Xin đừng “hạ bệ” Nhà hát Lớn!
Kinh tế - Chính sách - 27/05/2023 19:24 AN VINH
Câu chuyện “hạ bệ” Nhà hát Lớn mới manh nha trên giấy, nhưng cần thiết phải có ngay những tranh luận phản biện một cách xây dựng và tích cực, để cho việc đó sẽ không bao giờ diễn ra, tôi mong là như vậy.
Chuyện rằng, vừa mới chiều qua 26/5, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đang lập phương án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Hùng cho biết, thì hồi tháng 2 năm nay, Chính phủ có giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ đã họp bàn, xem xét các phương án, trong đó có việc lựa chọn địa điểm. "Chúng tôi đề xuất nghiên cứu phương án xây nhà hát mới ngay sau Nhà hát lớn Hà Nội hiện nay", ông Hùng nói và cho hay dù chưa có ý tưởng cụ thể, công trình mới sẽ xứng tầm là nhà hát quốc gia.
"Nguồn lực xây nhà hát đã có bởi Chính phủ sẵn sàng ủng hộ", Bộ trưởng Hùng nói. Tuy nhiên, ông thừa nhận vị trí được xem xét xây Nhà hát các dân tộc Việt Nam sẽ gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng bởi đây là vị trí "đất vàng" trung tâm của Thủ đô.
Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: IT |
Thực ra mấu chốt của vấn đề xây nhà hát mới không phải là tiền, không phải là “đất vàng”, mà là tính thẩm mỹ, tính tổng thể cảnh quan, sự hài hoà quy hoạch kiến trúc của khu vực này, sự cần thiết hay không một nhà hát nữa ở giữa trung tâm Thủ đô.
Trước tiên là nói về cảnh quan kiến trúc. Rất nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng, tốt nhất là trong nội đô đừng xây gì chen thêm nữa để làm hỏng cảnh quan môi trường hài hoà của một Thủ đô văn hiến và đáng sống đã có. Cảnh quan nơi đây là những kiến trúc cổ, nếu đặt một công trình kiến trúc hiện đại vào sẽ không ăn nhập hài hòa. Nếu cùng kiểu kiến trúc thì không có dấu ấn riêng. Nếu kiến trúc hiện đại thì lại không phù hợp, phá vỡ cảnh quan cổ kính xung quanh Nhà hát Lớn và kiến trúc của chính Nhà hát Lớn.
Mà không hiểu tại sao lại cứ phải chen chúc vào một góc trung tâm thành phố như vậy? Hà Nội đã quá nghẹt thở.
Nếu muốn, thì đề nghị xây dựng nhà hát xa ra, như ở hai bên sông Hồng , hay ở các khu vực ngoại thành Hà Nội. Tóm lại là nên chọn địa điểm khác. Nhà hát Lớn đã là một biểu tượng của Hà Nội qua nhiều năm và cũng không có nhiều không gian trống xung quanh công trình này. Thiết nghĩ công trình mới phải có dấu ấn riêng của thời đại mới và không cạnh tranh trực tiếp với biểu tượng lịch sử này.
Về sự cần thiết, thiết thực của công trình nhà hát mới, các ý kiến của dư luận đều cho rằng, Nhà hát Lớn còn chưa dùng hết, xây thêm nhà hát làm gì, lãng phí. Hai cái nhà hát nằm ngay cạnh nhau để làm gì khi chính Nhà hát Lớn còn chưa xài hết công suất?
Việc xây dựng thêm 1 nhà hát quốc gia ngay bên cạnh nhà hát thành phố là quá lãng phí vì nếu cần tổ chức sự kiện gì tại đây thì đã có nhà hát lớn đảm nhiệm. Thứ 2 là vị trí dự kiến xây dựng nằm tại khu đất vàng sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng bị đội lên “con số thiên văn”. Thứ 3 là trong khu vực trung tâm Hà Nội đã quá chật chội, ngược với chủ trương giãn các trung tâm hành chính ra khỏi trung tâm để giảm tải khu vực nội đô.
Kinh tế đất nước đang khó khăn, người lao động đang mất việc làm nhiều, việc đề xuất xây dựng các công trình hoành tráng hiện nay như nhà hát là không phù hợp, nên đưa ra vào thời điểm thích hợp thì tốt hơn. Có thể tạm thời hạn chế đầu tư các công trình văn hóa trong vài năm để tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông nhằm mục đích phát triển kinh tế. Khi kinh tế phát triển thì đầu tư các công trình văn hóa cũng chưa muộn. Hiện tại, chỉ mong tập trung nguồn vốn vào tái thiết mở rộng đường sá, kênh cống, quy hoạch lại hẻm và đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, xây trường học cho trẻ em đang thiếu chỗ học ở khắp các quận trung tâm Hà Nội.
Hãy nghiên cứu kỹ, tránh tình trạng xây xong bỏ phí ở đấy không ai vào, gây thất thoát lãng phí lớn.
Hiện có Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô. Nhà hát các dân tộc xây luôn ở đó là phù hợp, vừa rộng rãi, phục vụ du lịch, vừa có chỗ cho 54 dân tộc ca hát. Cho nên, xin hỏi lượng khách dự định sẽ đến nhà hát sắp xây là bao nhiêu. Nhà hát lớn hiện nay bao nhiêu đêm biểu diễn, công suất từng đêm là bao nhiêu, chưa kể đến Cung Văn hóa Việt Xô .
Tự hỏi xem Hà Nội có thiếu chỗ diễn không? Nào Nhà hát Lớn, Trung tâm Hội nghị quốc gia, nhà hát chèo, một loạt các nhà hát khác, … đã dùng hết công suất chưa mà xây nhà hát mới. Muốn xứng tầm, quảng bá hình ảnh dân tộc, thu hút khách du lịch thì phải xây dựng được đội ngũ đạo diễn, diễn viên, các vở kịch, các buổi diễn hay mang tính dân tộc đúng nghĩa . Chứ không thể thu hút mọi người đến ngắm nhà hát rồi không có buổi diễn nào cả. Nhà hát chỉ là vỏ ngoài, buổi diễn mới là cái cốt lõi thu hút người ta đến xem.
Cái trung tâm chèo ở Huỳnh Thúc Kháng hay tuồng gì đó ở Kim Mã nữa, có thấy mấy khi tổ chức sự kiện gì đâu mà giờ xây thêm làm gì. Chưa kể Nhà hát các dân tộc lại không cần thiết vì hầu hết trong văn hoá các dân tộc làm gì có chuyện biểu diễn trong nhà, toàn phải giữa núi rừng thiên nhiên bạt ngàn mới phù hợp.
Sao cứ phải quận trung tâm, sao cứ phải nhồi nhét kiến trúc? Tại sao không chia sẻ cơ hội đó cho các vùng ven, để góp phần tăng tốc đô thị hoá các vùng ven này? Rất nên phân bổ ra, không nên tập trung về một chỗ để phát triển văn hóa các vùng (ví dụ như đặt gần khu vực Hà Đông, Mễ Trì, Tây Hồ chẳng hạn) vừa đỡ tiền giải phóng mặt bằng, vừa có không gian để quy hoạch, vừa phân bố được khả năng được hưởng thụ văn hoá văn nghệ của đông đảo quần chúng Nhân dân, nhất là người lao động nghèo thu nhập thấp hiện nay.
Hãy sử dụng cho tốt các công trình văn hóa lớn hiện có của Thủ đô, trước khi định làm dự án mới. Hãy để cho thế hệ sau được nhìn thấy di sản kiến trúc hoàn chỉnh như chúng ta đang được thấy bây giờ. Hãy nghiên cứu xây nhà hát mới ở một địa điểm nào đó để tương lai nó là điểm nhấn, là bộ mặt của Hà Nội hiện đại, để mọi người dân Thủ đô và cả nước đều cảm thấy tự hào.
Đó là mong mỏi và khuyến nghị của nhiều bạn đọc, của cá nhân người viết bài báo này xin trân trọng gửi tới lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch. Đó cũng là tâm nguyện của tất cả những ai yêu quý Thủ đô, mong sao đừng để một thần tượng văn hoá lịch sử và kiến trúc thân thương và tốt đẹp của họ sẽ không bị “hạ bệ”.
Mong lắm thay!
Nhà hát Lớn Hà Nội từng có tên là Nhà hát thành phố, được khởi công năm 1901, do kiến trúc sư Broyer, Harley và François Lagisquettheo thiết kế theo phong cách tân cổ điển, dựa trên mẫu Nhà hát Opéra Garnier (Pháp). Đây là công trình văn hóa tiêu biểu, có giá trị về thẩm mỹ, quy mô xây dựng lớn (khoảng 900 chỗ ngồi). Nhà hát lúc đó được sử dụng là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như opera, nhạc thính phòng, kịch nói, phục vụ cho tầng lớp quan chức, thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có. Hiện nay, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn, địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, được nhiều khách du lịch yêu thích. |
AN VINH
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả An Vinh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả An Vinh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả An Vinh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 15/01/2025 15:48
Bão Yagi và hậu quả với chợ Tết
Cơn bão lớn nhất lịch sử càn quét Bắc Bộ đã qua được mấy tháng. Nhưng đến tận giờ, khi Tết sắp đến, người ta vẫn thấy hệ lụy từ cơn bão đánh thẳng vào túi tiền người tiêu dùng.
Cà phê tối - 13/01/2025 16:07
Dùng kiếm “nói chuyện”
Một người đàn ông ở Nha Trang sau khi tranh cãi với nhân viên môi trường đã bất ngờ rút kiếm từ cốp xe để "nói chuyện".
Cà phê tối - 11/01/2025 14:24
Thay kỳ thi bằng “đánh giá năng lực”
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố bỏ hoàn toàn kỳ thi lớp 6 ở tất cả các trường trên hệ thống giáo dục toàn quốc. Thay vào đó, Bộ vẫn để ngỏ phương án “đánh giá năng lực” cho các trường chất lượng cao.
Cà phê tối - 08/01/2025 14:56
Madam Pang và câu chuyện hòa khí bóng đá
Giữa những tranh cãi không hồi kết về trận chung kết đã kết thúc 3 ngày trước giữa cổ động viên hai đội, cách hành xử của bà Pang - Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Thái Lan - khiến các bên đều nể phục.
Cà phê tối - 06/01/2025 13:54
Việt Nam vô địch lẫm liệt và đàng hoàng
Đội tuyển Việt Nam đã đả bại kỳ phùng địch thủ Thái Lan 3-2 ngay trên sân Rajamangala. Qua đó, giành chiến thắng chung cuộc 5-3 và mang cúp vô địch ASEAN Champions về Hà Nội.
Cà phê tối - 04/01/2025 10:57
Không sợ Thái Lan và lời nguyền 3 thập kỷ
Chiến thắng nức lòng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan ở trận chung kết lượt đi tại Việt Trì (Phú Thọ) đã giúp đội nhà có lợi thế nhất định trong trận lượt về. Hơn thế, nó cũng giải “lời nguyền” đeo đẳng đội tuyển tới gần ba chục năm của đội nhà trước Thái Lan.