Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28 Gia Hưng
Công nhân khó tìm nơi chăm sóc trẻ phù hợp |
Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh
Trên thế giới và tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 13 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ sinh non). Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Tại Việt Nam, ¼ trẻ sơ sinh tử vong là do nguyên nhân đẻ non tháng/nhẹ cân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ sinh non ở Việt Nam chiếm khoảng 7-8% tổng số ca sinh, tương đương 100.000 trẻ mỗi năm. Trẻ sinh non thường có cân nặng dưới 2.500g, chưa hoàn thiện chức năng cơ thể, dễ mắc các bệnh lý như suy hô hấp, nhiễm trùng, và chậm phát triển thần kinh. Những con số này không chỉ phản ánh áp lực y tế mà còn đặt ra bài toán xã hội trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh non.
Chăm sóc sơ sinh da kề da, cho trẻ bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Ảnh: T.H/BV Nhi TW. |
Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam cho biết: “Trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, vì vậy việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng một cách kịp thời và công bằng mang yếu tố then chốt nhằm nâng cao khả năng sống sót và đảm bảo sức khỏe lâu dài cũng như phúc lợi cho các em”.
Sinh non là sinh trước 37 tuần tuổi thai. Sinh non là nguyên nhân mắc bệnh, tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Hậu quả lâu dài của trẻ sinh non là chậm phát triển thể chất và trí não, giảm khả năng học tập và làm việc sau này nếu không được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tốt. |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam thực hiện hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, với các con số đáng khích lệ trong việc giảm tử vong mẹ và giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em.
Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 22,1%o năm 2015 xuống còn 18,2%o năm 2023. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 14,7%o năm 2015 xuống còn 12,1%o năm 2023.
Tỷ vong trẻ sơ sinh hiện nay giảm còn 9,8%o (năm 2015 là 12%o) và nhiều cơ sở y tế của Việt Nam đã chăm sóc, điều trị nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non/nhẹ cân dưới 500gr, đem lại sự sống và phát triển toàn diện cho trẻ, niềm vui, hạnh phúc vô cùng của các gia đình có trẻ sinh non/nhẹ cân.
Tuy nhiên, hiện công tác chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang phải đối mặt với 3 vấn đề chính cần quan tâm đặc biệt. Đó là:
Sự khác biệt khoảng cách về sức khỏe bà mẹ trẻ em giữa các vùng, miền vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần so với thành thị, thậm chí tử vong mẹ của người Dân tộc thiểu số H’Mông cao gấp 7 lần so với người Kinh;
Tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam so với các nước Phát triển.
"Như vậy, Việt Nam cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa vào các can thiệp giảm tử vong sơ sinh, đặc biệt là giảm tỉ lệ tử vong do đẻ non/nhẹ cân, bảo đảm cho mọi trẻ sinh non đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, nhằm mục tiêu tất cả trẻ em sinh ra đều được sống, khỏe mạnh và góp phần hướng tới một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, trong sáng về tinh thần và phát triển về trí tuệ", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, trẻ sinh non là đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời. Hỗ trợ kịp thời không chỉ giúp các em vượt qua khó khăn ban đầu mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của cả dân tộc.
Sinh non là sinh trước 37 tuần tuổi thai. Ảnh: T.H/BV Nhi TW. |
Chăm sóc trẻ sinh non thế nào?
Chăm sóc trẻ sinh non không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn cần sự chung tay từ gia đình và cộng đồng. Từ việc cung cấp dinh dưỡng đặc biệt, môi trường sống sạch sẽ, đến theo dõi sức khỏe định kỳ, các bậc cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong hành trình phát triển của con. Tuy nhiên, kiến thức về chăm sóc trẻ sinh non trong cộng đồng vẫn chưa được phổ cập đầy đủ.
Theo Bộ Y tế, các biện pháp dự phòng có thể giảm một cách đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và người sử dụng dịch vụ, cụ thể cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước khi mang thai bao gồm sàng lọc, tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo đảm phụ nữ khi mang thai có sức khoẻ tốt nhất.
- Các phụ nữ mang thai được phát hiện có nguy cơ sinh non cần được khám thai định kỳ, chăm sóc, điều trị và tư vấn ở các cơ sở chuyên khoa giúp họ có thể phòng sinh non hiệu quả.
- Cần sinh con theo kế hoạch, bảo đảm theo khuyến cáo (không sinh con ở tuổi vị thành niên, khoảng cách giữa 2 lần sinh không quá dày).
- Chăm sóc thai nghén: Tuân thủ khám thai định kỳ và đặc biệt lưu ý một số nội dung: cân bằng dinh dưỡng; tránh các chất kích thích; chế độ lao động sinh hoạt phù hợp; giảm stress.
Việc chăm sóc trẻ sinh non/nhẹ cân thực hiện bằng phương pháp Kangagoo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, da kề da, cho trẻ bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Theo dõi sức khỏe của trẻ, giữ ấm cho trẻ tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Đối với trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, nuôi dưỡng, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.
Đảm bảo chăm sóc trẻ sinh non không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là trách nhiệm lâu dài của cả xã hội. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục từ gia đình, cộng đồng và hệ thống y tế. Việc đầu tư vào giáo dục và nâng cao nhận thức là bước đi quan trọng để đảm bảo mọi trẻ sinh non có cơ hội sống và phát triển toàn diện.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đang triển khai các chương trình hành động như nâng cấp cơ sở vật chất tại các bệnh viện tuyến huyện, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ y tế, và phổ cập kiến thức chăm sóc trẻ sinh non đến cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức quốc tế như UNICEF, WHO tiếp tục hỗ trợ cả về kỹ thuật lẫn tài chính. Các mô hình chăm sóc da kề da (Kangaroo Mother Care) hay giáo dục dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và sau sinh đã được chứng minh hiệu quả và cần nhân rộng.
Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non vào ngày 17 tháng 11 hàng năm được khởi xướng bởi Tổ chức phi lợi nhuận European Foundation for the Care of Newborn Infants (EFCNI) và các tổ chức cha mẹ châu Âu đối tác vào năm 2008. Từ đó đến nay có hơn 100 quốc gia trong đó có Việt Nam đã cùng nhau tham gia với các hoạt động, sự kiện đặc biệt và cam kết hành động để giúp giải quyết vấn đề sinh non và cải thiện tình hình sức khỏe của trẻ sinh non và gia đình của họ. |
Những người gieo mầm sáng tri thức cho trẻ đặc biệt Mang trên vai trách nhiệm của hai chữ “nhà giáo”, nhưng có những người làm nghề dạy học thật đặc biệt, khi học sinh của ... |
Công đoàn đỡ đầu, tiếp sức trẻ mồ côi thực hiện ước mơ Công đoàn tỉnh Quảng Bình đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ 58 trường hợp trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiếp ... |
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và ... |
- Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
- Chị Nguyễn Thị Thu Nhi – cán bộ công đoàn trách nhiệm và tâm huyết
- Cô giáo Trần Thị Bích Hồng - dấu ấn yêu thương của Trường THCS Phan Chu Trinh
- Người bán vé số dạo ở Bạc Liêu tham gia tổ chức Công đoàn
- Cơ hội cuối nhận ưu đãi 100% lệ phí trước bạ cho xe Toyota trong năm 2024