Rất nên bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Văn hóa - Xã hội - 29/06/2023 15:58 AN VINH
Chưa kể các kỳ thi các năm trước, chỉ tính kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 này, đọc tin trên các báo hôm qua và hôm nay, đã đủ thấy những thảm cảnh diễn ra tại một số Hội đồng thi ở các địa phương mà không khỏi xót xa thương cảm cho các cháu thí sinh.
Tại Nghệ An, dù đang phải điều trị tại bệnh viện do suy nhược cơ thể nhưng em Nguyễn Thị Huệ vẫn phải xin xuất viện để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Sáng ngày 28/6, thí sinh Huệ (trú tại xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) được đội xe thiện nguyện 0 đồng đưa đến điểm thi Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An) trong tình trạng sốt cao 39 độ.
Trong Hậu Giang, trên đường đi thi tốt nghiệp THPT môn đầu tiên sáng 28/6, thí sinh Tô Mỹ Duyên (Trường THPT Cây Dương, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp) không may bị ngã xe máy. Do chấn thương nặng (có gãy xương) nên em Duyên được chuyển đến Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy để điều trị. Vì vậy, thí sinh Duyên đã không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Ở Hà Tĩnh, có 2 thí sinh bị chấn thương ở chân do tai nạn. Các em được tình nguyện viên hỗ trợ đưa vào phòng thi sáng qua 28/6. Đó là thí sinh Nguyễn Tấn Tài (18 tuổi, trú xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được người thân dùng ô tô chở đến điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu, huyện Kỳ Anh, dự kỳ thi tốt nghiệp. Em Tài bị gãy xương đùi, không thể đi lại được sau khi gặp tai nạn cách đây 20 ngày. Biết sự việc này, lực lượng làm nhiệm vụ tại điểm thi đã tạo điều kiện cho ô tô chở nam sinh vào phía trong sân trường. Thí sinh thứ hai là em Nguyễn Thùy Dung (lớp 12A6, Trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) bị tai nạn trước kỳ thi. Việc di chuyển của Dung gặp khó khăn, các tình nguyện viên đã phải hỗ trợ cõng em tới phòng thi.
Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua đã diễn ra rất căng thẳng, vất vả trong khâu tổ chức và nhiều bất an với tất cả đối tượng tham gia, do vừa phải thực hiện ở quy mô kỳ thi quốc gia, vừa phải phòng chống, đối phó với những diễn biến thiên tai, dịch bệnh, rất khác nhau ở mỗi địa phương.
Ở kỳ thi năm nay, ngày hôm qua, 28/6, thí sinh trên cả nước làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn và Toán. Ở cả 2 môn thi, đều xuất hiện hình ảnh nghi vấn lọt, lộ đề thi. Cụ thể, sáng qua, một đề Ngữ văn được đăng tải lên mạng xã hội vào lúc hơn 8 giờ - tức chỉ 25 phút kể từ lúc tính giờ làm bài. Đến buổi chiều, sau khi thí sinh kết thúc bài thi môn Toán lúc 16 giờ cũng xuất hiện nghi vấn lộ đề.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã tiếp nhận thông tin và báo cho Cục An ninh chính trị nội bộ của Bộ Công an để xác minh. Trước mắt, Bộ này nhận định, hai sự cố nói trên không ảnh hưởng đến kỳ thi. Theo kết quả xác minh ban đầu, một thí sinh ở Cao Bằng đã dùng điện thoại chụp đề thi môn Văn gửi ra ngoài nhờ người thân giải hộ. Với đề thi Toán, lực lượng chức năng xác định thí sinh liên quan đến từ Hội đồng thi tỉnh Yên Bái. Thí sinh này bị nghi dùng điện thoại chụp ảnh đề thi, gửi ra ngoài.
Tôi thấy rất phản cảm khi đọc cái tin “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin và báo cho Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an để xác minh”. Việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải lo 100% cho an toàn, an ninh của kỳ thi do ngành mình đặt ra, chứ hễ có vụ việc vi phạm gì đó là lại báo công an, không khác gì người dân thường dưới xã, dưới phường, mà lại coi việc báo tin đó cứ y như một thành tích. Cục An ninh nội địa phụ trách vô vàn công việc liên quan đến lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước và Bộ Công an giao phó rất nặng nề và phức tạp rồi, giờ lại thêm việc cứ hễ đến kỳ thi THPT lại phải cắt cử hàng trăm cán bộ chiến sĩ lo xử lý hộ, xử lý giúp cho ngành Giáo dục mấy cái vụ lộ lọt đề thi, hết sức là vô lý và phí phạm thời gian và công sức, trí não của lực lượng công an.
Không những thế, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ công an ở khắp các tỉnh, thành, quận, huyện còn phải tham gia giải toả giao thông, đảm bảo an ninh trật tự tại các hội đồng thi. Tệ hơn nữa, cứ mỗi kỳ thi, các thí sinh đến điểm thi luôn bắt gặp đầu tiên là các chú cảnh sát, các bác dân phòng đeo băng đỏ, cầm gậy dùi cui, tuýt còi liên tục, mặt mũi căng thẳng lạnh tanh, tạo một cảm giác rất không đáng có và không bao giờ nên có về cái cung cách “cảnh sát hoá học đường”, “công an hoá các hội đồng thi” ở nhiều địa phương nhiều năm qua.
Rồi công in ấn, bảo quản, bảo mật, chuyên chở đề thi. Rồi phải huy động hàng ngàn thanh niên tình nguyện, hàng chục ngàn đoàn viên tham gia hướng dẫn cho các thí sinh tìm đến và vào phòng thi đúng địa điểm và không muộn giờ. Rồi phải tập trung, tập huấn cho hàng ngàn giáo viên tham gia tổ chức và giám thị kỳ thi. Rồi hàng triệu phụ huynh phải thức khuya dậy sớm, phải bỏ cả công ăn việc làm suốt mấy ngày để đưa con em đi thi, vì tình thương và sự quan tâm, mà lý do lớn nhất là lo con cái bị tai nạn giao thông trên đường đi thi.
Tóm lại là các kỳ thi THPT quốc gia gây nên tình trạng tốn kém, phiền phức rất không đáng có.
Chúng ta hãy nghe ý kiến của những người trong cuộc.
Vào đầu tháng 2 năm 2023, trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng gửi kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Nội dung kiến nghị là:
Cử tri phản ánh việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia đồng thời các trường đại học một phần lấy kết quả tốt nghiệp trên để xét vào đại học như hiện nay là không ổn.
Thứ nhất, việc thi tốt nghiệp THPT hiện nay với tỷ lệ đạt rất cao, nên việc tổ chức thi liệu có cần thiết nữa hay không?
Thứ hai, việc lấy kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học thì chưa thật sự đảm bảo chất lượng đầu vào cho bậc học đại học; đặc biệt là các ngành có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, sức khỏe của người dân và phát triển xã hội lâu dài của đất nước.
Cử tri đề nghị nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, mà giao lại cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thi hoặc có hình thức xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 của địa phương; việc tuyển sinh đại học của các ngành An ninh, Quốc phòng, Giáo dục, Y tế, Kỹ thuật, Nghiên cứu khoa học giao cho các trường tự tổ chức thi tuyển; đối với các ngành khác do các trường tự xem xét, quyết định việc tuyển sinh.
Từ nhiều năm nay, không ít ý kiến đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương; các trường đại học, cao đẳng tự chủ trong việc tuyển sinh theo đúng tinh thần của luật Giáo dục đại học, thay vì Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi tốt nghiệp THPT và phần lớn các trường đại học lấy kết quả này để xét tuyển như lâu nay.
Vì Luật Giáo dục đang quy định phải có một kỳ thi quốc gia nên vẫn phải tổ chức nhưng nếu cần vẫn có thể sửa luật, hoặc các địa phương cùng tổ chức kỳ thi vào một ngày, sau đó địa phương sẽ tự công nhận tốt nghiệp cho học sinh địa phương mình. Theo đó nhà trường và giáo viên có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành hoàn toàn có thể tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.
TP.HCM đã nhiều lần, kể từ 2016 đến nay, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...) và công bố rộng rãi toàn quốc.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), chia sẻ với báo chí: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi. Từ nhiều năm qua, các nhà quản lý giáo dục đã đề cập đến việc giao quyền xét tốt nghiệp THPT về cho tỉnh thành. Việc giao cho địa phương tự chủ xét tốt nghiệp THPT có nhiều mặt rất tích cực. Trước hết, địa phương chủ động điều tiết thời gian, chẳng hạn khi có thiên tai, dịch họa... tránh bị ùn ứ, kéo dài gây tâm lý bất an cho xã hội. Tiết kiệm một khoản ngân sách rất lớn cho Nhà nước và Nhân dân. Không huy động số lượng lớn nhân sự phục vụ cho một kỳ thi, hậu quả khôn lường nếu diễn ra trong tình hình thiên tai, dịch bệnh. Hơn thế, nhiều năm tỷ lệ đậu tốt nghiệp rất cao trên 96% nghĩa là chúng ta bỏ ra hàng ngàn tỉ để loại bỏ 4% lượng thí sinh, thay vì ngân sách này đủ dư tài trợ cho 4% thí sinh học nghề để khởi nghiệp”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) cho rằng, tổ chức 1 kỳ thi chung mà tỷ lệ đỗ từ 98,99% là gây quá nhiều lãng phí về nhân lực và tài lực. Do đó, việc giao tự chủ hoàn toàn về việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương là hợp lý. Mỗi địa phương có đặc thù về thời tiết, về khung thời gian thực hiện chương trình sẽ tự quyết định thời gian xét tốt nghiệp khi học sinh hoàn thành chương trình.
Còn ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) thì phân tích: “Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp rất cao nên về mục đích của kỳ thi mang tính loại chỉ vài phần trăm không đạt, cần được xem xét theo hướng giao quyền tự chủ cho các tỉnh thành. Về bản chất thì vẫn sẽ có 1 kỳ thi THPT đối với học sinh cuối cấp theo Luật Giáo dục. Tuy nhiên, về mức độ và sự chủ động, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét giao công tác này cho các tỉnh thành thực hiện. Bộ có thể ban hành thông tư và hướng dẫn quy định chung để các tỉnh thực hiện theo chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra giám sát để đánh giá quá trình thực hiện của địa phương”.
Trên thực tế chúng ta thấy, kỳ thi THPT hiện nay có thể thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao công tác tổ chức, quy hoạch hội đồng và chịu trách nhiệm về công tác thi cho địa phương. Hiện còn 2 vấn đề cần Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hẳn cho các địa phương là thời gian tổ chức thi và đề thi. Cũng có thể thấy là Bộ chưa an tâm công tác ra đề vì để đảm bảo mặt bằng chung cho tuyển sinh đại học và kiểm soát chất lượng dạy học thông qua đề thi chung. Tuy nhiên, vấn đề này lại bộc lộ những bất cập như trong năm 2021, đó là khi một hay một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không thể tổ chức kỳ thi theo thời gian chung thì phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT hiện nay cũng đã được các trường đại học chủ động bằng nhiều hình thức xét tuyển. Do đó, Bộ GD-ĐT nên xem xét đề xuất của TP.HCM trước đây là giao quyền tổ chức cho địa phương sẽ phù hợp trong thời gian tới.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm hiện nay rất cao, có tỉnh thành gần 100%, cho nên, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia với vài phần trăm học sinh không đạt với kinh phí rất lớn sẽ không có ý nghĩa. Trong khi trước đây việc tổ chức thi đáp ứng yêu cầu vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng thì hiện nay nhiều trường đã có lộ trình tổ chức thi riêng, xét tuyển riêng và ít phụ thuộc vào kết quả thi THPT.
Vậy, giải pháp tốt nhất là các trường đại học sẽ có phương án tuyển sinh thích hợp.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết ông ủng hộ đề xuất giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các tỉnh, thành lớn, có số lượng học sinh đông như Hà Nội, TP.HCM có chuẩn đầu ra cụ thể, có thời gian theo dõi và đánh giá học sinh một thời gian dài theo chuẩn này. Các địa phương này kiểm soát được chất lượng của học sinh và chất lượng đào tạo nên mới đưa ra đề xuất.
"Với các địa phương khác, nếu đạt được một chuẩn đầu ra cụ thể, cam kết được với xã hội và học sinh, tôi nghĩ là có thể giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp. Tất nhiên muốn làm phải có sự đối sánh các năm về điểm trung bình học tập với điểm thi xem có độ vênh quá lớn không. Làm vậy để đảm bảo học sinh công nhận tốt nghiệp THPT không có độ lệch quá lớn với quá trình học", tiến sĩ Hạ đề nghị.
Cũng theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, hiện nay việc xét tốt nghiệp cũng chỉ để học sinh tốt nghiệp. Các trường đại học sẽ tự tìm được phương án để xét sinh viên vào trường. Vì luật Giáo dục đang quy định phải có một kỳ thi quốc gia nên vẫn phải tổ chức nhưng nếu cần vẫn có thể sửa luật, hoặc các địa phương cùng tổ chức kỳ thi vào một ngày, sau đó địa phương sẽ tự công nhận tốt nghiệp cho học sinh địa phương mình”, tiến sĩ Hạ đề xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết ông ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, điều các trường đại học đang lo ngại nhất là sự không đồng đều ở các địa phương khi công nhận tốt nghiệp. Theo ông Nhân, giải pháp có thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền cho các địa phương đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT nhưng cho phép một số trung tâm khảo thí độc lập lo việc tổ chức giúp địa phương tổ chức thi hoặc đánh giá. Lúc này, các trường đại học sẽ yên tâm để sử dụng kết quả xét tuyển cho trường mình. Vì nếu không thi tốt nghiệp THPT mà các trường đại học đều tổ chức thi riêng như trước kia thì rất vô nghĩa.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết, hiện nay, việc thi tốt nghiệp với học sinh không còn nặng nề như trước nữa. Các trường đại học cũng đang sử dụng rất nhiều phương án xét tuyển chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Vấn đề là giao quyền cho các địa phương thì cần có cách kiểm soát để hạn chế tối đa tiêu cực. Còn các trường đại học sẽ có phương án tuyển sinh của riêng mình.
Kết thúc bài viết này, tôi hi vọng trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng GD ĐT Nguyễn Kim Sơn, sẽ có một quyết định mang tính bước ngoặt, đó là đề ra và thực hiện ngay việc xét công nhận tốt nghiệp THPT, như ông đã từng hứa hẹn vào năm 2021 trong một Hội nghị của ngành Giáo dục.
Hãy xem như đất nước mình đã phổ cập THPT. Còn đại học thì các trường tổ chức thi theo ngân hàng đề thi của Bộ. Vừa công bằng đầu vào, vừa thực chất. Tổ chức một kỳ thi quốc gia mà chỉ để tìm ra 1% không đỗ thì quả thực là quá vô lý và phí phạm!
Vì vậy, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm nghiên cứu để nhanh chóng bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, đáp ứng lòng mong mỏi của hàng chục triệu phụ huynh học sinh và hàng chục vạn giáo viên trong cả nước hiện nay.
AN VINH
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả An Vinh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee" Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả An Vinh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả An Vinh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 18/11/2024 15:03
Hết thời “nhập siêu” văn hóa?
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết thúc vào hôm qua (17/11). Thành công vang dội của Lễ hội cùng những sự kiện gần đây của các đêm nhạc “nội địa” đang cho thấy nhiều chỉ dấu tích cực về công nghiệp văn hóa.
Cà phê tối - 16/11/2024 13:38
Chống lãng phí ngày nhà giáo
20/11 tới gần, khắp các trường trên cả nước đều đang tất bật không khí chuẩn bị tri ân ngày nhà giáo - ngày lễ lớn của cả cô và trò trên cả nước. Đây cũng là một dịp để các nhà trường cũng như phụ huynh học sinh dạy cho các em bài học về chống lãng phí.
Cà phê tối - 11/11/2024 15:29
Thở ở Hà Nội
Đến hẹn lại lên, từ tháng 10 tới tháng 3 là cao điểm bụi mịn ở Hà Nội. Không khí vẩn đục ô nhiễm, các công trình xây cất khắp nơi và vỉa hè tiếp tục ra tăng sức ép bằng những khối đá xếp sẵn chờ ngày lát lại.
Cà phê tối - 09/11/2024 17:52
“Siết” quảng cáo của nghệ sĩ
Việc người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL quảng cáo thái quá về công dụng của nhiều loại thực phẩm chức năng làm “nóng” nghị trường. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như Bộ VH-TT&DL cũng đều lên tiếng về vấn đề trên.
Cà phê tối - 04/11/2024 10:49
San đất nông nghiệp, làm sân pickleball
Hàng loạt lô đất thuộc dự án bỏ hoang, đất kho bãi, thậm chí đất nông nghiệp đã bị san lấp làm sân pickleball - một môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam.
Cà phê tối - 02/11/2024 14:54
“Cuộc đại phẫu” di tích
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất mục tiêu tu bổ 100% di tích Quốc gia Đặc biệt và 80% Di tích Quốc gia.
Kinh tế - Chính sách
Cổ phiếu VFS sau ngày đầu hứng khởi
Giữ quận Hoàn Kiếm và tinh thần của Hà Nội
Không thừa thế xông lên để “gậy ông đập lưng ông”
Ba con số thiếu chủ ngữ
Khi công nhân “bàn luận” với Chủ tịch Quốc hội
Văn hóa - Xã hội
Mong ước đầu năm học
Tính cách của Nguyễn Thanh Long và số phận của ông Nguyễn Trường Sơn 1
Nghĩ về một ngày lễ lớn của lực lượng Công an Nhân dân
Oppenheimer và cách kể một câu chuyện lịch sử
300 ngàn thí sinh và lựa chọn không vào đại học
Môi trường - Sức khỏe
Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Vụ bắt cóc 20 giây
Tang thương Phố Núi
Bằng chứng F
Vụ sạt lở do… “nhân tai”
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng
- Công đoàn góp sức xây dựng nông thôn mới
- Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
- Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới