Tác quyền tiền tỉ và công nghiệp sáng tạo
Cà phê tối - 18/01/2025 13:55 Mỹ Anh
Cụ thể, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà VCPMC đã thu trong năm là hơn 393 tỉ đồng, tăng 14,2% so với năm 2023. Trung tâm cũng thông báo, nhiều nhạc sĩ đã nhận được tiền trăm, tiền tỉ trong năm.
Đặc biệt, Trung tâm cũng đã đòi được tiền tác quyền từ những bộ phim nước ngoài, trong đó, có một bộ phim Mỹ đa chi trả tác quyền cho một ca khúc của tác giả ủy quyền trung tâm hơn 1 tỉ đồng.
Chuyện này không phải của riêng giới nhạc sĩ hay VCPMC mà những thông tin trên là những tín hiệu rất vui với người làm công nghiệp sáng tạo nói chung.
Bởi, rõ ràng, qua câu chuyện của tác quyền âm nhạc, thấy rõ, chuyện một ca khúc bất hủ nuôi cả đời nhạc sĩ không phải là ví von hình tượng nghĩa bóng. Nó hoàn toàn có thể thực hiện bằng những thiết chế hiện đại liên quan tới nền tảng sáng tạo.
Cụ thể, bộ phim Mỹ trả tác quyền cả tỉ đồng cho một nhạc sĩ Việt Nam vì họ tôn trọng tác quyền. Nhưng họ cũng sợ cả những hệ lụy nếu lờ chuyện này đi. Nhẹ thì các nền tảng chiếu phim sẽ phải gỡ bộ phim này do tác quyền. Nặng hơn là sự tẩy chay lâu dài của công chúng dành cho cả bộ phim lẫn những người làm ra bộ phim vì không trả tác quyền. Nặng hơn nữa là ra tòa với những vấn đề pháp lý.
Còn nhớ, trước đây, khi bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan được trả giá 100 triệu đồng tiền tác quyền, đó là một kỳ tích trong giới văn nghệ. Đến tận giờ, đó vẫn là bài thơ đắt giá nhất về giá trị tiền bạc mà công chúng được biết đến.
Song, so với những nhạc sĩ đang nhận tiền đều đều qua các show ca nhạc, chương trình giải trí, quảng cáo, nó không là gì. Và hoàn toàn có thể nói, VCPMC đã giáo dục được thị trường, tạo một tiền lệ mới cho nhận thức và hành vi liên quan tới tác quyền các tác phẩm nghệ thuật.
Qua rồi thời, “hát chùa” bài hát của các nhạc sĩ trong các chương trình bán vé thương mại. Qua rồi thời, nhạc sĩ tài hoa, nhiều tác phẩm nổi tiếng, được hát ở nhiều chương trình lớn nhưng vẫn nghèo. Qua rồi thời, các nhạc sĩ phải làm ra tiền từ công việc khác kiếm sống còn sáng tác nhạc chỉ để thỏa niềm ham thích.
Tất cả nỗ lực, thành quả của các nhạc sĩ bây giờ đều được trả công xứng đáng, bằng tiền, qua từng chương trình.
Việc thay đổi “ngoạn mục” trên trong đời sống sáng tạo của các nhạc sĩ khiến người ta có quyền hi vọng vào vấn đề tác quyền của nhiều lĩnh vực khác trong công nghiệp sáng tạo.
Nó cũng đưa chỉ dấu rằng công nghiệp sáng tạo chỉ có thể thúc đẩy nhanh, mạnh, vững chắc khi tác quyền đảm bảo, người sáng tạo được trả công xứng đáng cho những gì họ đã nỗ lực tạo ra.
Minh chứng rõ nhất là các “nhà sáng tạo nội dung số” trên các nền tảng nghe nhạc, podcast, phim ngắn… Họ làm miệt mài, làm quên ngày tháng bởi họ biết, nếu thành quả đủ tốt, họ sẽ được hưởng lợi xứng đáng từ các nền tảng. Đó là cái lý của thị trường.
Và, để mong một nền văn nghệ nói riêng hay công nghiệp sáng tạo với nhiều lĩnh vực nói chung có thể trăm hoa đua nở, mấu chốt vẫn là những trung tâm như VCPMC- những đơn vị có năng lực và thẩm quyền để đấu tranh với tình trạng dùng chùa, xài free.
Thêm nữa, chúng ta cần cả những chế tài mạnh mẽ và nghiêm khắc hơn với những tình trạng ăn cắp chất xám bừa bãi.
Bởi suy cho cùng, công nghiệp sáng tạo sẽ là một trong các dòng chủ lưu của kinh tế thế giới nói chung. Muốn nội lực mạnh, chúng ta cần một nền công nghiệp sáng tạo mạnh. Nó vừa đảm bảo căn cước văn hóa, vừa có thể đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.
Chúng ta cần nhiều hơn những nghệ sĩ có thể kiếm tiền tỉ từ sáng tác của mình; cần hơn nữa những “nhà sáng tạo nội dung số” có sức ảnh hưởng tích cực có thể sống khỏe từ nỗ lực của họ; và cần hơn nữa cả ý thức công chúng lẫn những chế tài pháp lý cũng như công nghệ để đảm bảo, không sự sáng tạo nào có thể bị “ăn cắp” dễ dàng và trơ trẽn.
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết “Tác quyền tiền tỉ và công nghiệp sáng tạo”, bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một “ly cà phê” thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. “Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng “ly cà phê” cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: “Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh”. Đọc cà phê tối, tặng “cà phê” là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một “ly cà phê”. Mỗi “ly cà phê” trị giá 23.000 đồng (1 USD). |