Madam Pang và câu chuyện hòa khí bóng đá
Cà phê tối - 08/01/2025 14:56 Mỹ Anh
Bà Pang (vẫn được dư luận Thái Lan và quốc tế biết đến với biệt hiệu Madam Pang) thuộc thế hệ thứ 5 của gia tộc Lamsam, gia tộc có gia sản lên tới gần 1 tỷ đô la Mỹ và có ảnh hưởng lớn tại Thái Lan. Trong suốt một thập kỷ qua, bà đã đóng góp rất nhiều cho bóng đá Thái Lan cả về tài chính lẫn những sự ủng hộ trí lực, tinh thần khi làm trưởng đoàn bóng đá của xứ sở Chùa Vàng tại nhiều giải đấu.
Trong giải đấu lần này, với thất bại tủi hổ của đội tuyển quốc gia Thái Lan cả về tỉ số và cách thua, bà Pang cũng nhận lỗi với người hâm mộ. Tuy nhiên, với cả người hâm mộ Việt Nam và Thái Lan, hàng loạt các hành động tưởng chừng nhỏ bé của bà Pang sau trận chung kết lượt về nhận được nhiều chú ý.
Đầu tiên, ngay khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc, bà tiến về khán đài của cổ động viên Việt Nam. Bà chắp tay, cúi đầu chào kiểu truyền thống của người Thái và chúc mừng đội tuyển Việt Nam cũng như niềm vui của cổ động viên Việt Nam.
Trong lúc chán chường do bại trận ấy, hành động của bà Pang có thể coi là bản lĩnh. Bà đã vượt qua được cảm xúc cá nhân để viết nên những hành xử đẹp về lẽ chủ - khách, về tinh thần thể thao trong bóng đá khi trận đấu kết thúc.
Kế đó, người hâm mộ một lần nữa bất ngờ và cảm thấy ấm áp khi truyền thống đưa tin, bà Pang đã trả toàn bộ viện phí cho Xuân Son trong quá trình sơ cứu và điều trị ở Thái. Có lẽ, số tiền ấy không quá lớn, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hay nhiều mạnh thường quân Việt Nam hoàn toàn có thể chi trả.
Nhưng việc chú ý tiểu tiết để hỗ trợ viện phí cho Xuân Son cũng cho thấy được sự đàng hoàng của Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Thái Lan.
Và chính hành động này cũng vãn hồi rất nhiều hình ảnh xấu xí trên sân cỏ khi những đôi chân người Thái “nhằm giò” Son ở trân chung kết lượt đi; cũng như những tiếng vỗ tay vang dội của cổ động viên Thái khi thấy Son rời sân bằng cáng.
Chưa hết, sau trận đấu, cổ động viên Thái Lan bức xúc về kết quả khó chấp nhận. Họ yêu cầu khiến nại vấn đề trọng tài. Điều này rất hay xảy ra trong bóng đá khu vực, tiêu biểu là Liên đoàn Bóng đá Indonesia với thói quen “hễ thua là kiện”.
Bà Pang gạt phăng ý tưởng này. Dù nó có lợi cho bà khi cổ động viên sẽ nhắm chỉ trích ra bên khác ngoài đội tuyển mà bà đang chịu trách nhiệm.
Lý giải quyết định của mình, bà Pang cho hay, bà muốn kết thúc trận đấu tại đây. Giờ là lúc để cầu thủ nguôi ngoai thất bại và tự rút bài học cho mình. Đồng thời, quan trọng hơn, bà biết sự cạnh tranh sẽ tốt cho cả hai nền bóng đá Việt - Thái.
Nhưng bà không muốn tạo dựng thêm những thù hằn không đáng có của nền bóng đá hai nước. Bà muốn giữ hòa khí trong thể thao.
Ngần ấy sự kiện, ngần ấy quyết định có thể khiến nhiều người hâm mộ Việt Nam và cả khu vực có phần nể bà Pang. Bà đã vớt vát được hình ảnh bóng đá Thái Lan sau bàn thắng xấu xí của Supachok.
Bà cũng lấy lại phần nào tôn nghiêm của đội bóng từng 7 lần vô địch khu vực. Và chính bà, cũng khiến những xích mích sau trận đấu giữa hai đội trở nên nhẹ nhàng hơn.
Chiến thắng là vui; có đối thủ cạnh tranh trong khu vực là tốt; cả những lời trêu đùa nhẹ nhàng cũng là gia vị cho các trận thư hùng thêm thú vị. Nhưng, mọi chuyện cũng chỉ nên dừng ở sân cỏ.
Sau cuối, tình hữu nghị láng giềng, sự gắn kết trong thể thao cùng những sự bao dung có thể thảy tất mọi lỗi lầm trên sân cỏ.
Bà Pang không chỉ đơn giản là câu chuyện riêng lẻ của cá nhân. Đó còn là thái độ với bóng đá cũng như tâm thế của một lãnh đạo bóng đá cần có. Bà thực sự làm cảm xúc sau trận cầu kịch tích trở nên dịu dàng, nhân văn hơn.
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết “Madam Pang và câu chuyện hòa khí bóng đá" bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. “Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |