Giải pháp để giảm tình trạng NLĐ nghỉ việc chờ rút BHXH một lần
Đời sống - 04/11/2023 14:32 HỒNG NHUNG
Dự thảo Luật BHXH: chốt 2 phương án về chế độ rút BHXH một lần |
Bên lề Nghị trường Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, nhiều ĐBQH đã bày tỏ quan điểm và ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương. |
Cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động (NLĐ)
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương): "Tờ trình của Chính phủ đã phân tích ưu, nhược điểm của 02 phương án Dự thảo sửa đổi Luật BHXH nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần ở tầm vĩ mô. Trong khi đó, NLĐ lại có cái nhìn thực tế hơn cho nhu cầu cuộc sống của họ.
Nhìn từ góc độ tâm tư, nguyện vọng của NLĐ phổ thông tham gia trực tiếp sản xuất, họ luôn có suy nghĩ và cho rằng tuổi hưu đủ 60 tuổi đối với nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Hầu hết NLĐ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế,... Vì vậy đa phần họ đã rời thị trường lao động công nghiệp, không tiếp tục tham gia BHXH được nữa, nên nhu cầu hưởng BHXH một lần là rất lớn. Theo tôi, đây chính là mấu chốt của vấn đề, chúng ta cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của NLĐ".
Giai đoạn từ năm 2018-2022, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 60.000 người rút BHXH một lần, số người hưởng lương hưu chỉ có 6.738 người, chiếm 0,64% số người tham gia BHXH đến năm 2022. Về tổng thời gian đóng BHXH bình quân là khoảng 5 năm đối với nam và 6 năm đối với nữ. Dự báo năm 2023, cũng có khoảng hơn 60.000 đến 65.000 người hưởng BHXH một lần, không có biến động nhiều.
Nhiều người hưởng BHXH một lần dẫn đến lưới an sinh khó có thể mở rộng nhanh; về già những người này có khi không kịp tham gia đủ 15 năm để có lương hưu. Thực tế báo chí cũng đăng nhiều công nhân nhận BHXH một lần của 05 năm, 10 năm chỉ đủ trả nợ cho 01 năm chờ hưởng (1 năm đó xem như họ tự làm thất nghiệp cho bản thân họ) hoặc có người nhận tiền xong mua xe máy, điện thoại mới… xem như là đã sử dụng hết tiền cũng không tích lũy được gì. Tóm lại, hệ lụy nhìn rõ nhất khi hưởng BHXH một lần là tuổi già không có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương nhận định: "Tôi rất băn khoăn về nội dung thiết kế cho cả 2 phương án Dự thảo sửa đổi Luật BHXH. Để phòng tránh tình trạng NLĐ phản ứng mạnh như đã từng xảy ra khi Luật chưa có hiệu lực (Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 93 để ổn định tình hình), chúng ta có thể chọn nền là phương án 1, vẫn chia làm 2 nhóm, nhưng nhóm 2 (tham gia từ tháng 07/2025) khi chưa đến tuổi hưu cũng phải được hưởng BHXH một lần ở tỷ lệ nhất định; theo đó có thể quy định dung hòa cả 2 phương án như sau:
Nhóm 1: Tham gia BHXH trước tháng 07/2025, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu, có dưới 20 năm tham gia BHXH, nếu có nhu cầu hưởng BHXH một lần, được hưởng 70% thời gian đã tham gia tính đến thời điểm hưởng (sau 12 tháng nghỉ việc); 30% thời gian chưa hưởng có thể tích lũy cho việc hưởng hưu hoặc cộng vào đợt hưởng sau.
Nhóm 2: Tham gia BHXH sau tháng 07/2025, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu có dưới 20 năm tham gia BHXH, nếu có nhu cầu hưởng BHXH một lần được hưởng 30% thời gian đã tham gia tính đến thời điểm hưởng (sau 12 tháng nghỉ việc); 70% thời gian chưa hưởng có thể tích lũy cho việc hưởng hưu hoặc cộng vào đợt hưởng sau.
Ngoài ra, đối với cả 2 nhóm: Khi đủ tuổi hưu (chưa đủ 15 năm tham gia); ra nước ngoài định cư và có bệnh nguy hiểm tính mạng sẽ được hưởng BHXH ngay khi đáp ứng một trong ba điều kiện trên (không phải chờ 12 tháng)".
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn |
Công tác tuyên truyền về Luật BHXH chưa thực sự tốt
Đồng chí Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.
Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp NLĐ được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật BHXH đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: Giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; Ngoài ra, NLĐ trong thời gian bị mất việc, chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Cả 2 phương án rút BHXH trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của NLĐ, tuy nhiên mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm khác nhau.
Tình trạng công nhân lao động nghỉ việc ồ ạt để chờ rút BHXH một lần trước khi Luật BHXH (sửa đổi) chính thức có hiệu lực là một tồn tại trong quá trình xây dựng Luật, thể hiện công tác tuyên truyền chưa thực sự tốt dẫn đến NLĐ chưa hiểu thấu đáo.
"Tôi muốn phân tích kĩ hơn về phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".
Phương án này chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. NLĐ đã giải quyết một phần thời gian đóng, chỉ còn bảo lưu lại được một phần thời gian đóng nên sẽ ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chế độ BHXH (thời gian đóng ngắn) khi tiếp tục tham gia. NLĐ không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác bị giảm quyền lợi trước mắt. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng NLĐ đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Bên cạnh đó, NLĐ chưa lường trước tình huống khi họ quay lại tiếp tục tham gia BHXH nhưng đến khi nghỉ việc vẫn chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Chưa tính tới việc, khi họ muốn quay lại làm việc thì doanh nghiệp có tuyển dụng họ nữa hay không vì độ tuổi của họ có thể không phù hợp với công việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nữa", nữ ĐBQH tỉnh Thái Bình phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai. |
Các phương án rút BHXH một lần cần lộ trình áp dụng phù hợp
Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai thì cho rằng, rút BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH. Tuy nhiên, tình trạng NLĐ hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến: "Tôi cho rằng, các phương án mà dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế NLĐ hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như Tờ trình của Chính phủ đã xác định. Do đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ NLĐ trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động…
Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để NLĐ biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.
Ngoài ra, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với NLĐ, có thể khiến NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Trong thời gian gần đây, số lượng NLĐ nhận BHXH một lần gia tăng là một thực tế rất đáng lo ngại. Hiện nay, qua nắm tình hình công nhân lao động ở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ở độ tuổi từ 40 đến 45 tuổi hầu như khả năng lao động bắt đầu giảm sút, nguy cơ bị sa thải, bị mất việc nhiều. Chính vì thế, nếu làm thêm 20 năm nữa để có lương hưu là rất khó khả thi. Vì vậy, việc rút hưởng BHXH một lần cũng là nhu cầu tất yếu, nên nhiều người đã chọn phương án nhận BHXH một lần.
Khi NLĐ rút BHXH một lần không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của họ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia khi mà những năm tới, dân số nước ta bắt đầu già hóa.
Cụ thể, việc nhận BHXH một lần sẽ tác động đến nguồn thu nhập của NLĐ khi về già, họ tự đẩy mình ra khỏi hệ thống mạng lưới an sinh xã hội ở Việt Nam; NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già, mất cơ hội được nhận thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động… không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội".
Đồng chí Võ Mạnh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NVCC |
Rút BHXH một lần phản ánh sự mất niềm tin của NLĐ với chủ doanh nghiệp
Đồng chí Võ Mạnh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua, mặc dù các cấp, các ngành, mà đặc biệt là các cấp công đoàn đã tăng cường công tác tuyên truyền đến đoàn viên, NLĐ về những hệ lụy khi rút BHXH một lần, tuy nhiên, thực tế vẫn ghi nhận tình trạng hàng loạt công nhân rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc. Họ cho rằng, khi nào có việc mới thì tham gia lại sẽ không ảnh hưởng gì. Nhưng theo tôi, nếu làm như vậy thì về lâu dài, lương hưu của NLĐ khó được đảm bảo".
Với những quy định hiện hành, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng mà thời gian đóng chưa đủ 20 năm khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Đây được cho là chính sách về BHXH một lần khá thông thoáng nên NLĐ sẽ tính tới chế độ này đầu tiên khi nghỉ việc hoặc gặp các khó khăn tài chính trước mắt.
Về phía NLĐ, số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng BHXH trong 1 năm của NLĐ bằng 2,64 tháng lương nhưng khi nhận BHXH một lần chỉ được nhận số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
NLĐ sẽ mất cơ hội hưởng lương hưu và nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Bên cạnh đó, NLĐ mất cơ hội được nhận thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi hết tuổi lao động. Nếu có bảo hiểm y tế sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho con cháu của họ. Ngoài ra, thân nhân của NLĐ cũng mất cơ hội nhận trợ cấp mai táng phí và chế độ tử tuất nếu không may NLĐ qua đời.
"Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng NLĐ rút BHXH một lần như đã nói trên, nhưng trong đó phải kể đến sự mất niềm tin của NLĐ với chủ doanh nghiệp khi tình trạng nợ, trốn đóng BHXH vẫn diễn ra. Do vậy, muốn tăng niềm tin của NLĐ và tránh hiện tượng rút BHXH một lần, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để giảm tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đối với NLĐ.
Tôi cho rằng, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm rất thuận lợi cho NLĐ, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, với NLĐ, thì việc giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH sẽ tạo điều kiện cho những người tham gia BHXH muộn. Thực tế cho thấy, vì một lý do nào đó, NLĐ không tham gia BHXH khi còn trẻ tuổi, đến độ tuổi trung niên (40-45 tuổi) họ mới tham gia BHXH. Theo đó, nếu giữ nguyên quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 20 năm thì những đối tượng này sẽ không tham gia được.
Ngoài ra, đối với những NLĐ không đóng BHXH liên tục mà đóng ngắt quãng thì việc giảm thời gian tối thiểu cũng sẽ giúp nhiều lao động đủ số năm tham gia và được hưởng lợi hơn. Khi có nhiều NLĐ tham gia đóng BHXH thì diện bao phủ sẽ rộng hơn,BHXH sẽ phát triển hơn.
Tuy nhiên, hiện cũng còn những ý kiến lo ngại việc nếu giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH thì lương hưu của NLĐ sẽ rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng vấn đề này cũng không đáng lo ngại lắm. Bởi vì việc đề xuất giảm thời gian đóng tối thiểu là để hướng tới những đối tượng NLĐ như đã nêu ở trên - là những người mà nếu không giảm thời gian đóng tối thiểu thì họ không có cơ hội được tham gia BHXH, đồng nghĩa với việc không có lương hưu.
Cho nên dù có mức hưởng lương hưu thấp thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho NLĐ hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước. Chưa kể đến, khi tham gia BHXH, NLĐ còn được hưởng nhiều quyền lợi an sinh khác. Cho nên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH xuống còn 15 năm", Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
5 thiệt thòi khi NLĐ nghỉ việc và chờ rút BHXH một lần Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam nêu quan điểm: "Tôi tán thành đưa phương án 2 vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vì phương án này đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của NLĐ trong thời điểm cần thiết, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của NLĐ trong thời gian dài. Với phương án này, thứ nhất sẽ giữ chân được NLĐ ở lại với hệ thống BHXH và khi kết hợp với các giải pháp khác sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. Thứ hai, NLĐ khi tiếp tục tham gia BHXH sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi hưởng cao hơn, NLĐ có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; NLĐ có nhiều cơ hội hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Hiện nay đang diễn ra tình trạng NLĐ nghỉ việc và chờ rút BHXH một lần. Rõ ràng, đây là một thực trạng đáng lo ngại. Khoan hãy bàn đến các ảnh hưởng vĩ mô khác, mà tôi muốn nói đến 5 thiệt thòi rất cụ thể của NLĐ bao gồm: Thứ nhất, sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, nguồn thu nhập hữu ích ổn định khi về già. Người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh tăng định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế chứ không phải là mức lương hưu cố định khi có quyết định nghỉ hưu. Thứ hai, NLĐ sẽ mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe của mỗi người. Đặc biệt, mức bảo hiểm y tế dành cho người đang hưởng lương hưu được chi trả đến 95%, ưu việc hơn mức 80% của bảo hiểm y tế tự nguyện. Thứ ba, thân nhân của NLĐ không được hưởng chế độ tử tuất khi không may NLĐ qua đời. Nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời... Thứ tư, số tiền NLĐ nhận BHXH một lần sẽ thiệt thòi hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Thứ năm, NLĐ tham gia đóng BHXH đủ số năm theo quy định sẽ được hưởng lương hưu, nghỉ việc khi chưa đến tuổi hưu có thể bảo lưu quá trình đóng để khi đến tuổi hưu được hưởng chế độ hưu trí. Đối với Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này, tôi sẽ tham gia một số ý kiến với nhiều nội dung, trong đó tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung về BHXH một lần được quy định tại Điều 70 của Dự thảo Luật. Tôi mong muốn quan tâm đến hướng đảm bảo, quyền lợi cao nhất cho NLĐ, cũng như người dân tham gia BHXH tự nguyện, thiết kế chính sách ưu đãi để nhiều người tin tưởng và tham gia BHXH ngày càng đông hơn, bao phủ BHXH toàn dân, để người dân yên tâm khi về già" |
Những thiệt thòi khi NLĐ rút BHXHML. Nguồn: TTXVN |
Điểm mới của 2 phương án rút Bảo hiểm xã hội một lần Tại Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), Chính phủ đã báo cáo xin ý kiến Quốc hội về 2 ... |
Người lao động đóng BHXH sau năm 2025 sẽ không được rút một lần? Chính phủ thống nhất báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, ... |
11 nội dung lớn trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Dưới đây là 11 nội dung lớn trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.