Vụ người lao động thắng kiện hơn 725 triệu đồng: Phán quyết của tòa sơ thẩm là phù hợp
Pháp luật lao động - 01/05/2024 12:25 ĐỖ LÂM
Luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai. Ảnh NVCC |
PV: Là người luôn theo sát diễn biến vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Vậy đâu là mấu chốt của vấn đề pháp luật trong vụ án này thưa luật sư?
Luật sư Vũ Ngọc Hà: Vụ án giữa nguyên đơn là anh Lưu Chí Hiếu (SN 1973, địa chỉ phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) và bị đơn là Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi tắt là Công ty BOT Phú Mỹ 3) là vụ việc tranh chấp lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ).
Nhưng về nguyên nhân, điều kiện xác định làm cơ sở dẫn đến quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty BOT Phú Mỹ 3 đối với anh Lưu Chí Hiếu lại nằm ở pháp luật chuyên ngành về An toàn, vệ sinh lao động.
Cụ thể, theo biên bản điều tra tai nạn lao động ngày 31/3/2022 của Công ty BOT Phú Mỹ 3 thì vào khoảng 10 giờ sáng ngày 03/6/2021 anh Hiếu đang làm việc tại Công ty BOT Phú Mỹ 3 thì bị chóng mặt, được bác sĩ trực và đội sơ cứu đưa từ nơi làm việc về Phòng Y tế của công ty thăm khám, điều trị, nghỉ ngơi, sau khoảng 30 phút thì trở lại làm việc.
Sau đó, khoảng 14 giờ, anh Hiếu được giao nhiệm vụ mở van xả đáy của lò thu hồi nhiệt 12. Khi đi xe đạp được nửa đường thì anh Hiếu lại thấy chóng mặt, nên tiếp tục được theo dõi tại Phòng Y tế của công ty; sau hơn 2 giờ, anh Hiếu được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ, sau đó chuyển tới Bệnh viện Bà Rịa và được chẩn đoán là bị nhồi máu não, tăng huyết áp.
Điều này khẳng định, anh Hiếu bị tai nạn trong lúc đang làm việc theo sự phân công của người có thẩm quyền trong công ty. Đồng thời, về tình hình sức khỏe của anh Hiếu trước khi xảy ra tai nạn đã được bác sĩ của công ty thăm khám, điều trị và cho anh Hiếu tiếp tục làm việc.
Như vậy, tai nạn này đối với anh Hiếu được xác định là “tai nạn lao động” theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Đây là cơ sở quan trọng để xem xét việc Công ty BOT Phú Mỹ 3 đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Hiếu là đúng pháp luật hay trái pháp luật.
Anh Lưu Chí Hiếu (áo màu cam) tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ việc tranh chấp lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh: NVCC |
PV: Trong vụ việc này, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động kéo dài, phải khởi kiện để tòa án giải quyết là gì thưa luật sư?
Luật sư Vũ Ngọc Hà: Quá trình giải quyết vụ việc chưa tìm được tiếng nói chung giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhất là trong tìm hiểu và áp dụng pháp luật.
Cụ thể, phía anh Hiếu nhận định rằng đây là “tai nạn lao động” vì đã hội đủ các yếu tố, điều kiện quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, điều này đã được khẳng định tại biên bản điều tra tai nạn lao động ngày 31/3/2022 của Công ty BOT Phú Mỹ 3; Kết luận ngày 29/8/2023 của Hội đồng Giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các văn bản trả lời của Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Còn phía Công ty BOT Phú Mỹ 3 lại cho rằng anh Hiếu bị đột quỵ là do bệnh lý chứ không phải là “tai nạn lao động”. Và anh Hiếu đã điều trị liên tục 12 tháng mà chưa khỏi nên đã đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động với anh Hiếu từ ngày 08/6/2022, theo điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ năm 2019.
Như vậy đã có những cách hiểu khác nhau giữa các bên về khái niệm “tai nạn” và “tai nạn lao động” quy định tại các văn bản pháp luật dẫn đến xu hướng áp dụng quy phạm pháp luật không đúng bản chất của tình tiết trong vụ việc; làm cho quá trình giải quyết vụ việc kéo dài, phải thông qua phán quyết của Tòa án.
Một trang Bản án số 01/2023/LĐ-ST ngày 18/10/2023 xét xử vụ việc tranh chấp lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ. |
PV: Luật sư nhận định như thế nào về phán quyết của Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ đối với vụ án này?
Luật sư Vũ Ngọc Hà: Tôi cho rằng, phán quyết của Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ tại Bản án số 01/2023/LĐ-ST ngày 18/10/2023 là phù hợp theo pháp luật.
Cụ thể là xem xét, đánh giá về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động đối với người lao động theo điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ và điều kiện về thời gian báo trước theo điểm c khoản 2 Điều 36 BLLĐ để tuyên hủy Quyết định chấm dứt HĐLĐ số PM3.0.2022/206 ngày 06/6/2022 của Công ty BOT Phú Mỹ 3 đối với anh Lưu Chí Hiếu; buộc Công ty BOT Phú Mỹ 3 phải nhận anh Hiếu trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày anh Hiếu không được làm việc và phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 41 BLLĐ.
Đồng thời Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm đã nhận định tai nạn của anh Hiếu là “tai nạn lao động”. Tuy nhiên, tại Tòa, anh Hiếu đã rút yêu cầu khởi kiện bồi thường tai nạn lao động để tiếp tục khởi kiện bằng một vụ án khác.
Do đó, Hội đồng xét xử chỉ tuyên buộc Công ty BOT Phú Mỹ 3 phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với anh Hiếu sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc theo khoản 8 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Do có kháng cáo của bị đơn, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 02/5/2024 |
PV: Qua vụ việc của anh Lưu Chí Hiếu, luật sư có kiến nghị, đề xuất gì về sửa đổi hoàn thiện pháp luật?
Luật sư Vũ Ngọc Hà: Về khái niệm “tai nạn” và “tai nạn lao động” trong BLLĐ và Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện nay chưa được giải thích rõ ràng, chưa đồng bộ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật.
Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
“b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục”.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 37 BLLĐ. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
“1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này”.
Trong khi đó khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì quy định: “8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, làm rõ “tai nạn” tại điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ (có loại trừ trường hợp tai nạn lao động hay không?). Tương tự “tai nạn” tại khoản 1 Điều 37 BLLĐ (có phải là “tai nạn lao động” hay không?).
Có như vậy khi áp dụng pháp luật mới rõ ràng, tránh cách hiểu khác nhau. Vì trong thực tế, không phải tất cả các vụ tai nạn đều được công nhận là “tai nạn lao động”.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Video: chia sẻ của Luật sư Vũ Ngọc Hà
Diễn biến vụ việc và quá trình giải quyết: Theo hồ sơ vụ án, ngày 03/6/2021 anh Hiếu đang làm việc tại Công ty BOT Phú Mỹ 3 thì bị chóng mặt, được đưa đến Phòng Y tế của công ty chăm sóc, nghỉ ngơi, sau đó trở lại làm việc. Đến 14 giờ cùng ngày, anh Hiếu lại bị chóng mặt nên tiếp tục được theo dõi tại Phòng Y tế của công ty; sau hơn 2 giờ, anh Hiếu được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ, sau đó chuyển tới Bệnh viện Bà Rịa và được chẩn đoán là bị nhồi máu não, tăng huyết áp. Ngày 5/6/2021, anh Hiếu được chuyển lên Bệnh viện 115 TP. Hồ Chí Minh điều trị; đến ngày 8/6/2021 xuất viện về điều trị tại địa phương. Ngày 31/3/2022 Công ty BOT Phú Mỹ 3 tiến hành điều tra tai nạn lao động và kết luận: “Đây là trường hợp tai nạn lao động”. Ngày 6/6/2022, Công ty BOT Phú Mỹ 3 ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Hiếu kể từ ngày 8/6/2022. Ngày 29/8/2023, Hội đồng Giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận, anh Hiếu bị tổn thương cơ thể do tai nạn lao động là 73%. Với sự tư vấn, hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Hiếu đã nộp đơn khởi kiện Công ty BOT Phú Mỹ 3 tại Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; yêu cầu chi trả lương và các khoản phụ cấp, hỗ trợ theo thỏa ước lao động tập thể... số tiền hơn 1,17 tỉ đồng; đồng thời, sắp xếp cho anh Hiếu một công việc phù hợp. Ngày 26/9/2023, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ có quyết định tạm ngừng phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp này với lý do là tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đề nghị tạm ngừng phiên tòa để có thời gian tiếp cận tài liệu. Đồng thời, phía bị đơn đề nghị triệu tập Bệnh viện Bà Rịa, Hội đồng Giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tham gia phiên tòa. Ngày 12/10/2023, phiên tòa tiếp tục được mở lại với sự tham gia của các bên cùng Bệnh viện Bà Rịa, Hội đồng Giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước lập luận của các bên cùng các chứng cứ được đưa ra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định vụ án phức tạp nên quyết định nghị án kéo dài đến ngày 18/10/2023. Ngày 18/10/2023, Hội đồng xét xử tuyên hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty BOT Phú Mỹ 3 đối với anh Hiếu, buộc công ty này phải nhận anh Hiếu vào làm việc trở lại và sắp xếp công việc phù hợp; phải chi trả cho anh Hiếu 17 tháng lương mức 38,197 triệu đồng/tháng (theo mức lương trước đó) từ tháng 7/2022 đến ngày 18/10/2023 và bồi thường 2 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với tổng số tiền hơn 725 triệu đồng. Do có kháng cáo của bị đơn, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 01/2024/LTPT-LĐ ngày 29/01/2024 về “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là anh Lưu Chí Hiếu và bị đơn là Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3. Vụ án sẽ được xét xử công khai vào lúc 14 giờ ngày 02/5/2024 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Công đoàn bảo vệ người lao động tại tòa án, đòi bồi thường 1,17 tỉ đồng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phân công cán bộ công đoàn tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp ... |
Công đoàn giúp NLĐ thắng kiện, được bồi thường hơn 725 triệu đồng Ngày 18/10, Tòa án Nhân dân (TAND) thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tuyên án, chấp nhận yêu cầu khởi ... |
Gian truân đòi lại quyền lợi, lẽ phải cho chồng Chị Nguyễn Thị Lệ Khanh trải lòng với những gian truân đi “đòi lại lẽ phải” cho chồng: “Nếu đến với công đoàn sớm hơn, ... |
Kinh nghiệm từ vụ người lao động thắng kiện hơn 725 triệu đồng Đồng chí Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói về quá trình ... |
Xét xử phúc thẩm vụ người lao động thắng kiện được bồi thường hơn 725 triệu đồng Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự ... |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 21/11/2024 16:27
Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
Nữ lao động là trụ cột chính trong gia đình, việc bị nợ lương đã khiến cuộc sống của cô lâm vào cảnh túng quẫn.
Pháp luật lao động - 18/11/2024 06:07
7 trường hợp phải tổ chức đối thoại theo Bộ luật Lao động năm 2019
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định 7 trường hợp khi có vụ việc phải tổ chức đối thoại. Người sử dụng lao động, người lao động và cán bộ công đoàn cần biết những quy định này để thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động.
Sổ tay pháp luật - 16/11/2024 08:39
Những điều cần biết về đối thoại tại nơi làm việc theo pháp luật lao động
Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 đã có những quy định cụ thể về đối thoại tại nơi làm việc. Quy định này nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Phóng sự điều tra - 15/11/2024 20:50
Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam
Sáng nay (15/11), đại diện Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đã tới làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ (Hà Nội) về vụ tranh chấp lao động xảy ra tại công ty này.
Phóng sự điều tra - 13/11/2024 14:33
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định bác sĩ Lê Khắc Thu có đủ sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.
Phóng sự điều tra - 08/11/2024 14:32
Bị nợ lương thử việc, nam công nhân phải vay lãi ngày chăm con ốm
Kết thúc thời gian thử việc 1 tháng vào ngày 30/8, nhưng hơn 2 tháng sau, anh T. (Thanh Oai, Hà Nội) mới được thanh toán lương sau nhiều lần đòi quyền lợi.
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định