Đường của công, không phải đường của ông!
Cà phê tối - 30/11/2024 12:23 Mỹ Anh
Cụ thể, theo video ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội ngày 24/11, một nhóm vệ sĩ đã cầm dùi cui tự ý phân làn đường ở Thanh Hóa. Kế đó, đoàn xe cưới với nhiều siêu xe đi qua đã không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông.
Đồng thời, nhiều xe đã bị chặn lại để “ưu tiên” đoàn xe đám cưới, trong đó có xe công vụ. Điều này khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Hơn cả, sự việc khiến dư luận bức xúc vì nhóm người đã ngang nhiên vi phạm pháp luật một cách có hệ thống.
Thông tin mới nhất, công an đã tạm giữ 4 đối tượng trong nhóm trên vì dấu hiệu “gây rối trật tự công cộng”. Bên cạnh đó, trụ sở của công ty vệ sĩ này cũng bị cảnh sát khám xét. Theo thông tin ban đầu, đám cưới liên quan tới người thân của một thành viên trong công ty.
Bắt là đúng. Bởi hành vi trên đã xé bỏ tất tần tật từ luật giao thông đường bộ tới những quy tắc ứng xử cơ bản trong xã hội. Chúng thách thức pháp luật, lực lượng thực thi pháp luật và cả nhân tâm tin tưởng vào pháp luật.
Không có lý lẽ, văn hóa ứng xử nào biện hộ được cho hành vi vô pháp vô thiên, công nhiên chiếm quyền ưu tiên bởi một đám cưới.
Thực tế, trong các xe cô dâu chú rể bình thường, người ta vẫn dán ở biển xe hay đuôi xe là “Just Married”. Hay các xe đi theo đưa dâu, đón dâu cũng dán chữ song hỷ đầu xe.
Và trong thực hành chung, phần nào, trong ngày vui, vẫn có những ưu ái nhất định dành cho đoàn xe đám cưới khi lưu thông trên đường.
Nhưng, sự ưu ái từ người tham gia giao thông ấy là sự chủ động, là cú đánh lái nhẹ nhường đường của ai đó xa lạ. Hành vi nhỏ ấy từ nhiều người đôi khi chỉ là sự đồng cảm và chúc phúc cho gia đình hai họ. Nó ý nhị và giàu trắc ẩn giữa người với người.
Điều này rất khác với việc các ông mặc đồ vệ sĩ, cầm dùi cui chặn đầu các xe đang lưu thông yêu cầu dừng xe để nhường đường cho đoàn xe đám cưới. Không sự đồng cảm nào có thể xuất phát từ cái dùi cui trỏ vào mặt cả!
Câu chuyện về đoàn vệ sĩ tự ý phân luồng giao thông đang đi dần đến hồi kết. Họ sẽ phải trả những cái giá rất đắt cho phút ngông nghênh trên đường. Ngày vui cũng mất vui vì tới đây, nhiều chiếc xe trong đoàn rước dâu cũng sẽ “lên phường”.
Đó cũng là bài học dành cho nhiều người trong cơn bốc đồng khi gia hữu hỷ sự mà mất kiểm soát bản thân, vi phạm pháp luật.
Còn câu chuyện biến đường của công thành đường của ông vẫn tiếp diễn ở muôn hình vạn trạng. Đơn cử là tình trạng các “bãi xe” tự phát chặn một đoạn đường rồi bắt người dừng ô tô ở đó phải trả tiền “trông xe”. Rất nhiều clip xuất hiện trên mạng xã hội về tình trạng này.
Những người tham gia giao thông đô thị cũng không lạ gì tình cảnh trên. Kể cả có nhu cầu hay không có nhu cầu cần trông xe, việc lấy đường chung thành chỗ “thu phí” không giấy phép, không biên lai cũng là vi phạm pháp luật.
Cũng mong rằng sau câu chuyện về chiếc dùi cui phân làn của những vệ sĩ ở Thanh Hóa, lực lượng chức năng sẽ làm mạnh hơn nữa các “biến thể” của tình trạng dùng đường của công thành “đường của ông”.
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết “Đường của công, không phải đường của ông!" bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. “Buy me a coffee” frontiers Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |