“Công nghệ VAR” khi tham gia giao thông
Cà phê tối - 18/12/2024 14:43 Mỹ Anh
Camera phân tích giao thông thông minh được trao giải sáng kiến an toàn |
Vụ thứ nhất, ngày 16/12, Công an quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) bắt khẩn cấp Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ quận 6) để điều tra hành vi "Cố ý gây thương tích". Nhựt bị cáo buộc đánh ông T.T. (50 tuổi) trên đường Cống Quỳnh, trước Bệnh viện Từ Dũ, khi ông T. nhắc nhở tài xế ô tô di chuyển để tránh ùn tắc.
Vụ thứ hai, tối 17/12, Công an TP Đồng Xoài (Bình Phước) tạm giữ Bùi Văn Hoàng Anh (35 tuổi, ngụ Bình Dương) vì hành vi "Gây rối trật tự công cộng" và "Cố ý gây thương tích."
Cả hai vụ việc đều xuất phát từ những bất đồng khi tham gia giao thông. Và cả hai đối tượng hành hung người đều tỏ ra ăn năn khi bị bắt. Tất nhiên, những nuối tiếc đã quá muộn. Và giờ đây, họ sẽ có nhiều thời giờ để suy nghĩ về hành động bốc đồng trong tích tắc của mình.
Nhìn lại, việc xô xát xảy ra khi bất đồng trong lúc tham gia giao thông không phải là chuyện mới. Song, công nghệ ghi hình khắp mọi nơi khiến những vụ việc dễ gây chú ý từ dư luận. Những clip hành hung cũng là bằng chứng mạnh cho lực lượng chức năng để bắt và kết án những kẻ hành hung.
Và giờ đây, với những clip trong những vụ việc trên là lời răn mạnh mẽ dành cho tài xế hay người lưu thông.
Rằng, bất cứ phút nông nổi nào đều có thể phải trả những cái giá rất đắt.
Rằng, mọi nhân gieo xuống đều có thể nhận quả ngay lập tức, qua những ống kính camera.
Và rằng, “một điều nhịn là chín điều lành” là lời khuyên đúng hơn bao giờ hết.
Bởi, một cú đấm hôm nay có thể là nhiều cuốn lịch cho những ngày sau tới. Một hành động tung ra có thể là quy trình tự viết nên bản án của mình mà không thể đảo ngược.
Công nghệ VAR trong bóng đá đã thay đổi hoàn toàn thế giới bóng đá: từ lối chơi, cách bẫy việt vị, cách kiểm soát hành vi, tiểu xảo ác ý nhắm vào phía đối phương. Bóng đá vẫn còn những khoảnh khắc không đẹp. Nhưng VAR đã và đang khiến thế giới bóng đá trong sạch hơn khi sàng lọc những hành vi thiếu kiềm chế.
“Công nghệ VAR” trong giao thông cũng vậy. Nó bắt buộc người tham gia giao thông phải biết kiềm chế cảm xúc, tôn trọng người khác cũng là bảo vệ bản thân mình.
Nó cũng làm mọi cái đầu nóng phải bình tĩnh hơn khi thấy những chiếc camera lạnh lùng. Và hơn cả, “trọng tài” trong những vụ việc này không chỉ là lực lượng chức năng mà còn là cả triệu người đang sử dụng mạng xã hội.
“Thẻ đỏ” vài năm với người thiếu kiềm chế là hình phạt thích đáng. Song, còn có những tòa án khác, những hình phạt vô hình của dư luận xã hội và chính lương tâm của đối tượng khi nhìn lại khoảnh khắc “điên rồ” của mình.
Và đó là lẽ công bằng ở đời. Camera cũng là công cụ giúp con người hướng thiện hơn và cùng xây dựng văn hóa giao thông văn minh hơn.
Bởi mọi hành vi “chơi xấu” đều có thể phơi bày trước công luận và lực lượng chức năng, cho dù anh là ai, có quyền lực và quan hệ thế nào.
Hai vụ việc tưởng là nhỏ trong đời sống nhưng là bài học rất lớn cho tất cả chúng ta, những người đang tham gia giao thông ngày ngày.
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết “Công nghệ VAR” khi tham gia giao thông" bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. “Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |