Từ tâm làm mẹ
Đời sống - 20/03/2022 12:49 BỘI NHIÊN
Mẹ chỉ bảo con biết làm việc để tự chủ cuộc sống. Ảnh: Bội Nhiên |
"Người mẹ ăn bằng tô"
Lúc chào đời vào các năm 1995, 1998 và năm 2008, hai con trai và con gái của anh H.Ng.Th. và chị H.Th.Y. ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đều bình thường nhưng những biểu hiện của bệnh bại não và khiếm khuyết vận động nặng dần theo độ lớn của tuổi. Từ đó, hành trình chống chọi với những khuyết tật của 3 người con của vợ chồng họ đã trải qua hàng chục năm đưa 2 con trai đi phục hồi chức năng (PHCN) tại cơ sở y tế và Hội Từ thiện của tỉnh (cách nhà 15 km) vào buổi sáng, và tối đón về nhà.
Chăm nuôi con ở cơ sở PHCN, vì không có tiền mà chị Y. phải nhịn ăn trưa nhiều ngày, qua nhiều năm nên bị teo cuống dạ dày. Với một gia đình sinh sống bằng công việc thợ nề của người chồng và nghề làm ruộng của người vợ mang lại thu nhập chưa đến một triệu đồng mỗi tháng thì việc PHCN cùng lúc cho 2 con trai đã đẩy cả nhà vào những tình huống cơ cực.
Hoàn cảnh gia đình càng khó khăn hơn khi ngôi nhà nhỏ của họ bị sập hoàn toàn vào năm 2004 và cô con gái ra đời cũng với chứng bệnh bại não, khó khăn vận động mà từ đây mỗi lần anh lớn ốm đau là hai em đều ốm đau và một em ốm là hai anh em còn lại cũng ốm. Bởi vậy mà chị Y. từng thốt ra câu nói: “Tui là người mẹ cả đời ăn bằng tô” vì mỗi bữa ăn chị luôn phải lấy cơm và thức ăn vào một cái tô lớn để vừa ăn vừa cho 3 đứa con đều không đi đứng được, không nói được, không tự ăn được cùng ăn. Khó khăn vẫn chưa dừng lại khi anh Th. bị tai nạn giao thông làm vỡ xương chậu buộc anh sau đó phải nghỉ làm thợ nề,…
“Người mẹ ăn bằng tô”luôn vì sự bình yên của các con.Ảnh: Bội Nhiên |
Trong những thử thách nặng nề của số phận và những khó khăn bủa vây đậm đặc quanh gia đình mình, chị Y. là người mẹ luôn ở bên các con và là người bạn thân nhất của các con trai, con gái khuyết tật. Để nuôi dưỡng, chữa bệnh và PHCN của các con, chị Y. không buông tay trước những nghiệt ngã của cuộc sống. Vay vốn tín dụng quay vòng của Hội Từ thiện, mượn thêm tiền từ họ hàng để chăn nuôi bò cái rồi nuôi thêm lợn nái đến sắm máy xay xát lúa, chị Y. cùng chồng con vượt qua khốn khó.
Là "người mẹ ăn bằng tô" vì cùng lúc chăm sóc 3 người con khuyết tật nên chị Y. luôn cùng lúc phải suy nghĩ và hành động nhiều lần vì các con. Và bởi là người mẹ thật sự nên chẳng bao giờ chị Y. rảnh rỗi vì nếu đưa con trai nhỏ đi khám bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh thì đồng thời phải đưa con trai lớn đi khám bệnh ở Bệnh viện Trung ương Huế, vừa chăm đàn lợn nái vừa xay xát lúa theo yêu cầu của khách, vừa làm xong nhà mới là vay thêm vốn để phát triển kinh tế gia đình không ngoài mục đích có điều kiện tiếp tục chữa bệnh và PHCN cho các con.
Có phải vì vậy mà trong sâu thẳm tâm hồn đã hiểu, mẹ là người tuyệt vời nhất đối với anh em mình trên thế gian này nên bây giờ con gái của chị Y. đã có thể bập bẹ nói, chập chững đi, cho thấy mình rất vui khi lấy giúp mẹ một vật dụng rất nhẹ như chiếc gáo nhựa dùng xúc lúa bên máy xay xát với những tiếng à ơi của con trẻ…
Hy vọng của một người mẹ: Con trai tự chủ trong cuộc sống
Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với chị Ng.Th.L. trong ngôi nhà đơn sơ của mẹ con chị ở xã Cam Nghĩa mang đến trong tôi ý nghĩ: "Người mẹ có con bị khuyết tật bẩm sinh này mới chính là nhân vật trung tâm của câu chuyện về nỗ lực và ý chí của một gia đình khuyết tật trong hoàn cảnh sống rất nghèo khó".
33 tuổi thì chị Ng.Th.L. sinh con lần thứ hai vào năm 2005. Từ khi được sinh ra, con trai của chị L. đã hay há miệng, thường xuyên nhểu nước miếng và khi cậu bé vừa được 3 tháng tuổi thì người bố nhất quyết ly hôn.
Để nuôi hai con, chị L. đi lượm ve chai khắp vùng, khi không có người giúp trông con thì đặt con trong giỏ xe đạp chở đi cùng. Có lần đi mua trứng vịt đi bán thì bất ngờ bị ngã nên trứng vỡ hết, chị ôm con ngồi khóc bên đường. Lên 2 tuổi cậu con trai mới biết đi và mặc dù các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán xác định là cậu bé bị chậm phát triển trí tuệ bẩm sinh nhưng chị L. vẫn xin cho con đi học mẫu giáo.
Cũng trong năm ấy, chị L. đưa con trai tới Trung tâm PHCN trẻ khuyết tật của xã. Những ngày đầu ở Trung tâm, cậu bé không làm theo bất cứ điều gì mà các kỹ thuật viên, cộng tác viên và tình nguyện viên PHCN dạy bảo khi tập nói, hướng dẫn lau tay hoặc nhận biết màu sắc. Không những thế, mỗi lần bị nhắc nhở là cậu bé lại đứng bất động, gồng cả hai tay và hét lớn giữa phòng tập ngay cả lúc đang trưa, làm mẹ phải chạy tới dỗ dành hoặc đưa về nhà.
Vì quyền lợi của con trai, chị L. tham gia Câu lạc bộ Người khuyết tật và đều đặn đưa con trai đi tập PHCN. Khi chị L. ở tuổi 45, cậu con trai chậm phát triển trí tuệ của chị đã học hòa nhập ở lớp 5 tại Trường Tiểu học của xã.
Với cô con gái sinh năm 1995 cũng thuộc diện hộ nghèo đang nuôi con nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh và con trai 12 tuổi chậm phát triển trí tuệ nên phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ, không thể biết mỗi ngày chị L. đi bao nhiêu bước chân bởi khi con trai học hòa nhập ở trường là lúc người mẹ cắt cỏ và chăm sóc bò cái, bò con rồi đi lượm ve chai.
Và mỗi khi cậu bé bị nhức đầu lúc đang học bài, phá cây trong vườn hoặc ném đá vỡ mái tôn nhà người khác trong làng do ảnh hưởng của hội chứng tăng động thì người mẹ ấy lại cố gắng chăm sóc, bảo ban con trai.
Có lần, một mình chị L. gắng sức làm việc để trang trải các khoản nợ hơn 60 triệu đồng mà vẫn duy trì việc PHCN cho con trai với hy vọng rồi sự tiến bộ sẽ đến cùng sự phục hồi ý nghĩa nào đó. Bởi là một người mẹ, chị hy vọng con trai mình PHCN tốt để khi lớn lên sẽ tự chủ trong cuộc sống...
|
Làm "mẹ" của cháu ngoại
Cuối tháng 11/2014, Google “dậy sóng” với sự tìm đọc các phóng sự, ghi chép: Nghị lực của cậu bé khuyết tật, Một câu chuyện cảm động: Trò không tay, cô cầm chân dạy viết, Nghị lực đáng nể của cậu bé không tay, Câu chuyện cảm động về cậu bé không tay viết chữ đẹp khiến người xem rơi nước mắt, Cảm động cậu bé 8 tuổi “viết” nên cuộc đời bằng đôi chân kỳ diệu, Cô giáo của cậu bé viết bằng chân. Qua báo chí, cậu bé khuyết tật Hà Văn Tài và bà ngoại nghèo cùng cô giáo chủ nhiệm nhân hậu ở xã Cam An được quan tâm nhiều hơn và cũng từ đây, cuộc sống của Tài đã đổi thay…
Chững chạc bước vào mặt sân được láng xi măng phẳng lì, Hà Văn Tài vừa tươi cười với bà ngoại vừa hỏi tại sao bà gọi mình phải thôi chơi đá banh với các bạn trong thôn để về nhà lúc này. Nhìn hai ống tay áo trống không và nụ cười xinh xẻo của Tài trong làn nắng vàng giữa sân, chúng tôi cố nén nỗi kinh ngạc xen lẫn sự vui mừng trước cậu bé đã chào đời trong tiếng khóc ngất lịm của người mẹ và những giọt nước mắt thương xót của bà ngoại vào ngày 24/12/2006.
Ngồi bên bà ngoại đang tiếp chuyện với khách, Tài trả lời mọi câu hỏi dành riêng mình. Rồi Tài bảo mình muốn tắm để thay quần áo đã dính bụi và mồ hôi khi đá banh nên đi ra vòi nước máy ở góc nhà. Tài dùng hai ngón chân để mở vòi nước rồi ngồi xuống chiếc ghế con ở ngay dưới dòng nước đang chảy để tắm.
Bà ngoại của Tài vừa giúp cháu xoa xà phòng vừa nghe cháu kể một chuyện xảy ra ở trận banh lúc nãy của đám trẻ. Khi tắm xong và đã thay quần áo mới, gương mặt của Tài sáng bừng và chớm rõ nét cương nghị thật dễ mến, đáng yêu. Tài nắn nót viết bằng bàn chân trái những con chữ rất đẹp nhờ sự rèn luyện của cô giáo và nghị lực của bản thân khi khách xa vừa đề nghị Tài viết tên mình trên trang giấy trắng. Viết xong, Tài lấy chiếc điện thoại di động của bà ngoại để chơi trò chơi bằng mấy ngón chân khá mũm mĩm.
Sực nhớ tới những viên bi nhiều màu sắc mới mua, bà ngoại quấy quả tìm lấy rồi đưa cho Tài. Tài chơi bi bằng cách giữ viên bi ở ngón cái của bàn chân trái và dùng ngón cái của bàn chân phải bắn bi. Viên bi nảy mạnh trên nền xi măng rồi lăn về phía trước cái cười làm nheo đôi mắt tròn trong veo của Tài.
“Cậu bé không tay” đọc giỏi, viết đẹp. Ảnh: Bội Nhiên |
Bà ngoại là "mẹ" của Hà Văn Tài. Từ lúc Tài được gửi lại trong tình thương và sự nghèo khó của bà ngoại với hình hài không có đôi tay và đôi chân không chỉ bên ngắn bên dài mà còn bàn chân phải chỉ có bốn ngón cong cong, niềm vui thì có thể đếm được nhưng lo âu là không giới hạn trong trái tim của người bà.
Yêu thương và lo lắng, bà ngoại và mẹ đặt tên Tài cho cậu bé với hy vọng “có nhiều tài để thắng tật”. Bà ngoại bù đắp cho Tài sự thiếu hụt hơi ấm của người mẹ, vất vả lo từng bữa ăn, vui đến thắt lòng khi những tiếng đầu tiên mà cậu bé bập bẹ cất lên khi tập nói là “Mệ!” (bà), xót xa trong những lúc nhìn cháu len lén co chân lau nước mắt chảy trên mặt vì đói bụng, nén nước mắt để an ủi và động viên đứa cháu bé bỏng khi cháu hỏi tại sao mình không có tay, nghẹn ngào thấy cháu lặng lẽ đứng nhìn đám bạn cùng tuổi đến trường…
Thương cháu, bà ngoại đánh bạo bồng cháu đến Trường Tiểu học của xã xin cho cháu vào học nhưng với khuyết tật như thế, cháu chỉ có thể học ở trường khuyết tật. Để cháu có niềm vui đến trường, bà ngoại đạp xe chở Tài vào Trường Khuyết tật của tỉnh học chữ mà chỉ sau một tháng thì sự hoạt bát, thông minh của Tài đã khiến giáo viên của trường khuyến khích đưa cậu về học ở Trường Tiểu học của xã để có điều kiện phát triển bình thường. Và, bà ngoại đã rơi nước mắt và lòng vui khôn xiết khi Tài được nhận vào học…
Sau nhiều khổ luyện trong suốt năm học lớp 1 với sự chăm chút tận tâm của cô giáo chủ nhiệm, sự hòa đồng của chúng bạn, sự nuôi dưỡng và chăm sóc của bà ngoại cùng nghị lực tuyệt vời của mình, Tài đã có thể viết những dòng chữ đều đặn, thẳng tắp, ngay ngắn và sạch sẽ bằng chân trái đồng thời đọc tốt tiếng Việt, giải toán có lời văn cũng như rất thích vẽ.
Báo cáo năm 2015 của Hội Người khuyết tật xã Cam An ghi rõ: “Một đối tượng không có hai tay là Hà Văn Tài rất cố gắng luyện tập và là một học sinh tiểu học khá giỏi. Năm 2015, Hà Văn Tài thi viết và vẽ bằng chân do Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị tổ chức. Đọat giải Nhất của kỳ thi, Tài được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi của tỉnh đưa ra Hà Nội nhận học bổng”.
Cũng từ đây, Tài ước mơ trở thành thầy giáo như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Trong từng ngày Tài đến trường với giấc mơ cao đẹp của mình, bà ngoại tần tảo trồng lúa, trồng rau, nuôi lợn, để dành từng món tiền lo cho Tài trong tương lai…
Họ - người là mẹ, người thay mẹ làm mẹ đã và đang là những minh chứng thật nhất cho thấy “Làm mẹ là một thái độ sống chứ không chỉ là mối liên hệ về sinh học” (Robert A Heinlein). Cuộc đời của những người mẹ ấy là những chuỗi dài nghịch cảnh có cả niềm vui và nỗi sợ hãi với những đứa con khuyết tật do các rối loạn nào đó nhưng chưa bao giờ thiếu sự dịu dàng, âu yếm và lo toan dành cho con, cháu. Thương yêu con là bản tính, là thiên tư của người mẹ nhưng những người mẹ ấy làm mẹ với rất nhiều tri thức trong lĩnh vực khoa học nhân bản khi cùng con đối mặt và vượt lên khuyết tật trong từng giây phút, làm sáng lên vẻ đẹp cao quý và thiêng liêng của tình mẫu tử bằng nỗi từ tâm vĩnh hằng. |
Người mẹ công nhân bật khóc, thương con thiếu thốn khi học online Tăng ca, thêm việc để tích góp lo cho năm học mới của các con, thế nhưng chị Bé vẫn phải bật khóc bất lực ... |
Người mẹ bật khóc tại chốt khi không thể vào Đà Nẵng chăm con khuyết tật sắp sinh Không chỉ người ra khỏi thành phố gặp khó khăn mà ở chiều ngược lại những người muốn vào thành phố cũng vấp phải những ... |
Nỗi buồn của hai người mẹ trẻ có con bạo bệnh Gánh nặng mưu sinh, gánh nặng bệnh tật cùng lúc đè lên đôi vai của những người lao động nghèo. Hai người mẹ trẻ, hai ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng