Suy nghĩ nhỏ trong một ngày lễ lớn của Hà Nội
Cà phê tối - 10/10/2020 20:20 Vũ Hùng
Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hà Nội Hà Nội, niềm tin và hy vọng Hà Nội, ngày đặc biệt |
Hôm nay (10/10) là một ngày đặc biệt của Thủ đô. Ảnh: TTXVN. |
Từ nhiều ngày qua, đặc biệt là hôm nay, trên các báo, đài, MXH, trong câu chuyện của người dân Hà Nội, ai ai cũng nói về, nghĩ về Thủ đô với một tình yêu, một hy vọng, một mong muốn cho mảnh đất ngàn năm văn hiến đã 1010 năm làm đế đô nước Việt này sẽ ngày càng "to đẹp hơn, đàng hoàng hơn" như Bác Hồ hằng mong muốn, sẽ ngày càng xanh - sạch - đẹp, ngày càng văn minh hiện đại, xứng đáng là Thủ đô của một quốc gia đang tiến lên CNH - HĐH trong thời đại cách mạng 4.0.
Nhưng, (thật buồn khi lại phải dùng chữ "nhưng"), đâu đó trong những câu tâm sự với nhau nơi quán rượu bàn trà, những dòng trạng thái chat chít nơi cõi mạng, vẫn có những người tỏ ra không có một chút cảm xúc gì vào một ngày lễ có thể nói là trọng đại của thành phố nơi họ đang sinh sống và làm việc này. Tất nhiên, vui hay không vui, mừng hay không mừng, thích hay không thích cái ngày lễ này là quyền của họ, nhưng đấy lại là lý do để tôi viết ra đôi dòng suy nghĩ muốn trao đổi cùng họ trên ‘Cà phê tối’ hôm nay.
Tôi xin trích lại nguyên văn một đoạn status mà chiều nay tôi vừa đọc được trên Facebook của một bạn sống tại Hà Nội. Anh đã lớn tuổi, có học thức, có cuộc sống có thể nói thuộc tầng lớp khá giả, con cháu thành đạt, nhưng anh viết như sau:
"... Tôi là dân nhà quê, mới về sống ở Hà Nội được 34 năm. Xét về “tuổi” ở Hà Nội thì tôi không “đủ tuổi” để nói “yêu Hà Nội”, dù về quyền thì có. Những ngày này, nhiều người Hà Nội, “nhà” Hà Nội bày tỏ cảm xúc với Hà Nội, tôi thì dửng dưng. ..
Tôi không vô ơn với Hà Nội, nhưng chưa bao giờ tôi hãnh diện được sống ở Hà Nội, mà đơn thuần chỉ là mưu sinh, còn tâm hồn thì một lòng, một dạ với nơi mà cụ, kị, ông, bà, cha, mẹ tôi đã sống và tôi sống thủa thiếu thời." (hết trích)
Đọc xong những dòng status trên, tôi bỗng thấy thật buồn vào cuối một ngày vui. Và tôi muốn trao đổi lại với anh bạn đó đôi điều tôi suy nghĩ như sau:
Thứ nhất, xin chớ có ai đem lòng nuôi dưỡng cái mặc cảm "quê, tỉnh", hay "mới nhà quê ra Hà Nội" với "Hà Nội xịn nhiều đời". Nói cho đến cùng, vài trăm năm trước, Hà Nội cũng chỉ là các xóm, làng, rồi sau bao đời mới lên xã, lên ấp, lên tổng, rồi mới thành phố thị được hơn trăm năm nay, nên kể cả những người có gia đình dòng họ có nhiều đời sống ở Hà Nội nhất thì gốc gác của họ vẫn là con cháu chút chít nhiều đời của những người chân quê.
Thứ hai, Hà Nội là Thủ đô yêu quý vì nó là cái nôi dung nạp tất cả những người con tứ xứ về đây sinh sống, lập nghiệp và tạo dựng cơ đồ cá nhân một cách bình đẳng và bao dung nhất. Không có hiện tượng "cá lớn nuốt cá bé", không có chuyện kẻ đến trước bắt nạt người đến sau, không có chuyện dèm pha kỳ thị. Thậm chí có những khi bực bội vì bị “xâm hại” đến những thói quen của cách sống Hà thành, người Hà Nội bao giờ cũng chỉ im lặng thở dài, chứ không bao giờ gây gổ, cự nự hoặc phản đối.
Thứ ba, nếu bạn đã coi Hà Nội là nơi để mưu sinh, thì cứ tạm coi Hà Nội như một công ty mà bạn làm việc đi. Vậy thì công ty nào cũng có văn hóa của công ty đó, và một trong những văn hóa tối thiểu của mọi công ty đó là bạn phải yêu thích công việc, phải hãnh diện với cái danh hiệu của công ty đó. Nếu không, hoặc là bạn sẽ đừng xin vào đó làm, hoặc là sớm muộn gì bạn cũng bị mời đi chỗ khác bởi sự dửng dưng và mặc cảm với nơi đem lại nguồn sống và mưu sinh của bạn.
Điều cuối cùng, chỉ xét thuần túy về cảm tính, về trái tim. Hà Nội như một thiếu nữ, nếu bạn không yêu cô ta, thì bạn cưới cô ta để sống cùng cô ta làm gì vậy? Bạn chỉ góp gạo thổi cơm chung thì sao thành một gia đình bền vững, sao thành một tổ ấm đem lại hạnh phúc thật sự và chân chính cho chính bạn và vợ con cháu chắt bạn, cho hôm nay và ngày mai?
Hà Nội sáng 10/10/2020, đám mây hình Rồng giữa trời xanh. (Ảnh: Đức Minh). |
Tôi nhớ trong một lần ngồi cùng họa sĩ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cũng là trao đổi lúc trà lá xung quanh đề tài "Hà Nội gốc hay nhà quê ra", "Hà Nội là nơi kiếm sống hay là nơi ta gửi gắm cả tình yêu, nhiệt huyết của mình", ông có nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: "Hà Nội như cô gái, nếu muốn vẽ chân dung cô ấy cho thật đẹp, ngoài tay nghề hội họa, nhất định phải yêu cô ta bằng cả trái tim mình khi vẽ. Mọi sự phơn phớt, vội vã, được chăng hay chớ, hoặc chỉ nghĩ đến giá của bức tranh sau này ở các gallery, sẽ không thể nào để lại cho đời một tác phẩm có ấn tượng lâu dài và cảm xúc mạnh mẽ".
Tôi hiểu là ông nói xa xôi theo nghề vẽ của mình, nhưng ý ông hẳn là, sống ở Hà Nội hay ở đâu, làm việc kiếm sống ở Hà Nội hay làm bất cứ việc gì ở đâu, cũng phải cần sự gắn bó, nhiệt huyết, yêu quý và trân trọng nơi ấy và việc ấy.
Và lưu ý bạn, hoạ sĩ Trần Khánh Chương không hề là người Hà Nội gốc. Ông sinh ra ở Vinh, Nghệ An năm 1944.
Tôi lại nhớ một tối thu Hà Nội, cách đây đã dăm năm. Tối ấy, tôi cùng với mấy người bạn, người em rủ nhau đến uống rượu tại một quán trên phố cổ. Trong số những người có mặt, có mấy chú em là kiến trúc sư, là cán bộ quy hoạch đô thị Hà Nội.
Tôi chợt nêu một câu hỏi với mấy chú em trong bàn rươụ: “Tại sao từ ngày tiếp quản Thủ đô đến giờ, tôi chỉ tính trong nội thành này, ngoài Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô trên phố Trần Hưng Đạo, không thấy có một công trình nào do các bạn tự thiết kế và xây dựng để lại ấn tượng, ví dụ như Nhà hát Lớn, Trường Bưởi - Chu Văn An, Bệnh viện Xanh - Pôn, Bách hóa Tràng Tiền, ví dụ như những con phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Bà Triệu, Nguyễn Du? Tại sao lại thế?".
Các người em, người bạn thi nhau chứng minh bằng các công trình đã xây dựng trong mấy chục năm qua ở Thủ Đô, trong đó có nhiều công trình to đẹp, nguy nga, hiện đại trong trung tâm và ngoại vi thành phố. Tôi nói lại với họ: “Tôi nói là ấn tượng, tức là cảm xúc các bạn ạ. Vậy các bạn có hiểu điều gì khiến các bạn, tuy hầu hết đều rất tài giỏi, vẫn không làm được những công trình như trước 1954, để lại rất nhiều cảm xúc và ấn tượng cho tất cả ai sống và đi qua Hà Nội mà cha ông chúng ta từng làm nên? Các bạn thiếu một yếu tố vô cùng quan trọng để làm cho Hà Nội to đẹp, Hà Nội đàng hoàng, đấy là tình yêu dành cho Hà Nội...".
Còn một điều tối ấy tôi chỉ nghĩ trong lòng không dám nói nói ra, sợ cuộc rượu mất vui. Nhưng bây giờ thì tôi xin nói ra với người bạn trên Facebook, người đã nói thấy "dửng dưng" với ngày lễ lớn của Hà Nội và không hề "hãnh diện" vì đã sống và mưu sinh ở Hà Nội cái suy nghĩ của tôi hôm đó, nói một cách thành tâm và thẳng thắn.
Nguyên nhân Hà Nội chưa đẹp và không đẹp có phần vì có những người, ít vô cùng thôi trong số 10 triệu cư dân của Thủ đô yêu quý này, kể cả là cán bộ, công chức như anh ấy, cũng bao năm (anh ấy là 34 năm) chỉ làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về ", đầy chất công chức hết tháng đợi lương. Chưa kể có người giống anh ấy, chỉ mong mau hết tuần để phi ô tô, xe máy về quê. Nơi ấy có cha mẹ, vợ con, gia đình nội ngoại họ sinh sống, đấy mới là nơi trái tim họ neo đậu, tình yêu họ gửi gắm.
Vậy thì còn đâu tâm huyết cho cái thành phố cần phải được đẹp, khi mà nhiều người chỉ coi nó là chốn dung thân, là nguồn kiếm sống, là chỗ làm giàu, là những nấc thang để thăng quan tiến chức?
Nhà thơ Phạm Tiến Duật có nói trong một cuộc gặp gỡ với sinh viên một trường ĐH Sư phạm ở Hà Nội những năm cuối 1970: “Bạn hãy yêu đi, hãy yêu Hà Nội thật nhiều hơn nữa. Sẽ thấy Hà Nội cũng sẽ yêu bạn biết nhường nào, rồi bạn sẽ tự hào về điều đó lắm trong suốt cuộc đời mình”.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật quê Phú Thọ. Ông cũng không sinh ra ở Hà Nội, ông sinh ra ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ năm 1941, nhưng ông đã nghĩ về Hà Nội thế đó, anh bạn trên Facebook của tôi ạ!
Để kết thúc những điều trao đổi cùng anh, nhân anh nói đến chuyện "tuổi ở Hà Nội", ý là tính số năm tháng sống ở Hà Nội, thì tôi xin thưa với anh rằng: Tình yêu không có tuổi, dù trái đất này và bầu trời cao xanh mùa thu Hà Nội kia cũng có tuổi, thưa anh bạn!
Hà Nội không bao giờ và chưa bao giờ là một cửa hàng thực phẩm như trong thời bao cấp, để ai xếp gạch sớm đến lượt mua trước thì được miếng thịt ngon không xương xẩu. Hà Nội công bằng, Hà Nội không tính hơn thua thứ tự người đến trước đến sau bị miếng ngon miếng dở. Hà Nội bình đẳng với tất cả những ai yêu Hà Nội, thưa anh bạn!
Và thưa anh, thưa các bạn, không phải bỗng dưng, người Việt Nam lại gọi Hà Nội là trái tim của cả nước đâu ạ!
Đêm trường khắc khoải Nhiều bạn công nhân trẻ đêm trường khắc khoải nỗi cô đơn. Điều lạ lùng là bạn cảm thấy cô đơn ở ngay chỗ đông ... |
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 9/10 Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 9/10, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 36,7 triệu ca bệnh Covid-19, trong đó có ... |
Thu phí, thu giá, thu tiền rồi thu phí Tôi không có ý định nói về triết lý vòng đời dựa vào việc chơi chữ như tên gọi bộ phim: Xuân, Hạ, Thu, Đông ... |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 18/11/2024 15:03
Hết thời “nhập siêu” văn hóa?
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết thúc vào hôm qua (17/11). Thành công vang dội của Lễ hội cùng những sự kiện gần đây của các đêm nhạc “nội địa” đang cho thấy nhiều chỉ dấu tích cực về công nghiệp văn hóa.
Cà phê tối - 16/11/2024 13:38
Chống lãng phí ngày nhà giáo
20/11 tới gần, khắp các trường trên cả nước đều đang tất bật không khí chuẩn bị tri ân ngày nhà giáo - ngày lễ lớn của cả cô và trò trên cả nước. Đây cũng là một dịp để các nhà trường cũng như phụ huynh học sinh dạy cho các em bài học về chống lãng phí.
Cà phê tối - 11/11/2024 15:29
Thở ở Hà Nội
Đến hẹn lại lên, từ tháng 10 tới tháng 3 là cao điểm bụi mịn ở Hà Nội. Không khí vẩn đục ô nhiễm, các công trình xây cất khắp nơi và vỉa hè tiếp tục ra tăng sức ép bằng những khối đá xếp sẵn chờ ngày lát lại.
Cà phê tối - 09/11/2024 17:52
“Siết” quảng cáo của nghệ sĩ
Việc người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL quảng cáo thái quá về công dụng của nhiều loại thực phẩm chức năng làm “nóng” nghị trường. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như Bộ VH-TT&DL cũng đều lên tiếng về vấn đề trên.
Cà phê tối - 04/11/2024 10:49
San đất nông nghiệp, làm sân pickleball
Hàng loạt lô đất thuộc dự án bỏ hoang, đất kho bãi, thậm chí đất nông nghiệp đã bị san lấp làm sân pickleball - một môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam.
Cà phê tối - 02/11/2024 14:54
“Cuộc đại phẫu” di tích
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất mục tiêu tu bổ 100% di tích Quốc gia Đặc biệt và 80% Di tích Quốc gia.
Kinh tế - Chính sách
Văn hóa - Xã hội
Mong ước đầu năm học
Tính cách của Nguyễn Thanh Long và số phận của ông Nguyễn Trường Sơn 1
Nghĩ về một ngày lễ lớn của lực lượng Công an Nhân dân
Oppenheimer và cách kể một câu chuyện lịch sử
300 ngàn thí sinh và lựa chọn không vào đại học
Môi trường - Sức khỏe
Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Vụ bắt cóc 20 giây
Tang thương Phố Núi
Bằng chứng F
Vụ sạt lở do… “nhân tai”
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng