Vụ bụi phổi ở Nghệ An: Lỗ hổng trong công tác kiểm tra, giám sát an toàn lao động
Người lao động - 28/02/2024 18:07 MINH ANH - HỒNG NHUNG
Nghệ An: Xử phạt công ty có 4 công nhân tử vong do bụi phổi |
Lỗ hổng trong công tác quản lý
Công ty TNHH Châu Tiến có trụ sở tại Khu Công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Năm 2017, công ty chính thức đi vào sản xuất với dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm bột đá và đá silic. Quy trình công nghệ của hoạt động chế biến đá bao gồm: nghiền thô, xay đá, ngâm, rửa, sấy, phân tách hạt và nghiền tinh, đóng bao.
Từ khâu nghiền thô đã phát sinh và phát tán bụi đá có hàm lượng silic cao. Đặc biệt, tại khu vực nghiền tinh, bụi đá được ghi nhận bằng mắt thường đã rất đậm đặc; tại khu vực ngâm, rửa và sấy có dùng dung môi có hóa chất tẩy trắng để làm sạch, làm bóng nguyên liệu. Trung bình có từ 20-25 lao động làm việc hằng ngày tại công ty.
Công ty TNHH Châu Tiến được ghi nhận tại thời điểm tháng 12/2023. Ảnh: M.A |
Từ năm 2017 đến nay, công ty đã tuyển dụng tổng số 137 lao động. Người lao động có thời gian làm việc nhiều nhất là 7 năm 10 tháng, một số người có thời gian làm việc gần 5 tháng.
Theo báo cáo của đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Công ty đã không đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động; bố trí lao động tập trung trong một khu vực nhà xưởng rộng, tiếp xúc trực tiếp với bụi, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đầy đủ, không đúng chủng loại, nên không đảm bảo các điều kiện, nguyên tắc cơ bản của phòng, chống bụi trong sản xuất, từ hệ thống công nghệ đến tổ chức lao động. Ngoài ra, các thiết bị phụ trợ, các hệ thống hút lọc bụi đã cũ, hỏng, đa phần là tự chế, chắp vá; Công ty trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng (khẩu trang lọc bụi, bán mặt nạ lọc bụi…).
Trước năm 2023, Công ty TNHH Châu Tiến không tổ chức quan trắc môi trường lao động. Tháng 3/2023, Công ty ký hợp đồng với Công ty TNHH TCS - Kỹ thuật môi trường thực hiện quan trắc môi trường lao động, kết quả 43 mẫu không đạt tiêu chuẩn: 25 mẫu nhiệt độ, 03 mẫu ánh sáng, 15 mẫu tiếng ồn.
Công ty Châu Tiến hiện đã tạm dừng sản xuất. Ảnh: M.A |
Về quản lý sức khỏe người lao động: từ trước năm 2023, Công ty không tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Hồ sơ quản lý sức khỏe và bệnh tật người lao động được lập vào năm 2023 (không có ngày, tháng lập), tình hình sức khỏe được cập nhật từ tháng 2/2023.
Tháng 2/2023, Công ty có hợp đồng khám sức khỏe định kỳ số 300123/HĐKSK-TT-CT ký ngày 30/01/2023 tại Phòng khám đa khoa Tân Thanh cơ sở Nam Đàn - Công ty Cổ phần Tổng hợp Hà An. Hợp đồng có nội dung khám bệnh nghề nghiệp (viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn). Tuy nhiên, trong phần kết quả không có kết quả khám bệnh nghề nghiệp. Chưa kể, Phòng khám đa khoa Tân Thanh cơ sở Nam Đàn - Công ty cổ phần Tổng hợp Hà An không đủ điều kiện để khám bệnh nghề nghiệp.
Theo TS Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn, Vệ sinh lao động (ATVSLĐ), sự việc nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Châu Tiến cho thấy việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp chưa được tiến hành kịp thời, đầy đủ với một doanh nghiệp sản xuất trong một lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng (chế biến đá có hàm lượng silic cao).
Việc hướng dẫn, tổ chức triển khai các quy định pháp luật pháp luật ATVSLĐ hiệu quả, đặc biệt là các nội dung liên quan đến vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghiệp, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chưa được chú trọng.
Môi trường làm việc của công nhân Công ty TNHH Châu Tiến. Ảnh: CNCC |
“Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm; thiếu cương quyết trong việc yêu cầu người lao động thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn”, TS Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.
Công nhân mong được giải quyết chế độ
Theo báo cáo của Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam, tất cả các trường hợp bị mắc bệnh nghề nghiệp đến nay chưa được giải quyết các chế độ bồi thường từ phía chủ sử dụng lao động, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội cho người bị bệnh nghề nghiệp suy giảm khả năng lao động theo quy định của Luật ATVSLĐ.
Là một trong những công nhân nằm trong danh sách người lao động tại Công ty Châu Tiến mắc bụi phổi silic, anh Trần Văn Phong (sinh năm 1983, xóm 11, Nghi Thuận, Nghi Lộc) hiện đang được điều trị tại Bệnh viện phổi Trung ương.
Anh Phong làm việc tại Công ty được 2 năm (từ tháng 4/2018 đến tháng 4/2020) với công việc chính là vệ sinh, sửa chữa máy móc tại nhà xưởng. Gia cảnh khó khăn khi anh không còn là lao động chính trong gia đình, vợ làm công nhân với mức lương không ổn định, nhà lại đông con. Anh Phong lo lắng cho số phận của mình khi nhìn chứng kiến nhiều đồng nghiệp tử vong do căn bệnh này.
Anh Trần Văn Phong là một trong những công nhân làm việc tại Công ty Châu Tiến bị bệnh bụi phổi silic thể nặng. Ảnh: M.A |
Tình trạng hiện tại của anh Phong chưa đến mức thở máy nhưng cũng không thể rửa được phổi do bụi quá dày. Anh chỉ duy trì việc điều trị bằng cách uống các loại thuốc theo đơn của bác sĩ. Để có thêm thu nhập cho cuộc sống hằng ngày, anh Phong làm công việc sửa chữa tự do.
“Thương vợ, thương con nhưng sức khỏe yếu, tôi cũng không còn cách nào khác. Chỉ mong Công ty giải quyết chế độ cho công nhân”, anh Phong nói.
Cũng chung hoàn cảnh với anh Phong, anh Lương Đức Hưng (xóm 5, Nghi Thuận, Nghi Lộc) cũng đã làm việc tại Công ty Châu Tiến được 5 năm. Sức khỏe hiện tại của anh khá yếu. Vợ anh là chị Lê Thị Nhi cũng cùng làm chung ở Công ty Châu Tiến.
Chị Nhi nghẹn ngào nói rằng bây giờ sức khỏe giảm sút, chỉ quanh quẩn ruộng vườn, chăn nuôi để kiếm từng đồng chi tiêu. Công ty cũng không có thông báo gì đến công nhân. Với anh chị, nỗi lo lớn nhất là 2 con đang tuổi lớn, bố mẹ thì bệnh nặng, không có khả năng lao động.
Vợ chồng anh Lương Đức Hưng cũng là một trong những công nhân Công ty Châu Tiến nằm trong danh sách mắc bệnh bụi phổi silic. Ảnh: M.A |
* Video: Chị Lê Thị Nhi - Công nhân Châu Tiến chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Anh Thơ, để giúp cho người lao động tại Công ty TNHH Châu Tiến được hưởng các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó có chế độ bồi thường, trợ cấp bệnh nghề nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động nói chung, Đoàn công tác và Viện Khoa học ATVSLĐ đã có những kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan, tổ chức quan tâm chỉ đạo thực hiện và có chính sách hỗ trợ đặc biệt.
Theo đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, UBND các địa phương quan tâm đầu tư, tổ chức triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về phòng, chống bệnh nghề nghiệp quy định tại Luật ATVSLĐ; tổ chức thực hiện đầy đủ Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030.
Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm việc với Công ty TNHH Châu Tiến vào hồi tháng 11/2023- Ảnh: Mai Liễu |
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo có chương trình đánh giá hiện trạng về ATVSLĐ của các hệ thống công nghệ, máy, thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu, hóa chất đang được sử dụng trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để lập cơ sở dữ liệu, đánh giá được các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về ATVSLĐ và sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật ATVSLĐ theo hướng tăng cường quản lý, đầu tư cho hoạt động quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện, điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động cho người bị bệnh nghề nghiệp; tăng cường đầu tư cho hoạt động phòng chống bệnh nghệ nghiệp; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý nghiêm các vi phạm.
Đặc biệt, có những chính sách cá biệt đặc biệt để giúp cho 6/7 người lao động và thân nhân của 01 người lao động làm việc tại Công ty Châu Tiến đã tử vong được hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội nhân văn của chế độ BHXH hiện hành, cho phép 6 người lao động và thân nhân của 01 người lao động đã tử vong được rút lại quyết định hưởng BHXH một lần đồng thời hoàn trả toàn bộ số tiền hưởng BHXH một lần đã nhận để thực hiện các chính sách đối với người lao động bị bệnh mắc nghề nghiệp.
Đoàn công tác thắp hương viếng anh Trần Ngọc Hoa vừa qua đời do bụi phổi silic vào tháng 11/2023 - Ảnh: Mai Liễu |
Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ để khám phát hiện, điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng lao động cho các đối tượng mắc bệnh nghề nghiệp và các đối tượng phải theo dõi mắc để kịp thời ngăn chặn diễn biến nặng của bệnh ở các trường hợp lao động đã được khám; bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế quy định tại Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 – 2030; tăng cường quản lý công tác quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ quan lao động địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng để các doanh nghiệp thực hiện thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp nói chung và bệnh bụi phổi silic nói riêng và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động khi mắc bệnh nghề nghiệp; chỉ đạo BHXH Việt Nam tạo điều kiện giải quyết các quyền lợi của người lao động từng làm việc tại Công ty Châu Tiến đã được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức rà soát các đối tượng lao động đã làm việc tại Công ty Châu Tiến, tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định mức độ suy giảm khả năng lao động và tạo điều kiện cho các đối tượng người lao động đã từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến thuộc diện phải đóng BHXH, nhưng chưa được tham gia BHXH được hưởng các chính sách đối với người bị bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 4, Điều 39, Luật ATVSLĐ; tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Yêu cầu Công ty Châu Tiến thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp và phải đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh, phòng chống bệnh nghiệp và các quy định chăm sóc sức khỏe người lao động khi hoạt động sản xuất trở lại theo quy định của Luật ATVSLĐ; tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, BHXH khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng (6 người chết, 62 người mắc bệnh nghề nghiệp chỉ trong thời gian 15 năm hoạt động).
Liên quan vụ việc này, Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo Quỹ Tấm lòng vàng tiếp tục hỗ trợ các trường hợp lao động đã phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp và các trường hợp tử vong, chỉ đạo, vận động một số tổ chức công đoàn quan tâm hỗ trợ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và thân nhân của Công ty Châu Tiến nói riêng và ở các doanh nghiệp, địa phương khác nói chung.
Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Nghệ an trong quá trình rà soát, tổ chức khám phát hiện, điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động và giải quyết các quyền, lợi ích của người lao động đã làm việc tại Công ty Châu Tiến; chủ động tổ chức và vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người lao động bị bệnh nghề nghiệp và thân nhân của người lao động.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội và quốc phòng – an ninh của tỉnh Nghệ An diễn ra ngày 4/1/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho biết, hiện nay tỉnh vẫn đang tập trung chỉ đạo khắc phục các tồn tại của Công ty TNHH Châu Tiến trong thời gian qua, đồng thời xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. |
Vụ bụi phổi ở Nghệ An: Công ty thiếu trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người lao động Có ít nhất 57 công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến (Nghệ An) vừa được phát hiện mắc bệnh bụi phổi. |
Vụ bụi phổi ở Nghệ An: Người lao động có thể khởi kiện Chuyên gia an toàn, vệ sinh lao động đánh giá vụ việc hàng loạt công nhân bị bụi phổi tại Công ty TNHH Châu Tiến ... |
Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân bệnh bụi phổi khiến 6 công nhân tử vong tại Nghệ An Chuyên gia khẳng định vụ bụi phổi xảy ra tại Công ty TNHH Châu Tiến (Nghệ An) xuất phát từ hệ thống công nghệ, thiết ... |
Nỗi đau dai dẳng vụ công nhân Công ty Châu Tiến mắc bệnh nghề nghiệp Cuộc sống của các gia đình công nhân Công ty TNHH Châu Tiến (tỉnh Nghệ An) sau khi mắc bệnh bụi phổi gặp rất nhiều ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 10/12/2024 15:16
Bỏ phố lên non làm thợ điện
14 năm trước, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tiến quyết định rời TP.Huế để đến với vùng cao huyện A Lưới để làm công nhân ngành Điện, rồi bén duyên quyết “ở mãi không về”. Sau nhiều năm phấn đấu, vượt qua nhiều gian khó anh đã gặt hái nhiều thành công, hiện là một trong những gương mặt điển hình của ngành Điện Thừa Thiên Huế.
Đời sống - 09/12/2024 20:18
Công nhân xứ Huế kỳ vọng gì về cách mạng tinh gọn bộ máy?
Nhiều công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn tại tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ kỳ vọng cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ đưa đất nước phát triển, việc làm dồi dào, phúc lợi nâng cao...
Người lao động - 09/12/2024 18:58
Bấp bênh phận đời lao động phi chính thức
Tính đến năm 2023, số lao động phi chính thức ở Hà Nội là 1,89 triệu người và chiếm 50,17% tổng số lao động có việc làm. Dù đây là nguồn lực lớn giúp duy trì việc làm cho một phần lớn dân số, nhưng thường gặp phải những rủi ro về việc làm.
Người lao động - 09/12/2024 16:18
Sớm ban hành chính sách hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động sau sáp nhập
Cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cần phân chia những người bị ảnh hưởng thành các nhóm khác nhau để có chính sách phù hợp.
Người lao động - 08/12/2024 16:27
Tinh gọn bộ máy: Giữ chân người tài, giải quyết hợp lý nhân sự dôi dư
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định, cùng với sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải có cơ chế "giữ chân" người tài, qua đó, đảm bảo nguyên tắc xây dựng hệ thống công vụ thực tài, thu hút được người tài năng để làm công vụ.
Người lao động - 07/12/2024 08:26
Cần ổn định cho gia đình công chức, viên chức sau sáp nhập
Cần có kế hoạch hỗ trợ dài hạn hơn, mạnh mẽ hơn để đảm bảo sự ổn định cho gia đình các gia đình cán bộ công chức, viên chức trong dài hạn sau sáp nhập, sắp xếp lại.