Có những giáo viên làm thêm 3 tháng hè để 9 tháng còn lại không phải lo lắng
Người lao động - 31/05/2024 20:28 MINH KHÔI (thực hiện)
Đa số giáo viên có nhu cầu tự thân nhằm nâng cao năng lực
PV: Hằng năm, giáo viên sẽ bước vào kỳ nghỉ hè và theo quan sát của mình, giáo viên sẽ có những hoạt động gì trong kỳ nghỉ này, thưa ông?
TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Giáo viên có những đặc thù riêng so với các ngành nghề khác. Họ làm việc 9 tháng với những hoạt động giảng dạy, giáo dục học sinh và có 3 tháng nghỉ hè. Đây là khoảng thời gian để họ bồi dưỡng sức khỏe, có một tâm thế, một tinh thần và nguồn năng lượng tốt nhất cho một năm học mới.
TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Minh Khôi |
Tuy nhiên, trong 3 tháng hè, giáo viên sẽ có những việc rất cụ thể. Chẳng hạn, họ phải tham gia các hoạt động mà nhà trường vẫn phải làm trong hè như tuyển sinh.
Cán bộ, giảng viên các trường đại học bắt buộc phải tham gia các công việc tuyển sinh và mùa hè của họ đôi khi bận rộn hơn, khó khăn hơn các thời điểm khác trong năm. Bởi vì tuyển sinh bây giờ theo các quy định rất mới, những quy trình không lặp đi lặp lại như trước đây.
Với giáo viên phổ thông thì dịp nghỉ hè, ngoài những việc tái tạo lại năng lượng, chăm sóc gia đình, bản thân, họ còn phải tự bồi dưỡng để có năng lực đáp ứng những yêu cầu trong năm học tới.
PV: Chúng tôi được biết, việc tổ chức tập huấn cho giáo viên thường diễn ra trong dịp nghỉ hè. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này? Và việc này liệu có ảnh hưởng đến kỳ nghỉ hè của giáo viên hay không?
TS Nguyễn Ngọc Ân: Như tôi đã nói, giáo viên phổ thông nói riêng và giáo viên các cấp học nói chung đều có nhiệm vụ bồi dưỡng. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi 2 cách: Thứ nhất là đi tham dự các lớp tập huấn được tổ chức quy mô, theo lộ trình của nhà trường hoặc các đơn vị chuyên môn cấp sở, cấp bộ; thứ hai, giáo viên tự bồi dưỡng là chính.
Ví dụ giáo viên phổ thông họ có 100 tiết tự bồi dưỡng trong một năm học, thông thường việc tự bồi dưỡng này sẽ rải ra trong năm, nhưng đa số cái quỹ thời gian tự bồi dưỡng sẽ được họ thực hiện trong hè.
Các bạn nói đến chuyện các lớp tập huấn, thì ở các trường học hiện nay, đặc biệt là các trường phổ thông đang tập trung cao điểm cho giai đoạn cuối của chu kỳ đổi mới giáo dục phổ thông. Mà chu kỳ này có những nội dung và cách thức giảng dạy, giáo dục mới. Giáo viên trong dịp hè phải đến những lớp tập huấn do Bộ, do Sở tổ chức để tiếp cận với những nội dung, cách thức dạy học mới, để họ chuẩn bị cho năm học mới.
Đây là nhiệm vụ nhưng ở các lớp tập huấn này, giáo viên đều được hưởng những chế độ ngoài giờ mặc dù không cao. Đa số giáo viên thỏa mãn với những lớp tập huấn này bởi vì trách nhiệm với công việc. Nhu cầu tự thân để nâng cao năng lực làm quên đi những nhu cầu, đòi hỏi về chế độ đãi ngộ khi tham gia những lớp này. Tinh thần chung của giáo viên là như thế!
Giáo viên đều có lòng tự trọng
PV: Nhiều địa phương cấm tổ chức dạy thêm dịp hè. Ông đánh giá như thế nào về việc này, thưa ông?
TS Nguyễn Ngọc Ân: Tôi không có thông tin cụ thể địa phương nào cấm dạy hè nhưng quan điểm chung là giáo viên có trách nhiệm, nghĩa vụ hỗ trợ người học khi họ có nhu cầu.
Rất nhiều giáo viên của chúng tôi dạy thêm, dạy ngoài giờ, thậm chí dạy trong hè chỉ nhằm mục đích là hỗ trợ cho học sinh của họ, hoặc ở khu vực của họ có được nền tảng kiến thức, bồi đắp kiến thức để tốt lên.
Lớp học tại Trường Tiểu học Nặm Pắt, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Minh Khôi |
Tôi dám nói điều này, không phải để bao biện nhưng chúng tôi thường xuyên đi đến các nhà trường và thấy rất nhiều giáo viên phụ đạo cho học sinh không lấy tiền. Giáo viên dạy thêm tự nguyện, cống hiến. Điều này là có và có rất nhiều.
Nếu như nói đến dạy thêm ở khía cạnh tiêu cực, là thu tiền và bắt học sinh đi học, thì đấy là cá biệt. Bởi vì giáo viên họ đều có lòng tự trọng. Trong dịp hè, phần lớn tổ chức dạy thêm là xuất phát từ nhu cầu gửi con của phụ huynh, nhu cầu được tăng thêm kiến thức của học trò và giáo viên họ làm việc này từ sự cống hiến nhiều hơn là thu nhập.
PV: Cũng có nhiều giáo viên tranh thủ kỳ nghỉ hè để xoay xở làm thêm, bán hàng... để trang trải cuộc sống. Điều này theo ông có làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo?
TS Nguyễn Ngọc Ân: Tôi thì nghĩ rằng ai cũng biết lương của cán bộ, viên chức nói chung còn eo hẹp, trong khi nhu cầu chi tiêu ngày một cao. Và so với mặt bằng chung của xã hội thì thu nhập của giáo viên là thấp. Cho nên việc họ kiếm thêm thu nhập từ những việc làm thêm, với tôi đấy là việc rất chính đáng. Và để kiếm thêm thu nhập, họ cũng cần có những năng lực đặc biệt.
Và những giáo viên vừa làm thêm trong dịp hè, kiếm thêm thu nhập mà lại không làm tổn hại đến danh dự của bản thân họ cũng như của đội ngũ giáo viên, thì tôi nghĩ là nên khuyến khích.
Và đó cũng là một trong những vấn đề mà Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngành Giáo dục và xã hội coi là một vấn đề cần quan tâm; để mong đợi đến một lúc nào đó, lương, thu nhập của viên chức nói chung và giáo viên nói riêng đáp ứng được những yêu cầu cuộc sống, để họ không phải đi kiếm thêm, làm thêm.
Video: TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tich Công đoàn Giáo dục Việt Nam trả lời phỏng vấn Tạp chí Lao động và Công đoàn
Tất nhiên khi giáo viên đi làm thêm thì có những việc dưới những góc nhìn khác nhau, nó cũng có sự nhạy cảm, đôi khi nó làm tổn thương, tổn hại đến hình ảnh, uy tín. Có những giáo viên cũng phải đi làm những việc rất vất vả mà đáng ra một cái nghề dưới con mắt của xã hội là không nên làm những việc đấy, mà họ vẫn phải làm. Nhặt ve chai chẳng hạn, là có. Đi bán hàng rong chẳng hạn, là có. Nhưng những việc đó không nhiều và ta không trách được họ.
Nhưng với tôi, tôi tôn trọng tất cả những việc làm đó. Việc làm nào có thu nhập, không vi phạm pháp luật, không xấu thì nên làm. Nhưng cố gắng những việc làm đó không làm ảnh hưởng đến chuyên môn, vẫn là những hình ảnh tốt, thậm chí còn nêu gương, giáo dục cho học sinh những cách thức lao động chân chính. Tôi nghĩ là tốt.
PV: Giáo viên đi làm thêm trong dịp hè sẽ được gì và mất gì, thưa ông?
TS Nguyễn Ngọc Ân: Tôi nghĩ là họ được chính cho cái ổn định cuộc sống của họ. Thậm chí có những giáo viên làm thêm để họ có 9 tháng lao động yên tâm hơn, không phải lo lắng. 3 tháng hè mà kiếm được một việc làm tốt, để có thu nhập nuôi mình, ổn định cho gia đình mình trong 9 tháng tiếp sau đó, tôi nghĩ là đáng khen.
Chuẩn bị cho thay đổi lương vào tháng 7 năm nay
PV: Xung quanh câu chuyện này, vẫn là câu chuyện lương giáo viên thấp. Ông có thể cho biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có những kiến nghị gì về vấn đề này?
TS Nguyễn Ngọc Ân: Chúng tôi tổ chức các cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với giáo viên cả nước những vấn đề mà họ đang quan tâm, đề xuất. Bộ cũng phải có trách nhiệm đề xuất với Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan những vấn đề của giáo viên. Trong các cuộc đối thoại đó có ý kiến về lương, thu nhập của giáo viên.
Bên cạnh đó, chúng tôi đi khảo sát đại diện các trường ở các vùng, từ giáo viên đến nhân viên thiết bị, thư viện, kế toán, y tế trường học… Chúng tôi tập hợp ý kiến và có những báo cáo rất cụ thể với Tổng Liên đoàn và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để điều chỉnh chế độ lương cho giáo viên, nhân viên trường học, đặc biệt là chuẩn bị cho cái thay đổi lương vào tháng 7 năm nay.
PV: Trong dịp nghỉ hè, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có những hoạt động gì cho giáo viên hay không, thưa ông?
TS Nguyễn Ngọc Ân: Chúng tôi chỉ đạo công đoàn các trường học tổ chức cho giáo viên tham quan, nghỉ mát, giao lưu, chia sẻ từ nguồn kinh phí của công đoàn và nguồn hỗ trợ của các nhà trường. Đây là hoạt động thường xuyên.
Ngoài ra, chúng tôi tổ chức ký kết các thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ, lữ hành để hỗ trợ các ưu đãi về du lịch cho các đơn vị; hỗ trợ các sản phẩm thiết yếu cho đời sống của giáo viên với giá ưu đãi.
Những hoạt động đó giúp giáo viên hiểu thêm về sự quan tâm của các cấp, các ngành đến giáo viên, người lao động trong ngành. Bên cạnh đó, giúp giáo viên ổn định tư tưởng trong bối cảnh chịu nhiều va đập bởi các nguồn thông tin hiện nay. Hè cũng là dịp để các giáo viên định vị lại, suy ngẫm lại và hưởng lợi từ những thỏa thuận hợp tác của chúng tôi; để họ thấy quan điểm, chủ trương, sự quan tâm của xã hội, các cấp các ngành, đặc biệt của ngành Giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đến với mình.
Các giáo viên sẽ thấy rõ hơn chân giá trị của nghề nghiệp, ý nghĩa của công việc họ đang làm và từ đó vượt qua khó khăn trước mắt, có niềm tin tiếp tục cống hiến cho ngành, cho xã hội.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
9 trọng tâm phối hợp giữa Chỉnh phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2024 Sáng 26/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ ... |
Để người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long “ly nông bất ly hương” Việc hoàn thiện hạ tầng đã mở ra không gian phát triển mới, hình thành các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo công ... |
Cháu bé bị bỏ quên trên xe: “Lúc chúng ta ngồi kiểm điểm thì đã mất đi một mạng người” Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã phát biểu rất đau xót và chính ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 12/12/2024 18:43
“Xây Tết 2025”: Sẽ trao hơn 18.500 phần quà cho công nhân
Chương trình “Xây Tết 2025” do Báo Nhân Dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) dự kiến hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần đến hơn 18.500 công nhân trên cả nước.
Người lao động - 10/12/2024 15:16
Bỏ phố lên non làm thợ điện
14 năm trước, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tiến quyết định rời TP.Huế để đến với vùng cao huyện A Lưới để làm công nhân ngành Điện, rồi bén duyên quyết “ở mãi không về”. Sau nhiều năm phấn đấu, vượt qua nhiều gian khó anh đã gặt hái nhiều thành công, hiện là một trong những gương mặt điển hình của ngành Điện Thừa Thiên Huế.
Đời sống - 09/12/2024 20:18
Công nhân xứ Huế kỳ vọng gì về cách mạng tinh gọn bộ máy?
Nhiều công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn tại tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ kỳ vọng cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ đưa đất nước phát triển, việc làm dồi dào, phúc lợi nâng cao...
Người lao động - 09/12/2024 18:58
Bấp bênh phận đời lao động phi chính thức
Tính đến năm 2023, số lao động phi chính thức ở Hà Nội là 1,89 triệu người và chiếm 50,17% tổng số lao động có việc làm. Dù đây là nguồn lực lớn giúp duy trì việc làm cho một phần lớn dân số, nhưng thường gặp phải những rủi ro về việc làm.
Người lao động - 09/12/2024 16:18
Sớm ban hành chính sách hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động sau sáp nhập
Cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cần phân chia những người bị ảnh hưởng thành các nhóm khác nhau để có chính sách phù hợp.
Người lao động - 08/12/2024 16:27
Tinh gọn bộ máy: Giữ chân người tài, giải quyết hợp lý nhân sự dôi dư
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định, cùng với sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải có cơ chế "giữ chân" người tài, qua đó, đảm bảo nguyên tắc xây dựng hệ thống công vụ thực tài, thu hút được người tài năng để làm công vụ.
- Đừng sợ Lý Thông nợ lương! Thạch Sanh đã có lời giải
- Người “truyền lửa” nhiệt huyết cho Công đoàn BIDV Hồng Hà
- Công đoàn quyết tâm đổi mới, tích cực sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác
- Tỷ lệ nội địa hoá xe VinFast đạt hơn 60%, hướng tới 84% vào năm 2026
- Lượng bán xe VinFast tháng 11/2024 đạt mức kỷ lục