Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Môi trường - Sức khỏe - 18/08/2023 16:09 QUỐC THẮNG
Câu chuyện của dòng Mekong cũng là câu chuyện của những dòng sông khác. Tôi lấy tên một bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường để làm tựa đề cho bài viết không như một dạng chuyển nghĩa mà để truy vấn trách nhiệm: Ai đã biến dòng Mekong thành dòng sông mang tên giận dữ?
Thống kê của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, ĐBSCL đã xảy ra 145 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, nhiều hơn số điểm của cả năm 2022. Tại An Giang, số vụ lở trong 7 tháng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Người dân ĐBSCL đã quá quen với tin tức về hôm nay lở nơi này, hôm qua sạt nơi kia. Người dân ĐBSCL đã chấp nhận những cuộc đời bấp bênh chạy lở, dù họ biết chạy đằng trời cũng không khỏi lở. Hình ảnh những dòng sông đói ngoạm lấy bờ không còn la xạ.
Một cánh rừng tự nhiên bị mất đi hệ sinh thái bền vững có đến hàng chục lý do bủa vây: thủy điện, bất động sản du lịch, biệt phủ, du canh du cư, thay rừng bằng vườn cây ăn trái, lâm tặc, … Một bờ sông bị sạt lở chỉ có một lý do trực tiếp duy nhất ngay nơi sạt lở: khai thác cát quá mức và không được tính toán. Ai đó có thể nói với bạn rằng lượng trầm tích giảm khi có thêm đập thuỷ điện dọc dòng sông là nguyên do đầu tiên gây sạt lở. Nhưng phải nói thêm, lượng cát sỏi di chuyển ở đáy sông bị các đập thủy điện giữ lại trong lúc chúng ta không ngừng làm rỗng lòng sông ở hạ nguồn thì khai thác cát lại là nguyên do đầu tiên. Vì đáng lẽ, khi không được thượng nguồn bồi đắp thì hạ nguồn phải tìm cách giữ lấy. Nhưng chúng ta đang làm ngược lại.
Nói về việc bờ sông sạt lở do khai thác cát quá mức và không được tính toán, ta rất dễ hình dung: Khai thác cát tạo ra hố và hướng dòng chảy cuốn cát trôi đi làm cho hố ngày càng bị mở rộng. Các lòng chảo này cũng hạ thấp cao độ mực nước làm thay đổi dòng chảy và gây sạt lở. Thông thường, sạt lở xảy ra ở bờ gần lòng chảo. Nhưng khi khai thác cát từ nơi này qua nơi khác, dần dà các điểm sạt lở sẽ dày đặc hơn, thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. Và hiện tượng dòng sông chính sẽ rút bùn từ các sông nhánh và việc sạt lở trên diện rộng là không tránh khỏi.
Tôi không nghĩ rằng việc quản lý, quy hoạch khai thác cát lại khó đến mức để bao năm qua vẫn một điệp khúc nơi này cát tặc nơi kia cát tặc, nơi này quá hạn mức, nơi kia bừa bãi. Không thể đếm xuể những văn bản của các cấp, ngành, tỉnh dạng như xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra khai thác cát trái phép. Nếu thực hiện nghiêm được thì thật tốt. Nhưng nếu thực hiện nghiêm được thì vẫn có một thứ vĩ mô hơn cần phải tính đến: giải pháp về quy hoạch khai thác. Vì rõ ràng là không thể cấm tiệt việc khai thác cát, nhưng phải khai thác như thế nào. Và điều đó, người đứng đầu cấp xã, huyện, tỉnh, hay ngành không đủ sức để thực hiện. Nó cần một cuộc khảo sát chuyên môn và tính toán khoa học để đưa ra giải pháp cho từng dòng sông, từng khúc sông và theo từng giai đoạn.
Hai năm trước, trong một chuyến điền dã ở miền Tây, tôi gặp ông Hai Tâm ở Tân Phú (An Giang). Nhìn ra bờ sông, nhớ lại đống đổ nát từ căn nhà mình bị cuốn trôi và nhìn lại góc vườn còn sót, rồi ông ngậm ngùi: Sẽ phải chạy, và sẽ phải cải táng những ngôi mộ của tổ tiên, vì không biết khi nào bị cuốn trôi. Tôi nhớ, lúc đó, ông hỏi: Họ khai thác cát làm sập nhà tôi thì họ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Về lý thuyết, câu hỏi này rất dễ trả lời, vì Nghị định 36/2020/NĐ-CP cũng như Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định rõ. Nhưng thực tế thì sao? Nói là các lòng chảo sẽ tác động trực tiếp đến bờ gần đó nhưng không phải ngày một ngày hai, và khi sạt lở, những gì xảy ra dưới lòng sông khó nhận thấy bằng mắt thường lại rất dễ quy cho thiên tai - một cách làm mờ đi bằng chứng. Cho nên, nhiều trường hợp, người dân thưa kiện, nhưng “được vạ thì má đã sưng”.
Khi nói về khủng hoảng môi trường từ dòng Mekong, ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt của WWF khu vực châu Á - Thái Bình Dương có một so sánh mang tính hình tượng nhưng rất cụ thể: "Các bạn hãy xem cát như tiền và dòng sông là ngân hàng. Con người là khách vay, và hiện tại chúng ta đang mắc nợ đầm đìa, tức đã khai thác quá nhiều so với khả năng cung cấp tự nhiên của dòng sông".
Nợ cát có thể cứu vãn được bằng bờ kè không? Không. Vì thực tế cho thấy, số điểm sạt lở tăng lên tỷ lệ thuận với số kè được xây mới ở vùng châu thổ này. Về nguyên lý, bờ kè chỉ là giải pháp hạn chế sạt lở trong trường hợp không có những lòng chảo mới mà thôi. Hơn nữa, những lòng chảo này phải được bồi đắp theo hướng thuận thiên chứ không phải việc xây bờ kè.
Vậy thì, nợ cát phải được trả bằng cát. Đúng, nhưng có hết không? Không. Vì sinh mạng, sinh kế, của cải vật chất, … đã một đi không trở lại, những kế hoạch di dời tốn kém mất nhiều hơn được đã phải thực thi.
Sạt lở sông vì buông lỏng quản lý hay lợi ích cá nhân/nhóm là sự lãng phí/tham nhũng mà hậu quả của nó không chỉ là những con số đếm được của một hay nhiều vụ. Và chẳng lẽ không thể tìm ra chủ nhân của những món nợ kia khi ta biết thừa rằng đó là trách nhiệm với quá khứ, hiện tại, tương lai, người sống, người chết và cả người chưa chào đời.
QUỐC THẮNG
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả Quốc Thắng một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee" Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Quốc Thắng bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Quốc Thắng". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 18/11/2024 15:03
Hết thời “nhập siêu” văn hóa?
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết thúc vào hôm qua (17/11). Thành công vang dội của Lễ hội cùng những sự kiện gần đây của các đêm nhạc “nội địa” đang cho thấy nhiều chỉ dấu tích cực về công nghiệp văn hóa.
Cà phê tối - 16/11/2024 13:38
Chống lãng phí ngày nhà giáo
20/11 tới gần, khắp các trường trên cả nước đều đang tất bật không khí chuẩn bị tri ân ngày nhà giáo - ngày lễ lớn của cả cô và trò trên cả nước. Đây cũng là một dịp để các nhà trường cũng như phụ huynh học sinh dạy cho các em bài học về chống lãng phí.
Cà phê tối - 11/11/2024 15:29
Thở ở Hà Nội
Đến hẹn lại lên, từ tháng 10 tới tháng 3 là cao điểm bụi mịn ở Hà Nội. Không khí vẩn đục ô nhiễm, các công trình xây cất khắp nơi và vỉa hè tiếp tục ra tăng sức ép bằng những khối đá xếp sẵn chờ ngày lát lại.
Cà phê tối - 09/11/2024 17:52
“Siết” quảng cáo của nghệ sĩ
Việc người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL quảng cáo thái quá về công dụng của nhiều loại thực phẩm chức năng làm “nóng” nghị trường. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như Bộ VH-TT&DL cũng đều lên tiếng về vấn đề trên.
Cà phê tối - 04/11/2024 10:49
San đất nông nghiệp, làm sân pickleball
Hàng loạt lô đất thuộc dự án bỏ hoang, đất kho bãi, thậm chí đất nông nghiệp đã bị san lấp làm sân pickleball - một môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam.
Cà phê tối - 02/11/2024 14:54
“Cuộc đại phẫu” di tích
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất mục tiêu tu bổ 100% di tích Quốc gia Đặc biệt và 80% Di tích Quốc gia.