dẫn chứng... nhằm thuyết phục được người sử sụng lao động tại phiên thương lượng. Tại phiên thương lượng, bên cạnh tiếng nói của LĐLĐ tỉnh, cần tranh thủ tiếng nói của lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và một số người sử dụng lao động có uy tín để cùng thuyết phục các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp nào thực hiện tốt chế độ chính sách, phúc lợi nào tốt, đem lại lợi ích cho người lao động thì mời doanh nghiệp đó thuyết phục những doanh nghiệp còn lại cùng đồng ý tham gia.
Ngay sau khi ký kết, cần kịp thời chỉ đạo các công đoàn cơ sở công khai và triển khai, giám sát việc thực hiện TƯLĐTT nhóm. Đồng thời, gắn trách nhiệm các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có doanh nghiệp tham gia TƯLĐTT nhóm trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. “LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng các TƯLĐTT có nhiều doanh nghiệp, đơn vị và ký kết thêm các TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp khác, đem lại quyền lợi ích ngày càng tốt hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi khâu đột phá về “Đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc” của Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Quảng Trị và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam”, đồng chí Minh cho biết thêm. |
Video một số giải pháp thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp. |