Phát triển đội ngũ lãnh đạo từ công nhân, công đoàn: "Không được làm theo phong trào"
Kỹ năng cán bộ công đoàn - 19/05/2024 16:32 MINH KHÔI
Hiến kế nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở |
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh thực trạng đó trong phát biểu đề dẫn Tọa đàm khoa học về “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn”, diễn ra sáng 19/5.
Nhìn lại lịch sử: Lãnh đạo chủ chốt xuất thân từ công nhân, công đoàn chiếm tỷ lệ khá lớn
Theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, trong số 11 đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ (không tính Chủ tịch Hồ Chí Minh) có 5 đồng chí trưởng thành trực tiếp từ phong trào công nhân, gồm các đồng chí: Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh; và 1 đồng chí trưởng thành từ cán bộ công đoàn (đồng chí Nguyễn Văn Linh).
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn |
Trong số 13 đồng chí Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (không tính Chủ tịch Hồ Chí Minh) qua các thời kỳ có 03 đồng chí trưởng thành từ cán bộ công đoàn (các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang).
Trong số 12 đồng chí Chủ tịch Quốc hội, có 2 đồng chí trưởng thành từ phong trào công nhân (các đồng chí: Nguyễn Văn An, Nông Đức Mạnh) và 01 đồng chí trưởng thành từ cán bộ công đoàn (đồng chí Tôn Đức Thắng).
Trong số 8 đồng chí Thủ tướng Chính phủ (không tính Chủ tịch Hồ Chí Minh) qua các thời kỳ, có 01 đồng chí trưởng thành từ cán bộ công đoàn (đồng chí Đỗ Mười).
Trong số 10 đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (bao gồm cả Chủ tịch danh dự) qua các thời kỳ có 03 đồng chí trưởng thành từ phong trào công nhân, tham gia hoạt động công đoàn (các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Thế Duyệt).
Thống kê trên cho thấy, số lượng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận tổ quốc Việt Nam có xuất thân từ công nhân, công đoàn chiếm tỷ lệ khá lớn.
Đặc biệt, cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, có 6/11 đồng chí trưởng thành từ công nhân, công đoàn.
Tọa đàm khoa học “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn”. Ảnh: Hải Nguyễn |
"Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp có một tỉ lệ hợp lý trưởng thành từ công nhân, công đoàn là yêu cầu tất yếu, khách quan giúp cho Đảng sâu sát, gần gũi, lắng nghe tiếng nói của công nhân lao động, Nhà nước có nhiều chính sách sát đúng với đời sống công nhân lao động, thông qua đó vận động đông đảo công nhân, viên chức, lao động thi đua lao động sản xuất làm giàu cho đất nước, cho xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng", đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Tình hình hiện tại: Cán bộ lãnh đạo trưởng thành từ công nhân, công đoàn giảm rõ rệt
Thực tế hiện nay, theo đánh giá của người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam, có ít cán bộ công đoàn chuyên trách trưởng thành từ công nhân, người lao động trực tiếp. Tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn còn khiêm tốn; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ trưởng thành từ công nhân, cán bộ công đoàn còn khó khăn...
Còn theo quan sát của Viện Công nhân và Công đoàn, thời kỳ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trưởng thành từ công nhân, công đoàn đã khá xa, người gần nhất là đồng chí Trương Tấn Sang – giữ cương vị Chủ tịch nước giai đoạn 2011 – 2016. Điều này cho thấy, vai trò tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chủ chốt trưởng thành từ công nhân, công đoàn đang suy giảm.
Viện này đưa ra thống kê rằng, nếu không tính một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nêu ở trên, thì trong số gần 35 đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam qua các thời kỳ, chỉ có 5 đồng chí tiếp tục phát triển sau khi rời tổ chức Công đoàn (chiếm tỷ lệ khá thấp, chưa đến 15%). Giai đoạn đó cũng đã từ những năm 60-70 của thế kỷ trước.
Hiện tại, chỉ có đồng chí Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (giai đoạn 2016-2019) tiếp tục phát triển trong hệ thống chính trị sau khi rời tổ chức Công đoàn ở các vị trí Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội.
Qua khảo sát, nghiên cứu tại quận Long Biên và thị xã Sơn Tây của TP. Hà Nội, Viện Công nhân và Công đoàn chỉ ra thực trạng: Không có cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân.
Trong khi đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ cán bộ công đoàn chuyên trách dù có nhưng số lượng rất hạn chế, với tỉ lệ chưa đến 3% và 5% ở mỗi địa bàn.
Vị trí công tác mà các đồng chí trưởng thành từ cán bộ công đoàn đảm nhận chỉ ở tầm trung trong hệ thống lãnh đạo, quản lý của địa phương.
TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn |
Viện Công nhân và Công đoàn chỉ ra rằng, thực tế ở các địa phương và ở cả trung ương có rất ít cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự trưởng thành từ cán bộ công đoàn.
Tại địa phương, hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công đoàn phát triển chủ yếu sang các cơ quan khối Đảng, đoàn thể. Tại mỗi nhóm vị trí công tác, số lượng cán bộ trưởng thành từ công đoàn đều chiếm tỷ lệ rất thấp.
“Về hiệu quả công tác, nhận định ở cơ sở khẳng định việc điều chuyển cán bộ công đoàn sang làm công tác Đảng là cơ hội để cán bộ công đoàn phát huy năng lực, sự trải nghiệm trong vai trò là thủ lĩnh công nhân, mang ý thức hệ giai cấp công nhân sang thực hiện nhiệm vụ, chức năng lãnh đạo Đảng”, TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn nói.
Lãnh đạo Viện Công nhân và Công đoàn cho biết thêm, các LĐLĐ quận, thị xã thực hiện đầy đủ quy định về quy hoạch cán bộ hàng năm và theo nhiệm kỳ, cử cán bộ có đủ tiêu chuẩn, trong quy hoạch đi đào tạo đáp ứng trình độ, kiến thức cần thiết.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công đoàn tại địa phương đã được nâng cao về trình độ theo yêu cầu chuẩn hóa của luật công chức. Đội ngũ cán bộ công đoàn đang được trẻ hóa, được đào tạo chính quy, cơ bản nhưng có một hạn chế là phần lớn chưa qua trưởng thành từ phong trào công nhân lao động, tỷ lệ cán bộ xuất thân từ công nhân hầu như không có.
“Từ lịch sử đến hiện tại cho thấy công nhân, cán bộ công đoàn trưởng thành, phát triển sang làm lãnh đạo Đảng, quản lý Nhà nước nhiều, nhưng tập trung vào các giai đoạn cách mạng trước đây, còn hiện tại số lượng đang có xu hướng giảm rõ rệt”, TS Nhạc Phan Linh nhận định.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng – nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt câu hỏi: “Thử hỏi trong Ban Chấp hành các tỉnh, Đảng bộ hiện tại có bao nhiêu đồng chí xuất thân là công nhân?”.
“Hoàn toàn khác với những năm tháng trước đây, ngay sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, sau mỗi kỳ Đại hội Đảng thường hay giới thiệu trong Ban Chấp hành mới được bầu có bao nhiêu đồng chí xuất thân từ công nhân, chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong Ban Chấp hành. Không nói đâu xa, ngay trong Ban Chấp hành Công đoàn các cấp, tỷ lệ này thấp dần, thấp dần... Thử hỏi nguyên nhân do đâu?”, đồng chí Đặng Ngọc Tùng tiếp tục đặt câu hỏi.
Để tổ chức Công đoàn chủ động tuyển cán bộ
Dẫn trường hợp các đồng chí Phạm Thế Duyệt, Cù Thị Hậu và chính bản thân mình, đồng chí Đặng Ngọc Tùng nói rằng: “Tất cả chúng tôi được công nhân tín nhiệm bầu, Đảng chọn đưa đi đào tạo, bồi dưỡng mà nên cán bộ công đoàn, dần dần trở thành Chủ tịch Tổng Liên đoàn”.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng kiến nghị việc tuyển dụng cán bộ công đoàn nên để cho tổ chức Công đoàn chủ động thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng.
Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần duy trì các lớp đại học công đoàn do trường Đại học Công đoàn và Đại học Tôn Đức Thắng mở hàng năm cho cán bộ công đoàn là công nhân ưu tú khắp cả nước, được công đoàn cơ sở và công đoàn địa phương tuyển chọn, gửi đi học. Sau khi tốt nghiệp, Tổng Liên đoàn xem xét quyết định vào biên chế công đoàn và phân công về các địa phương công tác như trước đây đã từng thực hiện.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn |
“Chứ không phải để cho cấp ủy địa phương đứng ra tổ chức thi tuyển chọn biên chế cho tổ chức Công đoàn như hiện nay. Làm như vậy thì những công nhân ưu tú được người lao động tín nhiệm bầu sẽ rớt ngay từ vòng đầu, thì lấy đâu mà có cán bộ trưởng thành từ công nhân, trong khi Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị đã ghi: Nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, từ phong trào công nhân”, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng kiến nghị thêm rằng số lượng biên chế cho công đoàn không nên phụ thuộc vào số dân của tỉnh, thành, ngành mà phải phụ thuộc số lượng đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của từng ngành, từng địa phương.
Đồng chí cho rằng cách giao biên chế cho tổ chức Công đoàn hiện chưa phù hợp với sự phát triển của tổ chức, gây nhiều khó khăn, bức xúc cho các cấp công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Người từng đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam đề nghị Ban Tổ chức Trung ương nên tính toán giao biên chế cho Công đoàn trên cơ sở số lượng đoàn viên phát triển được.
“Nên giao như sau: Cứ 1.300 - 1.500 đoàn viên thì có 01 biên chế công đoàn. Cả nước có bao nhiêu đoàn viên thì tổ chức Công đoàn có tổng số biên chế tương ứng. Giao tổ chức Công đoàn có toàn quyền tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch và phân bổ biên chế về các địa phương, ngành sau khi đã bàn bạc thống nhất với Đảng bộ địa phương và ngành”, đồng chí Đặng Ngọc Tùng đề xuất.
Không được làm theo phong trào
Phân tích vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Định – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng việc tham gia tổ chức xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ cơ bản và là yêu cầu tất yếu khách quan đối với các tổ chức Công đoàn Việt Nam; nhất là việc xây dựng và phát triển cán bộ lãnh đạo quản lý xuất thân từ công nhân, cán bộ công đoàn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Định, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn không được làm theo phong trào mà tiến hành thường xuyên, liên tục, không được gián đoạn.
Đồng chí Nguyễn Văn Định – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Hải Nguyễn |
Đồng thời, “phải được quan tâm trong cả vòng đời của một con người từ khi bắt đầu được phát hiện ở dạng nguồn đến khi trưởng thành; từ trạng thái phát triển bình thường đến các bước ngoặt khi cất nhắc, bố trí, đề bạt; từ hoạt động tạo nguồn đến đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lí”.
“Điều này đòi hỏi phải khắc phục những thói quen, nếp nghĩ không đúng chỉ tập trung làm "công tác nhân sự" trước mỗi kỳ đại hội mà xem nhẹ hoặc buông trôi ở các thời điểm khác, thiếu tiến hành thường xuyên, bền bỉ với sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm cao nhất của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ”, đồng chí Nguyễn Văn Định nêu quan điểm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn phải được đầu tư cả nguồn lực tài chính và phi tài chính cho học tập, đào tạo, rèn luyện... mới có cơ hội nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có thể thích ứng với môi trường thay đổi.
Đồng chí Định cho rằng, khi chính sách tiền lương, nhà ở bảo đảm đời sống thì cán bộ mới yên tâm cống hiến, dấn thân, phấn đấu cho các giá trị công lợi, giữ gìn liêm chính, góp phần xây dựng văn hóa cầm quyền của Ðảng. Tuy nhiên, cũng không có nghĩa là chỉ cần tập trung đầu tư nguồn lực vật chất mà xem nhẹ đầu tư cho giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử và lòng tự hào dân tộc của cán bộ nguồn trưởng thành từ công nhân, công đoàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Định đề xuất một số giải pháp để xây dựng, phát triển cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp từ công nhân, công đoàn, bao gồm: Không ngừng nâng cao nhận thức và chất lượng hiệu quả công tác cán bộ của Tổ chức Công đoàn; kịp thời kiện toàn củng cố bộ máy tổ chức của Ban Chấp hành công đoàn các cấp; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn các cấp; và đẩy mạnh việc quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhà nước và công đoàn cấp trên.
Video: Đồng chí Nguyễn Văn Định – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương
Tọa đàm Khoa học “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản tổ chức sáng 19/5/2024. Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận 03 nhóm vấn đề chính: Thứ nhất, cơ sở chính trị, pháp lý về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn. Thứ hai, thực trạng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn. Thứ ba, định hướng giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn. |
5 lý do đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu từ 1/7 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đề xuất Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh tăng 6% lương tối ... |
Bắt tay phối hợp quản lý về an toàn trong ngành Xây dựng Lĩnh vực xây dựng có tỷ lệ tai nạn lao động chết người cao nhất với 18,27% tổng số vụ tai nạn chết người, theo ... |
Làm theo lời Bác là cống hiến hết mình vì quê hương, đất nước Đó là ý kiến của đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An trong bài phát biểu tại Lễ tuyên dương ... |
Tin cùng chuyên mục
Kỹ năng cán bộ công đoàn - 20/11/2024 12:26
Chị Nguyễn Thị Thu Nhi – cán bộ công đoàn trách nhiệm và tâm huyết
Đảm nhận chức vụ Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Scavi Quảng Điền, đồng chí Nguyễn Thị Thu Nhi luôn dành thời gian gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để tổ chức các hoạt động công đoàn, để lại nhiều dấu ấn trong công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động trong công ty.
Kỹ năng cán bộ công đoàn - 31/10/2024 20:51
Làm gì để công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả với người lao động?
Để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động ngày càng đa dạng, các cấp công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động để phù hợp với từng đối tượng nhằm tạo sự gần gũi với đoàn viên, người lao động.
Kỹ năng cán bộ công đoàn - 30/10/2024 15:39
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giảng về chuyển đổi số cho cán bộ công đoàn
Đầu tháng 10/2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp giảng chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số” cho cán bộ công đoàn.
Kỹ năng cán bộ công đoàn - 29/10/2024 07:55
Chuyển đổi số cho cán bộ Công đoàn: Muốn thực thi nhanh thì phải chấp nhận rủi ro!
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thực thi nhanh trong quá trình chuyển đổi số sẽ mang lại kết quả nhanh, mang lại nhiều giá trị hơn là sự hoàn hảo nhưng sẽ có rủi ro.
Kỹ năng cán bộ công đoàn - 27/10/2024 16:22
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Không thấy có vấn đề thì cũng chẳng cần chuyển đổi số"
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu cán bộ, công chức kém, làm sai nhiều; người lao động trong doanh nghiệp bị "bắt nạt"... thì khi đó mới cần tính đến chuyện chuyển đổi số.
Kỹ năng cán bộ công đoàn - 20/10/2024 20:31
Bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công tác nữ công
LĐLĐ thành phố Cần Thơ vừa tổ chức Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng công tác nữ công trong tình mới.