|
Xuất thân từ một vùng quê nông nghiệp ven thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp phổ thông, thay vì cứ đeo đuổi thi đại học như phong trào thì anh Nguyễn Minh Thắng (SN 1982) đã học Trường Trung cấp đào tạo nghề của tỉnh với mong muốn: không làm thầy thì làm thợ nhưng phải là thợ có tay nghề vững để trước hết có công ăn việc làm, nuôi sống bản thân, sau đó là gia đình trẻ trong tương lai. Với ước mơ tử tế và bình dị như vậy, sau khi tốt nghiệp một thời gian, anh đầu quân vào Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa, trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị với vai trò là công nhân tổ cơ điện ở phân xưởng sản xuất tinh bột sắn. |
Anh Thắng kiểm tra máy móc tại Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa- Ảnh: Trường Sơn |
Vốn say mê nghề nghiệp, lại chịu khó học hỏi nên tay nghề của anh Thắng ngày một nâng lên để từng bước đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công nghệ. Nhờ tinh thần siêng năng, chịu khó, bền bỉ trong công việc chuyên môn nên anh đã góp phần cùng anh em công nhân lao động trực tiếp và đội ngũ lao động gián tiếp xây dựng nhà máy thêm vững vàng qua nhiều giai đoạn sóng gió trong cơ chế thị trường. Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Thắng cho biết: “Là một người lao động trực tiếp, liên quan nhiều đến kỹ thuật cơ điện, bản thân tôi yêu nghề, gắn bó với nghề nghiệp của mình, không ngừng cố gắng vươn lên trong chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp, học hỏi các anh chị đi trước, để tay nghề ngày một khá hơn. Mình là công nhân thì trước tiên phải hoàn thành tốt nhất công việc được giao, thứ nữa là phải tìm tòi, học hỏi để tham mưu cho ban quản đốc phân xưởng, lãnh đạo nhà máy, góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, có vậy mới có điều kiện cải thiện đời sống người lao động. Chính vì tâm nguyện như vậy nên từ khi vào nhà máy cho đến nay, tôi không hề ngại khó, ngại khổ, hễ có cơ hội là mày mò học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề, để làm thật tốt công việc được giao”. |
Đồng chí Lê Đức Vưỡng - Quản đốc phân xưởng, Tổ trưởng Tổ Đảng cũng là một người nhiều năm gần gũi với công nhân Nguyễn Minh Thắng chia sẻ: “Tôi cảm thấy vui khi nói những cảm nhận về anh Thắng bởi anh là người tận tâm, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Anh như là người lính chỉ biết tiến công, không hề lùi bước trước khó khăn, thử thách. Bất cứ công việc gì đưa ra, dù khó đến mấy anh cũng không bao giờ bàn lùi mà tìm cách khắc phục, tìm phương án để giải quyết thành công. Muốn vậy thì trước hết anh phải có một trình độ, kỹ năng chuyên môn tốt mà anh Thắng thì luôn say sưa trong công việc để luôn nâng cao tay nghề của mình. Anh Thắng xứng đáng là một công nhân, đảng viên tiêu biểu của nhà máy chúng tôi. Anh Thắng được vào Đảng chính thức vào năm 2019 và hoàn toàn xứng đáng”. Đồng chí Lê Hoài Vũ - Phó Giám đốc, Bí thư Chi bộ Nhà máy nói lên cảm nhận của mình: “Anh Nguyễn Minh Thắng là một người lao động bình thường, một công nhân trực tiếp nhưng với tinh thần làm việc của anh, với những đóng góp đáng ghi nhận thì rất đáng trân trọng và học tập. Những người thợ tâm huyết và lành nghề luôn là vốn quý của doanh nghiệp”. |
Nhiều người, trong đó có cả nhân sự lao động trực tiếp dễ có suy nghĩ là công nhân thì chỉ cần hoàn thành khá tốt công việc của mình là được, rồi nhận lương, còn những chuyện khác đã có cấp trên lo, hơi đâu mà lo chuyện thường là ngoài tầm tay của mình. Nhưng anh Nguyễn Minh Thắng, một công nhân bình thường không có chức vụ gì thì lại nghĩ khác. Anh nói: “Tuy là một công nhân bình thường nhưng tôi không tự ti, mặc cảm mà lại suy nghĩ rằng mình cứ làm thật tốt công việc được giao và không ngừng cố gắng vươn lên mới là điều nên làm. Hơn nữa thời buổi này, khoa học công nghệ là then chốt, mình không thể tự bằng lòng dừng lại, phải luôn luôn cố gắng”. Từ nhận thức và quyết tâm như thế, anh Thắng đã trở thành “cây” sáng kiến của nhà máy, có đóng góp nhiều năm liên tục cho nhà máy. Có thể kể ra đây tên những sáng kiến mà anh là chủ nhân, như: Sáng kiến làm máng dẫn cùi sắn cho cụm băng tải, sáng kiến cải tạo đường ống cấp nước cho bơm rửa lưới máy ép băng tải, sáng kiến lắp ốp đỡ trung gian cho trục máy rửa nước chuyền 1 và chuyền 3, sáng kiến gia công lắp đặt bầu lọc nước cấp vào bơm rửa lưới máy ép băng tải, sáng kiến lắp đặt khớp nối truyền động bơm bằng đai cao su… |
Anh Thắng kiểm tra hệ thống điện tại nơi làm việc - Ảnh: Trường Sơn |
Tinh thần làm việc và những sáng kiến hiệu quả cụ thể đã là thành tích xứng đáng để Nguyễn Minh Thắng đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” nhiều năm liền, thành “cây” sáng kiến của nhà máy chế biến tinh bột sắn. Có những sáng kiến làm lợi cho nhà máy hàng trăm triệu đồng, góp phần tăng hiệu suất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thiết thực vào việc cải thiện môi trường làm việc cũng như thu nhập và đời sống của người lao động. Nhân nói về chuyện này, đồng chí Lê Đức Vưỡng vui vẻ nói thêm: “Anh Thắng là một tấm gương sáng tạo cho công nhân học hỏi. Anh hầu như không chịu bó tay trước công việc khó khăn mà luôn tìm cách cải tiến, kể cả mày mò cũng quyết làm cho được và nhìn chung đã thành công. Là người sâu sát với anh, tôi chứng kiến nhiều việc đáng hoan nghênh, như trước đây nhiều hộp số trục trặc phải đưa đi xa, bên ngoài nhà máy, mới sửa chữa được, sau này anh Thắng nhận về và khắc phục tốt các hỏng hóc, máy móc lại tiếp tục hoạt động bình thường”. |
Đồng chí Lê Hoài Vũ - Phó Giám đốc, Bí thư Chi bộ Nhà máy thì có nhận xét: “Ở những thời điểm rất khó khăn như trong đại dịch Covid-19 chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nhưng nhà máy chúng tôi vẫn hoạt động. Cũng nhờ tâm lực của lãnh đạo Tổng Công ty, nhà máy và cán bộ, công nhân viên, trong đó có những công nhân lao động trực tiếp tiêu biểu như anh Nguyễn Minh Thắng mà qua nhiều khó khăn, thử thách, nhà máy vẫn không ngừng vươn lên. Riêng nhà máy chúng tôi từ một cơ sở sản xuất chỉ có 1 dây chuyền chế biến tinh bột sắn với công suất 50 tấn sản phẩm trong một ngày đêm, qua 3 lần mở rộng, cải tiến, nâng cấp, đến nay nhà máy đã tăng cường công suất lên gấp 5 lần đưa công suất lên 270 tấn trong một ngày đêm, bảo đảm đời sống, việc làm cho 200 lao động, thu nhập bình quân năm 2023 mỗi người là hơn 10 triệu đồng/tháng và cũng đã tạo được việc làm thu nhập cho 1 vạn hộ nông dân ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đa krông của tỉnh Quảng Trị. Thành tích là của chung từ lãnh đạo cho đến mỗi người công nhân, trong đó có những người nhiệt huyết và đóng góp như anh Nguyễn Minh Thắng”. |
Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa, nơi anh Thắng gắn bó nhiều năm nay - Ảnh: Trường Sơn |
Còn anh Thắng thì tâm sự giản dị: “Tôi là công nhân ăn nói mộc mạc. Tôi nghĩ rằng đã làm việc thì cố gắng làm thật tốt. Khi đã thành đảng viên thì càng phải nỗ lực và gương mẫu, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà cơ quan, tổ chức giao phó và làm việc hết mình”. |
Tết là dịp để gia đình sum họp, họ hàng, bạn bè đoàn viên đón chào năm mới nhưng anh Thắng tự nguyện ở lại làm việc. Anh chia sẻ: “Do nguyện vọng của bà con trồng sắn vùng cao muốn được thu hoạch, bán sản phẩm để trồng lại vụ mới. Lý do là sắn đang được giá gấp đôi nên bà con chạy đua với thời vụ. Lãnh đạo Tổng Công ty, nhà máy đã đồng ý và chúng tôi cũng sẵn sàng làm xuyên đêm để phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ bà con. Sau Tết, khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ về với gia đình, vợ con của mình”. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu - cũng đã chứng thực điều này: “Đúng là anh em nhà máy sắn không có Tết ở nhà vì tập trung cao độ cho sản xuất. Đối với nông dân thêm được một vài giá bà con đã mừng, huống chi gấp bội. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay mà giá sắn gấp đôi là bà con càng thêm phấn khởi. Phải giúp họ cho kịp thời vụ và có một cái Tết no ấm và hạnh phúc”. |
Khi ngồi viết bài này, tôi càng có thêm trải nghiệm để hiểu rằng: Chính nhờ những đơn vị như nhà máy sắn, những người lao động sống và làm việc hết mình, chân tình với mọi người, với đồng bào nên được Nhân dân trên địa bàn tin yêu, củng cố tình đoàn kết, tạo nên mối quan hệ khăng khít trong công tác, đã góp phần đắc lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới của các dân tộc anh em, từng bước cải thiện kinh tế, ổn định an ninh chính trị ở những nơi xa xôi hẻo lánh, những vùng biên viễn của quê hương đất nước. Kết bài viết này còn văng vẳng bên tai tôi những lời của Quản đốc phân xưởng Lê Đức Vưỡng: “Anh hỏi tôi anh Thắng sống thế nào trong đời thường à? Anh Thắng rất vui vẻ, chan hòa. Không chỉ ở phân xưởng tôi, mà các phòng ban trong nhà máy khi cần giúp gì, anh Thắng cũng sằn lòng. Anh em ai có việc gì, ới một tiếng là anh Thắng có mặt…”. |