Nam công nhân 15 năm gồng mình vượt qua nỗi mặc cảm “giới tính thứ 3”
Đời sống - 17/09/2021 17:00 Duy Minh
Nguyễn Đăng Thuần và bạn bè. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021 |
Lạc quan vượt qua dịch bệnh
Nguyễn Đăng Thuần quê ở huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau). Em đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) làm việc vì ở quê không có nhiều nhà máy, xí nghiệp. Và một lý do nữa, em muốn phát triển công việc của mình.
Thuần bảo, em không muốn là công nhân có nhịp sống tan ca rồi trở về nhà ngủ, chỉ biết đến một vài thao tác giản đơn. Hai năm đầu đến tỉnh Tây Ninh, em đã nỗ lực và dồn tâm sức để trở thành một “công nhân chăm chỉ” nhất có thể. Em hoàn thành tốt công việc và không ngừng trau dồi kiến thức như kỹ năng sử dụng vi tính, tiếng Trung. Thuần được giao đảm nhận cương vị quản lý và phụ trách nhân sự của công ty. Em đã tự lo được cuộc sống của bản thân mình ở nơi đất khách quê người.
Nhưng trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Tây Ninh phải tạm ngừng hoạt động. Công ty TNHH May mặc Langham nơi Thuần làm việc cũng vậy.
Nguyễn Đăng Thuần tại nơi làm việc. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021 |
“Gần 3 tháng nay phải ngừng việc, cuộc sống của em nơi nhà trọ rất khó khăn. Em sống trong “vùng đỏ” nên không đi đâu được. Chủ nhà trọ ở mãi TP Hồ Chí Minh nên không hỗ trợ được cho chúng em về nhu yếu phẩm. Mỗi khi muốn mua thực phẩm, nhu yếu phẩm, em phải ra chốt kiểm soát nhờ mua giúp. Cửa hàng thực phẩm cách nhà trọ của em 500m thôi nhưng mỗi lần mua thực phẩm em phải trả phí ship từ 30.000 đến 50.000 đồng. Tổng số tiền ship em phải trả từ khi nghỉ dịch đến nay lên tới cả triệu đồng. 3 tháng nay, em sống cầm cự bằng số tiền dành dụm ít ỏi” – Thuần kể.
Không chỉ khó khăn về mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, Thuần cũng như nhiều công nhân khác càng khó khăn hơn khi không được giảm tiền nhà trọ. Chủ nhà vẫn thu của em 1,3 triệu đồng/tháng bao gồm tiền nhà và điện nước. Nhưng dù khó khăn, Thuần vẫn luôn động viên mình: Khó khăn không của riêng ai và phải cố gắng vượt qua.
Nguyễn Đăng Thuần cùng bạn bè tại nhà trọ. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021 |
Giấu kín “giới tính thứ 3” trong suốt 15 năm
“Em có gia đình chưa?” – Tôi hỏi
“Chưa. Em thuộc giới tính thứ 3”- Thuần nhẹ nhàng nói với tôi.
Trước sự ngạc nhiên của tôi, Thuần nói tiếp: “Em mới công khai điều đó khoảng 1 năm nay. Suốt 15 năm qua, tâm can em bị giày vò tưởng không thể chịu đựng được. Từ khi là học sinh lớp 7, em đã biết mình thuộc “giới tính thứ 3”. Điều đó khiến em rất buồn. Em thích bạn trai nhiều hơn. Em thực sự khổ tâm vì phải gồng mình để che giấu bản thân. Ở độ tuổi vừa mới lớn, em hiểu rằng thuộc “giới tính thứ 3” là điều không dễ dàng được chấp nhận. Em đã không hé răng tiết lộ với bạn bè, anh chị em và ngay cả mẹ vì em sợ!” – Thuần nói như muốn khóc.
Thương mẹ, Thuần đã một mình chịu đựng nỗi giày vò ấy. Trong hồi ức, em ám ảnh bởi những lần cha uống rượu, say xỉn, đánh đập rồi bỏ rơi hai mẹ con. Từ ngày cha bỏ đi, hai mẹ con được nhà ngoại cưu mang, cho đất để dựng một căn nhà nhỏ.
“Dù mọi người dè bỉu, em không sợ. Nhưng em chỉ sợ mẹ khổ tâm vì điều tiếng có một đứa con “không ra nam, không ra nữ”. Em không thể chịu nổi khi thấy mẹ phải buồn. Em đã gồng mình lên. Mỗi khi ra đường, em thể hiện hành động, lời nói, cử chỉ lạnh lùng, nam tính, không ẻo lả. Nhưng mỗi khi trở về nhà, khi đêm đến, em lại là chính mình. Có những lúc em bế tắc và rơi nước mắt thầm lặng vì phải sống trong vỏ bọc không phải là mình. Đêm nào em cũng tự hỏi, em là ai? Từ đó, em sống thu mình khép kín, không nói cho ai biết” – Thuần nhớ lại.
Nguyễn Đăng Thuần vui vẻ sau khi công khai giới tính |
Trong suốt 15 năm qua, không ai biết về giới tính thật của Thuần. Chỉ đến khi một biến cố lớn xảy ra khiến em thay đổi. Đó là một ngày tháng 7/2019, trên đường vào nhà máy làm việc, em bị tai nạn tưởng chừng mất đi mạng sống. Sau cú va chạm với xe container, Thuần bị bể sọ, bể trán cùng mẻ xương quai hàm. Một thời gian dài điều trị ở bệnh viện Tây Ninh không có tiến triển, em và mẹ phải xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chữa chạy. Để có gần 300 triệu đồng chạy chữa cho con, mẹ em đã phải vay mượn, cầm cố, dùng hết số tiền tiết kiệm trong nhiều năm.
“Bây giờ giữa trán của em có một rãnh nhỏ chứa sọ nhân tạo. Bác sĩ nói em không được cử động mạnh, phải nghỉ việc 1 năm để chữa lành vết thương. Về quê nghỉ ngơi, thời gian đầu em bị trầm cảm, không nói chuyện với ai, kể cả người thân trong gia đình. Mỗi tháng mẹ em đi làm được 8 triệu đồng thì phải mua thuốc cho em hết hơn 2 triệu đồng. Thấy gia đình khó khăn quá, em xin mẹ trở lại Tây Ninh tìm việc. Tai nạn đã khiến em nghĩ rằng, mình chỉ sống một lần trên đời. Và mình muốn sống với con người thật của mình. Vì vậy, một buổi tối trước ngày lên đường, em quyết định nói với mẹ sự thật. Nhưng em không dám đối diện mà phải nhờ chị họ nói với mẹ” – Thuần như muốn khóc.
Ngậm ngùi thương con, bà Nguyễn Thị Ánh – mẹ của Thuần rơi nước mắt kể: “Ngày hôm ấy, tôi không thể nào quên. Tôi cảm giác ngờ ngợ mỗi ánh mắt con nhìn mình đều chất chứa tâm sự. Nhưng con không dám nói. Khi biết chuyện, tôi đã lặng đi và thương con hơn nữa. Dù hai mẹ con đã trải qua nhiều khó khăn, có khi trong nhà không còn nổi mấy chục nghìn đồng, phải đi vay mượn nhưng tôi không nghĩ rằng, con đã phải sống như vậy trong nhiều năm trời. Tôi đã nói con hãy sống bình thường theo cách con muốn. Gia đình và dòng họ luôn yêu thương con không có gì thay đổi”.
Công ty hiểu rõ về giới tính và tai nạn của Thuần và tôn trọng em. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021 |
Câu nói của mẹ đã khiến Thuần trút được gánh nặng trong lòng. Sau khi trở lại nhà trọ, em đã nỗ lực tự mình lấy lại tinh thần và dần cân bằng cuộc sống.
“Em đi phỏng vấn trở lại. Chị biết không, em đã tìm được công ty tốt, đồng cảm và thương em. Em đã thẳng thắn nói sự thật về sức khỏe và giới tính của mình với giám đốc nhân sự. Em biết, nói ra những điều đó có thể khiến em không được lựa chọn. Nhưng điều bất ngờ là công ty chấp nhận em vào làm việc và khuyên em thoải mái không nên tự ti về bản thân mình. Giám đốc nhân sự nói, khi nào em đủ tự tin, hãy cởi chiếc nón che sẹo trên đầu để mọi người được ngắm em nhiều hơn” – Thuần hạnh phúc nói.
Thế rồi, sau 4 tháng vào công ty, Thuần đã chính thức tạm biệt chiếc nón che đầu. Em hòa mình với đồng nghiệp trong công ty và không cô độc như trước. Em vui vẻ và tự tin khi gặp khách hàng để trao đổi việc ký kết hợp đồng với công ty.
“Em vui vì mình không còn phải che giấu thân phận và không sợ ai chê mình xấu xí nữa. Trước kia, em chỉ dám chơi với một người bạn trong “giới”. Nhưng bây giờ, những người bạn trong công ty, ở nhà trọ hay bạn trong “giới tính thứ 3” đều thân thiết và coi em là người mang lại niềm vui. Từ một quyết định khó khăn là công khai giới tính, em đã có được cuộc sống hạnh phúc hơn. Em nghĩ rằng, mọi người đừng bao giờ từ bỏ ý chí cố gắng, cứ sống tốt sống vui thì hạnh phúc sẽ mỉm cười".
Những cuộc hồi hương lặng lẽ: Ngủ vạ vật lề đường, hái lá cây làm chiếu Mất việc kéo dài, nguồn thức ăn cạn kiệt khiến nhiều lao động tự do quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc không thể ... |
Người lao động tìm được công việc phù hợp nhờ mô hình "ATM việc làm" Từ mô hình "ATM việc làm" của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận hàng chục người lao động (NLĐ) đã tìm được việc làm. |
Số người lao động thụ hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP đạt tỷ lệ 7% Theo báo cáo của các cấp công đoàn, tính đến ngày 11/9/2021, số người lao động được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết số ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
- Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
- Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
- 06 cách giúp công nhân lao động thêm việc thêm tiền
- Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
- Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?