Chống lãng phí ngày nhà giáo
Cà phê tối - 16/11/2024 13:38 MỸ ANH
Một nhà giáo tận tâm và công chính |
Đầu tiên, phải khẳng định, việc tri ân thầy cô là tấm lòng của học sinh và phụ huynh. Tôn sư trọng đạo là nét văn hóa đẹp được thực hành qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, xã hội hiện đại với sự phát triển về vật chất, những vấn đề cố hữu liên quan tới lãng phí những ngày này cũng xảy ra ngày một nhiều và nặng nề.
Lãng phí tiền của vào những thứ phô trương, hình thức là rõ ràng nhất. Mẹ tôi là giáo viên về hưu đã hơn 10 năm nay. Nhưng từ lúc mẹ tôi đi dạy tới lúc nghỉ hưu như hiện nay, mỗi ngày 20/11, nhà tôi vẫn nguyên một phòng toàn hoa tươi.
Dù mỗi lần học sinh mang hoa tới, mẹ tôi đều dặn một cách thực lòng, lần sau tới thăm cô là vui rồi, không cần hoa. Nhưng, học sinh vẫn mang hoa tới. Và những ngày ấy, tôi luôn tìm cách nhắn tin, gọi điện cho bạn bè nếu cần hoa tặng thầy cô của mình hay của con cái thì qua nhà tôi lấy “cho đỡ phí”.
Sau hoa tươi tặng thầy cô là những hoạt động kỷ niệm. Biểu diễn văn nghệ, làm báo tường… đều là những hoạt động ý nghĩa để học sinh thể hiện lòng biết ơn thầy cô theo khả năng của mình. Đây cũng là hoạt động ngoại khóa để học sinh có thời giờ gắn kết qua việc lao động cùng nhau. Nhưng, việc chấm giải, tạo cạnh tranh lại tạo các cuộc đua ngầm khác.
Cháu tôi - một học sinh lớp 9, kể rằng nhiều lớp trường cháu chi 10 triệu đồng chỉ để thuê quần áo biểu diễn văn nghệ chào mừng 20/11. Hay trước đây, tôi phụ trách báo tường ở lớp cấp 3, hội phụ huynh đã loại luôn chúng tôi ra khỏi quyết định trang trí báo tường như thế nào bằng việc thuê một họa sĩ vẽ tranh, kẻ chữ chuyên nghiệp để “giành giải” của nhà trường.
Tiền là thứ rõ nhìn nhất. Đằng sau nó còn là lãng phí thời gian, lãng phí nguồn lực khi phụ huynh cũng phải theo sát các hoạt động của con em. Rồi hội phụ huynh cũng thường xuyên phải chat qua Zalo để bàn kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa; phụ huynh cũng là người phải đứng ra đặt quần áo, thuê họa sĩ, mua hoa… cho các em. Vô vàn thứ lãng phí vô hình không tên khi việc kỷ niệm tri ân nhà giáo quá nặng phô trương, hình thức.
Sẽ là tốt hơn nếu các em học được cả bài học chống lãng phí, phô trương, hình thức những ngày này. Bởi yêu thương không xuất phát từ những lẵng hoa giá trị bao nhiêu tiền, những tiết mục văn nghệ hoành tráng tới đâu. Mà đôi khi, biểu đạt tình cảm chỉ là lời nhắn chân thành hay một món quà tự tay học sinh làm.
Nhắc lại, việc tri ân nghề giáo với các hoạt động như thăm thầy cô, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao, làm báo tường… đều mang ý nghĩa tốt đẹp. Dịp này cũng là ngữ liệu quý để các em có thể học bài học về lòng biết ơn và cách thể hiện lòng biết ơn chân thành, thực chất. Bởi, đây không phải chỉ là chuyện hành xử với thầy cô mà đó còn là hình mẫu để các em hành xử với các mối quan hệ khác nhau trong xã hội trên bước đường đời dài dặc sau này.
MỸ ANH
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết “Chống lãng phí ngày nhà giáo" bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. “Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |