Chuyện giao thông hôm nay và câu ngạn ngữ xưa "gieo gì gặt nấy"
Cà phê tối - 13/01/2025 17:50 AN VINH
Nói “trách oan” vì việc ban hành Nghị định 168 kèm với chế tài tăng nặng mức phạt với các lỗi vi phạm giao thông chỉ nhằm một mục đích tối thượng là giữ nghiêm trật tự an toàn giao thông, là nhằm giữ gìn mạng sống cho hàng chục triệu người dân đang hàng ngày tham gia giao thông trên mọi nẻo đường phố.
Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, từ năm 2009 đến năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 406.688 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 138.784 người, bị thương 386.002 người.
“Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội” – đoàn giám sát nhận định.
Còn theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 11 tháng của năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/11/2024), toàn quốc xảy ra 21.691 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 10.026 người, bị thương 16.103 người.
Những con số đau xót trên chắc hẳn đã đủ để tất cả chúng ta cùng đồng thuận rằng, việc ban hành Nghị định 168 là hết sức cần thiết và cấp bách, tuyệt đối không nên bàn lùi hay xuyên tạc ý nghĩa nhân văn của Nghị định đó. Nó cũng giống như các Nghị định về cấm pháo và bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trước kia, ban đầu ai ai cũng khó chịu, cũng phản đối, nhưng khi Nghị định đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, thì ích lợi của nó với toàn dân không còn có gì phải bàn cãi và chê bôi.
Chúng ta cũng đang oán thán vô cớ với lực lượng cảnh sát giao thông! Vì họ cũng chỉ là những người thực thi nhiệm vụ mà Nhà nước và cấp trên trao cho và bắt buộc phải hoàn thành tốt. Còn một số biểu hiện máy móc, trừng phạt và hành hạ người vi phạm của một số ít cảnh sát giao thông thì đó chỉ là những hiện tượng hết sức cá biệt, là “con sâu làm rầu nồi canh” trong tập thể những người cán bộ, chiến sĩ đêm ngày phơi nắng, dầm mưa, hít đầy khói bụi, điếc tai nhức óc vì còi xe, vì tiếng động cơ, cũng chỉ cốt để cho giao thông thông thoáng, cho an toàn tính mạng an toàn của người dân.
Chúng ta càng đang mắng oan dân! Vì đã hơn chục ngày qua kể từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, hầu hết, nếu không muốn nói là gần như 100% người dân đều hết sức nghiêm chỉnh tuân theo tín hiệu giao thông và chỉ dẫn của cảnh sát giao thông. Nhìn cảnh xe cộ dừng đều tăm tắp trước đèn đỏ ở mọi nẻo đường, chứng kiến cảnh ngay trong đêm “đi bão” mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, trong niềm vui ngất ngây đến cuồng nhiệt, ngay cả những nhóm thanh niên “tổ lái” đầu gấu nhất mọi khi cũng dừng lại trước đèn đỏ, kể cả là khi không hề có bóng dáng cảnh sát giao thông, kể cả lúc đó đã là 1h-3h sáng, chúng ta cảm giác như đang được sống ở các đô thị của các nước tiên tiến và văn minh nhất thế giới. Cảnh tượng đó, trước ngày có Nghị định 168, ngay cả trong những giấc mơ lãng mạn nhất thì cũng không một ai dám nghĩ tới.
Vậy thì tại sao phố xá càng ùn tắc hơn kể từ khi ban hành Nghị định 168?
Vậy thì tại sao trước kia ở một số ngã tư, ngã năm, ở một số tuyến phố và giao lộ chỉ tắc nghẽn 1, mà nay tắc nghẽn 10?
Để trả lời những câu hỏi trên, tôi xin được nhắc lại ở đây ý kiến của nhà văn Phan Chí Thắng (Phan Chi), ý kiến mà theo tôi là một trong những giải đáp rất khách quan, khoa học và thấu tình đạt lý, xứng đáng được các nhà quản lý đô thị và giao thông quan tâm để nhìn ra cốt lõi của vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay ở Hà Nội và các thành phố lớn khác.
Nhà văn Phan Chí Thắng viết: “Nghẽn tắc là tình trạng chung của giao thông đô thị Việt Nam. Thành phố càng lớn, tắc nghẽn càng kinh hoàng. Nguyên nhân từ đâu? Có phải chỉ là do ý thức kém của người tham gia giao thông và vì cảnh sát giao thông đang phạt nặng lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ?
Xin thưa, nguyên nhân căn bản và sâu xa nhất là hạ tầng cơ sở giao thông đô thị hiện nay của ta ở mức thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu lưu thông thực tế. Ví dụ đoạn đường từ giao cắt này đến giao cắt tiếp theo (gọi là đoạn AB) có thông suất là 100 xe. Khi có 100 xe trở xuống chạy qua đoạn AB với tốc độ hợp lý thì đoạn AB đường thông hè thoáng. Nếu có 150 xe, 200 xe chạy trên đoạn AB thì chắc chắn sẽ từ nghẽn đến tắc, dù có bao nhiêu cảnh sát giao thông cố gắng cầm dùi cui chỉ đường, dù chấp hành tốt đến mấy quy định đèn tín hiệu ở điểm giao cắt. Ở đây ta còn phải nói đến tính chưa hợp lý và không đồng bộ của cả hệ thống giao thông đô thị làm trầm trọng hơn căn bệnh trầm kha của hệ thống mà chưa thấy có phương cách điều trị nào hữu hiệu ngoại trừ giảm mật độ các phương tiện tham gia giao thông, cái nằm ngoài chức năng và khả năng của ngành Công an.
Lỗi này là do hạ tầng cơ sở giao thông không theo kịp tốc độ đô thị hoá mà đô thị hoá thì lại lộn xộn, bóc ngắn cắn dài. Các nhà kinh doanh bất động sản cứ xây thật nhiều nhà cao tầng trong nội đô, làm tăng mật độ dân cư, khiến nhiều người ra đường hơn, nhất là ở các khu đất vàng. Lỗi này là do ngành Giao thông và ngành Xây dựng không cùng nằm dưới một cái gậy chỉ huy chung, lại thêm anh cấp giấy phép xây dựng lại thuộc UBND thành phố đầy lợi ích nhóm. Đảng và Nhà nước dự kiến sáp nhập hai bộ Giao thông và Xây dựng là hoàn toàn đúng đắn, không phải là máy móc tinh gọn bộ máy mà là xuất phát từ đòi hỏi thực tế khách quan. Vì vậy có thể nói cảnh sát giao thông đang cố gắng tăng mức độ trật tự an toàn giao thông chứ không và sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn tắc nghẽn giao thông. Thậm chí càng xiết chặt kỷ luật tham gia giao thông thì có thể càng tắc nghẽn hơn vì không cho phép vượt đèn đỏ và lao lên vỉa hè, là những biện pháp tăng thông lượng một cách mất an toàn, thì tắc nghẽn hơn là đúng theo toán học.
Ở đây tôi không bàn đến mức phạt vi phạm giao thông áp dụng từ 1/1/2025 là cao hay không, là răn đe hay trừng phạt tàn nhẫn, tuỳ nhận thức mỗi người. Tôi chỉ muốn lưu ý rằng mục đích lập lại trật tự tham gia giao thông là nhằm nâng cao AN TOÀN cho người tham gia giao thông chứ không hề và không thể làm GIẢM TẮC NGHẼN giao thông. Những ai đổ lỗi tắc nghẽn giao thông cho cảnh sát giao thông là chưa thấy bản chất vấn đề.
Tôi ủng hộ các biện pháp nâng cao mức độ an toàn giao thông và muốn mọi người hiểu rằng các biện pháp đó không phải là biện pháp hữu hiệu giảm ách tắc giao để khỏi “mắng” oan không đúng đối tượng" (hết trích).
Cho nên, người viết bài này xin dược nhắc lại một lần nữa, rằng điều đáng trách không phải là Nghị định 168, người đáng bị oán thán không phải là cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông, người đáng bị mắng nhiếc xỉ vả và phạt nặng nhất ko phải là tuyệt đại đa số những người dân đang tham gia giao thông.
Những kẻ đáng trách nhất, đáng bị phê phán nhất chính là những quan tham đã vì tư lợi, vì “lại quả”, vì “hoa hồng”, nhiều khi là cả một suất “căn hộ ngoại giao”, đã ký duyệt dự án, đã cấp phép cho xây vô tội vạ các chung cư cao tầng và đồ sộ tại giữa lòng đô thị đất vô cùng chật, người vô cùng đông tại Hà Nội, TP HCM và nhiều thành phố khác.
Cho nên, “gieo gì gặt nấy” là thế đấy! Sự ùn tắc, nghẽn mạch giao thông, hỗn loạn trật tự đường phố, nó diễn ra trầm trọng những ngày này, nhưng âm thầm và tinh vi đã bắt đầu từ những ngày tháng trước, những năm trước bởi sự quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch giao thông đô thị nói riêng là hết sức ẩu tả và kém cỏi.
Ẩu và kém không phải do trình độ, mà là do lòng tham, do tư lợi, do tham những. Và vì thế, những gì đang diễn ra trên đường phố ở Hà Nội, TP HCM và một số thành phố khác, nó không phải tại dân, không phải tại cảnh sát giao thông, càng không phải tại Nghị định 168 của Chính phủ, nhất định không phải, nếu nhìn ngược sâu xa vào quá khứ, vào số lượng các quan tham đã bị hầu toà, đã bị vào tù vì tội thông đồng với nhiểu chủ dự án làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai và đô thị, làm trái luật pháp quốc gia…
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết Chuyện giao thông hôm nay và câu ngạn ngữ xưa "gieo gì gặt nấy", bạn có thể mời tác giả An Vinh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. “Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả An Vinh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả An Vinh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |