Đồ lính chế độ cũ - không chỉ là chuyện thời trang
Cà phê tối - 07/12/2023 15:15 AN VINH
Thời gian qua, dư luận đã nhiều lần phẫn nộ, lên án hành vi phản cảm của một số hội, nhóm mặc đồ lính Mỹ, lính VNCH trước 1975 ra đường phố, tới những nơi công cộng, thậm chí có mặt ở cả một số sự kiện văn hoá - du lịch ở một số địa phương trong cả nước.
Gần đây nhất lại xuất hiện một video clip được tung lên mạng, trong đó ghi lại cảnh một chiếc xe du lịch 36 chỗ chở đầy các ông, các bà tầm tuổi 40-60, tất cả đều vận toàn đồ lính Mỹ và lính VNCH, đổ bộ vào một khu du lịch ở một tỉnh phía Bắc. Họ đi lại nghênh ngang, nói cười rôm rả, vênh vang chụp ảnh, ghi hình selfie, khiến du khách xung quanh khu vực đó đều nhìn họ với đôi mắt đầy kinh dị.
Ngược thời gian về hồi đầu năm nay, vào chiều ngày 11/3, tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An, Ban tổ chức lễ hội Áo dài Hoa cúc biển Cửa Lò 2023 đã bố trí câu lạc bộ mô tô thị xã Cửa Lò đưa các thí sinh đi tham quan, chụp ảnh một số địa điểm trên địa bàn. Trong đoàn xe, có một số ô tô Jeep chở nhiều thí sinh không đúng với quy định, vi phạm an toàn giao thông. Đặc biệt là có một số chủ nhân và người lái những chiếc xe Jeep này đã mặc trang phục của lính VNCH.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ quần chúng, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an thị xã Cửa Lò chủ động làm việc với các tập thể, cá nhân có liên quan, thu thập tài liệu, hình ảnh để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm.
Mặc dù các lái xe, chủ xe trên đã thừa nhận lỗi vi phạm của mình tại sự kiện nói trên và chấp nhận các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng dư luận vẫn bức xúc về vấn đề trang phục của họ. Đa số các ý kiến cho rằng những hình ảnh này là kệch cỡm, phản cảm, cần lên án. Nhiều người còn đề nghị các cơ quan chức năng cần có sự phê bình, nhắc nhở Ban tổ chức lễ hội Áo dài Hoa cúc Cửa Lò vì đã để xảy ra hiện tượng nói trên.
Sau đó đúng 1 tháng, vào ngày 13/4/2023, tại Đà Nẵng, Công an quận Thanh Khê khi tiến hành kiểm tra hành chính tại nhà ông L. V. H. (SN 1977, trú tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ 497 sản phẩm gồm: quần, áo, giày dép, mũ, balo, vải dù, bi đông, bình rượu, đèn pin, áo giáp, mũ sắt... có mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng, tem nhãn quân phục nước ngoài không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Suốt một thời gian dài, “shop đồ lính" của ông H. hoạt động rầm rộ, mỗi ngày đăng hàng trăm quảng cáo vào hàng chục hội, nhóm trên Facebook và tổ chức livestream "chốt đơn" liên tục. Tất nhiên, những hoạt động trên đều không qua mắt được các trinh sát an ninh của Công an Đà Nẵng.
Nhân 2 sự việc ở Cửa Lò và Thanh Khê, rồi sau khi xem clip nói trên, tôi đã thử vào tìm trên mạng, thì giật mình kinh ngạc khi thấy có hàng trăm trang mạng với những tên gọi khác nhau, nhưng đều liên quan đến việc mua bán, trao đổi, sử dụng trang phục lính VNCH và lính Mỹ trước 1975. Một số trang nhỏ lẻ có tới gần 1.000 người tham gia nhưng cũng có những trang mà số thành viên lên tới gần hai chục ngàn người.
Cũng nhờ việc tìm hiểu về đề tài này, tôi mới được biết một sự việc mà chỉ nghe kể đã choáng luôn. Đó là việc ở Đồng Nai đã từng có hẳn một quán cà phê với trang phục nhân viên phục vụ mặc trang phục lính Mỹ, lính VNCH, dùng hình ảnh ấp chiến lược, lô cốt, xe tăng M113 để trang trí trong và ngoài, thu hút sự tò mò của không ít khách hàng, nhất là giới trẻ trong khu vực. May sao, ngay ngày đầu tiên mở hàng, quán cà phê này đã bị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Trên thực tế, các bộ trang phục lính đó hầu hết đã qua sử dụng và được mua đi, bán lại kèm theo những dòng khoe khoang về chủ nhân cũ của nó; mà hỡi ôi, như một Facebooker đã viết: “Đó là những kẻ đã tàn sát, giết hại bao nhiêu đồng bào ta. Với tôi, kẻ nào mặc những bộ đồ đó đều là mặc những trang phục của kẻ thù". Một Facebooker khác thì viết: “Có lẽ một số người muốn làm sống lại thây ma lính VNCH đã chết từ 48 năm trước rồi chăng?”
Không thể không đặt ra một vấn đề, rằng tình trạng sử dụng "thời trang lính", bề ngoài tưởng chừng chỉ là việc thuần tuý liên quan tới ăn mặc, là việc của thời trang, của mode, của trend, là “quyền cá nhân” của một số “dân chơi”, nhưng trên thực tế, nó lại tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng phản động phổ biến hình ảnh mặc đồ lính “chế độ cũ” trong đời sống và trên mạng xã hội, biến đây thành một trào lưu thời trang cho một bộ phận dân chúng cả trẻ lẫn lớn tuổi mù quáng, thiếu hiểu biết, lệch lạc quan điểm chính trị, xã hội hiện nay.
Cũng dễ nhận ra một điều nguy hại nữa, là nhiều thành viên ở các diễn đàn kiểu này thường hay chia sẻ với nhau những cái nhìn lệch lạc về chiến tranh 1954-1975 tại Việt Nam, về quân đội của các bên tham gia cuộc chiến đó. Thậm chí, họ còn cố tình tìm mọi cách thông qua việc quảng cáo bán đồ lính này để gửi đi thông điệp, chê bai quân phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa “xấu”, vừa “không chất lượng”..., nhưng lại trơ trẽn ca ngợi, lại ngu xuẩn tôn sùng một thứ giẻ rách thuộc về quá khứ là “chất lượng”, là “đẹp, tốt”...
Tất cả những chuyện kể ở trên dẫn chúng ta đến một kết luận: việc quảng cáo, mua bán, trao đổi, khoe khoang, trưng diện những bộ đồ lính Mỹ, lính VNCH cả ở trên mạng Internet lẫn ngoài đời thực sự là một hành vi cần phải lên án mạnh mẽ và chấm dứt tuyệt đối. Hoàn toàn có thể khẳng định rằng, đây là một thú chơi nguy hiểm, bởi vì nó đã vô tình, mà cũng rất có thể là cố tình kiếm cớ, để bộc lộ thái độ vô ơn với những người chiến sĩ cách mạng, những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh máu xương của mình để chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai của chúng để bảo vệ Tổ quốc. Thú chơi đó cũng là một hành vi “nối giáo cho giặc”, cho những kẻ đang âm mưu tô vẽ, thay đổi màu sắc, lẫn lộn đen trắng, nhập nhèm phi nghĩa với chính nghĩa giữa đội quân xâm lược, bán nước với đội quân chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ độc lập, tự do cho đất nước, hoà bình hạnh phúc cho Nhân dân.
Thú chơi đồ lính là một trong những hoạt động cổ suý và kích động hận thù, gợi lại nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt đất nước và chia rẽ dân tộc. Cho nên, mỗi người dân chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không tham gia các hội nhóm “đồ lính”, chủ động nhận diện, phát hiện và cùng giúp sức các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, đấu tranh với những hoạt động, hành vi phản cảm, gây bức xúc dư luận, gây phẫn nộ trong toàn xã hội đó.
Qua bài viết này, tôi muốn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan hữu trách cần phối hợp với chủ các phương tiện truyền thông trên Internet như Facebook, Youtube, Zalo, Viber, Tiktok... để sớm có những văn bản đề ra những quy định chặt chẽ, cấm tuyệt đối việc quảng cáo, mua bán online, tung hình và video clip khoe khoang, trưng diện những bộ đồ lính Mỹ, lính VNCH cả ở trên mạng Internet lẫn ngoài đường phố và những địa điểm sinh hoạt công cộng trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra, việc có một số nhóm đối tượng cổ xuý và khuếch trương cho hành vi mua bán công khai và trưng diện các bộ quân phục Mỹ, VNCH tại những nơi công cộng, tại một số sự kiện du lịch, văn hoá, giải trí ở các địa phương gần đây cần phải được người dân và các cơ quan chức năng đề cao cảnh giác, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời. Tìm mọi cách để biến đồ lính chế độ cũ thành một xu hướng thời trang rất có thể còn là một chiến thuật tinh vi nằm trong chiến lược thâm độc “diễn biến hoà bình” của các tổ chức phản động trong và ngoài nước luôn ráo riết tiến hành, nhằm tác động trực tiếp vào giới trẻ, vào những người thường quan tâm đến thời trang và dễ bị a dua theo mode , theo trend trên MXH, nhằm làm lu mờ và thậm chí là bôi nhọ hình ảnh của quân đội ta, chống lại đường lối yêu chuộng hoà bình, “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Rất mong các cơ quan có trách nhiệm như công an, văn hoá- du lịch, thông tin- truyền thông, quản lý văn hoá-xã hội, hải quan, quản lý thị trường hàng hoá nội địa và nhập khẩu vv sẽ sớm nghiên cứu, đề ra và ban hành các chế tài xử phạt nặng những hội nhóm, những cửa hiệu có hành vi mua bán, sử dụng những bộ đồ lính Mỹ, lính VNCH này. Thậm chí, để chấm dứt nó ngay từ khi đang còn trong trứng nước, ngay từ khi nó còn chưa trở thành một trào lưu trang phục , nhất là đối với giới trẻ, Nhà nước ta cần phải sớm ban hành những điều luật cụ thể, chi tiết để tiến tới việc cấm đoán chặt chẽ, triệt để đối với những cá nhân, hội nhóm và cơ sở kinh doanh có hành vi buôn bán, kinh doanh các bộ đồ lính đó.
Nhớ lại lịch sử, khi cha ông ta xưa khi nói “ nết ăn, nết mặc”, là đã coi việc mặc thế nào, mặc gì, mặc ở đâu như một NẾT của con người, tức là áo quần, trang phục không chỉ thuần tuý là cái vỏ, là thời trang, mà nó đã mang theo cả tính văn hoá và đạo đức của người sử dụng. Cho nên, câu chuyện về những hội nhóm buôn bán và mặc đồ lính Mỹ, lính VNCH, vì thế, suy cho cùng, không chỉ đơn thuần là chuyện Mặc, chuyện trang phục cá nhân, mà là câu chuyện của văn hoá ứng xử, của đạo đức xã hội, của ý thức công dân, của tinh thần cảnh giác trước nhưng mưu đồ xấu xa của bọn phản động trong và ngoài nước, là câu chuyện của sự nhìn nhận tỉnh táo và đúng đắn về quá khứ, về cuộc chiến đã im tiếng súng gần nửa thế kỷ qua ở Việt Nam.
Và vì thế, câu chuyện đó không hề và không bao giờ là một chuyện nhỏ!
AN VINH
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả An Vinh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee" Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả An Vinh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả An Vinh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 18/12/2024 14:43
“Công nghệ VAR” khi tham gia giao thông
Trong 2 ngày qua (16-17/12), hai đối tượng gây ra hai vụ việc ẩu đả trên đường khi tham gia giao thông đã bị bắt. Các vụ việc đều nóng trên mạng bởi những chiếc camera hành trình.
Cà phê tối - 16/12/2024 19:32
Kiểm định khí thải xe máy là đúng, nhưng...
Xe gắn máy, mô tô có trên 5 năm tuổi sẽ phải đi kiểm định khí thải tại trung tâm đăng kiểm. Thông tin trên từ Bộ Giao thông vận tải lập khiến dư luận quan tâm đặc biệt.
Cà phê tối - 14/12/2024 13:28
Xử phạt vợ chồng cãi vã, có gì đáng cười?
Hai vợ chồng bà T.T.M.H. và ông N.T.S. đã cãi vã, và “tác động vật lý” tại nhà riêng. Cả hai vợ chồng sau đó đều bị xử phạt hành chính.
Cà phê tối - 11/12/2024 14:38
Vụ Phó Đức Nam - Mr Pips bị bắt: “Miếng phô mai” nhà đẹp, xe sang
Phó Đức Nam - có nickname TikTok Mr Pips, vừa bị bắt cùng đồng phạm vì cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền,... Trước khi bị bắt, chúng đều khoe trên các trang mạng xã hội về cuộc sống hào nhoáng với nhà đẹp, xe sang, mỹ nữ vây quanh để dẫn dụ “con mồi”.
Cà phê tối - 09/12/2024 15:44
Cầu thủ nhập tịch∶ “Phép thử” Xuân Son
ASEAN Championship 2024 (vẫn được biết đến với tên gọi AFF Cup) đã khởi tranh hôm qua. Hôm nay, đội tuyển Việt Nam sẽ có trận đấu đầu tiên với đội tuyển Lào tại vòng bảng của giải đấu. Từ khóa của giải đấu lần này là "nhập tịch".
Cà phê tối - 07/12/2024 10:36
Khi TikToker “nhờn” biên bản
TikToker Phạm Đức Tuấn (Nờ Ô Nô) lại một lần nữa gây bão dư luận với hành vi phản cảm. Và cũng như lần trước, lần này, Tuấn nhận một biên bản xử phạt 30 triệu đồng.