Một số khuyến nghị nhằm thực hiện mức lương đủ sống cho người lao động
Đời sống - 25/11/2022 17:51 ThS. NGUYỄN THANH TÙNG - Viện Công nhân và Công đoàn, THS. Nguyễn Thị Kim Chung - Trường Đại học Công đoàn
Lương thấp gây ra nhiều hệ lụy
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, tiền lương của NLĐ không ngừng được cải thiện, nâng cao qua các năm nhưng sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, mặt trái của vấn đề tiền lương hiện nay đã được bộc lộ, tiền lương thấp gây ra nhiều hệ lụy trong cuộc sống của người lao động (NLĐ). Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tháng 3 - 4/2022 đã làm rõ vấn đề này.
Hội thảo khoa học Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh do Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức, tháng 4/2022. Ảnh: T. TÙNG. |
Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương thấp nhất NLĐ nhận đã cao hơn mức lương tối thiểu hiện hành, cụ thể tiền lương cơ bản hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được trung bình là 5.792.000 đồng, trừ phụ cấp 5% nguy hiểm và 7% đào tạo thì tiền lương của NLĐ làm đủ giờ và ngày công là 5.097.000 đồng. Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ), những khoản này chiếm khoảng 26,6% tổng thu nhập của NLĐ. Tuy nhiên, tiền lương thấp ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của NLĐ, cụ thể:
- NLĐ phải vay mượn kể cả vay “tín dụng đen” với lãi suất cao để trang trải cuộc sống: Có 11,2% NLĐ tham gia khảo sát thường xuyên (hằng tháng) phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,6% NLĐ thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần) phải đi vay tiền và chỉ có 17,7% NLĐ cho biết, dù có khó khăn nhưng họ chưa từng phải vay tiền để ổn định cuộc sống. Đối tượng chủ yếu mà NLĐ có thể vay là từ người thân, bạn bè, chiếm 77,2%; tiếp theo là vay từ ngân hàng, từ quỹ Công đoàn và từ các nguồn khác. Đặc biệt có 1,4% NLĐ cho biết họ phải đi vay từ các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng với lãi suất cao để trang trải cuộc sống. Hơn 1/5 số người được khảo sát (20,2%) cho biết họ đã từng rút BHXH một lần (sau đó vẫn tiếp tục tham gia BHXH khi có việc, nghĩa là tham gia BHXH lại từ đầu). Điều này cho thấy, cuộc sống của họ rất khó khăn và NLĐ hoàn toàn không có tích lũy trong cuộc sống.
Khảo sát đời sống NLĐ Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền (TP. Hà Nội). Ảnh: T.T. |
- NLĐ phải làm thêm giờ nhiều, ảnh hưởng tới sức khoẻ, thời gian nghỉ ngơi, vui chơi: Mức lương NLĐ nhận được không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu là lý do NLĐ phải chấp nhận làm thêm giờ nhiều để bù đắp chi tiêu trong tháng. Có 44,1% NLĐ cho biết họ có làm thêm giờ với số ngày phải làm thêm giờ trong 1 tháng trung bình là 12,08 ngày/tháng. Người làm thêm ít nhất là làm thêm 1 ngày trong tháng và người làm thêm nhiều nhất là làm thêm 27 ngày trong tháng (gần như ngày nào cũng làm thêm). Số giờ làm thêm trung bình trong ngày là 2,55 giờ và người làm thêm nhiều nhất là làm thêm 4 giờ/ngày và có một số trường hợp phải làm thêm cả ngày Chủ nhật hoặc thêm 01 ca (từ 8 - 12 tiếng).
- Tiền lương ảnh hưởng tới dinh dưỡng của bản thân NLĐ và con của họ: Có 5,5% người được hỏi cho biết, rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1 lần/tuần); 33,5% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần) và chỉ có 58,8% cho biết tiền lương thu nhập hiện tại đảm bảo 02 bữa ăn có thịt cá/ngày. Bên cạnh đó, có 3,0% NLĐ tham gia khảo sát có con dưới 6 tuổi cho biết, họ chưa bao giờ mua sữa cho con uống; 5,5% cho biết họ rất ít khi mua sữa cho con và chỉ có 36,6% người trả lời cho biết họ mua sữa cho con uống thường xuyên.
- Tiền lương ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái của NLĐ: Trong tổng số 269 NLĐ tham gia khảo sát chưa lập gia đình thì có tới 54,6% cho biết, tiền lương và thu nhập hiện tại ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định lập gia đình của họ. Có 52,9% NLĐ đã lập gia đình cho biết, tiền lương thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh con, cụ thể: 67,1% NLĐ đã lập gia đình nhưng chưa có con nói quyết định sinh con của họ bị chi phối bởi vấn đề tiền lương; tỷ lệ này ở những người đã lập gia đình, có 1 con và đang cân nhắc sinh con thứ hai lên đến 78,3%. Đặc biệt có 17,4% NLĐ đang có con dưới 18 tuổi tham gia khảo sát cho biết, hiện tại con đang không ở cùng với họ. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là tiền lương và thu nhập thấp nên chưa dám lập gia đình vì e ngại không đủ tài chính đảm bảo cho gia đình sau này và không đủ tiền để gửi trẻ hoặc cho con đi học tại địa phương nơi làm việc.
Tiền lương ảnh hưởng tới khám chữa bệnh đảm bảo sức khỏe: Có 9,9% cho biết, tiền lương hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chữa bệnh; 43,4% cho biết, họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Nhiều NLĐ không dám đi khám vì không có tiền, thậm chí có tới 5,1% NLĐ cho biết, họ không làm gì cả khi bị bệnh, vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi; 57,7% NLĐ cho biết, họ mua thuốc về tự chữa bệnh và chỉ đi đến các cơ sở y tế khám khi bệnh chuyển nặng và không thể tự chữa được.
Kết quả trên cho thấy, tiền lương của NLĐ hiện nay còn một khoảng khá xa mới đạt được mức tiền lương đủ sống được đưa ra ở trên. Thực tế cho thấy, chỉ có 8,9% NLĐ tham gia khảo sát cho biết họ có dư dật, tiết kiệm từ tiền lương và thu nhập hiện nay; 56,1% cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang chải cho cuộc sống; 21,8% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và còn tới 13,2% cho biết, thu nhập hiện nay không đủ sống, phải làm thêm giờ, thêm việc khác. Nếu so sánh với kết quả khảo sát năm 2018 thì tỷ lệ NLĐ tham gia khảo sát cho biết họ có tích lũy, tiết kiệm từ tiền lương năm 2022 giảm tới 8,5% (17,4% năm 2018 và 8,9% năm 2022) tức là giảm đi gần một nửa, mức độ hài lòng về tiền lương giảm 3.5% so với kết quả khảo sát năm 2018.
Cán bộ công đoàn Khu công nghiệp tỉnh Long An trao đổi với công nhân Công ty Giày Viễn Thịnh về điều kiện lao động tại nơi làm việc. Ảnh: T.T. |
Một số khuyến nghị nhằm thực hiện mức lương đủ sống cho NLĐ
Để hạn chế tình trạng trên và từng bước khắc phục những tác động của tiền lương thấp đối với NLĐ, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cần xem xét xây dựng mức lương đủ sống cho NLĐ. Để làm được điều đó, các bên liên quan cần nghiên cứu thực hiện một số khuyến nghị sau:
- Chính phủ cần xây dựng lộ trình nâng mức lương tối thiểu hiện tại lên mức lương đủ sống; thực hiện tính lương tối thiểu theo cách minh bạch và có sự tham gia hơn, tạo môi trường thuận lợi hơn để trao quyền cho công đoàn và thực hiện thương lượng tập thể về tiền lương và điều kiện làm việc; đảm bảo an sinh xã hội phổ quát để hỗ trợ thực hiện lương đủ sống.
- Tổ chức Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng mức lương tối thiểu hiện tại ở các vùng lên mức lương đủ sống; thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương và tăng cường năng lực đàm phán, thương lượng cho cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở; tăng cường năng lực giám sát về thực thi pháp luật lao động và Quy tắc ứng xử của nhãn hàng.
- Các doanh nghiệp cần làm việc với các bên liên quan về lương đủ sống cho công nhân (khách hàng, nhãn hàng, công đoàn, công nhân, chính phủ...); minh bạch về đơn hàng, tính toán đơn giá tiền lương và định mức lao động, đảm bảo đơn giá tiền lương và định mức lao động được xây dựng phù hợp; xác định cấu phần lương trong giá đơn hàng và cam kết ngăn chặn chạy đua xuống đáy.
- Các nhãn hàng cần đảm bảo quyền cơ bản của NLĐ trong chuỗi cung ứng; cam kết có trách nhiệm về trả lương đủ sống; xây dựng và công bố lộ trình về lương đủ sống; thực hiện và giám sát tiền lương đủ sống trong chuỗi cung ứng.
Công nhân Công ty TNHH Công nghệ Nessei Việt Nam trả lời phiếu khảo sát về đời sống, thu nhập của Viện Công nhân và Công đoàn. Ảnh: T.T. |
Tiền lương có tác động rất lớn đến cuộc sống của NLĐ, tiền lương không đủ sống không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến tương lai của họ và con họ. Có lẽ ai cũng hiểu một điều đơn giản, NLĐ phải được bảo đảm cuộc sống - sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống và do đó, họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình họ. Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến của họ thì mới động viên và yêu cầu họ làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ai cũng nói được, nhưng cần hành động vì NLĐ là nguồn lực quý giá nhất của mọi doanh nghiệp - cần nuôi dưỡng, chăm lo chu đáo cho nguồn lực quyết định này.
Tài liệu tham khảo
1. Oxfam (2019), Báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy - Nghiên cứu một số doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam”.
2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2018), “Báo cáo về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018”
3. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2022), “Báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động và khuyến nghị phương án điều chính mức lương tối thiểu vùng năm 2022”
Mức lương đủ sống - mục tiêu quan trọng cần đạt được Lương tối thiểu nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, người lao động trong thực ... |
Khi thực hiện tăng lương cơ sở, lương của cán bộ xã, phường sẽ tăng ra sao? Dự kiến từ ngày 01/7/2023, khi mức lương cơ sở tăng từ 1,4 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì lương của cán bộ xã, ... |
Khó khăn về đơn hàng, doanh nghiệp vẫn giữ mức thưởng Tết cho người lao động Tại tỉnh Đồng Nai, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng trong 6 tháng cuối năm 2022 và chưa có tín hiệu ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng