Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55 Gia Hưng
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện |
Việc cải thiện sức khỏe của trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Ảnh: T. Linh |
Thực tế này phản ánh rõ ràng sự thiếu hụt về dinh dưỡng, chăm sóc y tế và điều kiện sống khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi cao tại những khu vực này. Do đó, việc cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giảm tỷ lệ tử vong và sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.
Câu chuyện của My, một người mẹ trẻ dân tộc H'Mông, minh chứng cho thực tế này. 25 tuổi, My sống trong nghèo khó, chồng đi làm xa, một mình My nuôi hai con nhỏ và làm ruộng vất vả. Do hoàn cảnh khó khăn và nhà xa, cô chỉ thăm khám tại Trung tâm Y tế huyện hai lần khi mang thai. Tại đây, My phát hiện mình mang song thai, cả hai đều ngôi mông (ngôi dưới thay vì ngửa đầu), tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Dù được nhân viên y tế thôn là ông Giàng A Giáo đến nhà nhiều lần để tư vấn về cách chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế, nhưng My vẫn phớt lờ các lời khuyên. Vì hoàn cảnh khó khăn, My vẫn muốn sinh con tại nhà, bất chấp những nguy hiểm đang chờ đợi phía trước. Vì đây là lần mang thai thứ ba nên cô kỳ vọng lần sinh nở này sẽ dễ dàng như lần trước.
Ngày 20/02/2023, My đau bụng dữ dội và có dấu hiệu nguy cấp. Nhờ hàng xóm báo tin, đội chuyển tuyến do ông Giàng A Long làm đội trưởng nhanh chóng thuê xe đưa cô đến Trung tâm Y tế huyện cách 50km, với chi phí do Tổ chức Save the Children hỗ trợ.
“Chúng tôi hiểu rằng mọi cuộc gọi cấp cứu đều quan trọng và phải hành động ngay lập tức. Phản ứng nhanh có thể cứu sống người khác,” ông Giàng A Long chia sẻ.
Tại Trung tâm Y tế huyện, bác sĩ Vinh tiến hành mổ lấy thai khẩn cấp, cứu sống My và hai bé gái khỏe mạnh, nặng lần lượt 3.000g và 3.100g. “Nếu can thiệp muộn, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng,” bác sĩ Vinh nói.
Sau ca phẫu thuật thành công, My hồi phục và xúc động chia sẻ: “Nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, y tá và đội chuyển tuyến, mẹ con tôi đã được cứu sống. Tôi vô cùng biết ơn họ”.
Câu chuyện của My không chỉ là trường hợp cá biệt, mà còn phản ánh thực trạng chung trong cộng đồng dân tộc thiểu số – nơi Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” - Baby Cap đã và đang mang lại những thay đổi tích cực.
Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Ảnh: T. Linh |
Nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số, từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2024, Tổ chức Save the Children International phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, và Sở Y tế hai tỉnh Sơn La, Đắk Lắk triển khai dự án Baby Cap. Dự án này tập trung hỗ trợ sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số tại các khu vực khó tiếp cận nhất ở Việt Nam.
“Chúng tôi cải thiện và mở rộng các dịch vụ y tế phù hợp về mặt văn hóa, giới tính và cứu sống cho các bà mẹ dân tộc thiểu số, trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh, tập trung vào trẻ sơ sinh có nguy cơ (bao gồm sinh non/nhẹ cân) ở vùng sâu vùng xa thông qua cách tiếp cận sáng tạo và có sự tham gia nhằm đảm bảo tính liên tục của việc chăm sóc tại tất cả các cơ sở y tế cấp địa phương”, ông Vương Đình Giáp – Giám đốc Thực hiện chương trình, đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết.
Video: TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế chia sẻ.
Theo đó, các biện pháp can thiệp chính của Dự án gồm:
Tăng cường dịch vụ y tế: Nâng cao năng lực của các đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện huyện thông qua đào tạo nhân viên y tế, cung cấp trang thiết bị, và giám sát từ cấp tỉnh, huyện. Mở rộng dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh tại cơ sở y tế huyện, xã.
Hỗ trợ chuyển tuyến cộng đồng: Thí điểm mô hình chuyển tuyến dựa vào cộng đồng tại các làng vùng sâu, vùng xa, đảm bảo phụ nữ và trẻ sơ sinh được đưa đến cơ sở y tế an toàn trong tình huống khẩn cấp.
Nâng cao nhận thức: Phát triển tài liệu truyền thông phù hợp văn hóa cho người dân tộc thiểu số; Đào tạo cán bộ y tế và Hội Phụ nữ về truyền thông thay đổi hành vi; Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm thúc đẩy thực hành sức khỏe lành mạnh.
Với nguồn tài trợ hơn 2 tỷ won Hàn Quốc (tương đương hơn 37 tỉ đồng), dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể tại 4 huyện thuộc hai tỉnh Sơn La và Đắk Lắk:
Tỷ lệ tử vong mẹ giảm từ 57,6/100.000 xuống còn 0/100.000 trẻ đẻ sống.
Tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm từ 11,5/1.000 xuống còn 1,6/1.000 trẻ đẻ sống.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh được thăm khám trong 24 giờ sau sinh tăng từ 33% lên 61,4%.
Tỷ lệ phụ nữ sinh tại cơ sở y tế tăng từ 73,5% lên 81%.
Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ Bộ Y tế ban hành hai tài liệu quan trọng: “Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo” và “Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác chăm sóc, điều trị sơ sinh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Những tài liệu này sẽ được áp dụng trên toàn quốc, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.
Dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể tại 4 huyện thuộc hai tỉnh Sơn La và Đắk Lắk. |
Ông Vương Đình Giáp nhấn mạnh: "Thông qua việc nâng cao nhận thức cho bà mẹ, gia đình và cộng đồng, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và tham vấn chính sách, dự án đã tạo được những tác động tích cực không chỉ tại Sơn La và Đắk Lắk mà còn trên phạm vi cả nước".
Câu chuyện của My và những kết quả của dự án Baby Cap là minh chứng rõ nét cho vai trò quan trọng của sự hợp tác đa phương trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Những năm đầu đời được gọi là “giai đoạn vàng” cho sự phát triển trẻ em Việc đầu tư cho phát triển trẻ em cần được thực hiện sớm và liên tục trong suốt những năm đầu đời của trẻ và những năm tiếp theo. Nếu những nỗ lực ban đầu nhằm thúc đẩy phát triển không được duy trì thì hiệu quả của việc can thiệp sớm có thể bị hại chế. Điều này cùng chỉ ra sự cần thiết trong việc thiết kế các can thiệp mang tính hệ thốn gồm các chương trình và chính sách toàn diện. Đầu tư vào phát triển toàn diện trẻ em tập trung vào can thiệp sớm và nhất quán trong những năm đầu của trẻ. Nếu được theo dõi và chăm sóc phù hợp về sức khỏe và dinh dưỡng, trẻ em không những phát triển tối đa trong giai đoạn hiện tại, mà còn tác động là dài đến sức khỏe và phát triển của trẻ lúc trưởng thành, góp phần nâng cao sự phát triển tâm lý xã hội và giảm khả năng có những hành vi xã hội tiêu cực như tội phạm, sử dụng ma tuý và bạo lực ở trẻ em trong tương lai. |
Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân Trong mỗi bệnh viện, mỗi trung tâm y tế, chúng ta đều bắt gặp hình ảnh những điều dưỡng viên cần mẫn, không quản ngại ... |
An toàn tiêm chủng: Ưu tiên hàng đầu trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng An toàn trong tiêm chủng là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. PGS. TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục ... |
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và ... |
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng