Vay lãi suất thấp, công nhân bị loại vì… thu nhập cao!
Đời sống - 03/11/2024 12:02 TRẦN LƯU
Gần 10 tỷ đồng hỗ trợ 694 NLĐ khó khăn vay vốn ưu đãi từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ |
Nguy cơ sa vào “tín dụng đen”
Lê Hoàng Nam (SN 1985) làm công nhân trong một công ty may mặc ở TP. Thủ Đức (TP. HCM) hơn 5 năm nay. Anh đã ly dị vợ, thuê trọ rồi một mình làm việc nuôi con nhỏ đang học cấp 2.
Tháng 8 vừa qua, anh làm hồ sơ vay vốn 30 triệu đồng từ Tổ chức tài chính vi mô CEP, thuộc LĐLĐ TP. HCM để trang trải học phí cho con và một số khoản khác dưới quê nhà. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, hồ sơ của anh đã bị loại với lý do thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng.
Nhân viên CEP giới thiệu về các chương trình vay vốn cho công nhân lao động tại TP. HCM. Ảnh: P.V |
“Tôi rất bất ngờ vì đã vay vốn ở vi mô CEP rất nhiều lần và lần nào cũng đậu hồ sơ. Cán bộ tài chính nói, từ tháng 7/2024 do Ngân hàng Nhà nước có quy định mới nên hồ sơ của tôi bị vướng thu nhập. Hết cách xoay sở tôi đành đi vay nóng bên ngoài”, anh Nam nói.
Mới đây, phải nhờ sự trợ giúp của người thân dưới quê nhà, anh Nguyễn Văn Trường (công nhân ở quận Tân Bình, TP. HCM) mới có thể trả được khoản vay nóng bên ngoài 20 triệu đồng.
Anh Trường là công nhân ngành gỗ, thuộc nhóm “khách hàng thân thiết”, vì đã vay vốn ở tổ chức tài chính vi mô CEP nhiều năm nay. Hồi tháng 9 vừa qua anh rất bất ngờ khi hồ sơ vay vốn của mình bị loại vì thu nhập… cao.
“Mức lương của tôi hơn 11 triệu đồng/tháng. Tôi nghĩ thu nhập càng cao thì càng dễ vay vốn, vì có đủ khả năng trả nợ, đằng này hồ sơ của tôi lại bị loại”.
Anh Trường nói và cho biết thêm: Do cần tiền gấp nên anh buộc phải vay nóng bên ngoài 20 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng. Mới đây, anh phải nhờ sự trợ giúp của người thân dưới quê nhà mới trả nợ khoản nợ này.
“Hầu hết lao động nhập cư như chúng tôi đều thuê trọ, không có tài sản hay tích lũy nên khó vay thương mại, vay ngân hàng chính sách. Nếu theo quy định mới thì chẳng còn ai được vay nữa. Cấp bách quá thì mọi người dễ tìm đến tín dụng đen", anh Trường cho hay.
Tổ chức tài chính vi mô CEP (tiền thân là Quỹ trợ vốn CEP) là tổ chức phi lợi nhuận do LĐLĐ TP. HCM sáng lập vào năm 1991. CEP ra đời là để cung cấp các khoản vay cho công nhân với lãi suất thấp, dao động 0,4-0,65% mỗi tháng, tương đương 4,8-7,8% mỗi năm.
Tính đến hết tháng 6, CEP đã cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm và phát triển cộng đồng cho trên 5,8 triệu lượt khách hàng công nhân lao động nghèo và người có thu nhập thấp với số tiền trên 92.085 tỉ đồng. Hoạt động cho vay được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác nhau…
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 vừa qua, Thông tư 33/2024 do Ngân hàng Nhà nước ban hành có hiệu lực – đã đưa ra quy định mới. Theo đó, người lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đồng, ở khu vực nông thôn 7 triệu đồng không thể vay vốn tổ chức tài chính vi mô CEP.
Công nhân lao động nhận khoản vay từ tổ chức tài chính vi mô CEP. Ảnh: P.V |
Tại tỉnh Long An, qua thống kê có hơn 43.000 công nhân lao động đang vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô CEP, thuộc 4 chi nhánh, gồm: TP. Tân An, các huyện Bến Lức, Cần Đước và Đức Hòa - với tổng dư nợ cho vay gần 600 tỉ đồng.
Ông Lê Văn Giáp, Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP – chi nhánh Bến Lức, tỉnh Long An cho biết: Hiện có 8.600 công nhân lao động đang vay vốn tại chi nhánh. Bến Lức được xếp vào vùng nông thôn, hầu hết công nhân lao động đều có thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng. Từ khi Thông tư 33 có hiệu lực, đã gây ra rất nhiều khó khăn, gần như công nhân lao động không thể tiếp tục vay vốn do vướng thu nhập.
Gỡ khó cách nào?
Theo LĐLĐ TP. HCM, nếu tuân thủ đúng theo quy định mới, thì sẽ có hơn 147.000 công nhân, người lao động đang vay vốn CEP có mức thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở lên phải ngưng vay vốn CEP. Trong đó phần lớn là công nhân trực tiếp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (chiếm 42% tổng số khách hàng đang vay vốn CEP), tương ứng giảm dư nợ cho vay 2.928 tỉ đồng (chiếm 52% tổng dư nợ cho vay của CEP).
Đó là chưa kể với quy định khách hàng tài chính vi mô phải là “người lao động theo hợp đồng lao động”, CEP sẽ phải ngừng phục vụ cho tất cả đoàn viên công đoàn là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (hiện CEP đang phục vụ gần 32.000 công chức, viên chức, lực lượng vũ trang với dư nợ cho vay 655 tỷ đồng).
Đặc biệt, vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn phê duyệt chủ trương triển khai Đề án “Tổ chức tài chính vi mô CEP của tổ chức Công đoàn tham gia phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động” giai đoạn 2023-2028. Và đã được CEP triển khai rộng khắp đến 10 tỉnh, thành nơi CEP đang hoạt động với chỉ tiêu 1.412.859 lượt công nhân được trợ vốn từ CEP. Với quy định trên, khả năng lớn CEP không hoàn thành Đề án theo chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Rất đông công nhân lao động có nhu cầu vay vốn đang gặp khó vì vướng quy định mới. Ảnh: P.V |
Trước tình hình trên, LĐLĐ TP. HCM đã có văn bản gửi đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước tạo cơ chế cho phép CEP được phục vụ công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động. Cụ thể, cá nhân có thu nhập thấp là người đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoặc người lao động tự do có mức thu nhập của bản thân không quá 15 triệu đồng/tháng đối với người độc thân hoặc thu nhập của bản thân và vợ (chồng) không quá 30 triệu đồng/tháng đối với người đã kết hôn.
Đề xuất này dựa trên Nghị định 100 quy định người độc thân có thu nhập mỗi tháng không quá 15 triệu đồng và hai vợ chồng là 30 triệu đồng thì được xem là người có thu nhập thấp và được xét mua nhà ở xã hội. Trong khi Thông tư 33 chỉ cho tối đa 7 và 9 triệu đồng, dẫn tới sự không đồng bộ.
Một nguồn tin của PV cho biết, qua các buổi trao đổi, làm việc; các bên có liên quan quan đã cơ bản thống nhất về hướng gỡ khó, giúp công nhân lao động tiếp tục được vay vốn ở tổ chức tài chính vi mô CEP.
Theo đó, nếu công nhân lao động bị vướng thu nhập (trên 9 đồng/tháng ở khu vực thành thị; và trên 7 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn) thì sẽ chuyển sang vay hộ gia đình. Cụ thể là sẽ thu bình quân thu nhập trong một hộ gia đình công nhân lao động, nếu mức này không vượt quá 9 triệu đồng/tháng thì công nhân sẽ được vay vốn. Lấy ví dụ, chồng là công nhân có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của vợ là 7 triệu đồng/tháng, thì mức thu nhập bình quân sẽ là 8,5 triệu đồng/tháng – khi đó công nhân đủ điều kiện vay vốn.
Việc này trước mắt sẽ tháo gỡ được một số khó khăn, nhưng sẽ phát sinh các vấn đề về thủ tục khi công nhân vay vốn.
Công nhân rất cần vay vốn để trang trải cuộc sống Thu nhập của công nhân hiện còn thấp, nhiều công nhân mức thu nhập chưa tiệm cận được mức sống tối thiểu. Để trang trải ... |
Hỗ trợ công nhân vay vốn Các ý kiến tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 29 khóa XII ngày 17/8/2022 vừa qua ... |
LĐLĐ Tây Ninh: Hỗ trợ vay vốn, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, NLĐ khó khăn Bên cạnh những hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, LĐLĐ Tây Ninh còn chú trọng đến việc giải ngân ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 04/11/2024 18:36
Sống xa cha mẹ, con công nhân dễ sống khép kín, thiếu tự tin
Có đến 30,2% trẻ em từ độ tuổi 0 đến dưới 16 là con của công nhân đang phải sống xa cha mẹ. Điều này khiến trẻ đối mặt với nguy cơ thiếu thốn tình cảm và giảm khả năng phát triển toàn diện.
- Công đoàn Nhà máy Z115 đồng hành với gia đình công nhân gặp nạn
- 3 điểm mới về chế độ thai sản cho lao động nam từ năm 2025
- Người lao động có nghĩa vụ gì về an toàn, vệ sinh lao động?
- Sống xa cha mẹ, con công nhân dễ sống khép kín, thiếu tự tin
- Tổ trưởng Công đoàn nhiệt huyết với công việc và hòa đồng với đồng nghiệp