Khi bác sĩ cần… giỏi Văn
Văn hóa - Xã hội - 23/05/2023 17:46 Mỹ Anh MỸ ANH
Theo Quy chế của Bộ, các trường được phép lựa chọn môn trong tổ hợp xét tuyển với điều kiện có Toán hoặc Văn; đồng thời mỗi tổ hợp tối đa 3 bài thi. Các trường có quyền tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo Luật Giáo dục Đại học.
4 trường quyết định dùng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển cho ngành Y bao gồm: Trường Đại học Văn Lang (TP.HCM), Duy Tân (Đà Nẵng), Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Tân Tạo (Long An). Các trường này không phải là những trường “top” về đào tạo Y khoa. Song, những cử nhân tốt nghiệp trường vẫn sẽ cầm tấm bằng Y và có thể làm bác sĩ.
Đại diện các trường đã lần lượt đăng đàn để giải thích về quyết định của mình. Đại thể, có mấy ý sau: Thứ nhất, các trường cho rằng học giỏi Văn sẽ giúp bác sĩ có nhiều lòng trắc ẩn, dễ cảm thông và chia sẻ. Từ đó, họ sẽ làm tốt hơn công việc của mình bằng cả trái tim. Thứ hai, các trường cho rằng, giỏi Văn sẽ giúp bác sĩ diễn đạt lưu loát, truyền đạt tốt hơn tới bệnh nhân. Đồng thời, môn Văn là bổ sung cần thiết cho các bác sĩ để đồng hành cùng những khó khăn, khốn cùng của người bệnh.
Thoạt nghe thì rất hay, rất nhân văn và thuyết phục. Nhưng nếu nghĩ kỹ lại, chúng ta sẽ thấy rất nhiều lợn cợn từ những lập luận này. Bởi, nếu coi Văn là công cụ lớn nhất để có lòng trắc ẩn, thì môn học này cần được đưa vào xét điểm đầu vào của tất cả các ngành học. Có ngành nghề nào trên cõi đời này mà không cần nhân công giàu lòng trắc ẩn? Có con người nào trong xã hội này không cần diễn đạt lưu loát?
Và ở chiều ngược lại, chính các bác sĩ cũng đã phản ứng rất mạnh rằng: Vậy những người không thi Văn, không giỏi Văn, phải chăng, họ không có lòng trắc ẩn? Họ không đủ năng lực diễn đạt với bệnh nhân của mình những điều bệnh nhân cần?
Tôi đồng tình hoàn toàn với các bác sĩ đang phản ứng với việc xét tuyển điểm Văn vào ngành Y. Ngành Y cần kiến thức chuyên môn sâu, cần tư duy logic, nên yếu tố tối cần thiết cho con người ngành này là hiểu biết và có năng lực học tập xuất sắc ở môn sinh và các môn khối ngành tự nhiên.
Trong những người tạm gọi là có điểm cao môn Văn, người có phẩm hạnh cũng nhiều (nhiều như bao người giỏi các môn khác) mà người thích tầm chương trích cú để khoe mẽ cũng không hề ít. Và tuyệt nhiên, không có chuyện Văn là thước đo của lòng trắc ẩn. Cũng giống như môn Giáo dục công dân trước đây cùng môn Đạo đức ngày nay, tôi không bao giờ tin người ta có thể định lượng được tấm lòng của con người.
Tức là, không có chuyện học sinh điểm 9 môn Văn sẽ có nhân cách và phẩm hạnh hơn những học sinh được điểm dưới trung bình môn học này. Tương tự như vậy với môn Giáo dục công dân và Đạo đức, phẩm giá con người không phải là thứ học thuộc rồi đánh số. Nó là quá trình hun bồi tự nhiên qua điều kiện sống và sức mạnh nội tâm. Mà những điều này, không ai và không cái gì có thể đo đạc được. Những suy nghĩ, hành động, lời nói từ trái tim sẽ chỉ có thể cảm được bằng trái tim.
Còn câu chuyện diễn đạt, đó cũng là một vấn đề của nhiều người, nhiều ngành. Song, nó không phải là vấn đề lớn nhất của các bác sĩ hiện thời. Và lập luận về môn Văn hiện tại của một số trường vừa ngô nghê và vừa khiến các bác sĩ nổi giận cũng dễ hiểu.
Nói như lập luận của các trường, phải chăng, thầy cô chịu trách nhiệm phát ngôn cũng cần học lại môn Văn?
MỸ ANH
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee" Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Tin cùng chuyên mục

Văn hóa - Xã hội - 01/06/2023 17:43
“Bài toán” học đại học
Nam, hiện là học sinh lớp 12 ở một tỉnh miền Trung, đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đã từ bỏ giấc mơ vào đại học dù chưa đến thời gian xét tuyển chung. Điều đó không chỉ vì với đồng lương công nhân ít ỏi hằng tháng, bố mẹ em không đủ sức gồng gánh nuôi em ăn học mà còn vì gia đình đã tính toán, đặt ra câu hỏi và cũng là câu kết luận: “Ra trường bao lâu mới “lấy lại” được học phí?”.

Văn hóa - Xã hội - 31/05/2023 18:06
Kỳ án Phương Hằng ngày càng kịch tính
Mấy hôm nay, kỳ án Nguyễn Thị Phương Hằng lại khiến dư luận chú ý dù đã qua cả năm trời điều tra với nhiều diễn biến bất ngờ, nhiều tình tiết mới xuất hiện được coi là ngoài dự kiến.

Văn hóa - Xã hội - 24/05/2023 19:40
Sách giáo khoa vẫn nóng hổi câu chuyện mọi nhà
Hôm qua 23/5, câu chuyện giá sàn, giá trần sách giáo khoa lại được bàn thảo và nóng lên giữa nghị trường Quốc hội. Câu chuyện về sách giáo khoa đã được nghị sự nhiều lần, thu hút dư luận và đến nay vẫn chưa phải đã có hồi kết.
Kinh tế - Chính sách

EVN - Xin lỗi rồi sao nữa?

Giảm thuế VAT để khoan thư sức dân

Lao động mất việc và đòi hỏi thực tế

EVN - Lỗ lớn và lời to

Kiểm toán khai thác khoáng sản và "kê đơn" trách nhiệm
Môi trường - Sức khỏe

Nước đến chân mới nhảy

Mặt trái của tờ hợp đồng bảo hiểm

Giày cao gót và dép lê - mối nguy hiểm với người lái xe

Nước sạch, hàng hóa công và câu chuyện pháp lý
