Chung một cội nguồn
Văn hóa - Xã hội - 29/04/2023 20:09 PHẠM XUÂN DŨNG
Thiết tưởng cũng cần nhắc lại quá khứ bi tráng của một quê hương từng dằng dặc gánh hai đầu chia cắt nay đã chung một cội nguồn. Nếu chiều dài chiếc cầu được đo bằng đại lượng thời gian thì cầu Hiền Lương thuộc loại dài nhất nhì thế giới, nó xuyên suốt đằng đẵng qua hai mươi năm mới được chạm tay vào Hòa Bình - Thống Nhất, mới bắt đầu cho một cuộc Đại Đoàn Viên.
Dường như những tác phẩm văn chương nghệ thuật đặc sắc đều có khả năng chạm vào thẳm sâu gan ruột nhiều người, làm nên nhật ký tâm hồn của một thời, của cả dân tộc. Ấy là khi nói đến những bài hát như “Câu hò bên bến Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp hay những câu thơ như đốt cháy lòng người. Thanh Hải từng diễn tả một nghịch lý: “Cách nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây” hoặc câu hỏi của Tế Hanh đau như đụng phải vết dao: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Cũng như sau này nhà thơ Cảnh Trà viết bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” hoan ca cảnh tượng thái hòa giản dị: một đám cưới đưa dâu qua cầu Hiền Lương. Một chuyện quá đỗi bình thường nếu không có chiến tranh và chia cắt, vậy mà chỉ thành hiện thực khi Hiệp định Paris ký kết. Và nói như dự cảm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ấy Nam-Bắc một nhà, “Nối vòng tay lớn”.
Có một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã gần như đi hết chiều dài lịch sử đất nước trong thế kỷ XX, đó là Lê Duẩn. Ông là người từng chứng kiến những hạnh phúc vỡ òa của dân tộc và cũng như những nỗi đau tột cùng mà Việt Nam phải gánh chịu, từ Gèneve cho đến Paris và tất nhiên cho đến 1975, cả sau này nữa. Trong chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc ngày 7/2/1955 đồng chí Lê Duẩn có mặt công khai để rồi ngay sau đó bí mật trở lại Cà Mau hoạt động cách mạng. Từ lúc ấy Anh Ba Lê Duẩn đã biết dân tộc Việt Nam còn qua lắm đoạn trường dài lâu mới bình yên qua lại cầu Hiền Lương bắc ngang qua Quảng Trị, bắc ngang qua chiều dài lịch sử ngót nghét hai mươi năm có lẻ.
Chính ông ngay khi hòa bình lập lại đã cử ngay những cán bộ tâm huyết và có năng lực về Quảng Trị với lời căn dặn chí tình. Tổng Bí thư Lê Duẩn nói với ông Lê Mậu Lộ, sau này là giám đốc đầu tiên của Nông trường Tân Lâm (Cam Thành, Cam Lộ): “Về miền Nam xây dựng cho được một nông trường tuy nhỏ mà tốt là quý lắm”. Nông trường Tân Lâm, sau đó là trường cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm đã ra đời từ những năm tháng hòa bình đầu tiên trên quê hương Quảng Trị. Bây giờ dẫu nhiều chuyện đã khác trước nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của mô hình kinh tế quốc doanh một thời của Nông trường Tân Lâm. Và có những điều trường tồn cùng năm tháng. Những thế hệ gia đình công nhân từ nhiều miền quê khác nhau của Bình Trị Thiên khói lửa và cả những quê khác nữa đã chọn nơi này làm quê hương, để lập nên một làng mới trù phú có tên là Tân Phú. Cũng nói thêm rằng làng quê này nằm ngay dưới chân cao điểm 241, ngày trước là một mắt xích phòng thủ quan trọng của lực lượng quân sự đối phương. Chính tại đây vào mùa hè đỏ lửa 1972, hai vị chỉ huy Trung đoàn 56 bộ binh của quân đội Sài Gòn là trung tá Phạm Văn Đính và trung tá Vĩnh Phong sau nhiều suy nghĩ, cân nhắc đã quyết định dẫn cả trung đoàn về với Cách mạng và Nhân dân, tránh được một cuộc binh đao nồi da xáo thịt của đồng bào nước Việt. Tinh thần vị tha, hòa hợp hòa giải dân tộc vẫn phải được nhắc lại và đem lại sự gắn kết nhiều hơn nữa. Bởi kinh nghiệm lịch sử cho hay nhất thống giang sơn là đại nghiệp vô cùng hệ trọng nhưng nó thực sự có ý nghĩa và phát huy tác dụng khi và chỉ khi thống nhất được lòng người.
Còn nhớ chỉ sau một ngày ký kết Hiệp định Paris, ngày 28/1/1973, nhà thơ lớn Tố Hữu đã cảm khái viết rằng :
Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ
Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ
Một trời êm ả, xanh không tưởng
Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ.
Đây cuộc hồi sinh, buổi hóa thân
Mùa đông thế kỷ chuyển sang xuân
Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu
Người vươn lên, như một thiên thần.
Ta lại về ta, những đứa con
Máu hoà trong máu, đỏ như son
Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi
Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!
(Việt Nam, máu và hoa)
Những câu thơ như nói hộ lòng người !
Những ai trải qua nỗi đau của chiến tranh mới thấu hiểu được ý nghĩa của hòa bình, đặng hết lòng vun đắp cho chính cuộc đời mỗi người và mọi người, cho chính những ngày mình đang sống hôm nay.
Chúng ta đã đề cập khá nhiều đề tài văn nghệ với đề tài hòa bình và thống nhất, đó cũng là vấn đề rất hệ trọng cần được tiếp tục quan tâm và phản ánh. Nhưng cũng có vấn đề khác rất quan trọng, rất thời sự trong đời sống hòa bình, đó là khép lại quá khứ, hòa hợp hòa giải dân tộc như chủ trương của Đảng và Nhà nước thông qua Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Càng ngày khát vọng hội ngộ, đoàn viên, rút lại những khoảng cách giữa người Việt với người Việt, để mong muốn mọi người lấp những hố sâu, vượt qua những khác biệt đồng tâm hiệp lực vì một đất nước Việt Nam cường thịnh.
Bởi suy cho cùng cái giá của thống nhất chính là đoàn tụ, kết nối yêu thương chứ không phải là sự kết hợp cơ học một cách miễn cưỡng. Mà phải thực sự thống nhất bằng tất cả trái tim. Cần phải làm cho mọi người Việt Nam giác ngộ đạo lý hòa hợp hòa giải dân tộc như chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra, để mọi chuyện ngày càng gần với hiện thực. Đó cũng là quan niệm hết sức nhân văn của dân tộc Việt Nam cần được lan tỏa sâu rộng.
Bởi bản chất nhân văn sâu xa và lớn lao của cuộc đời chính là thông điệp hội ngộ và đoàn viên, đại đoàn viên. Và cũng bởi người người có chung một cội nguồn từ huyền thoại Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, từ một bọc mà sinh ra nên gọi nhau hai tiếng "đồng bào" thân thương biết mấy.
Nên: Hỡi ai, con Lạc, cháu Hồng...
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả Phạm Xuân Dũng một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. “Buy me a coffee" Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Phạm Xuân Dũng bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Phạm Xuân Dũng". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 04/01/2025 10:57
Không sợ Thái Lan và lời nguyền 3 thập kỷ
Chiến thắng nức lòng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan ở trận chung kết lượt đi tại Việt Trì (Phú Thọ) đã giúp đội nhà có lợi thế nhất định trong trận lượt về. Hơn thế, nó cũng giải “lời nguyền” đeo đẳng đội tuyển tới gần ba chục năm của đội nhà trước Thái Lan.
Cà phê tối - 01/01/2025 12:30
Ước vọng đầu năm thời công nghệ
Năm mới, nhiều người có thói quen đặt ra những mục tiêu và nguyện ước. Song, kỷ nguyên công nghệ đã mở ra những hướng đi mới trong công việc tưởng chừng mộng mơ và nặng ý chí con người này.
Cà phê tối - 30/12/2024 11:35
Đằng sau công nghiệp “săn mây”
Hôm nay (30/12), UBND tỉnh Sơn La đã thông qua Đồ án Quy hoạch chung cho Khu du lịch Tà Xùa và các vùng lân cận thuộc huyện Bắc Yên, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh. Tà Xùa vẫn được giới trẻ biết đến là địa điểm nổi tiếng để “săn mây”.
Cà phê tối - 28/12/2024 14:42
Cơn sốt đội tuyển Việt Nam đã trở lại!
Cả ngàn người thức trắng đêm “đặt chỗ” đợi tới sáng mở bán vé trận lượt về bán kết ASEAN Championship giữa Việt Nam và Singapore. Nhiều nước mắt và nụ cười trong dòng người xô đẩy khi vé được bán ra sáng qua.
Cà phê tối - 25/12/2024 17:04
Sàng lọc tài khoản "ảo": Uốn tay bảy lần trước khi gõ phím
Hôm nay (25/12), tất cả các tài khoản mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản trước khi viết bài, bình luận, chia sẻ, livestream. Việc “luật hóa” này để sàng lọc tài khoản ảo, vô trách nhiệm với phát ngôn, hay đưa thông tin thiếu kiểm chứng, tin giả.
Cà phê tối - 23/12/2024 14:12
Xem Nguyễn Xuân Son ngẫm cuộc vuông tròn
Nguyễn Xuân Son đã có màn trình diễn thượng hạng trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Myanmar tại ASEAN Championship 2024. Nhưng đằng sau cơn phấn khích từ chiến thắng “out trình” ấy còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ với bóng đá Việt.