Đấu giá để không ai trúng
Cà phê tối - 04/12/2024 16:11 Mỹ Anh
Cụ thể, trong phiên đấu giá đất ngày 29/11, 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tổ chức đấu giá. Theo quy chế được đưa ra, cuộc đấu giá bắt buộc phải trải qua 6 vòng liên tục. Người trúng là người trả cao nhất trong vòng 6.
Giá khởi điểm của 58 lô đất diện tích 90-224m2 là 2,4 triệu đồng/ mét vuông. Tiền đặt trước là 223-550 triệu đồng/ lô.
Sự việc bất thường xảy ra ở vòng đấu giá số 5, hàng loạt lô đất đã được đấu với giá “trên trời”. Cao điểm, có lô được “xuống giá” tới 30 tỷ đồng/ mét vuông. Sự việc gây ngỡ ngàng không chỉ với người tham gia phiên đấu giá mà gây bất ngờ với cả báo chí và giới quan sát.
Kỳ khôi hơn, tới vòng thứ 6, những người đặt giá cao ngất ngưởng ở vòng 5 đồng loạt không tham gia đấu giá tiếp.
Đồng nghĩa, phiên đấu giá không thành công, đất không giao dịch được vì không tìm ra người trả giá cao nhất vòng 6 như quy chế. Thậm chí, những người đấu giá cao ở vòng 5 không mảy may mất bất cứ đồng tiền cọc nào vì về lý thuyết, họ không trúng đấu giá.
Cũng vừa xong, công an đã bắt với 5 đối tượng bị cáo buộc “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, Phạm Ngọc Tuấn đã bàn bạc với đồng bọn để có thể trúng đấu giá với mức tiền ước tính 1,7-3,9 tỷ đồng/ lô (khoảng 20-32 triệu/ mét vuông).
Tuy nhiên, chúng cũng đặt phương án “dự phòng” nếu giá vượt quá số tiền đã định, chúng sẽ đẩy giá cao vòng 5 rồi bỏ vòng 6 để phiên đấu giá thất bại. Đồng nghĩa, cơ hội vẫn còn nếu tổ chức phiên đấu giá khác.
Phải nói thẳng, đây là hành vi thao túng, phá hoại phiên đấu giá có tổ chức và tinh vi khi lợi dụng quy chế. Trước đó, những phiên “thổi giá” thật cao rồi bỏ cọc để tạo một nền giá mới đã gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, cách làm này vẫn mất cọc.
Đến với thủ đoạn của nhóm Tuấn ở Sóc Sơn, chúng quyết “đạp đổ” phiên đấu giá khi thấy “không ăn được”.
Hành vi ấy thách thức pháp luật, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, tài nguyên của nhà nước và những người tham gia buổi đấu giá. Chưa kể, chúng cũng tạo tiền lệ cho những “chiêu” thao túng giá hay phá hoại phiên đấu giá nếu sự việc “trôi êm”.
Đơn cử, ngay sau ngày diễn ra vụ đấu giá ở Sóc Sơn, phiên đấu giá ở Thanh Oai (Hà Nội) cũng xuất hiện nhóm người đấu giá 22 lô đất với mức giá cao vút rồi cũng lại bất ngờ bỏ cuộc ở vòng cuối để những lô này không được “chốt” ngay trong phiên. Công an cũng đang vào cuộc vụ việc trên.
Những tiền lệ này cần phải dập tắt ngay, bằng dư luận, quy chế sửa đổi và cả còng số 8. Bởi chủ trương bán đấu giá đất là đúng đắn và minh bạch.
Song, khi các “thợ đấu” phá hoại có tổ chức các phiên đấu giá, rõ ràng, mất mát không chỉ là thời giờ, công sức, tiền bạc mà còn là niềm tin vào luật chơi.
Rồi đây, những kẻ có dấu hiệu phá hoại sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song, điều những người dân trông chờ hơn là những quy chế chặt chẽ hơn để tránh tình trạng tương tự lặp lại hay tình trạng “nâng giá bỏ cọc” như đã từng xuất hiện nhiều lần.
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết "Đấu giá để không ai trúng" bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. “Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |