Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42 Hưng Thịnh
Nâng cao vai trò của công đoàn trong công tác phòng, chống cháy nổ |
Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường tại KCN Khai Quang (Vĩnh Yên). Ảnh: ĐVCC |
Chủ động ứng phó từ sớm, từ xa
Thời gian qua, công tác PCCC trong các KCN đã được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn về công tác PCCC và sự cố về môi trường.
Cụ thể, nhằm giảm thiểu thiệt hại từ các sự cố môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 2/10/2023 về ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023–2030. Kế hoạch này tập trung xây dựng các kịch bản ứng phó với chất thải rắn, lỏng và khí, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn, diễn tập để nâng cao trình độ tổ chức và năng lực chỉ huy điều hành.
Cùng với đó, công an tỉnh đã kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định PCCC tại các doanh nghiệp KCN, kịp thời phát hiện và khắc phục các hạn chế như: chưa bố trí ao hồ dự trữ nước chữa cháy, hệ thống chữa cháy hỏng hóc do thiếu bảo trì, thiếu phương tiện chữa cháy cơ giới.
Ví dụ, tại buổi luyện tập xử lý tình huống cháy nổ ngay từ giai đoạn đầu của Đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành của KCN Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên: Nhờ việc bố trí hệ thống trụ nước PCCC chạy dọc các trục đường trong KCN và thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn, xe chữa cháy chuyên dụng cùng với đội chữa cháy chuyên trách đã có mặt tại hiện trường theo đúng phương châm "4 tại chỗ".
Hay như tình huống giả định về sự cố tràn dầu gây cháy trong buổi diễn tập ứng phó sự cố môi trường tại KCN Khai Quang ngày 18/7/2024 vừa qua, đã giả định tình huống sự cố tràn dầu gây cháy trong KCN với sự tham gia của các lực lượng chính gồm nhà máy xử lý nước thải, Tổ Giám sát Môi trường và Ứng phó sự cố, cùng Đội PCCC chuyên ngành KCN Khai Quang.
Các đơn vị này phối hợp chặt chẽ, sử dụng nhiều phương tiện chữa cháy và cứu hộ hiện đại để xử lý tình huống theo quy trình 5 giai đoạn: báo động sự cố, xác minh thông tin và huy động lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu nạn nhân và bảo vệ hiện trường, kiểm soát, dập tắt đám cháy, và xử lý dầu tràn, làm sạch khu vực.
Phát biểu tại buổi diễn tập, đại diện Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc – đơn vị tổ chức cho biết: “Công tác đào tạo và diễn tập ứng phó sự cố được Công ty đặc biệt chú trọng và phối hợp tổ chức hằng năm. Việc thực hiện diễn tập ứng phó sự cố giúp trang bị, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ làm công tác giám sát môi trường và ứng phó sự cố của đơn vị”.
Tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; trong đó, công tác bảo đảm an toàn cháy, nổ là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu. Ảnh: ĐVCC |
Phương châm “phòng ngừa là chính”
Công tác bảo vệ môi trường và PCCC tại các KCN không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của từng doanh nghiệp mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 16 KCN được thành lập, trong đó 9 KCN đã đi vào hoạt động với 406 dự án sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 136.000 lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đều có hồ sơ bảo vệ môi trường và các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu giữ chất thải rắn, và hệ thống quan trắc tự động.
Tuy nhiên, nguy cơ sự cố môi trường và cháy nổ vẫn tiềm ẩn nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, thiếu đầu tư vào hệ thống PCCC hoặc chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật.
Thực tế, theo Nghị định 136/2020 của Chính phủ, các KCN có diện tích từ 50 ha trở lên phải thành lập đội PCCC chuyên trách. Tuy nhiên, nhiều KCN mới chỉ có đội PCCC cơ sở không chuyên trách. Một số khu vực còn thiếu các hạng mục quan trọng như ao hồ dự trữ nước chữa cháy hoặc hệ thống trụ nước chữa cháy không được bảo trì thường xuyên.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng khu dân cư, cơ sở sản xuất gia tăng, nguy cơ xảy ra các sự cố môi trường, cháy nổ cũng ngày càng lớn. Để đối mặt với thực tế này, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, quản lý và ứng phó hiệu quả với các rủi ro.
Các doanh nghiệp tại KCN tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chú trọng đầu tư hệ thống PCCC theo đúng thiết kế được thẩm duyệt. Đồng thời, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến và diễn tập ứng phó sự cố cháy nổ, tai nạn lao động được thực hiện thường xuyên. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về tài sản và con người mà còn tăng cường năng lực xử lý tình huống của cán bộ và nhân viên.
Tăng cường trách nhiệm và phối hợp - Hướng tới sự phát triển bền vững
Có thể nói, trong bối cảnh đất nước không ngừng xây dựng và phát triển thì công tác PCCC càng chiếm giữ một vai trò quan trọng. Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Một trong những yếu tố quyết định thành công trong công tác ứng phó sự cố là sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và địa phương. Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, diễn tập định kỳ cũng giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể.
Trong các KCN, nguy cơ cháy nổ có thể nhanh chóng leo thang thành thảm họa, vì vậy công tác phòng cháy cần được xem như một nguyên tắc sống, thấm sâu và ăn rễ trong ý thức của mỗi cá nhân.
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng cháy chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo môi trường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật PCCC. Luật này quy định rõ trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy thuộc về mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam.
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; trong đó, công tác bảo đảm an toàn cháy, nổ là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Do đó, công tác PCCC trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt là vào dịp “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” 04/10 hàng năm đã tổ chức nhiều hoạt động phòng cháy, chữa cháy sôi nổi, thiết thực; tạo sự chuyển biến tích cực, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi doanhg nghiệp trong công tác PCCC, góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Yêu cầu đối với các công ty sản xuất kinh doanh trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc 1. Trước khi tiến hành công việc phải thực hiện kiểm tra an toàn PCCC tại nơi sản xuất kinh doanh do chính mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về PCCC phải tìm mọi cách để khắc phục. 2. Không đốt nhang, đèn để cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn 3. Không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng, dầu, gas tại nơi làm việc và trong khu vực kinh doanh. Những nơi quá trình sản xuất, kinh doanh liên quan đến các chất dễ cháy phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản các chất dễ cháy đó. 4. Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, chấn lưu đèn neon, bảng điện khoảng cách tối thiểu là 0,5m. Không dùng bàn là, bếp điện, bóng đèn sợi đốt để sấy khô hàng hóa (trừ các thiết bị chuyên dùng); khi sử dụng quạt di động hoặc quạt cố định ở khu vực có nhiều vật tư, hàng hóa phải có lồng bảo hiểm. Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra tại doanh nghiệp phải hô hoán cho mọi người cùng biết, nhanh chóng sử dụng các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị để khống chế đám cháy, đồng thời phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời. |
Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững Trong bối cảnh thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp bền vững theo các quy hoạch quốc gia, tỉnh Vĩnh Phúc đang nổi lên ... |
Nhiều doanh nghiệp tại KCN Vĩnh Phúc đồng hành cùng phong trào hiến máu tình nguyện Phong trào hiến máu tình nguyện tại các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang ngày càng phát triển mạnh ... |
Ability Electronics Technology Vietnam khánh thành nhà máy tại KCN Bá Thiện, Vĩnh Phúc Công ty TNHH Ability Electronics Technology Vietnam vừa tổ chức lễ khánh thành nhà máy tại Khu công nghiệp Bá Thiện – Phân khu I, ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng