Lâm Đồng: Giáo viên mong được giữ lại ngạch lương đã tuyển dụng
Hoạt động Công đoàn - 14/05/2024 10:21 ĐOÀN LÂM
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải tiếp thu ý kiến của đoàn viên, người lao động tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: ĐL |
Giảm tải áp lực cho giáo viên
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với cán bộ quản lý, viên chức, người lao động ngành Giáo dục và ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động ngành Giáo dục gửi tới đại biểu Quốc hội.
Cô giáo Hoàng Thị Oanh, Trường Mầm non Họa Mi, huyện Di Linh phản ánh, hiện nay giáo viên mầm non đang bị quá tải về hồ sơ sổ sách. Ngoài việc soạn giáo án, giáo viên còn phải thực hiện các hồ sơ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ nên rất vất vả. Vì vậy, cô giáo Oanh đề nghị Bộ Giáo dục nghiên cứu giảm tải hồ sơ sổ sách đối với giáo viên mầm non; đồng thời có chính sách đãi ngộ tốt hơn để giáo viên mầm non gắn bó hơn với nghề, chuyên tâm vào việc chăm sóc và giáo dục trẻ.
Theo cô giáo Hoàng Thị Oanh, đặc thù công tác chuyên môn của giáo viên mầm non thường xuyên thực hiện các hoạt động như múa, hát, thể dục và một số môn học cần sự dẻo dai. Vì vậy với giáo viên mầm non lớn tuổi sẽ không phù hợp, thiếu năng động.
“Đề nghị Trung ương xem xét bổ sung nghề giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước 5 năm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu. Như vậy cũng là tạo cơ hội việc làm cho lực lượng giáo viên trẻ, năng động, nhiệt huyết hơn”, cô giáo Hoàng Thị Oanh nói.
Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với cán bộ quản lý, viên chức, người lao động ngành Giáo dục và ngành Y tế. Ảnh: ĐL |
Cô giáo Võ Thị Kim Thoa, Trường THCS Quang Trung, thành phố Bảo Lộc thẳng thắn trao đổi, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã quyết liệt giảm áp lực cho giáo viên thông qua việc cắt bỏ nhiều cuộc thi không thiết thực đối với học sinh; thay đổi quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi để tạo thành hoạt động sinh hoạt chuyên môn; thay đổi quy định về kiểm tra, đánh giá, nhận xét học sinh theo hướng nhẹ nhàng, linh hoạt hơn...
“Tuy nhiên hiện nay vẫn còn những kỳ thi chưa hợp lý. Đề nghị không tổ chức kì thi học sinh giỏi các môn văn hóa dành cho bậc THCS; không thực hiện cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật dành cho bậc THCS vì hầu hết học sinh không đủ khả năng, trình độ thực hiện; không ít nơi, giáo viên phải làm thay, từ đó dẫn tới kì thi không minh bạch, không hiệu quả”, cô giáo Võ Thị Kim Thoa đề xuất.
Cán bộ quản lý trường học cũng phản ánh về công tác quản lý trường học cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc, cần có sự chỉ đạo từ ngành Trung ương.
Theo thầy giáo Phạm Quốc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Đức Trọng, hiện nay số tiết học theo chương trình sách giáo khoa mới tăng lên so với trước; trong khi đó tỷ lệ giáo viên/lớp và định mức tiết dạy của giáo viên lại giữ nguyên, đồng thời các đơn vị trường học cũng phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế. Vì vậy gây khó khăn, áp lực lớn cho công tác quản lý trường học trong đảm bảo chế độ cho giáo viên, nhất là các trường ở vùng khó khăn, có nhiều điểm trường lẻ, ít học sinh.
“Đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định về giao biên chế, thực hiện tinh giản biên chế trong ngành giáo dục phù hợp và đồng bộ với quy định về định biên giáo viên/lớp, định mức tiết dạy của giáo viên, số tiết học theo chương trình giáo dục phổ thông mới để đảm bảo công tác quản lý và hoạt động hiệu quả của các trường công lập”, thầy giáo Phạm Quốc Quỳnh bày tỏ ý kiến.
Đồng chí Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng giải trình, tiếp thu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: ĐL |
Mong được giữ lại ngạch đã tuyển dụng
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lần này cũng có nhiều kiến nghị, đề xuất về đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, giáo viên, người lao động.
Thầy giáo Lương Thế Nhân, Trường Tiểu học và THCS Đông Thanh, huyện Lâm Hà kiến nghị: “Đề nghị xem xét sửa đổi quy định về thanh toán tiền phép khi được về thăm quê theo hướng áp dụng đối với tất cả cán bộ quản lý, viên chức, người lao động ngành Giáo dục, thay cho quy định phải có điều kiện là về quê thăm tứ thân phụ mẫu còn sống và bị đau ốm”.
Theo thầy giáo Lương Thế Nhân, tại Thông 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, phải có đơn và được chính quyền địa phương nơi thân nhân cư trú hoặc cơ sở y tế xác nhận có người thân bị ốm đau, điều trị ở cơ sở y tế, điều trị dài hạn tại nhà, hoặc bị chết.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng trao tặng 52 suất quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: ĐL |
Cô giáo Phạm Thị Ngọc Ánh, Trường Mầm non Sơn Ca, huyện Đức Trọng phản ánh rằng, hiện nay khi thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lại lương theo các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có những trường hợp sẽ phải hạ bậc, giảm hệ số lương hoặc phải 9 năm sau mới được nâng bậc lương tiếp theo.
Theo cô giáo Phạm Thị Ngọc Ánh đặc biệt là rơi vào những cán bộ, giáo viên đã công tác lâu năm, đã có nhiều đóng góp cho ngành. Bởi trước đây, khi tuyển dụng những người này được xếp ngạch lương và hưởng hệ số lương tương ứng với trình độ chuyên môn được đào tạo; nay xếp lại lương phải tính lại theo chuẩn trình độ đào tạo đối với từng bậc học dù đã đạt trình độ trên chuẩn.
“Đề nghị xem xét, sửa đổi đối tượng áp dụng tại các Thông tư số 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lại lương theo hướng chỉ áp dụng đối với viên chức tuyển dụng từ ngày các thông tư này có hiệu lực để đảm bảo quyền lợi cho viên chức đã được tuyển dụng trước đó. Khi xếp lại lương theo chức danh nghề nghiệp không nên hạ ngạch mà cho chúng tôi được giữ lại ngạch lương đã được tuyển dụng và bổ nhiệm trước đây”, cô giáo Phạm Thị Ngọc Ánh nói.
Và còn nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất thiết thực của cán bộ quản lý, viên chức, người lao động thuộc ngành Giáo dục Lâm Đồng như: Đề nghị nghiên cứu, bỏ quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên có bằng sư phạm; trường hợp cần thiết thì bổ sung vào chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm.
Hay đề nghị nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để trả lương cho nhân viên bảo vệ và nhân viên nấu ăn nhằm giảm áp lực cho phụ huynh học sinh và công tác quản lý của nhà trường…
Video cô giáo Võ Thị Kim Thoa kiến nghị với đại biểu Quốc hội
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 21/11/2024 13:42
Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
Cô giáo Vũ Thị Tú - Trường Mầm non Kiều Mai (phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một giáo viên yêu nghề, một công đoàn viên đầy nghị lực. Cô đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, vẫn hằng ngày vừa công tác, chăm lo cuộc sống gia đình và tiếp tục chống chọi với bệnh tật. Song hành với những tháng ngày đầy gian nan đó, công đoàn trường luôn bên cạnh quan tâm, giúp đỡ cô.
Hoạt động Công đoàn - 21/11/2024 06:38
Nghĩa tình keo sơn ở Công đoàn Chi nhánh Xăng dầu Hà Nội
Anh Trịnh Xuân Dũng - công nhân bán lẻ xăng dầu tại Petrolimex - Cửa hàng 83 - Chi nhánh Xăng dầu Hà Nội (Công ty Xăng dầu khu vực I - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) là một tấm gương yêu ngành, yêu nghề và nghị lực vượt lên số phận. Mỗi khi nghĩ về người đồng nghiệp này, trong tôi lại trào lên một cảm xúc khó tả.
Hoạt động Công đoàn - 20/11/2024 08:30
Cô giáo Trần Thị Bích Hồng - dấu ấn yêu thương của Trường THCS Phan Chu Trinh
Cô Trần Thị Bích Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dù mới đảm nhận vị trí Chủ tịch Công đoàn trường chưa lâu nhưng cô đã gieo những hạt mầm yêu thương, vun đắp nên một “vườn hoa Phan Chu Trinh” đoàn kết, tươi đẹp trong lòng mỗi thành viên. Dường như với cô, mỗi ngày trôi qua đều là cơ hội để lan tỏa sự ấm áp, sẻ chia và gắn kết mọi người.
Hoạt động Công đoàn - 19/11/2024 15:00
Tổng phụ trách Đội chăm lo cho học trò như con mình
Thầy Trần Nguyễn Hữu Phong Dinh, giáo viên Trường Tiểu học Cam Hiệp Nam (Cam Lâm, Khánh Hòa) là giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội. Bằng những phương pháp sư phạm mới, tiến bộ, thầy là người lái đò âm thầm, tâm huyết đưa bao thế hệ học sinh đến bến bờ vinh quanh, hạnh phúc.
Hoạt động Công đoàn - 19/11/2024 10:06
Chủ tịch Công đoàn giỏi nghề và tâm huyết với người lao động
Anh Nguyễn Văn Nam, Tổ trưởng Tổ Gò, Nhà máy Z151 (Tổng cục Kỹ thuật) là người đam mê và sáng tạo trong công việc. Ngoài ra, anh là Chủ tịch Công đoàn bộ phận năng nổ, luôn lắng nghe và chia sẻ cùng người lao động.
Hoạt động Công đoàn - 18/11/2024 14:56
Nghị lực vượt khó, không ngừng phấn đấu để thay đổi cuộc đời
Sinh ra trong gia đình khó khăn, ba mất sớm, mẹ già làm việc kiệt sức để nuôi con cũng đổ bệnh nhưng em Lê Thị Ngọc Trang- Công đoàn viên Trường Mầm non Rạng Đông 7 (quận 6, TP. Hồ Chí Minh) vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên, vững bước trong cuộc sống. Em là tấm gương sáng về sự chịu khó và vượt qua nghịch cảnh.