Điểm tựa của buôn làng
Điểm tựa của buôn làng

PV: Nhìn lại 40 năm có mặt ở Tây Nguyên, điều lớn nhất mà Binh đoàn làm được cho mảnh đất này là gì thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Chúng tôi đã biến một vùng đất rộng lớn vốn là chiến trường ác liệt, đầy tàn tích chiến tranh trở thành một vùng cao su, cà phê bạt ngàn, trù phú với hàng trăm điểm dân cư mới được thành lập chạy dọc trên 250km đường biên giới ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Quảng Bình - nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong bất cứ thời kì lịch sử nào của dân tộc.

Theo năm tháng, chúng tôi đã từng bước khẳng định tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Binh đoàn 15 trên cả ba mặt chiến lược “xây dựng vùng chiến lược, cây chiến lược và con người chiến lược”, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Suốt 40 năm, Binh đoàn luôn gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, khai thác có hiệu quả tiềm năng tại chỗ, góp phần ổn định đời sống nhân dân, tạo lập “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Điểm tựa của buôn làng

PV: “Thế trận lòng dân”, Thiếu tướng có thể diễn giải đôi chút về nhiệm vụ đặc biệt này?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Có thể hình dung thế này, 6 huyện biên giới trải dài qua 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum trước đây là một khoảng trống, sau 40 năm những người lính Binh đoàn có mặt giờ đây đã là cây cao su, là những đội sản xuất, những vùng đất trắng ấy chúng tôi đã tuyển công nhân từ khắp cả nước, chú trọng tuyển đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đưa cây cao su lên trồng và chăm sóc, khai thác, mỗi công nhân cũng là một người dân, cùng với chính sách hậu phương, chính sách an sinh xã hội, mỗi người dân ấy dần dần thành những hộ dân, mỗi đội sản xuất thành một thôn làng.

160 đội sản xuất ở trong nước của chúng tôi, mỗi đội là một cụm dân cư đi theo, chúng tôi phối hợp với địa phương làm đến đâu đưa dân đến đấy. Đầu tiên ở tập thể, khi có thu nhập rồi thì hỗ trợ tách hộ riêng, bằng cách ấy chúng tôi đã tạo tiền đề để thành lập 3 huyện mới. Ngày xưa Mo Rai là một xã diện tích rộng tương đương tỉnh Thái Bình, là trọng điểm sốt rét, không có dân vì người dân lên sốt rét bỏ về hết.

Bây giờ có định hướng phát triển bền vững, thành lập huyện mới Ia H’Drai dân lại lên, bên cạnh lực lượng dân nòng cốt của Binh đoàn hình thành thêm các cụm dân cư. Các đội sản xuất của chúng tôi đội trưởng kiêm trưởng thôn. Các đội sản xuất có các tổ an ninh trật tự, tổ tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc…

160 đội sản xuất của Binh đoàn bố trí xen kẽ 271 thôn làng, gắn bó chặt chẽ với nhau, quan hệ mật thiết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, giữa nhiệm vụ quốc phòng an ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế, đó chính là một thế trận vững chắc bảo vệ Tổ quốc.

Chúng tôi đã tạo ra trên khu vực biên giới hàng trăm kilomet vùng đệm, buôn lậu, tội phạm, vượt biên có muốn qua cũng khó. Lãnh đạo 6 huyện biên giới của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đều thừa nhận, không có các anh chúng tôi khó mà hoàn thành được nhiệm vụ.

Điểm tựa của buôn làng

PV: Nhưng dân đi đến đâu còn phải có điện đường trường trạm…

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Hàng ngàn kilomet đường giao thông nội vùng, hàng trăm kilomet đường điện, hàng chục trường học, bệnh xá, hàng trăm điểm trường mầm non đã theo dấu chân người lính Binh đoàn mà mọc lên, chăm lo cho con em công nhân, con em đồng bào dân tộc, cho người già, trẻ nhỏ và cho chính những công nhân của chúng tôi.

Những nơi mà hệ thống y tế, giáo dục của nhà nước chưa vươn tới được thì chúng tôi đã thay mặt Đảng, Nhà nước làm cho dân. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm, tạo những cơ sở hạ tầng đầu tiên cho một cuộc sống mới. Những bản làng mới từ từ theo đó mà hình thành.

Ở những vùng trắng không dân hoặc những vùng có một số buôn làng đồng bào dân tộc đa phần cuộc sống còn nghèo nàn, lạc hậu với nhiều hủ tục, những người lính của Binh đoàn đã về với dân, cầm tay chỉ việc, dạy họ cách làm ăn, phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống văn minh.

Nói thì dễ nhưng để có được kết quả ấy là cả một quá trình. Binh đoàn mới thành lập 40 năm nhưng các đơn vị thành viên thì đã ở Tây Nguyên hơn nửa thế kỉ, tiếp nối từ những năm tháng chiến tranh trên chiến trường B3. Không có dân, không giữ được dân thì không có thế trận nào cả.

Điểm tựa của buôn làng
Điểm tựa của buôn làng

PV: Những năm vừa rồi, giá cao su thế giới xuống thấp đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Binh đoàn đã giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng như thế nào để hài hòa, và giải pháp cho những thời điểm không thuận lợi như vậy là gì?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Giá cao su xuống thấp trong những năm qua đã tạo ra cho chúng tôi những áp lực. Áp lực trong việc cân đối giữa các nhiệm vụ. Với tính đặc thù cao, Binh đoàn xác định sản xuất không phải để lấy lợi nhuận mà để đưa dân lên giữ đất, xây dựng cuộc sống. Có năm lỗ kéo dài, kiểm toán vào chất vấn chúng tôi tại sao lỗ mà vẫn trả lương cao, tôi bảo rằng, “lỗ nhất là để mất dân”.

Nói thì nói vậy nhưng chúng tôi cũng đã thực hiện những biện pháp thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu, giảm chi phí sản xuất. Từ sáu bảy năm nay Binh đoàn đã thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất rất hiệu quả, để sản xuất ra 1 tấn cao su trước đây chi phí hết 50-52 triệu, các đơn vị của chúng tôi tìm mọi biện pháp để giảm xuống 40 triệu rồi 30 triệu, thậm chí là dưới 30 triệu, tiết giảm trên dưới 40%.

Về nguyên tắc làm kinh tế lỗ phải dừng, nhưng vì nhiệm vụ Quốc phòng chúng tôi vẫn phải duy trì. Thời gian dịch bệnh cũng vậy, một số lãnh đạo cấp cao của Nhà nước vào kiểm tra bảo Hà Nội cũng chỉ trả lương 3 triệu để người lao động duy trì cuộc sống sao ở đây vẫn trả cao thế.

Chúng tôi hiểu, công nhân của chúng tôi một người nuôi cả gia đình, đã thu hút họ vào làm việc thì phải chăm lo cho họ. Coi như là chi phí dân vận để giữ dân nhưng đưa vào đồng lương nó có giá trị cao hơn, căn cốt hơn, họ sẽ có trách nhiệm ngược lại với đơn vị. Cao su của chúng tôi được chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, quản lí quy trình cũng tốt, 7 năm đầu tư cộng với 24 năm khai thác cho mủ, do thực hiện tốt mà chu kì khai thác được kéo dài, hơn nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng địa bàn.

Điểm tựa của buôn làng

PV: Triển khai rất nhiều nhiệm vụ, trong rất nhiều vai trò, đòi hỏi phải đạt được rất nhiều mục đích như vậy nhưng Thiếu tướng nhắc đến những thông tin thuận chiều, liệu có những sự trái chiều nào đó mà những người lính Binh đoàn gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kép?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Chúng tôi làm tất cả để an dân, gắn bó người lao động, gắn bó các dân tộc thiểu số với nhau, không gây xung đột về lợi ích. Các dự án của Binh đoàn đều bố trí diện tích đất để dân sản xuất. Chúng tôi đã đề ra công thức “suối-dân-bộ đội”, nghĩa là, từ mép suối trở lên 100 đến 150m đất tốt, lại gần nguồn nước thì dành cho dân sản xuất, từ phía trên bộ đội mới làm. Việc đó đã giải quyết từ gốc, tạo sinh kế, tạo bình yên, tạo sự tin tưởng của dân.

Một vài hiện tượng tiêu cực thì cũng có, như tình trạng ăn cắp mủ, kẻ xấu đứng phía sau xúi giục trẻ con vào đổ trộm mủ, đội trưởng nói còn bị dọa đánh nhưng anh em vẫn kiên nhẫn xử lí vụ việc theo đúng quy trình và nguyên tắc đã thống nhất. Có vụ ở Chư Prông, Gia Lai, kẻ xấu chặt cây cao su của đơn vị, nhiều lần làm việc, vận động nhưng vẫn tái phạm, có bằng chứng rõ ràng, đến lần thứ bảy chúng tôi giao cơ quan điều tra hình sự phối hợp xử lí.

Gia đình cũng kéo lên cổng đơn vị, tôi chỉ đạo, nếu họ ở ngoài thì không sao, đối tượng nào vi phạm vào doanh trại thì phải xử lí đúng quy định. Địa phương cũng điện bảo, mới dịch bệnh xong các anh làm thế sợ dân bức xúc, chúng tôi bảo, các anh yên tâm, rồi đâu khắc vào đấy, rồi sẽ yên. Gia đình kẻ phá hoại sợ con bị đánh, bị bỏ đói, chúng tôi cho một chuyến xe chở gia đình lên trại tạm giam cho gặp gỡ tiếp xúc để họ yên tâm. Được giải thích rõ ràng, họ xin lỗi đơn vị nhưng chúng tôi không đồng ý, yêu cầu lên xã xin lỗi công khai. Từ đó mọi thứ yên ổn.

Trước đây có hiện tượng một số hộ dân tham gia tà đạo Hà Mòn, sau quá trình tuyên truyền dân không theo nữa. Địa bàn chúng tôi quản lí có 118 điểm nhóm đạo, trên 47.000 giáo dân, mỗi dịp lễ Noel đơn vị vẫn tổ chức thăm, tặng quà, đại diện nhà thờ cũng tặng quà đơn vị vào dịp tết. Ngày xưa cứ chủ nhật là công nhân của chúng tôi nghỉ đi nhà thờ, bây giờ chúng tôi phối hợp với nhà thờ để họ tổ chức làm lễ vào buổi chiều, sáng công nhân còn đi làm.

Đợt đại dịch Covid-19 nhiều hộ dân tộc thiểu số không chịu tiêm vắc xin các đơn vị cũng phải tuyên truyền. Họ không tiêm vì sợ một là đau, hai là không được uống rượu, ba là sợ chết. Có địa bàn nguyên một làng không đi. Đơn vị phải chở ông trưởng đạo xuống vận động dân mới nghe, nghe rồi thì ăn mặc như đi hội, tiêm xong đơn vị tặng cho mỗi người một hộp sữa một chiếc khẩu trang. Kết quả Binh đoàn là một trong những đơn vị tiêm phủ vắc xin xong sớm nhất toàn quân.

Điểm tựa của buôn làng

PV: Những cái tết Tây Nguyên đã trở thành kỉ niệm với rất nhiều cán bộ chiến sĩ, công nhân quốc phòng, người lao động Binh đoàn 15. Hẳn Thiếu tướng cũng có trải nghiệm của riêng mình về những cái tết với đồng bào các dân tộc?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Tôi ở đây đã 40 năm, gắn bó với dân nhiều. Năm nào Binh đoàn cũng tổ chức ăn tết với buôn làng. Bây giờ đồng bào cũng ăn tết truyền thống, các đơn vị kết nghĩa với buôn làng, đơn vị hỗ trợ buôn làng mua lợn gà, gói bánh chưng. Gần tết, các đơn vị mổ lợn cấp gạo cấp thịt cho các hộ gia đình mang về xong ra nhà rông ăn tết tập trung.

Rượu có rồi nhưng mỗi nhà vẫn xách đi một bầu góp. Vừa là ăn tết, vừa sơ kết hoạt động kết nghĩa trong năm. 271 bản làng đều tổ chức như thế. Khi còn làm chỉ huy tại Công ty 715 ở Ia Grai, Công ty 74 ở Đức Cơ, Gia Lai tôi cũng đã ăn những cái tết với đồng bào Ê đê, Jarai, đã ngồi uống rượu với các già làng, trưởng bản nên rất nhớ không khí đó.

Những năm gần đây Binh đoàn tổ chức các điểm lớn đón tết cho đồng bào, mỗi năm ở một khu vực. Tết Giáp Thìn vừa rồi chúng tôi tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tại Đức Cơ, Gia Lai cùng với “Lễ hội bánh chưng xanh”, tổ chức các gian hàng 0 đồng, khu ẩm thực Tây Nguyên tưng bừng sinh động, đúng nghĩa ngày hội, có đốt pháo hoa cho bà con xem.

Sự kiện dự kiến 2.000 người tham gia, cuối cùng lên đến hơn 5.000 người, trẻ con người lớn nắm tay nhau múa hát tưng bừng. Đất đỏ cao nguyên mùa khô rất bụi, dù đã trải bạt, tưới nước rồi mà nhảy múa xong ai về cũng bụi đỏ bám đầy quần áo, lem luốc trong niềm hân hoan…

Điểm tựa của buôn làng

PV: Có thể nói, hành trình 40 năm qua những người lính Binh đoàn đã nỗ lực vẽ nên bức tranh xanh về Tây Nguyên với điểm nhấn ấn tượng về cây cao su… Thiếu tướng có thể cho một vài cảm nhận về cây biểu tượng của Binh đoàn?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Để đưa cây cao su gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên là một quá trình. Thời tiết ở đây mùa mưa lại kéo dài 6 tháng, đồng bào Tây Nguyên tiếp thu kĩ thuật canh tác chậm, thay đổi cách nghĩ cách làm chậm, chúng tôi phải mất hơn 15 năm đưa lao động từ các tỉnh phía Bắc vào làm mẫu. Lúc đầu, do khó khăn gian khổ người lao động vào phần lớn bỏ về. Từng bước khắc phục, bám đất bám làng, đến nay đã 9 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số ở lại, lực lượng người lao động của Binh đoàn tại Tây Nguyên đã lên tới gần 15 nghìn người.

Cây cao su đã thành chiến lược, là hệ thống ngụy trang khổng lồ che chắn cho bộ đội cơ động khi có tình huống. Diện tích 40.000 ha cao su cũng có ý nghĩa về môi trường, tạo độ che phủ tốt, chống xói lở, rửa trôi. Mỗi năm cao su cho sản lượng gần 10 tháng. Phát triển diện tích cây cao su là bước đi vững chắc, gắn với sinh kế người dân, tạo sự yên tâm cho bà con.

Nhờ cây cao su, bản làng trù phú hơn. Chúng tôi đã xây dựng 266 cụm điểm dân cư mới trên biên giới, đưa được trên 13.000 hộ dân với gần 50.000 nhân khẩu lên để thành lập 3 huyện mới. Hai cuộc bạo động, bất ổn lớn và vụ khủng bố có vũ trang trên địa bàn Tây Nguyên đều không có người của Binh đoàn tham gia.

Bây giờ đồng bào dân tộc bản địa đã quen với việc làm cao su, bà con chỉ lo Binh đoàn có cho làm lâu không thôi, chúng tôi cam kết cho con cái của họ kế thừa việc làm khi bố mẹ nghỉ hưu. Một số con em công nhân cũng đi học các ngành nghề khác, song phần lớn các cháu vẫn tiếp tục theo nghiệp bố mẹ, làm cao su đến thế hệ thứ hai, thứ 3. Cuộc sống của đồng bào từ sau giải phóng đã thay đổi rất nhiều, rất tốt. Có việc làm, có thu nhập, họ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho con cái.

Cây cao su từng ngụy trang cho bộ đội trong thời chiến, đến thời bình tiếp tục tỏa bóng, dưới màu xanh đại ngàn và cao su là màu xanh áo lính, trong màu xanh cao su có bóng dáng của những thế hệ cán bộ, nhân viên, người lao động Binh đoàn.

Điểm tựa của buôn làng

PV: Mong muốn lớn nhất của Binh đoàn hiện nay là gì?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Chúng tôi mong cuộc sống của người dân ngày càng tốt lên. Bà con còn vất vả lắm, lương cũng tốt dần nhưng công việc rất vất vả, đi cạo mủ cao su cả đêm, ngày ngày qua ngày khác suốt chín, mười tháng trong năm.

Trước đây 6 huyện biên giới gần như không có dân, nay dân gần như khép kín rồi nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phủ, làm sao để biên giới lấp kín dân, xây dựng vành đai trù phú, tạo thành phên dậu vững chắc nhất để bảo vệ đất nước. Đường sá, hạ tầng khu vực biên giới cũng còn thiếu thốn, thông cảm với điều kiện nhà nước, ngân sách hạn hẹp chúng tôi cũng không dám đề xuất nhiều nhưng cũng cần đầu tư, cùng với Binh đoàn kiến tạo hạ tầng để xây dựng củng cố vùng biên.

Lương của người lao động thì tạm ổn nhưng với đội ngũ cán bộ sĩ quan Binh đoàn thu nhập cũng còn thấp, so với quân hàm còn chưa đạt. Nguồn lực lâu dài cho quân đội, cho đơn vị cũng có những thách thức khi sinh viên giỏi bây giờ ra trường có nhiều lựa chọn tốt, trong khi nếu đầu quân vào Binh đoàn thu nhập như thế, về lâu dài cũng rất khó… Bộ đội có vững thì dân mới vững được.

PV: Xin cám ơn Thiếu tướng!

Bài viết và ảnh: Nguyễn Xuân Thủy

Đồ họa: Dũng Choai