Xét xử phúc thẩm vụ người lao động thắng kiện được bồi thường hơn 725 triệu đồng
Phóng sự điều tra - 30/04/2024 10:06 ĐỖ LÂM
Sẽ xét xử phúc thẩm vào ngày 02/5
Trong vụ việc này, nguyên đơn là anh Lưu Chí Hiếu (SN 1973, địa chỉ phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) và bị đơn là Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ (gọi tắt là Công ty BOT Phú Mỹ 3).
Theo hồ sơ vụ án, ngày 03/6/2021 anh Hiếu đang làm việc tại Công ty BOT Phú Mỹ 3 thì bị chóng mặt, được đưa đến Phòng Y tế của công ty chăm sóc, nghỉ ngơi, sau đó trở lại làm việc.
Đến 14 giờ cùng ngày, anh Hiếu lại bị chóng mặt nên tiếp tục được theo dõi tại Phòng Y tế của công ty; sau hơn 2 giờ, anh Hiếu được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ, sau đó chuyển tới Bệnh viện Bà Rịa và được chẩn đoán là bị nhồi máu não, tăng huyết áp.
Đồng chí Nguyễn Trung Ngạn - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (áo xanh) tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: NVCC |
Ngày 5/6/2021, anh Hiếu được chuyển lên Bệnh viện 115 TP. Hồ Chí Minh điều trị; đến ngày 8/6/2021 xuất viện về điều trị tại địa phương.
Ngày 31/3/2022 Công ty BOT Phú Mỹ 3 tiến hành điều tra tai nạn lao động và kết luận: “Đây là trường hợp tai nạn lao động”. Ngày 6/6/2022, Công ty BOT Phú Mỹ 3 ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Hiếu kể từ ngày 8/6/2022.
Ngày 29/8/2023, Hội đồng Giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận, anh Hiếu bị tổn thương cơ thể do tai nạn lao động là 73%.
Với sự tư vấn, hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Hiếu đã nộp đơn khởi kiện Công ty BOT Phú Mỹ 3 tại Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; yêu cầu chi trả lương và các khoản phụ cấp, hỗ trợ theo thỏa ước lao động tập thể... số tiền hơn 1,17 tỉ đồng; đồng thời, sắp xếp cho anh Hiếu một công việc phù hợp.
Văn bản của LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phân công đồng chí Nguyễn Trung Ngạn tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm để bảo vệ cho anh Hiếu |
Ngày 26/9/2023, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ có quyết định tạm ngừng phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp này với lý do là tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đề nghị tạm ngừng phiên tòa để có thời gian tiếp cận tài liệu. Đồng thời, phía bị đơn đề nghị triệu tập Bệnh viện Bà Rịa, Hội đồng Giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tham gia phiên tòa.
Ngày 12/10/2023, phiên tòa tiếp tục được mở lại với sự tham gia của các bên cùng Bệnh viện Bà Rịa, Hội đồng Giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước lập luận của các bên cùng các chứng cứ được đưa ra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định vụ án phức tạp nên quyết định nghị án kéo dài đến ngày 18/10/2023.
Ngày 18/10/2023, Hội đồng xét xử tuyên hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty BOT Phú Mỹ 3 đối với anh Hiếu, buộc công ty này phải nhận anh Hiếu vào làm việc trở lại và sắp xếp công việc phù hợp; phải chi trả cho anh Hiếu 17 tháng lương mức 38,197 triệu đồng/tháng (theo mức lương trước đó) từ tháng 7/2022 đến ngày 18/10/2023 và bồi thường 2 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với tổng số tiền hơn 725 triệu đồng.
Do có kháng cáo của bị đơn, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 01/2024/LTPT-LĐ ngày 29/01/2024 về “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là anh Lưu Chí Hiếu và bị đơn là Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3.
Vụ án sẽ được xét xử công khai vào lúc 14 giờ ngày 02/5/2024 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng chí Nguyễn Trung Ngạn - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thứ hai, từ phải) cùng gia đình anh Hiếu đến Tòa án giải quyết vụ kiện. Ảnh: NVCC |
Công đoàn tiếp tục đồng hành cùng người lao động
Kể từ năm 2021, khi xảy ra vụ việc, Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn hỗ trợ anh Lưu Chí Hiếu trong việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý và giúp anh thắng kiện.
Do bị đơn kháng cáo, lần này Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại tiếp tục phân công đồng chí Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đại diện tổ chức Công đoàntham gia tố tụng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho anh Lưu Chí Hiếu tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.
“Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn của công đoàn và cá nhân tôi đối với người lao động. Với những kiến thức, kinh nghiệm được trau dồi trong công tác của mình và quá trình nghiên cứu vụ việc, thu thập hồ sơ, tài liệu cùng anh Hiếu ở giai đoạn xét xử sơ thẩm vừa qua, tôi sẽ nỗ lực đồng hành để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho anh Hiếu trong vụ án này”, đồng chí Nguyễn Trung Ngạn khẳng định.
Chị Nguyễn Thị Lệ Khanh, vợ anh Lưu Chí Hiếu thì chia sẻ rằng, qua lần Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ xét xử sơ thẩm vụ án, chị rất tin tưởng vào khả năng của người đại diện cho tổ chức Công đoàn là anh Nguyễn Trung Ngạn.
“Lần xét xử phúc thẩm này, mặc dù phía bị đơn là Công ty BOT Phú Mỹ 3 đã đăng ký 3 luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội và Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công ty, trong khi đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho chồng tôi chỉ có mình anh Ngạn, nhưng tôi đặt niềm tin vào khả năng của anh ấy. Tôi cũng tin rằng Hội đồng xét xử cũng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chúng tôi và giữ nguyên bản án sơ thẩm”, chị Nguyễn Thị Lệ Khanh bày tỏ.
Văn bản của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Công ty BOT Phú Mỹ 3 thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động. |
Khó có thể thay đổi bản án sơ thẩm
Theo đồng chí Nguyễn Trung Ngạn, sau khi có bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ, tổ chức Công đoàn vẫn luôn theo sát vụ việc, hỗ trợ anh Lưu Chí Hiếu trong thi hành bản án và tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu liên quan để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của anh Hiếu trong giai đoạn xét xử phúc thẩm này.
Cụ thể, anh Hiếu làm đơn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc Công ty BOT Phú Mỹ 3 chưa thanh toán chi phí y tế và bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản số 5439/SLĐTBXH-TTr ngày 02/11/2023 yêu cầu Công ty BOT Phú Mỹ 3 thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Căn cứ bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ, anh Hiếu cũng kiến nghị và được Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phú Mỹ ban hành quyết định số 24/QĐ-CCTHADS ngày 01/02/2024, khấu trừ tiền trong tài khoản của Công ty BOT Phú Mỹ 3 để thực hiện bản án. Số tiền khấu trừ là 848.400.866 đồng, bao gồm tiền lương theo bản án sơ thẩm, tiền lãi phát sinh và tiền đóng bảo hiểm xã hội. Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phú Mỹ đã chuyển tiền cho anh Hiếu và cơ quan bảo hiểm xã hội theo bản án sơ thẩm.
Hay việc anh Hiếu tiếp tục có đơn khởi kiện Công ty BOT Phú Mỹ 3 tại Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ yêu cầu Công ty BOT Phú Mỹ 3 phải thanh toán các khoản bồi thường chế độ tai nạn lao động và tiền lãi trả chậm bồi thường tai nạn lao động với số tiền 1.417.111.300 đồng; đồng thời yêu cầu Công ty BOT Phú Mỹ 3 phải lập đầy đủ hồ sơ gửi cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh để anh Hiếu được các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động.
Đơn khởi kiện này của anh Lưu Chí Hiếu đã được Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ thụ lý tại Thông báo số 02/2024/TB-TLVA ngày 02/02/2024 của đơn vị này.
Đồng thời, sau khi có thông báo thụ lý vụ án, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, anh Hiếu đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: “Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động được áp dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động về tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền bồi thường, tiền trợ cấp, chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật".
Yêu cầu của anh Hiếu đã được Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ xét thấy là cần thiết và ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2024-QĐ-BPKCTT ngày 16/02/2024 buộc Công ty BOT Phú Mỹ 3 tạm ứng cho anh Hiếu với số tiền 209 triệu đồng. Anh Hiếu đã nhận được số tiền này...
Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định rằng, cùng với hồ sơ vụ án sơ thẩm thì các tình tiết và văn bản này cũng là những hồ sơ, tài liệu, chứng cứ quan trọng, củng cố vững chắc hơn để tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho anh Lưu Chí Hiếu trong phiên xét xử phúc thẩm.
“Các tình tiết trong vụ án này đã được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đánh giá đầy đủ và toàn diện. Việc áp dụng pháp luật để đưa ra phán quyết như vậy là chính xác. Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phú Mỹ đã khấu trừ tiền trong tài khoản của Công ty BOT Phú Mỹ 3 để thực hiện bản án. Vì vậy sẽ khó có thể thay đổi bản án sơ thẩm tại phiên tòa xét xử phúc thẩm lần này”, đồng chí Nguyễn Trung Ngạn khẳng định.
Video: chị Nguyễn Thị Lệ Khanh, vợ anh Lưu Chí Hiếu chia sẻ.
Mời quý độc giả theo dõi toàn bộ vụ việc trong loạt bài viết dưới đây:
|
Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015: Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: 1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; 2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau: a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; 3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; 4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng; 6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật; 7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người; 8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc; 9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này; 10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động. 11. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 3, 4 và 5 Điều này. |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 29/11/2024 18:47
Vụ Phòng khám Timec nợ lương: Người lao động kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi
Nhiều lần người lao động yêu cầu được ký hợp đồng lao động, nhưng công ty vẫn phớt lờ. Nghiêm trọng hơn, công ty còn nợ lương người lao động kéo dài nhiều tháng khiến cuộc sống của họ vô cùng khốn đốn…
Phóng sự điều tra - 21/11/2024 16:27
Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
Nữ lao động là trụ cột chính trong gia đình, việc bị nợ lương đã khiến cuộc sống của cô lâm vào cảnh túng quẫn.
Phóng sự điều tra - 15/11/2024 20:50
Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam
Sáng nay (15/11), đại diện Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đã tới làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ (Hà Nội) về vụ tranh chấp lao động xảy ra tại công ty này.
Phóng sự điều tra - 13/11/2024 14:33
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định bác sĩ Lê Khắc Thu có đủ sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.
Phóng sự điều tra - 08/11/2024 14:32
Bị nợ lương thử việc, nam công nhân phải vay lãi ngày chăm con ốm
Kết thúc thời gian thử việc 1 tháng vào ngày 30/8, nhưng hơn 2 tháng sau, anh T. (Thanh Oai, Hà Nội) mới được thanh toán lương sau nhiều lần đòi quyền lợi.
Phóng sự điều tra - 07/11/2024 19:16
Nhân viên tố Công ty Outcubator Việt Nam vi phạm hợp đồng lao động
Một nhân viên kế toán của Công ty TNHH Outcubator Việt Nam (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa làm đơn khiếu nại lãnh đạo Công ty không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng lao động.