Doanh nghiệp “khát” lao động cuối năm: Người lao động đề phòng rủi ro lừa đảo tuyển dụng
Thị trường lao động - 30/10/2024 15:33 Gia Hưng
Cảnh báo 3 hình thức lừa đảo trực tuyến mới, người lao động cần tránh! |
Nhu cầu tuyển dụng cuối năm tăng cao
Công ty Sơn Hòa SST Việt Nam (Lô D, Cụm công nghiệp Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) chuyên sản xuất các sản phẩm inox, thép không gỉ để xuất khẩu, hiện đang mở rộng đội ngũ với nhu cầu tuyển 30-35 lao động mỗi tháng.
Ông Phan Mạnh Tới - phòng Hành chính nhân sự công ty, cho biết: “Hiện tại, công ty đang tuyển dụng các vị trí như lao động phổ thông, QC, kỹ sư cơ khí và kỹ sư điện. Mức thu nhập của người lao động dao động từ 7 đến 12 triệu đồng/tháng, tùy theo tay nghề”.
Bên cạnh mức lương, công ty cũng đưa ra nhiều chính sách phúc lợi để thu hút người lao động, bao gồm đào tạo nghề, thưởng lễ, Tết, lương tháng thứ 13, và hỗ trợ nhà trọ 500.000 đồng/tháng nếu ở xa.
Tuy nhiên, ông Tới chia sẻ: “Vào dịp cuối năm, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn hơn do xu hướng của người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ thích hướng đến các công việc tự do.”
Để giải quyết vấn đề này, công ty đã hợp tác với các đơn vị cung ứng lao động nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Người lao động làm việc tại Công ty Sơn Hòa SST Việt Nam. Ảnh: ĐVCC |
Tương tự, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Lô CN9, Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng số lượng lớn lao động phục vụ mở rộng nhà máy mới.
Bà Phan Thị Tuệ Minh, đại diện công ty, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi cần tuyển từ 300 đến 500 lao động phổ thông và khoảng 70 kỹ sư để phục vụ cho nhà máy mới".
Mặc dù môi trường làm việc hiện đại, đảm bảo điều kiện 5S, với ký túc xá đầy đủ tiện nghi miễn phí cho lao động ở xa, thu nhập trung bình từ 8 đến 12 triệu đồng, cùng nhiều chế độ phúc lợi tốt… nhưng việc tuyển dụng cũng rất khó khăn.
Để tuyển được kỹ sư chất lượng cao, Meiko Việt Nam kết nối trực tiếp với các trường đại học như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia... Trong khi đó, việc tuyển dụng lao động phổ thông thường được thực hiện qua mạng xã hội như Zalo, Facebook và các phiên giao dịch việc làm ở nhiều tỉnh, thành.
Cảnh giác lừa đảo tuyển dụng
Trước nhu cầu tuyển dụng tăng cao do đơn hàng gia tăng cuối năm, nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng danh nghĩa của các công ty uy tín để trục lợi từ người lao động.
Một số hành vi lừa đảo tuyển dụng điển hình được trang tuyển dụng vietnamworks.com chỉ ra là: Giả mạo công ty lớn qua việc giả mạo địa chỉ email và gửi email tiếp cận đến ứng viên, mạo danh công ty lớn qua nội dung trao đổi qua điện thoại và các nền tảng giao tiếp, mạo danh công ty lớn để đăng tuyển trên các nền tảng tìm việc làm, hay thậm chí giả mạo cả các trang web tìm việc làm uy tín.
Người lao động sau khi được tuyển dụng vào Meiko Việt Nam sẽ được hưởng nhiều chế độ phúc lợi. Ảnh: ĐVCC. |
Bà Minh cho biết: Meiko Việt Nam đã gặp nhiều trường hợp giả mạo để lừa tuyển qua Facebook, Zalo, TikTok. Một số đối tượng dùng tên tuổi, hình ảnh công ty để tuyển dụng rồi đưa lao động đi làm ở nơi khác, hoặc thu tiền bảo lãnh từ 1-2 triệu đồng với lý do "quen nhân sự công ty" mà không đảm bảo vị trí việc làm. Khi lao động không trúng tuyển, họ không hoàn trả hoặc chỉ trả lại một phần với lý do "chi phí quan hệ".
“Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín công ty và cán bộ phòng nhân sự, dù chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc không thu phí tuyển dụng”, bà Minh giãi bày.
Hình thức lừa đảo này không chỉ gây mất lòng tin mà còn làm tổn hại uy tín của công ty. Dù vậy, việc chứng minh lừa đảo từ các đối tượng mạo danh rất khó khăn.
Giải pháp nào để phòng tránh lừa đảo tuyển dụng?
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết cuối năm các doanh nghiệp cần hoàn thành đơn hàng, kế hoạch hoạt động, cũng như giải quyết những công việc phát sinh, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh. Trong đó, ba nhóm ngành có xu hướng tuyển dụng tăng mạnh tại Hà Nội gồm: dịch vụ - thương mại, chế biến - chế tạo và công nghệ thông tin.
Để phòng tránh lừa đảo trong tuyển dụng, doanh nghiệp và người lao động nên ưu tiên nộp hồ sơ qua các kênh tuyển dụng chính thức của công ty hoặc qua các phiên giao dịch việc làm do các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức. Điều này sẽ giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo.
Bà Phan Thị Tuệ Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn tham gia các phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức để chủ động tuyển chọn lao động. Các trung tâm việc làm đã sàng lọc kỹ lưỡng về số lượng, độ tuổi và khu vực lao động, giúp chúng tôi có được nguồn nhân lực chính thức và đáng tin cậy. Trước tình trạng rất nhiều hình thức tuyển dụng nhưng cũng đầy rẫy đối tượng lừa đảo, chúng tôi hy vọng thông qua các kênh chính thức có thể tuyển dụng hiệu quả, và quảng bá thương hiệu, hình ảnh công ty một cách uy tín”.
Việc tham gia các phiên giao dịch việc làm giúp doanh nghiệp tuyển chọn lao động một cách trực tiếp và hiệu quả hơn so với các kênh khác; người lao động cũng được đảm bảo an toàn và không bị mất phí. Ảnh: T. Vân |
Ông Phan Mạnh Tới cũng thừa nhận rằng, việc tham gia các phiên giao dịch việc làm giúp công ty tuyển chọn lao động một cách trực tiếp và hiệu quả hơn so với các kênh khác như mạng xã hội.
“Chúng tôi nhận thấy, qua các phiên giao dịch việc làm chính thức, thông tin tuyển dụng của công ty đã đến được với người lao động tại các thôn, xã, giúp họ dễ dàng tiếp cận với doanh nghiệp và phỏng vấn trực tiếp, tránh mất công đi lại, đảm bảo an toàn" ông Tới chia sẻ.
Vì các thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng sẽ ngày càng tinh vi, người lao động cần được chia sẻ thông tin để nâng cao cảnh giác, bảo vệ mình trước thực trạng lừa đảo hiện nay. Trong đó, người lao động cần lưu ý, các công ty uy tín thường không yêu cầu nộp phí khi ứng tuyển. Nếu có yêu cầu nộp tiền, người lao động nên xem xét và xác minh kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định.
Để tránh các đối tượng trung gian, người lao động có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để xác nhận thông tin tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp người lao động nắm rõ thông tin mà còn tạo cơ hội phỏng vấn trực tiếp, tránh mất thời gian đi lại không cần thiết.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động xác minh và thông báo các kênh tuyển dụng chính thức để người lao động tránh nhầm lẫn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý các đối tượng lừa đảo.
Voice: Bà Phan Thị Tuệ Minh - Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam chia sẻ về các hình thức bị lừa đảo tuyển dụng.
Công nhân bỏ phố về quê - Đâu có gì mà hốt hoảng! Thúy, công nhân một nhà máy da giày ở Đồng Nai quyết định về quê làm việc và sinh sống sau gần 10 năm lang ... |
Mức hỗ trợ tối đa cho đoàn viên theo Chương trình Chợ Tết Công đoàn năm 2025 trực tuyến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ hỗ trợ bằng tiền cho một số đoàn viên công đoàn để mua hàng hóa, sản phẩm ... |
Các bước hòa giải viên hòa giải tranh chấp lao động cá nhân Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động được quy định chi tiết tại Bộ Luật Lao ... |
- Long An: Công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động trong 27 vụ án
- Giá chung cư Hà Nội tăng chóng mặt, người lao động hụt hơi "giấc mơ an cư”
- Những bữa ăn chất lượng của công nhân xứ Huế
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giảng về chuyển đổi số cho cán bộ công đoàn
- Doanh nghiệp “khát” lao động cuối năm: Người lao động đề phòng rủi ro lừa đảo tuyển dụng