Đối thoại tại doanh nghiệp là vấn đề then chốt nâng cao phúc lợi cho người lao động
Kỹ năng cán bộ công đoàn - 28/08/2024 10:52 TRƯỜNG SƠN
Để hiểu rõ hơn về công tác này, phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.
PV: Thưa đồng chí Lê Thị Thu Nam. Đồng chí có thể thông tin khái quát về tình hình công nhân, viên chức, lao động của Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh hiện nay và ý nghĩa của các cuộc đối thoại tại nơi làm việc như thế nào?
Đồng chí Lê Thị Thu Nam: Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh hiện có 42 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở trực thuộc đóng trên địa bàn 05 khu công nghiệp và 01 khu kinh tế như Khu Công nghiệp Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa, Phú Bài và Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô, với các doanh nghiệp sản xuất đa ngành nghề như: May mặc, lắp rắp đồ chơi trẻ em, gạch men, bao bì, sơn, ô tô, chất bán dẫn, du lịch, sinh dược phẩm, thiết bị âm thanh…
Trong đó, doanh nghiệp FDI có 19 đơn vị; công đoàn cơ sở doanh nghiệp cổ phần và TNHH có vốn đầu tư trong nước là 23 đơn vị. Tổng số lao động được ký kết hợp đồng lao động chiếm 97,5%; thực hiện các khoản bảo hiểm bắt buộc cho người lao động chiếm 96,3%. Với tổng số công nhân, viên chức, lao động là 26.802 người; số đoàn viên công đoàn là 24.226 người.
Đến nay, các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, được ký thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với nhiều điều khoản có lợi hơn so với luật định. Hằng năm, từ kết quả của đối thoại, thương lượng, đàm phán, các điều khoản có lợi được bổ sung phụ lục vào bản TƯLĐTT.
Hội nghị đối thoại luôn thu thút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia. Ảnh: TS. |
Các nội dung sau khi đối thoại được đưa vào TƯLĐTT có nhiều điều khoản có lợi hơn so với luật quy định, người lao động được thụ hưởng nhiều phúc lợi hơn như: Suất ăn ca được tăng lên trên 20.000 đồng/suất ăn; điều kiện làm việc được cải thiện; tiền lương được áp dụng cao hơn 7 - 10% so với mức lương tối thiểu vùng…
Đối thoại tại nơi làm việc trong quan hệ lao động không chỉ bảo đảm sự dân chủ trong doanh nghiệp, nhất là người lao động được đóng góp ý kiến để xây dựng môi trường lao động ổn định, vì sự phát triển của đơn vị, dung hòa được quyền và lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, còn có tác dụng phòng ngừa các mâu thuẫn trong quan hệ lao động, hạn chế và loại trừ nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động làm ảnh hưởng đến mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp, gây thiệt hại về quyền, lợi ích cho cả hai bên.
Muốn thực hiện được mục tiêu xây dựng quan hệ hài hòa tại doanh nghiệp không có tình trạng ngừng việc tập thể do mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động làm ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động, lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của quốc gia thì phải có sự nỗ lực của các bên. Trong đó, đối thoại là việc làm quan trọng, là giải pháp tối ưu để thực hiện thành công mục tiêu trên.
PV: Thực tế cho thấy rằng, đối thoại tại nơi làm việc sẽ góp phần phòng ngừa ngừng việc tập thể do tranh chấp lao động tại doanh nghiệp. Vì vậy, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã triển khai hoạt động này như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Thu Nam: Những năm trước đây, Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã từng có tình trạng xảy ra ngừng việc tập thể do tranh chấp lao động ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bản chất của các cuộc tranh chấp lao động, chủ yếu là tranh chấp về lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.
Trong quá trình thực hiện quan hệ lao động, có nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa các bên. Giữa người sử dụng lao động và người lao động không có tiếng nói chung về “điểm giới hạn lợi ích”.
Để phòng ngừa nguy cơ xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp thì đối thoại là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất mà các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương, các cấp công đoàn, doanh nghiệp và người lao động cần phải thực hiện nghiêm túc, trên tinh thần trách nhiệm, hợp tác và cầu thị.
Đồng chí Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời những ý kiến của đoàn viên, người lao động về những nội dung của công đoàn. Ảnh: T.S. |
Hằng năm, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh phối hợp với các LĐLĐ huyện, thị xã có khu kinh tế, khu công nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa người lao động, doanh nghiệp với chính quyền địa phương và các Sở, Ban, Ngành liên quan nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc, phát sinh để giải đáp nghiên cứu đề xuất, bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, chính sách, quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, doanh nghiệp.
Chẳng hạn, trong Tháng Công nhân vừa qua, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh phối hợp với LĐLĐ huyện Phú Vang, huyện Phong Điền, huyện Phú Lộc và thị xã Hương Trà là những địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp đóng trên địa bàn để tổ chức các buổi đối thoại. Mời lãnh đạo huyện, thị xã, Phòng Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội; BHXH tỉnh cùng tham gia đoàn chủ trì đối thoại. Các phòng Lao động - Thương binh & Xã hội; BHXH; Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Công an huyện, thị xã tham gia tổ tư vấn để trả lời tất cả những vấn đề mà công nhân lao động yêu cầu giải đáp.
Qua đối thoại, chính quyền địa phương và các Sở, Ban, Ngành và tổ chức Công đoàn đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải đáp ý kiến phản ánh, kiến nghị đề xuất về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Đồng thời, đây cũng là dịp để lãnh đạo các cấp lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của đoàn viên và người lao động. Buổi đối thoại cũng là dịp để tuyên truyền về các chế độ chính sách, quy định của pháp luật đến với công nhân lao động.
PV: Để công tác đối thoại tại nơi làm việc được triển khai hiệu quả, nhất là ở công đoàn cơ sở, đồng chí có thể chia sẻ về những kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị mình trong quá trình triển khai?
Đồng chí Lê Thị Thu Nam: Để phù hợp với điều kiện lao động sản xuất tại doanh nghiệp, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã mời các đơn vị liên quan như: BHXH tỉnh; Phòng Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội; cơ quan Công an và chính quyền địa phương để cùng tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp.
Những nội dung mà công nhân lao động quan tâm nhiều nhất tại buổi đối thoại là các nội dung sát sườn với việc làm đời sống hằng ngày của đoàn viên, người lao động như: Tiền lương, trợ cấp, thời gian nghỉ ngơi, tiền thưởng, bữa ăn ca...
Cùng với đó là những chế độ khác như: Chính sách BHXH (chế độ thai sản, BHTN, các quy định về rút BHXH một lần); chế độ nghỉ phép, giao kết hợp đồng lao động; các vấn đề liên quan đến ATGT (tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh…); môi trường trong khu kinh tế, công nghiệp; yêu cầu cơ quan công an có giải pháp xử lý tệ nạn tín dụng đen, đòi nợ, tệ nạn lừa đảo trên mạng xã hội… làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và lao động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đoàn viên, người lao động ở huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) có ý kiến với nội dung về rút BHXH một lần. Ảnh: T.S. |
Tuy nhiên, các chương trình đối thoại của Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh tổ chức chỉ mang tính bao quát, giải đáp các vấn đề chung, còn đối thoại tại doanh nghiệp mới là yếu tố then chốt trong việc nâng cao phúc lợi cho người lao động và thúc đẩy tăng năng suất lao động. Từ đó, xây dựng được quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc.
Chính vì vậy, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh rất chú trọng trong việc chỉ đạo hướng dẫn, tập huấn, đào tạo kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho người lao động, đề nghị người sử dụng lao động tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất nếu cần.
Bằng các kênh thông tin, công đoàn đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, tình hình quan hệ lao động từ đó có những giải pháp tối ưu trong việc hỗ trợ công đoàn cơ sở, doanh nghiệp, công nhân lao động xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc hài hòa, ổn định, tiến bộ, bền vững.
Để đối thoại được được triển khai hiệu quả như mong muốn, tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp để chọn ra các hình thức đối thoại linh hoạt, phù hợp. Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có thể tổ chức đối thoại trực tiếp giữa tổ chức công đoàn, người lao động và chủ doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp lớn, có đông công nhân lao động và đơn hàng nhiều thì công đoàn sẽ tổng hợp ý kiến của đoàn viên, người lao động để đề nghị doanh nghiệp tổ chức đối thoại hoặc gửi ý kiến của đoàn viên, người lao động đến doanh nghiệp qua Zalo hoặc mạng nội bộ. Ngoài ra, xây dựng thùng thư để đoàn viên, người lao động chủ động gửi các ý kiến, người sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn có thể căn cứ vào đó để kịp thời đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng của người lao động.
Điển hình các doanh nghiệp tổ chức tốt việc đối thoại như: Công ty Hanesbrand Việt Nam Huế; Công ty B’Lao Sport; Công ty TNHH Hanex Huế; Công ty Scavi Huế; Công ty TNHH Scavi Quảng Điền; Công ty TNHH MSV...
Bên cạnh đó, tại hội nghị người lao động hằng năm, doanh nghiệp cũng đã lắng nghe ý kiến của người lao động, từ đó giải quyết được toàn diện hoặc giải quyết dần từng phần tùy theo điều kiện của doanh nghiệp những yêu cầu chính đáng của người lao động và cam kết thời gian lộ trình thực hiện. Tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động là 38/42 đơn vị, chiếm gần 90,5%.
Đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) đặt câu hỏi trong buổi đối thoại. Ảnh: T.S. |
Sau khi đối thoại, thương lượng, doanh nghiệp ra thông báo và thực hiện. Đồng thời, công đoàn cơ sở đề nghị doanh nghiệp đưa các nội dung, điều khoản thương lượng thành công vào bản TƯLĐTT để người lao động được hưởng các chế độ lâu dài.
Phải nói rằng, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh thời gian gần đây tương đối ổn định. Để có được kết quả này, phần lớn nhờ vào công tác đối thoại tại nơi làm việc được các đơn vị chú trọng thực hiện. Thông qua đối thoại, người lao động được đóng góp ý kiến để xây dựng môi trường lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển và thông qua đối thoại để doanh nghiệp hiểu người lao động cần gì, mong muốn gì để nâng cao hơn nữa phúc lợi cho người lao động.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đối thoại vẫn còn những khó khăn gì thưa đồng chí? Từ những khó khăn đó, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã có những giải pháp gì để chương trình đối thoại ngày càng được triển khai hiệu quả, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Thu Nam: Hiểu được tầm quan trọng của việc đối thoại là giúp đoàn viên, người lao động nắm vững các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của bản thân cũng như xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Thời gian qua, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh và các công đoàn cơ sở đã rất nỗ lực chủ động trong việc phối hợp thực hiện và hướng dẫn tổ chức các cuộc đối thoại. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định.
Điển hình, để đối thoại hiệu quả, công đoàn phải phối hợp với nhiều Sở, Ban, Ngành liên quan tham gia chủ trì, tổ tư vấn tại buổi đối thoại và để người lao động có điều kiện tham gia đông đủ thì phải tổ chức vào ngày nghỉ, nên việc tổ chức không phải dễ dàng.
Mặt khác, nhiều đoàn viên, người lao động chưa mạnh dạn trong việc đề xuất các ý kiến liên quan đến quyền lợi bản thân nên công tác tổng hợp ý kiến tại buổi đổi thoại có lúc chưa thật sự đầy đủ.
Về phía công đoàn cơ sở, các đồng chí cán bộ công đoàn 100% kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của người lao động dẫn đến chất lượng của một số buổi đối thoại chưa cao, chưa đáp ứng được mong muốn của đoàn viên, người lao động.
Đoàn viên, người lao động trên địa bàn thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) đặt câu hỏi tại buổi đối thoại do Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và LĐLĐ thị xã Hương Trà tổ chức. Ảnh: T.S. |
Để chương trình đối thoại ngày càng được triển khai hiệu quả, cán bộ công đoàn phải tự rèn luyện, bổ sung kiến thức, kỹ năng và nâng cao bản lĩnh đại diện cho đoàn viên, người lao động trong tham gia đối thoại cùng doanh nghiệp; thường xuyên gần gũi với đoàn viên, người lao động để chủ động hơn trong việc cùng với doanh nghiệp lắng nghe “Lời công nhân nói và hiểu công nhân cần gì” thông qua tổ chức các đối thoại tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, quan tâm đối thoại đột xuất và những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc làm, thu nhập và phúc lợi của người lao động; cán bộ công đoàn cơ sở cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động và phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các cuộc đối thoại. Từ đó, đưa được nhiều hơn các điều khoản có lợi vào bản TƯLĐTT so với luật định để người lao động được hưởng nhiều phúc lợi hơn.
Về phía người sử dụng lao động, cùng với công đoàn cơ sở tổ chức nhiều buổi đối thoại để thường xuyên, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để bổ sung vào TƯLĐTT nhiều phúc lợi, ngày càng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.
Có như vậy, quan hệ lao động tại doanh nghiệp ngày càng được khăng khít. Người lao động gắn bó, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp; doanh nghiệp thì tăng năng suất lao động, tăng doanh thu và giữ được nguồn nhân lực.
Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế Hướng dẫn kỹ năng đối thoại, thương lượng trong ký kết TƯLĐTT cho cán bộ công đoàn cơ sở. Ảnh: T.S. |
Về phía Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hướng dẫn các công đoàn cơ sở trực thuộc về quy trình thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT; chú trọng tổ chức tập huấn về kỹ năng thương lượng đối thoại cho cán bộ công đoàn cơ sở; tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa công nhân lao động với chính quyền địa phương và các Sở, Ban, Ngành liên quan.
Từ thực tiễn cho thấy rằng, doanh nghiệp nào chú trọng đối thoại một cách nghiêm túc, cầu thị giữa người lao động và người sử dụng lao động thì doanh nghiệp đó xây dựng được mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ và đời sống người lao động được nâng cao, doanh nghiệp đó ngày càng phát triển.
Video chia sẻ của đồng chí đồng chí Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế về đối thoại tại nơi làm việc.
Huế lần đầu tiên tổ chức hội thi “Thợ giỏi ngành May”: Phát huy khả năng sáng tạo người thợ Ngày 4/8, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường Trung cấp Công nghệ số 10 tổ chức ... |
Tăng cường ký kết với các đơn vị tiềm năng để có nhiều phúc lợi hơn Từ những bản ký kết chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động giữa Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thừa Thiên ... |
Hoàng Thị Mai Hương - cô giáo chăm làm việc thiện nguyện Là một giáo viên dạy tiếng Anh có thâm niên công tác hơn 21 năm tại Trường Tiểu học Đại Thành (thuộc xã Lộc An, ... |
Tin cùng chuyên mục
Công đoàn - 25/09/2024 09:17
Trang bị kỹ năng khai thác trí tuệ nhân tạo vào truyền thông công đoàn
Năm 2024, Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tập trung nâng cao kỹ năng khai thác trí tuệ nhân tạo trong truyền thông cho cán bộ công đoàn.
Công đoàn - 20/09/2024 07:50
Nâng cao kỹ năng thương lượng tập thể về tiền lương
Giúp cán bộ công đoàn hiểu rõ, hiểu sâu về tiền lương trong doanh nghiệp để thương lượng tập thể là mục tiêu mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra tại lớp tập huấn đang được tổ chức ở Đà Nẵng.
- Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Chuyên gia khẳng định đi lại nhiều sức khỏe sẽ không đảm bảo
- Khi cô trò “nhầm vai”
- Thừa Thiên Huế: Bồi dưỡng kiến thức tư vấn pháp luật cho cán bộ Công đoàn
- Hệ thống phòng khám da liễu Maia&Maia tuyển nhân sự tại Hà Nội và Bắc Ninh
- Anh Vũ Hữu Thiết - đoàn viên tâm huyết, sáng tạo của Nhiệt điện Phả Lại