Cái lý, cái tình và Nghị định 64
Cà phê tối - 23/10/2020 16:15 VŨ HÙNG
Chiếc bánh chưng và hai tiếng “đồng bào” Tìm một niềm vui trong những ngày buồnđôn Ca sĩ Thủy Tiên và từ thiện hợp pháp |
Chuyện xưa...
Con đi thi ở đâu cha không làm giám thị ở đó. Quan một vùng nhất định phải là người quê vùng khác. Từ việc tham nhũng dù chỉ 1 cắc của dân lành cho chí để mất một tấc đất biên cương của Tổ quốc, đều bị triều đình lập tức nhốt giam ngục tối cho chí chém đầu. Duy lý ghê gớm thế cơ mà, duy lý hơn cả chúng ta ngày nay ấy chứ?
Nhưng vì sao các cụ xưa vẫn trọng tình, vẫn coi cái tình bằng “một trăm” cái lý? Bởi các cụ xưa coi tình như một đạo đức để mà tôn thờ và theo đuổi, để mà dạy dỗ cháu con “chữ Tâm kia mới bằng 3 chữ Tài”, để mà “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” bằng thu phục nhân tâm, để mà nuôi dưỡng và phát huy truyền thống tôn trọng đạo lý không bao giờ nhạt phai của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, “cái lý” cũng rất cần. Song, “cái lý” ấy phải đúng, phải thuộc về chân lý khách quan. Người ta thường bảo “nói phải củ cải cũng nghe”, hoặc “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, hay “mất lòng trước, được lòng sau” là để chỉ người hay dùng “cái lý” để nói thẳng, nói thật. Không ai phủ nhận người dùng “cái lý” là sai. Vấn đề là nên dùng vào lúc nào, ở đâu, với đối tượng nào, mức độ ra sao…? Còn nếu biết kết hợp hài hoà giữa “cái lý” và “cái tình” thì đó là một điều mỹ mãn.
Vì thế, nếu chúng ta đem “cái tình” ra để đối đãi nhau thì đẹp biết bao, dù nó chỉ là “một tý”. Còn “cái lý” thì có hàng trăm cái, nhưng xem ra khi nặng về lý thì khó “lọt tai” để đến với trái tim người trong cuộc. Câu tục ngữ “ Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” mãi mãi là lời khuyên nhẹ nhàng mà sâu sắc đối với mỗi thế hệ người Việt Nam.
Chuyện nay...
Nữ ca sĩ Thủy Tiên là một trong những người nổi tiếng tích cực nhất trong hành trình thiện nguyện kêu gọi và trực tiếp tham gia cứu trợ bà con miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Ảnh: MXH |
Trở lại thời sự hôm nay và một vụ việc đang gây sự chú ý và bàn luận sâu rộng và gay gắt trong xã hội. Một số người nổi tiếng như ca sĩ Thuỷ Tiên, danh hài Hoài Linh, MC Trấn Thành hiện nay và MC Phan Anh vụ trước, rồi một số doanh nghiệp, rồi các cơ quan báo chí, hay rất nhiều các hội nhóm thiện nguyện khác đã và đang quyên góp được số tiền, hàng lớn để cứu trợ bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Nếu không có họ, hàng trăm tỷ đồng cứu trợ có thể sẽ không đến được tận tay đồng bào trong cơn hoạn nạn, đúng lúc và đúng chỗ. Đặc biệt, sau khi ca sĩ Thuỷ Tiên công bố đã quyên góp được trên 105 tỷ đồng đi làm từ thiện cho đồng bào bị lũ lụt, đồng thời với việc Văn phòng Chính phủ ra thông báo đôn đốc việc tuân thủ Nghị định 64 của Chính phủ, thì toàn xã hội dường như phát sốt và lập tức đã xuất hiện sự lo lắng, pha chút thoái chí; sự buồn bã của những người giàu lòng nhân ái và nhiệt tình; sự tranh cãi tuy chưa nảy lửa nhưng không hề kém gay gắt giữa các chuyên gia pháp lý với nhau, giữa họ với dân chúng, và giữa dân chúng với Chính phủ.
Và tất cả cùng ngớ người ra, đều sửng sốt khi biết rằng bây giờ, thời nay, nếu cái “lá lành” muốn đùm “cái lá rách”, nếu bầu muốn thương bí chung một giàn, nếu “nhiễu điều” muốn phủ cho “gương”, thì đều phải xin phép, đều phải tuân theo Nghị định 64, nếu không là vi phạm pháp luật.
Nghị định 64/2008 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 14/5/ 2008. Tại Điều 5, Nghị định 64 của Chính phủ quy định: Ngoài Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, cơ quan thông tin đại chúng, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Như vậy, việc tập thể, hay bất cứ cá nhân nào, nếu họ nhận quyên góp của người thân, bạn bè, cộng đồng xã hội để cứu trợ bà con vùng lũ cũng đều là hành động không được cho phép, chiểu theo Nghị định 64.
Mà để được phép, thì mọi người đi làm từ thiện phải thành lập 1 quỹ từ thiện. Muốn thành lập 1 quỹ từ thiện, bạn lại cần phải có ít nhất 3 sáng lập viên kèm 2,5 tỷ đồng vốn pháp nhân. Rồi khi đủ người đủ tiền, bạn lại phải khai báo một bộ hồ sơ với nhiều thứ giấy tờ, con dấu, và sau khi nộp xong cho các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì lại đợi ít nhất là 40 ngày để nhận được giấy phép. Lượng thời gian ấy, đủ để khi bạn mang được hàng hoá đến địa chỉ cần cứu hộ cấp cứu vì lũ lụt, thì chỗ bạn đến đã vào mùa khô và đang hạn hán!
Một đồng nghiệp của chúng tôi đã hơn 20 năm tham gia hoạt động xã hội từ thiện cho biết, rất nhiều lần đến vùng thiên tai thì các nhóm từ thiện đã đến trước và đã hỗ trợ bà con rất hiệu quả. Đặc biệt là họ rất kiên quyết trong việc phải trao tận tay người dân bị thiệt hại.
Chúng ta đã có Hiến pháp 2013, trong đó ghi rõ rằng quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật, chứ không phải nghị định. Chúng ta đã có Bộ luật Dân sự 2015 cùng các quy định các quyền dân sự, bao gồm cả quyền tặng cho tài sản, uỷ quyền quản lý tài sản, chỉ bị hạn chế bởi luật. Nhưng một quy định cấm tại Nghị định mãi từ năm 2008 về từ thiện lại vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống.
Và ngay trong sáng nay, 23/10, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, khi trả lời câu hỏi của phóng viên cũng cho biết: “Việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân kịp thời trong lúc khó khăn và lặn lội đi đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ đồng bào rất đáng hoan nghênh, trân trọng". Đồng thời bà Thu khẳng định: "Về mặt pháp luật thì ca sĩ Thủy Tiên cũng không vi phạm vì theo Bộ luật Dân sự, cô ấy là người trung gian để đem vật chất, tiền bạc của người cho gửi cho người nhận, được ủy thác nên theo luật là được phép".
Còn cách đây 3 ngày, trả lời phỏng vấn báo VnExpress, ông Võ Thành Hưng (Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính) cũng thẳng thắn cho biết quan điểm công khai của ngành Tài chính, rằng các quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP hay Thông tư 72/2008/TT-BTC đều chỉ nhằm “để đảm bảo cơ quan có thẩm quyền kêu gọi hỗ trợ và phân phát tiền cứu trợ một cách hiệu quả, đảm bảo các đơn vị cơ quan nhà nước làm đúng trách nhiệm khi nhận tiền quyên góp”.
Và ông Vụ trưởng của Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Theo đó, việc một số cá nhân huy động tiền dựa trên lòng tin của cộng đồng và trực tiếp làm từ thiện, không thuộc đối tượng quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Thông tư 72/2008/TT-BTC”.
Và mong ước cho ngày mai
Đại diện của ngành Tài chính và các chuyên gia pháp lý đã nêu ra các ý kiến như trên. Vậy còn phía Chính phủ?
Động thái mới nhất là hôm 21/10, Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục ra thông báo, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng chỉ thị đôn đốc mọi cơ quan, ban, ngành, mọi tổ chức xã hội và công dân cần tuân thủ Nghị định 64 khi tham gia làm từ thiện.
Thông báo đó, thật sự như gáo nước lạnh dội vào đốm lửa nhiệt tình tương thân tương ái đang được nhen lên và ấp ủ không hề dễ dàng trong thời buổi kim tiền này.
Người ta nhận ra rằng, để đến với đồng bào bị lũ lụt, biết vượt qua sóng nước bão bùng của thiên tai là chưa đủ. Mà còn phải vượt qua cả những cái rào cản, bục chắn do sự xa dân đặt ra.
Có thể có những vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động từ thiện, nhưng quy định thường đi sau cuộc sống.
Pháp luật trước hết là thể hiện tư tưởng nhân đạo của một nhà nước pháp quyền, vì vậy cần phải kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cuộc sống nhằm khơi dậy, khuyến khích và bảo vệ những con người, những hoạt động từ thiện nhân ái như Thủy Tiên và nhiều người khác.
Không vì sự máy móc cứng nhắc của các quy định lỗi thời mà cấm đoán, làm chết đi hay cản trở những con người, những hành động thiện nguyện từ trái tim đáng quý, mà cần có những quy định để động viên, khuyến khích tạo điều kiện cho các hoạt động nảy nở, bền vững đúng pháp luật.
Còn nhớ rằng, ngay sau khi nhậm chức, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, đích thân Thủ tướng đã rất nhiều lần nói đến chữ Chính phủ kiến tạo, được dân chúng hiểu rằng đây sẽ là một nhiệm kỳ của sự sáng tạo, sự xây dựng những cái mới trên nền tảng của những điều tốt đẹp của các nhiệm kỳ trước để lại, cũng như sự bứt phá tiến lên dỡ bỏ những rào cản, những bất cấp, những lạc hậu của các nhiệm kỳ Chính phủ trước để lại.
Đây là lúc, Chính phủ hơn lúc nào hết, cần thực hiện tốt nhất ý tưởng kiến tạo do chính mình đề ra để đáp ứng những đòi hỏi mới của cuộc sống, mà ví dụ cụ thể là chỉnh sửa hoặc thay thế Nghị định 64 bằng một nghị định khác cho sát với công tác từ thiện của Nhà nước và trong nhân dân. Tôi thật tâm đắc với ý kiến của một chuyên gia pháp lý, được đăng trên các báo ra ngày hôm qua, khi ông nhận xét:
“Chính phủ, trong nhiệm kỳ này, đã từng nhận thấy sự kìm kẹp của các giấy phép con trong kinh doanh làm khó các doanh nghiệp như thế nào. Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt một chiến dịch rà soát, cắt giảm 50% các điều kiện đầu tư kinh doanh, các giấy phép con. Nhưng có vẻ chỉ có giấy phép con trong kinh doanh được rà soát và bãi bỏ, còn giấy phép con trong việc làm từ thiện thì chưa có ai rà soát. Vì thế nên một quy định từ năm 2008 đến nay vẫn còn tồn tại và ngáng đường những người phục vụ cộng đồng...”.
Theo tư duy đó chúng ta thấy, thay vì bắt các cá nhân, tổ chức phải xin phép mới được làm, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu các cá nhân tiếp nhận quyên góp phải công khai việc sử dụng số tiền này và xử lý những kẻ lừa đảo, lợi dụng hoạt động này để chiếm đoạt thành của riêng. Bộ luật Hình sự quy định hành vi lừa đảo, chiếm đoạt từ hai triệu đồng trở lên đã có thể bị xử lý hình sự.
Một cơ chế như vậy vừa thuận tiện cho những người thực tâm muốn làm từ thiện - mà tôi tin số họ không ít trong cộng đồng, vừa bảo đảm tính răn đe để khiến các cá nhân, tổ chức không dám lợi dụng lòng tốt để thu lợi riêng.
Để kết thúc bài viết về từ thiện, tính pháp lý của nó và chuyện lý - tình trong cuộc sống, tôi nghĩ thật là gần gũi khi nhắc lại câu thơ của Tố Hữu - nhà thơ vừa được Nhà nước kỷ niệm 100 năm ngày sinh:
“Còn gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau”.
Xin đừng đi làm cái việc “định hướng” cho sự tử tế và “định vị” cho lòng nhân ái. Hãy để mọi người dân thượng tôn pháp luật, không chỉ bằng ý thức công dân, mà bằng cả tình nhân ái và lòng nhân đạo. Hãy để mọi quy chế, quy định, nghị định đi vào cuộc sống một cách tốt đẹp bởi sự bắt nhịp đồng điệu của nó với nhịp đập của trái tim nhân dân, với nhịp sống đất nước, nhịp bước thời đại.
Và khi đó, lý và tình, tâm nguyện của đồng bào và ý chí của Chính phủ sẽ hoà làm một, sẽ biến thành một sức mạnh tổng hợp, vượt qua không chỉ bão lũ hôm nay, mà còn cả những thiên tai, nhân tai và cả địch hoạ trong tiến trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu này.
Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ 300 triệu đồng cho CNVCLĐ Hà Tĩnh bị thiệt hại do mưa lũ Chiều ngày 22/10, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn và Công đoàn Viên ... |
Tìm một niềm vui trong những ngày buồn Tin tức có thể đã nguội, nhưng lòng tốt thì vẫn còn ấm mãi, sáng nay tôi chợt nghĩ thế khi đọc báo. |
Lũ lụt lớn: Một sự bình thường mới? Hiện tượng mưa lũ đặc biệt lớn ở miền Trung mấy tuần qua được một số chuyên gia dự báo có thể trở thành ... |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 18/11/2024 15:03
Hết thời “nhập siêu” văn hóa?
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết thúc vào hôm qua (17/11). Thành công vang dội của Lễ hội cùng những sự kiện gần đây của các đêm nhạc “nội địa” đang cho thấy nhiều chỉ dấu tích cực về công nghiệp văn hóa.
Cà phê tối - 16/11/2024 13:38
Chống lãng phí ngày nhà giáo
20/11 tới gần, khắp các trường trên cả nước đều đang tất bật không khí chuẩn bị tri ân ngày nhà giáo - ngày lễ lớn của cả cô và trò trên cả nước. Đây cũng là một dịp để các nhà trường cũng như phụ huynh học sinh dạy cho các em bài học về chống lãng phí.
Cà phê tối - 11/11/2024 15:29
Thở ở Hà Nội
Đến hẹn lại lên, từ tháng 10 tới tháng 3 là cao điểm bụi mịn ở Hà Nội. Không khí vẩn đục ô nhiễm, các công trình xây cất khắp nơi và vỉa hè tiếp tục ra tăng sức ép bằng những khối đá xếp sẵn chờ ngày lát lại.
Cà phê tối - 09/11/2024 17:52
“Siết” quảng cáo của nghệ sĩ
Việc người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL quảng cáo thái quá về công dụng của nhiều loại thực phẩm chức năng làm “nóng” nghị trường. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như Bộ VH-TT&DL cũng đều lên tiếng về vấn đề trên.
Cà phê tối - 04/11/2024 10:49
San đất nông nghiệp, làm sân pickleball
Hàng loạt lô đất thuộc dự án bỏ hoang, đất kho bãi, thậm chí đất nông nghiệp đã bị san lấp làm sân pickleball - một môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam.
Cà phê tối - 02/11/2024 14:54
“Cuộc đại phẫu” di tích
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất mục tiêu tu bổ 100% di tích Quốc gia Đặc biệt và 80% Di tích Quốc gia.
Kinh tế - Chính sách
Văn hóa - Xã hội
Mong ước đầu năm học
Tính cách của Nguyễn Thanh Long và số phận của ông Nguyễn Trường Sơn 1
Nghĩ về một ngày lễ lớn của lực lượng Công an Nhân dân
Oppenheimer và cách kể một câu chuyện lịch sử
300 ngàn thí sinh và lựa chọn không vào đại học
Môi trường - Sức khỏe
Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Vụ bắt cóc 20 giây
Tang thương Phố Núi
Bằng chứng F
Vụ sạt lở do… “nhân tai”
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng
- Công đoàn góp sức xây dựng nông thôn mới
- Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
- Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh