Tường thuật trực tiếp Diễn đàn Người lao động năm 2023
Người lao động - 28/07/2023 14:00 NHÓM PV LĐ & CĐ
Đây là lần đầu tiên Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội tổ chức Diễn đàn Người lao động, với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.
Tại Diễn đàn, cử tri là đoàn viên, người lao động có dịp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Không khí trước giờ diễn ra sự kiện Diễn đàn Người lao động năm 2023 - Ảnh: Minh Khôi |
Những tâm tư, nguyện vọng của người lao động gửi tới Diễn đàn
Trước giờ diễn ra sự kiện, PV Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc phỏng vấn một số đoàn viên, người lao động về nguyện vọng, đề xuất gửi tới Diễn đàn.
Anh Nguyễn Văn Minh – Công ty Phân Lân Văn Điển (Thanh Trì – Hà Nội):
Anh Nguyễn Văn Minh – Công ty Phân Lân Văn Điển. Ảnh: Hải Yến |
"Đây là lần đầu tiên tôi được gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Lúc này, cá nhân tôi rất vui mừng, vinh dự. Là đại diện cho công nhân thuộc Công ty Phân Lân Văn Điển, thông qua Diễn đàn, chúng tôi mong muốn người lao động được tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật, tăng cường quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động".
Chị Đặng Hồng Thêm - Xí nghiệp Môi trường đô thị - Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La:
Chị Đặng Hồng Thêm - ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La. Ảnh: Hải Yến |
"Tham gia Diễn đàn Người lao động năm 2023, tôi rất xúc động và cảm ơn sự quan tâm của các ban, ngành, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bản thân tôi là một người công nhân, ngành nghề so với xã hội rất vất vả. Công nhân môi trường được vinh danh rất ít, nhưng chỉ trong 2 tháng, tôi 3 lần được vinh dự gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023, bản thân tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm đến Luật BHXH cho công nhân, giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, tăng mức lương tối thiểu. Đại diện cho người lao động khắp cả nước, tôi mong muốn Quốc hội sẽ xem xét ban hành những chính sách cho người lao động đỡ thiệt thòi".
Cô giáo Võ Thị Hiên - Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông:
Anh Dương Thanh Hà – Công ty CP Prime Ngói Việt (Vĩnh Phúc):
Anh Dương Thanh Hà – Công ty CP Prime Ngói Việt. Ảnh: Hải Yến |
"Gắn bó với Công ty được 22 năm. Ngày hôm nay, tôi thấy rất vinh dự. Thông qua Diễn đàn, tôi mong muốn Quốc hội có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển và công nhân lao động có việc làm, từ đó nâng cao thu nhập để người lao động yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ".
Diễn đàn người lao động năm 2023 tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính, gồm: - Bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn trước mắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. - Xây dựng pháp luật, thể chế về vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của người lao động; vấn đề bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. - Công tác giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan; phản ánh thực tiễn thi hành, góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động. |
Hồi hộp, phấn khởi trước giờ diễn ra sự kiện
Chị Trương Thị Cúc – Công nhân Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam)
Chị H’ Chuyên Niê, 33 tuổi, công nhân Nông trường Cao su Cuoorr Đăng, Công ty CP Cao su Đắk Lắk chia sẻ:
“Lần đầu tiên trong đời em được đi máy bay, cảm giác hồi hộp lắm. Chuyến đi xa nhất của em là đi nghỉ mát cùng nông trường mỗi khi được chiến sĩ thi đua, được đi tắm biển Nha Trang, đi ô tô.
Cách đây 3 ngày em biết thông tin được ra Hà Nội dự Diễn đàn Người lao động. Em hồi hộp, ngỡ không phải sự thật. Hà Nội em biết qua tivi, trong phim. Ra đây thấy không khác lắm, phố chật, người đông, quá chật chội so với chỗ bọn em. Ấn tượng nhất là chỗ nào cũng bán đồ đẹp. Thích, ưng lắm nhưng mà không mua nổi (cười).
Đời công nhân cạo mủ chúng em vất vả lắm! Dậy từ nửa đêm, lúc 1-2 giờ sáng, có khi sớm hơn. Cái mủ cao su lạ lắm, trời càng lạnh, càng có sương thì mủ càng ra nhiều. Cho nên người mình lạnh cỡ nào thì mình càng mừng cỡ đó. Sản phẩm nhiều thì được nhiều tiền công anh ạ!
|
Bây giờ em đang hồi hộp, một phần lo lắng nữa. Nếu được phát biểu trước bác Huệ (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - PV), em sẽ nói về đời công nhân cạo mủ cao su. Công việc cực nhọc nhưng lương thấp quá, như em luôn là người đứng đầu, trước kia mỗi tháng trung bình 4-5 triệu. Nhưng từ năm 2020, nông trường phá cây già, trồng lại cây non, phải 5-6 năm nữa mới thu hoạch được. Chúng em đi phát cỏ, bón phân theo khoán, thu nhập chỉ đủ đóng bảo hiểm xã hội, có khi còn âm nữa. Không đủ chi tiêu cho cuộc sống. Em mong người lao động được tăng lương, đời sống được quan tâm, Đảng và Nhà nước thấu hiểu tâm tư của công nhân vùng sâu vùng xa bọn em.
Tổ chức Công đoàn có nhiều hoạt động, như hỗ trợ bò sinh sản, hay lợn giống và xây nhà Mái ấm Công đoàn cho lao động đặc biệt khó khăn. Nhưng ở chỗ em ai cũng khó khăn, mà mỗi năm chỉ được chọn lấy một người. Có nhiều công nhân họ ao ước đến lượt. Thành ra, em chỉ mong muốn nói lên nguyện vọng của họ, mỗi năm có thể nâng lên 2-3 người khó khăn được nhận hỗ trợ con giống để tăng gia sản xuất. Thực sự em chỉ mong được nói lên điều đó thôi!”
Đại biểu tham dự Diễn đàn Người lao động năm 2023. Ảnh: MK |
Chỉ còn ít phút nữa sự kiện sẽ diễn ra...
14h00 - 14h03: Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam; trong bối cảnh đoàn viên, NLĐ gặp nhiều khó khăn do tình hình biến động chính trị quốc tế và thiếu đơn hàng, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua nhiều dự án luật liên quan đến người lao động (NLĐ) và tổ chức Công đoàn; nhằm thu thập, lấy ý kiến của đông đảo đoàn viên, NLĐ đối với các dự án Luật này. Hôm nay, đúng ngày kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2023), Tổng LĐLĐ Việt Nam sau khi báo cáo, xin ý kiến đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Diễn đàn NLĐ năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức Công đoàn”.
Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ trì Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn còn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Diễn đàn còn có sự hiện diện của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các ban đảng Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương liên quan, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đặc biệt là sự có mặt của 500 đại biểu cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ của tất cả các tỉnh, thành phố, ngành, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, đại diện cho 11 triệu đoàn viên, hơn 50 triệu NLĐ cả nước.
Đại biểu chào đón lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự Diễn đàn. Ảnh: VQ |
Báo cáo tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, NLĐ cả nước, đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đúng ngày kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2023), được sự đồng ý của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.
Diễn đàn là dịp để đoàn viên công đoàn, NLĐ cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân và thực hiện khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc.
Diễn đàn cũng là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương đã quan tâm, dành thời gian tham dự Diễn đàn. Sau khi lãnh đạo Quốc hội đồng ý chủ trương tổ chức Diễn đàn NLĐ, ngày 07/7/2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đoàn viên, NLĐ cả nước.
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, hiểu cơ sở, sát với tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, NLĐ, các cấp công đoàn đã đa dạng hóa các hình thức tập hợp, lấy ý kiến như: Tổ chức hội nghị, lấy ý kiến qua internet, mở hộp thư điện tử, mở chuyên mục trên báo chí, trang thông tin điện tử, các bài đăng tải trên mạng xã hội của Công đoàn…
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Mai Quý |
Qua việc lấy ý kiến đoàn viên, NLĐ cả nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ghi nhận có 1.589 kiến nghị của đoàn viên, NLĐ được tổng hợp từ báo cáo của 79 LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc và hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí, các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn.
Trong đó, nhiều vấn đề rất được đoàn viên, NLĐ quan tâm như: Nhà ở cho NLĐ; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, việc rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu; các giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, vấn đề nâng cao tay nghề cho NLĐ, chính sách đặc thù cho NLĐ ngành Giáo dục - đào tạo, Y tế, Khoa học - công nghệ.
Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của công nhân, trong sinh hoạt văn hóa, thể thao; khó khăn trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân; việc xây dựng gia đình công nhân ấm no, tiến bộ, hạnh phúc ... Đây cũng là mối quan tâm, trăn trở của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến thành 45 vấn đề lớn để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền. Tại Diễn đàn, đại diện đoàn viên, NLĐ cả nước là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động và cán bộ công đoàn trực tiếp phát biểu, nêu các đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với những vấn đề được đông đảo đoàn viên, NLĐ quan tâm.
Đại biểu là cán bộ công đoàn tại Diễn đàn. Ảnh: LĐ & CĐ |
Lần đầu tiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam tham mưu, đề xuất tổ chức Diễn đàn NLĐ dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội với kỳ vọng giúp đoàn viên, NLĐ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trực tiếp tới Quốc hội. Từ đó, đoàn viên, NLĐ nhận thức rõ hơn, thực hành tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; góp phần tiếp tục khẳng định sự đổi mới của Quốc hội, hoạt động ngày càng gần hơn với cử tri, NLĐ; khẳng định vai trò tích cực, chủ động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI.
Diễn đàn càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng Ngày kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam. Cán bộ, đoàn viên công đoàn, NLĐ cả nước bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi lần đầu tiên có 500 đoàn viên, NLĐ có mặt để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tại Hội trường Diên Hồng, nơi biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước, nơi thể hiện tinh thần dân chủ, đoàn kết, sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đoàn viên, NLĐ cả nước tin tưởng và kỳ vọng tại Diễn đàn này, các ý kiến phản ánh sẽ được lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành tổng hợp đầy đủ, khách quan, được phân tích, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn.
Đại biểu là NLĐ tham dự Diễn đàn. Ảnh: LĐ & CĐ |
14h15: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: LĐ & CĐ |
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cho biết rất vui mừng tham dự và chủ trì Diễn đàn NLĐ năm 2023 do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội tổ chức với chủ đề: "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn".
"Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức do sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam do Quốc hội chủ trì, có ý nghĩa rất đặc biệt, tổ chức đúng ngày mà cách đây 94 năm tổ chức Công đoàn thành lập. Diễn đàn được tổ chức tại Phòng họp Diên Hồng – nơi đưa ra các quyết sách quan trọng của Quốc hội. Do đó, tôi đánh giá cao sáng kiến này của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Thay mặt Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội và Trung ương, tôi xin gửi đến các thế hệ cán bộ công đoàn, CNVC cả nước những lời chúc tốt đẹp. Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân thực hiên chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề của quốc gia. Mọi quyết sách vì thế đều phải lấy người dân và doanh nghiệp đặt ở vị trí trung tâm.
Công nhân, NLĐ là cư dân nhưng cũng là chủ thể quan trọng trong quan hệ lao động hài hòa. Có thể nói CNVCNLĐ là đối tượng điều chỉnh của hầu hết các luật trong hệ thống. Các cơ quan của Quốc hội có dịp để lắng nghe CNLĐ bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng về chính sách pháp luật, đây là việc làm hết sức cần thiết và ý nghĩa.
Hôm nay cũng là một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề nhưng rất đặc biệt, có cả các đồng chí lãnh đạo các ban bộ ngành tham dự đầy đủ như thế này, để được lắng nghe với các anh chị em đoàn viên, CNLĐ đại diện cho hơn 50 triệu CNLĐ trên cả nước. Đây là lực lượng quan trọng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cũng là đối tượng chịu tác động trực tiếp đến chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật Công đoàn.
Trên cơ sở ý kiến của CBCNVC gửi về, khoảng 45 vấn đề lớn, chúng tôi đề nghị phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính:
Một là: Tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị của NLĐ, những yêu cầu về tháo gỡ vướng mắc đến việc làm, sinh kế của NLĐ.
Hai là: Trao đổi, kiến nghị, đề xuất về hoàn thiện hệ thống pháp luật, để xây dựng hệ thống pháp luật ổn định, đặc biệt dự án luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ, Luật Công đoàn…
Tôi đề nghị các đại biểu tham gia trao đổi và ngắn gọn, nói thẳng vào nội dung đề xuất, không dẫn văn bản dài dòng, phát huy tinh thần hỏi đáp mạch lạc, có hiệu quả cao nhất, tập trung thời gian nhiều nhất cho vấn đề đối thoại.
Đề nghị Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải đáp đầy đủ, thỏa đáng cho đoàn viên, CNVCNLĐ. Với tinh thần trách nhiệm cao, tôi hy vọng, Diễn đàn sẽ thành công tốt đẹp để có thông tin thực tiễn trong hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định của hiến pháp và pháp luật.
Chúc cho Diễn đàn của chúng ta thành công tốt đẹp! Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!"
14h26: Trình chiếu video clip về tình hình đời sống, việc làm của người lao động
Đại biểu theo dõi clip về tình hình đời sống, việc làm của người lao động. Ảnh: LĐ & CĐ |
14h30: Công nhân lao động phát biểu ý kiến
Công nhân lao động tại Diễn đàn. Ảnh: LĐ & CĐ |
Đại biểu Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ tỉnh Bình Dương:
Biết tin cháu ra Hà Nội dự Diễn đàn Người Lao động với Quốc hội, nhiều bạn bè, đồng nghiệp nhắn gửi là phải nói được các vấn đề mà rất nhiều công nhân đang quan tâm, bức xúc. Trong đó có vấn đề nhà ở.
Công nhân từ miền Bắc, miền Trung và cả miền Tây lên Bình Dương và các tỉnh, thành phố làm việc, hầu hết phải thuê nhà trọ. Nhà thuê thường diện tích chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ, khó khăn trong sinh hoạt. Gần đây chúng cháu đọc báo rất mừng khi được biết Chính phủ có đề án xây 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và người người có thu nhập thấp. Nhất là gần đây trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, đã cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là một tin vui đối với công nhân chúng cháu, nhưng chúng cháu cũng lo lắng khi báo chí nói các doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội. Vì thể, kính mong Quốc hội sớm sửa luật để các doanh nghiệp và Tổng LĐLĐ Việt Nam có điều kiện thuận lợi, triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, đồng thời Chính phủ và chính quyền các địa phương dành kinh phí xứng đáng cho nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp.
Đại biểu Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến. Ảnh: LĐ & CĐ |
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam LĐLĐ TP Hà Nội:
"Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, công nhân vui mừng, trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120 nghìn tỷ, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong Đề án 1 triệu căn hộ. Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp ở đô thị; thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay. Thực tế gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Đề nghị Quốc hội giám sát và yêu cầu Chính phủ có giải pháp về vấn đề này để giúp người lao động tiếp cận được nguồn vốn".
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam LĐLĐ TP Hà Nội. Ảnh: LĐ & CĐ |
Đại biểu Nguyễn Việt Anh, đoàn viên công đoàn Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel:
"Tôi xin có ý kiến thêm về vấn đề nhà ở: Cách đây mấy chục năm về trước, khi đất nước còn rất nghèo, nhưng gần như nơi nào có nhà máy, xí nghiệp đông công nhân thì nơi đó đều có khu tập thể, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Đến bây giờ đất nước đã khá giả hơn nhưng rất nhiều khu công nghiệp có vài ba trăm nghìn công nhân nhưng vắng bóng các khu chung cư cho công nhân. Công nhân đành phải thuê nhà dân, do tiền ít nên thuê nhà xập xệ, nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng, mất an ninh, an toàn. Chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình công nhân 4-5 người ở vẻn vẹn trong hơn 10m2, các con nằm giường, bố mẹ trải chiếu nằm sàn, nhìn vào không ai gọi đó là nhà, mà thực chất chỉ là chỗ ngả lưng; nhiều gia đình không dám cho con ở cùng mà phải gửi về quê, có bạn sắp đến ngày sinh nhưng chủ nhà trọ đòi nhà, có bạn giáp Tết, công ty nợ lương không có tiền về quê ăn Tết, nên ở lại, nhưng không đủ tiền trả tiền nhà, bị chủ nhà trọ yêu cầu dọn đi chỗ khác, may có Công đoàn kịp thời hỗ trợ.
Đợt dịch Covid -19 vừa rồi, vì các dãy nhà trọ san sát nhau, lại chật hẹp, nhiều phòng trọ nhỏ mà có tới 5-6 người thuê, nên dịch lây lan nhanh hơn, số công nhân tử vong cũng nhiều hơn. Chúng tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm đặc biệt vấn đề này để công nhân an cư, lạc nghiệp. Tôi tin là khi công nhân được quan tâm, có nhà thuê đảm bảo giá ưu đãi, chất lượng, chắc chắn anh chị em không phụ lòng sự quan tâm đó, sẽ làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt hơn để đóng góp vào sự phát triển đất nước. Xin trân trọng cám ơn!".
Đại biểu đang nghe các ý kiến của công nhân lao động, đoàn viên công đoàn tại Diễn đàn. Ảnh: LĐ $ CĐ |
14h40p – 14h50p: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trả lời 3 ý kiến của đoàn viên, công nhân lao động liên quan đến việc khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ 120.000 tỷ.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, đây là gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ, trong đó có chương trình thực hiện đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ cho CN, NLĐ tại các KCN. Giải pháp liên quan đến thể chế, giải pháp thực hiện, Bộ Xây dựng đã giao cho các địa phương từng nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể. Các chính sách khuyến khích nhà đầu tư triển khai nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân (NƠCN) giai đoạn 2021 -2030, đầu tư ít nhất 1 triệu căn NƠXH. Cùng với đó, Chính phủ đã có chỉ đạo NHNN tích cực triển khai đưa ra gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ. Đây là gói hỗ trợ cho chủ đầu tư xây dựng NƠXH, NƠCN và đối tượng CN ở các KCN vay để mua nhà với lãi suất 1,5 - 2%. Thời gian vay đối với chủ đầu tư là 3 năm, người mua nhà là 5 năm. Việc hỗ tợ này sẽ giúp chủ đầu tư có vốn để đầu tư. Thời gian vừa qua mới triển khai, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn tích cực triển khai. Nguồn cung đã có, thủ tục đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN hướng dẫn NHTM triển khai giải ngân. Trong thời gian qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 về phục hồi phát triển kinh tế, theo đó đã có gói 30 nghìn tỷ cho chủ đầu tư; người mua là 15 nghìn tỷ hỗ với lãi suất 2%. Người mua có thể vay ở NHCSXH được triển khai theo chương trình phát triển kinh tế để có thể mua được NƠXH.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị sớm triển khai gói hỗ trợ này.
14h50- 14h55: Ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Trả lời câu hỏi, các kiến nghị của đại biểu về Chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân KCN. Một trong những nội dung quan trọng trong dự án Luật Nhà ở là đẩy mạnh phát triển NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân, đối tượng hưởng chính sách là người thu nhập thấp, công nhân, đoàn viên, NLĐ trong và ngoài KCN. Trách nhiệm của các địa phương là dành quỹ đất phù hợp để phát triển NƠXH và có những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp như: miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, tín dụng… để nhiều chủ đầu tư quan tâm đến vấn đề này. Trong dự án Luật còn có chính sách nhà lưu trú cho công nhân trong KCN, đây là chính sách mới, là mộ thiết chế rất quan trong. Chủ đầu tư xây dựng trên khu đất dịch vụ, cho công nhân KCN thuê lại với giá ưu đãi, giúp công nhân yên tâm sinh sống và làm việc, gắn bó dài lâu với doanh nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức một số hội thảo, tọa đàm, mời đại diện các KCN, địa diện của CNLĐ đến tham gia và cho ý kiến, hy vọng sẽ sớm hoàn thiện Luật này vào thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội bổ sung thêm, vấn đề này liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Sở hữu tài sản công… với nhiều ý kiến khác nhau, và sẽ tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận, hy vọng sẽ nhanh chóng làm rõ. Bên cạnh đó, đây còn là vấn đề quan hệ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa. Nếu quá trình công nghiệp hóa nhanh hơn, đô thị hóa chậm hơn sẽ dẫn đến bất cập về nhà ở và các thiết chế liên quan. Do đó, phải giải quyết không chỉ về luật pháp mà còn về quy hoạch như quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn… làm sao để hài hòa.
15h00 – 15h03: Công nhân lao động đóng góp ý kiến về ATVSLĐ và bữa ăn ca
Đại biểu Nguyễn Đức Đại, công nhân Công ty Than Mạo Khê:
Công nhân ngành Than – khoáng sản làm việc trong điều kiện lao động đặc biệt, nguy cơ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất cao. Trong khi Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện đang kết dư rất lớn, khoảng 65.000 tỷ đồng nhưng các nội dung chi Quỹ này được quy định tại Điều 56 Luật An toàn vệ sinh lao động còn hẹp, thực tế hàng năm chi tối đa không quá 1.000 tỷ đồng.
Người lao động rất cần được chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và suy giảm sức khỏe; chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ; chi đầu tư các thiết chế phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động; huấn luyện và nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động.
Đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật An toàn, vệ sinh lao động để bổ sung các nội dung nêu trên vào luật.
Đại biểu Nguyễn Đức Đại, công nhân Công ty Than Mạo Khê. Ảnh: LĐ & CĐ |
Đại biểu Đinh Xuân Đức, Công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng, tỉnh Khánh Hòa:
Bữa ăn giữa ca của người lao động là rất quan trọng. Nếu người lao động có ăn bữa ca đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ có sức khỏe, làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca của người lao động cũng như nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp phải lo bữa ăn giữa ca cho NLĐ, nên chất lượng bữa ăn giữa ca tại nhiều doanh nghiệp còn thấp, mặc dù công đoàn cũng đã tham gia thương lượng, giám sát.
Đề nghị Quốc hội quan tâm, trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật, có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong vấn đề này.
15h10-15h14: Chủ nhiệm UBXH Nguyễn Thúy Anh chia sẻ với ý kiến của đại biểu Đinh Xuân Đức, Công nhân công ty TNHH Khởi Hùng, tỉnh Khánh Hòa
Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng kiến nghị về đưa nội dung về bữa ăn ca vào Bộ luật Lao động là kiến nghị chính đáng. Bộ Luật Lao động 2019 có quy định về đối thoại tại nơi làm việc trong đó, công đoàn cùng người sử dụng lao động đối thoại tại nơi làm việc về vấn đề bữa ăn ca cho người lao động. Bên cạnh đó, có quy định về thương lượng tập thể. Công đoàn cấp trên hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS đưa nội dung này vào thương lượng tập thể, các CĐCS chia sẻ mô hình cho nhau về bữa ăn ca. Về vấn đề đưa nội dung về bữa ăn ca vào luật, UBXH sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong vấn đề xem xét, sửa đổi thông qua thực tiễn.
Chủ nhiệm UBXH Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: LĐ & CĐ |
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chính sách pháp luật về bữa ăn ca đã có trong điều 103, Bộ luật Lao động 2019, vai trò của tổ chức Công đoàn, nhất là CĐCS rất quan trọng bởi từng cá nhân NLĐ không giải quyết được, thông qua thương lượng tập thể, vấn đề này sẽ được đưa vào quyết định của công ty để có những bữa ăn chất lượng cho NLĐ.
Các đại biểu tại Diễn đàn. Ảnh: LĐ & CĐ |
Đại biểu Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai:
"Công ty tôi hiện có 31.356 người lao động, 100% là đoàn viên công đoàn. Hôm nay, tôi rất xúc động và tự hào được có mặt tại Hội trường Diên Hồng của Quốc hội, nơi quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước để đóng vai một cử tri nói lên tâm tư, nguyện vọng của với lãnh đạo Quốc hội. Được ra Hà Nội nhiều lần, nhưng lần này với tôi có một cảm xúc rất đặc biệt và trách nhiệm cũng rất nặng nề, vì nhiều đoàn viên gửi gắm đối với tôi, nhưng thời gian có hạn, tôi xin có 1 ý kiến về vấn đề bảo hiểm xã hội, một vấn đề nóng và công nhân rất quan tâm.
Đại biểu Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: LĐ & CĐ |
Gần đây, khi một số công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở lấy ý kiến công nhân lao động về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có nhiều ý kiến băn khoăn như sau: Qua những lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội gần đây, dường như quyền lợi của người lao động đang có xu hướng suy giảm (ví dụ như: nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động để được hưởng mức tối đa 75% lên 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ; mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định, người lao động bị giảm 2%, trước đây chỉ giảm 1%). Đây là những băn khoăn, lo lắng người lao động. Trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của người lao động; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội".
Đại biểu Lương Thị Tho, công nhân Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ, TP Hải Phòng:
"Hiện công nhân lao động chúng tôi rất lo lắng, bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Để giảm thiểu tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt người vi phạm, đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần có các quy định định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng. Pháp luật cần có cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để người lao động không phải chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đối với việc công đoàn khởi kiện bảo hiểm xã hội, đến nay vẫn bế tắc, mặc dù công đoàn hết sức cố gắng, nhưng do mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Đề nghị Quốc hội sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn. Đề nghị bỏ quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội: Công đoàn khởi kiện phải được người lao động ủy quyền, vì công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động theo Điều 10 Hiến pháp và Điều l Luật Công đoàn. Nếu yêu cầu người lao động ủy quyền sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, đối với những doanh nghiệp đông công nhân, vài chục nghìn người thì sẽ rất tốn kém thời gian, công sức và thiếu tính khả thi, thay vào đó, chỉ cần người lao động đề nghị với công đoàn thay mặt họ khởi kiện là đủ".
Đại biểu Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La:
"Qua báo chí, chúng tôi được biết hiện nay, nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư quỹ lớn, trong khi đó, chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động còn thấp so với mức lương tối thiểu, việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các nội dung đào tạo, đào tạo lại cho người lao động còn hạn chế.
Đề nghị Quốc hội xem xét sửa luật theo hướng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tăng quyền lợi cho người lao động như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề; nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như chính sách Quốc hội đã từng ban hành trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua".
Đại biểu Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La. Ảnh: LĐ & CĐ |
Đại biểu Lê Thị Hà, Chủ tịch CĐCS Công ty May Minh Anh, tỉnh Nghệ An:
"Là cán bộ công đoàn, chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp khiến cho hàng trăm nghìn người lao động lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Qua chia sẻ của đồng nghiệp ở nhiều doanh nghiệp cả nước khi phải chứng kiến cảnh rất nhiều nữ công nhân sinh nở không được hưởng tiền thai sản, có bạn công nhân con đã 8 tuổi mẹ vẫn không được hưởng chế độ gì; nhiều người lao động thất nghiệp lâm vào cảnh ốm đau, chết mà không có được trợ cấp thất nghiệp; có người nghỉ hưu 7- 8 năm mà vẫn chưa được cầm sổ hưu, có bác về vợ nghi ngờ “hay là gửi lương hưu cho người khác rồi”. Đó cũng là lý do mà nhiều người mất niềm tin, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để còn lo cho cuộc sống trước mắt. Chả lẽ tất cả chúng ta lại bó tay bất lực trước tình trạng này. Nếu cứ để như thế, chúng ta đang nợ và có lỗi với người lao động, vì họ chỉ biết đóng đủ, chứ họ không biết gì đến lỗi của người khác, còn hậu quả thì chính họ phải gánh chịu. Rất mong Quốc hội và các cơ quan sớm giải quyết vấn đề này".
Đại biểu Lê Thị Hà, Chủ tịch CĐCS Công ty May Minh Anh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: LĐ & CĐ |
15h25 - 15h35: Liên quan đến vấn đề khắc phục tình trạng gia tăng rút BHXH một lần, trốn đóng BHXH, khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐ - TB & XH trả lời.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Về sửa Luật BHXH, trong tháng 8 này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thẩm định. Trước đó, ngày 26/7/2023, Chính phủ họp cho ý kiến tập trung chỉnh sửa những bất cập, thông qua đó cũng tạo hướng phát triển linh hoạt, đa tầng cho BHXH, tăng quyền lợi cho NLĐ. Thứ nhất, xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng. Thứ hai, hạn chế tối đa NLĐ rút BHXH một lần. Tại đây, Chính phủ sẽ đưa ra trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo các phương án khác nhau theo hướng vừa đảm bảo ổn định an sinh xã hội, vừa đảm bảo cho NLĐ khi cần thiết sử dụng trong những trường hợp cần thiết nhưng phải hài hòa.
Thứ ba, để đảm bảo cho NLĐ không phải rút BHXH một lần nhưng vẫn có chính sách khác để bù đắp, hỗ trợ. Thứ tư, tập trung đẩy nhanh các giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH.
Bộ LĐ - TB & XH đưa ra các giải pháp, thậm chí áp dụng những giải pháp mà các nước đang áp dụng để khắc phục tình trạng trốn đóng BHXH.
Thứ năm, xác định BHTN là bà đỡ cho thị trường lao động. Việc này sẽ tiến hành đồng thời với sửa Luật Việc làm vào năm 2025. Hiện nay kết dư ở mức độ an toàn. Trước đó, kết dư ở con số 100 nghìn tỷ đồng, đã dùng 41 nghìn tỷ để hỗ trợ cho NLĐ trong dịch Covid-19. Trong bối cảnh hiện nay, hỗ trợ cho NLĐ thất nghiệp rất nhiều nên con số kết dư chỉ ở mức độ an toàn”.
Bộ trưởng Bộ LĐ - TB & XH Đào Ngọc Dung tại Diễn đàn. Ảnh: LĐ & CĐ |
Liên quan đến nội dung này, bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Sau dịch bệnh Covid-19, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không còn nhiều. Qua dịch bệnh Covid-19, Chính phủ trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 03 và hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Chính sách này được thực hiện rất nhanh chóng, về cơ bản là đúng thời hạn. NLĐ được hỗ trợ trong 3 tháng. Người sử dụng lao động không phải đóng trong 1 năm. Sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 24 giải quyết tồn đọng NLĐ chưa được hưởng theo Nghị quyết 23.
Qua giám sát, hiện nay Quỹ kết dư không còn nhiều, đảm bảo quy định theo Nghị định 28 của Chính phủ. Theo chương trình xây dựng pháp luật toàn khoá, Luật Việc làm dự kiến được sửa đổi, bổ sung trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV. Ý kiến của đại biểu sẽ được tiếp thu, nghiên cứu trong quá trình thẩm tra dự án luật này.
15h35 đến 15h40: Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh báo cáo, làm rõ, thông tin thêm tình hình chậm đóng, nợ đóng BHXH thời gian qua:
Theo đó, số nợ chậm đóng năm 2016 là 6% số phải thu; đến năm 2019 đã giảm xuống 2,41%, nhờ sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp với các cơ quan liên quan như Tổng LĐLĐ Việt Nam.
“Tôi rất chia sẻ với NLĐ và rất trăn trở về tình trạng này! Qua đó, chúng tôi đã có những giải pháp, thường xuyên bám sát, nắm bắt tình hình doanh nghiệp, ưu tiên cho NLĐ. Trên cơ sở dữ liệu sẵn có, chúng tôi đã phân tích rủi ro, nhận diện những doanh nghiệp có khả năng chậm đóng, trốn đóng BHXH”, ông Mạnh nói.
Theo ông Mạnh, năm 2021 đã xây dựng BHXH số là hệ thống phần mềm VSSID. Năm 2023, VSSID đã thông tin tình hình chậm đóng của bất kể doanh nghiệp nào, từ 1 tháng trở lên. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ BHXH của doanh nghiệp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hiện đã thu hồi được 3.500 tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc chậm, trốn đóng BHXH. “Chúng tôi cũng công khai nợ, phối hợp với Công an nghiên cứu tiến hành khởi tố với những hồ sơ đầy đủ tính pháp lý… và tới đây sẽ tiến hành cưỡng chế hóa đơn, cấm xuất cảnh… với những doanh nghiệp nợ BHXH. Về Bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tới đây sẽ tiến hành sửa đổi, nới các quy định để đảm bảo chi cho NLĐ”, ông Mạnh cho hay.
16h00: Đại biểu Nguyễn Thị Ngoãn – Chủ tịch LĐLĐ Quận 12 TP.HCM:
"Hiện nay, theo quy định của pháp luật, công đoàn có quyền tham gia giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; để triển khai các hoạt động giám sát, công đoàn đều phải phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, theo quy định của Đảng thì công đoàn có quyền chủ trì, độc lập giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Nhiều trường hợp, công đoàn cấp trên phát hiện thấy chủ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật với người lao động, nhưng công đoàn không tự mình được giám sát. Nếu đợi phối hợp với cơ quan chức năng thì có thể đã dẫn tới tranh chấp lao động, đình công.
Đề nghị trong sửa đổi Luật Công đoàn lần này, Quốc hội cần quy định cho phép công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động giám sát theo chủ trương và các quy định của Đảng".
Đại biểu Nguyễn Thị Ngoãn – Chủ tịch LĐLĐ Quận 12 TP.HCM. Ảnh: LĐ & CĐ |
Đại biểu H'chuyên Niê, công nhân Nông trường Cao su Cuôr Đăng, Công ty CP Cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk:
"Với người lao động, đi làm trước hết là để có lương nuôi sống bản thân và gia đình, rồi để cống hiến xây dựng đất nước. Vấn đề lương được tất cả đoàn viên, người lao động quan tâm, nhất là với người lao động trực tiếp. Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên trong thực tế, lương chưa tăng thì giá cả đã tăng; gần đây giá thịt lợn, nhiều loại mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tổi thiểu của người lao động; lương của phần lớn công chức, viên chức còn cách xa so với nhu cầu cuộc sống cơ bản. Đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát, có giải pháp tiếp tục cải thiện lương cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mức lương tối thiểu vùng để người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo thêm động lực tiếp tục cống hiến cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước. Thu nhập đủ sống cũng là một giải pháp phòng, chống tham nhũng và giữ chân công chức, viên chức ở lại trong hệ thống các cơ quan Nhà nước".
Đại biểu H'chuyên Niê, công nhân Nông trường Cao su Cuôr Đăng, Công ty CP Cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: LĐ & CĐ |
Đại biểu Lại Hoàng Dũng, Chủ tịch CĐCS Công ty Samsung Electronic, tỉnh Bắc Ninh:
"Tôi được biết tại kỳ họp Quốc hội thông qua Bộ Luật lao động năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp. Là Chủ tịch CĐCS, tôi rất hiểu anh chị em công nhân sẽ luôn cố gắng lao động, sản xuất khi đất nước, doanh nghiệp cần (như khi cả nước ta phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19 vừa qua). Nhưng hầu hết anh chị em công nhân đều mong muốn được giảm giờ làm để có thêm thời gian chăm sóc gia đình, nhất là con nhỏ và tái sản xuất sức lao động; cũng là quy định để đảm bảo công bằng giữa lao động làm việc trong khu vực Nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần), trong khi hầu hết các nước đã duy trì chế độ làm việc 35 giờ - 40 giờ/tuần.
Đại biểu Lại Hoàng Dũng, Chủ tịch CĐCS Công ty Samsung Electronic, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: LĐ & CĐ |
Việc giảm giờ làm là rất cần thiết cho người lao động, nhưng các đồng chí lãnh đạo cũng hết sức yên tâm, khi các doanh nghiệp cần huy động làm thêm giờ, người lao động luôn sẵn sàng nhằm nâng cao thu nhập và giúp doanh nghiệp đáp ứng đơn hàng. Thậm chí, khi hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu làm thêm giờ, người lao động cũng rất chia sẻ, như sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, theo đề nghị của Chính phủ, ngày 31/3/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kính mong Quốc hội quan tâm giám sát, thúc đẩy để vấn đề này sớm trở thành hiện thực".
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hồng, công nhân Công ty May 10:
"Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra rất phổ biến khiến cho hàng triệu công nhân lao động thiếu hoặc mất việc làm, dẫn đến thu nhập thấp, cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhiều công nhân lao động vướng vào “tín dụng đen”. Chưa khi nào người lao động mong muốn được đi làm như bây giờ. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công để tạo việc làm mới, việc làm bền vững, đảm bảo mức lương đủ sống cho người lao động".
Đại biểu Vi Thị Huyền, CĐCS Công ty TNHH KSD tỉnh Thái Nguyên:
"Là Tổ trưởng công đoàn, tôi rất băn khoăn, trăn trở khi đời sống tinh thần của công nhân lao động còn nghèo nàn. Công đoàn và doanh nghiệp đã tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao nhưng phần lớn công nhân vẫn chưa có điều kiện tham gia. Công nhân gần như chỉ quen thuộc với con đường từ nhà máy đến nhà trọ và chiếc điện thoại thông minh. Kính mong Quốc hội quan tâm giám sát từ khâu quy hoạch đến tổ chức thực hiện, đảm bảo hạ tầng xã hội gần doanh nghiệp, có đầy đủ trường học, nơi khám chưa bệnh, các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân".
16h16: Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
"Hiến pháp quy định Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động. Luật Công đoàn đã cụ thể hoá nội dung này. Tuy nhiên, theo quy định của Đảng, công đoàn có chức năng tham gia kiểm tra, giám sát độc lập. Nhưng quy định của pháp luật là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới chủ trì kiểm tra, giám sát. Các tổ chức chính trị - xã hội như công đoàn chỉ tham gia. Do vậy, trong lần sửa Luật Công đoàn này, sẽ sửa đổi theo hướng công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát độc lập và chủ động, góp phần hạn chế tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: LĐ & CĐ |
Về thiết chế công đoàn và khu vui chơi giải trí, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện sống của đoàn viên, NLĐ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, chỉ riêng công đoàn thì không làm được. Qua Diễn đàn, mong Quốc hội, các bộ, ngành quan tâm đề xuất để có điều kiện chăm lo NLĐ tốt hơn. Khi tổ chức các khu dân cư phải bố trí trường lớp, bệnh viện, nơi vui chơi giải trí, công viên… hướng tới thế kỷ 21 công nhân có điều kiện sống tốt hơn để xứng đáng là giai cấp lãnh đạo thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam".
16h25-16h30: Chủ nhiệm UBXH Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trả lời kiến nghị của Đại biểu về việc thực hiện quy định tuần làm việc 40 giờ:
Theo bà Anh, Điều 105 Bộ luật Lao động mới quy định khuyến khích người sử dụng lao động (NSDLĐ) áp dụng chế độ tuần làm việc dưới 48 giờ đối với mỗi NLĐ. Quốc hội và Chính phủ cũng rất trăn trở về quy định này.
"Chúng tôi rất hoan nghênh Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thông qua thỏa ước lao động tập thể đã vận động doanh nghiệp giảm từ 48 giờ xuống 40 giờ cho NLĐ. Chúng ta nên biểu dương những đơn vị đã có những nỗ lực rất lớn để xây dựng những thỏa ước tốt như vậy!", bà Anh nói. "Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, để giảm giờ làm việc của NLĐ cũng phụ thuộc nhiều yếu tố, và dự kiến Diễn đàn Kinh tế - Xã hội sẽ diễn ra vào tháng 9/2024 sẽ đề xuất về điều này", Chủ nhiệm UBXH Quốc hội cho hay.
Bà Anh đề nghị công đoàn tiếp tục quan tâm đến vấn đề này và xin chức mừng những CĐCS đã tạo điều kiện tốt hơn Bộ luật Lao động cho đoàn viên công đoàn, NLĐ của công đoàn mình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn. Ảnh: LĐ & CĐ |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Chủ nhiệm UBXH đã trả lời rất thỏa đáng những kiến nghị của NLĐ. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm, mức lương tối thiểu vùng sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 27 năm 2012, kỳ họp Quốc hội thứ 5 vừa qua đã giao Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương cả đơn vị công lập và tư nhân tại Kì họp thứ 6 vào tháng 10/2023 để Quốc hội xem xét. Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân NLĐ và gia đình của họ. Tiền lương là thu nhập của NLĐ nhưng lại là chi phí của doanh nghiệp nên quy định về tăng lương tối thiểu vùng cần theo nguyên tắc hài hòa, ổn định, tiến bộ trong quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và NLĐ.
Bộ trưởng Bộ Lao động Đào Ngọc Dung:
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong về chính sách xã hội và việc làm đảm bảo. Trong đó lựa chọn 3 khâu đột phá liên quan đến công nhân: Tạo thị trường việc làm ổn định, trọng tâm là sinh kế, việc làm; Tập trung vào các thiết chế như y tế, giáo dục, đáp ứng nhu cầu của Quốc gia có thu nhập trung bình cao; Tập trung phát triển nhà ở (năm 2030 tất cả nhà tạm khu vực nông thôn được xử lý, giải toả, xử lý xong và xây dựng 1 triệu căn nhà cho công nhân). Nói về cải cách tiền lương, trong thời gian 3 năm dịch Covid-19, khu vực nhà nước không tăng. Nhà nước vẫn dành cho 3 đối tượng được tăng lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với công nhân. Ngày 8/8 tới sẽ họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia, sẽ xem xét đánh giá, nghe Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá thực trạng tình hình, xem mức độ sản xuất kinh doanh và tình hình lao động, tốc độ tăng trưởng… Sau đó, cơ quan quản lý nhà nước đưa phương án cuối cùng.
16h30 – 16h55: Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn công chức viên chức đưa ra câu hỏi.
Đại biểu Đoàn Trung Hiếu, công chức ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp:
“Tôi rất băn khoăn, lo lắng, mặc dù tại Diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã lên tiếng cảnh báo nhưng trong nhiều cơ quan nhà nước hiện nay vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, ngại tham mưu, ngại ký, ngại triển khai thực hiện nhiệm vụ dẫn đến chậm tiến độ công việc, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và Nhân dân. Quá trình cải cách hành chính đang được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn còn một số nơi, một số việc, thủ tục hành chính còn rườm rà, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp và việc làm của người lao động. Đề nghị Quốc hội và các cơ quan dân cử tăng cường giám sát, kiến nghị xử lý thực trạng này, để cả đất nước cùng nhau vượt khó, nỗ lực đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội”.
Đại biểu Hoàng Thị Nguyệt Thu – Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc:
“Chính sách tinh giản biên chế của Nhà nước là đúng đắn và rất cần thiết. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, việc triển khai thực hiện chưa đảm bảo mục tiêu giảm nơi thừa và người yếu. Có cơ quan, trường học còn thiếu nhân lực, cần biên chế mà vẫn phải giảm, không được tuyển mới, dẫn đến áp lực công việc cho các công chức, viên chức rất lớn. Có nơi, không giảm được người có năng lực yếu, dẫn đến bức xúc, không tạo được động lực để cán bộ tích cực phát huy năng lực làm việc. Áp lực rất lớn, công việc thì nhiều, thời điểm ngày làm việc 8 giờ ko đủ để giải quyết hết việc công vụ. Đề nghị Quốc hội quan tâm, giám sát vấn đề này và có các chính sách khoa học, phù hợp trong giảm biên chế”.
Đại biểu Trần Mạnh Hùng – Giáo viên huyện Minh Hóa, Quảng Bình:
“Bản thân tôi 9 năm công tác xa nhà, phải gửi con ở nhà cho người thân, các đồng nghiệp cũng vậy để lên biên giới cắm bản, thực hiện sự nghiệp giáo dục nơi biên giới. Cuộc sống của các cô giáo mầm non cắm bản rất thiệt thòi khi phải xa con nhỏ, gia đình. Bản thân tôi có 2 mong muốn, đề xuất:
Đề xuất Quốc hội quan tâm nhà ở công vụ cho giáo viên tại vùng núi, hải đảo; đề xuất quy định GVMN là nghề nặng nhọc, độc hại. Làm thế nào để giáo viên vượt qua khó khăn, yên tâm công tác, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”.
Đại biểu Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam:
“Là một người làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi nhận thấy hệ thống chính sách pháp luật về khoa học công nghệ còn nhiều điểm nghẽn, thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như thúc đẩy trao đổi, mua bán các sản phẩm khoa học công nghệ trên thị trường. Thiếu cơ chế hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ. Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn nhiều bất cập; thiếu cơ chế khoa học mạnh, cơ chế thu hút sự tham gia của chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới. Bất cập trong cơ chế tài chính, thanh quyết toán các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ; thu nhập của cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ nói chung còn thấp, nhất là đối với cán bộ trẻ.
Đề nghị Quốc hội quan tâm sớm hoàn thiện các chính sách khoa học công nghệ để nước ta không bị tụt hậu và thực hiện được khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc".
Đại biểu Phạm Thị Huyền – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
“Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đang từng bước thực hiện tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Đây là một chủ trương đúng để khơi thông các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn vướng mắc về cơ chế, chính sách do sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể đó là giữa Luật Giáo dục đại học với các luật: Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách. Do vậy mà nhiều nội dung, nhiệm vụ, các trường không thể triển khai được (Các bất cập, chồng chéo cụ thể, giữa các luật, chúng tôi đã thể hiện trong Báo cáo gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam).
Tại Diễn đàn này, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội tiến hành rà soát, sớm sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về thực hiện tự chủ đại học”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường trả lời về kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức theo phản ánh của đại biểu:
Theo ông Cường, hiện nay, việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Giải quyết vấn đề này, thời gian gần đây Thủ tướng Chính phủ có 3 công điện vào ngày 19/4, 14/5, 18/5/2023. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang phối hợp cơ quan chức năng xây dựng quy định bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Các bộ, ngành cần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh rà soát hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là phát sinh khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi Luật công chức, viên chức theo hướng nâng cao chất lượng, bổ sung làm rõ trách nhiệm của công chức là người đứng đầu; nghiên cứu xây dựng quy tắc đạo đức công vụ trình Chính phủ xem xét, khẩn trương hoàn thiện Nghị định khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đẩy mạnh cải cách công vụ, kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ thoái thác công việc, kiên quyết đưa ra hoặc thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng người dám làm. Tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Trung ương, Bộ Chính trị triển khai từ năm 2015, có rất nhiều quy định của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội. Năm 2015 đến nay triển khai đạt mục tiêu đề ra về cơ bản, tuy nhiên còn hạn chế là mới giảm được về số lượng, chưa giảm được người không đảm bảo yêu cầu công việc. Bộ Nội vụ có có giải pháp tiếp tục sắp xếp cơ cấu theo hướng tinh gọn hiệu quả, hoàn thiện vị trí việc làm gắn với mô tả khung năng lực, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tuyển dụng, đánh giá trên các tiêu chí cụ thể.
Đồng chí Lê Quang Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:
“Tiếp thu tất cả ý kiến trong hoạt động giám sát pháp luật, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài cân nhắc khía cạnh chung, cân nhắc 4 khía cạnh: Độ trễ, không có kết quả ngay lập tức, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, sản phẩm mang tính đặc thù là sản phẩm mô hình. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2024 đã sửa đổi một số chế định về phân chia lợi ích giữa cá nhân nhà khoa học với tổ chức nghiên cứu khi triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ. Nghị quyết của Quốc hội về chương trình tài khoá hỗ trợ kinh tế xã hội đã xem xét sử dụng quỹ 5.0000 tỷ đồng phát triển khoa học công nghệ. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ khoa học công nghệ có lộ trình sửa đổi khẩn trương Thông tư số 05 và 67 để tháo gỡ khó khăn này".
17h05 – 17h10: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời các kiến nghị liên quan đến Luật An toàn Thực phẩm (ATTP); Kiến nghị bổ sung Viên chức dân số trong Nghị định 05 và đảm bảo chất lượng y tế cho công tác khám chữa bệnh.
Theo đồng chí Lan, Quốc hội đã ban hành Luật ATTP quy định rất rõ chức năng của địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan. Cơ quan liên ngành bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế cùng các ban, bộ, ngành liên quan khác đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, giảm sát đảm bảo công tác ATTP. Tuy nhiên, vì đây là lĩnh vực rộng nên trên thực tế còn tồn tại những hạn chế. Bộ Y tế đã tích cực tham mưu Chính phủ về các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo ATTP cũng như ban hành các Nghị định quy định cụ thể về tăng cường công tác đảm bảo ATTP.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời các kiến nghị tại Diễn đàn. Ảnh: LĐ & CĐ |
Về kiến nghị của đại biểu ở Thanh Hóa liên quan đến bổ sung viên chức dân số vào đối tượng được hưởng nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% trong Nghị định 05: Đối với ngành Y có 6 loại phụ cấp ưu đãi nghề với các mức 20-70% tùy theo tính chất công việc. Trong đó, mức 70 áp dụng với những công chức thường xuyên, trực tiếp, chăm sóc người bệnh HIV-AIDS, cán bộ y tế ở vùng sâu vùng xa… 30% áp dụng với cán bộ dân số và 20% với cán bộ quản lý và không làm công tác chuyên môn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh khác, để động viên cán bộ y tế là công tác chống dịch, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 25 ưu tiên đối tượng đang hưởng phụ cấp từ 40-70% sẽ tăng lên 100% áp dụng 2 năm 2022 và 2023.
“Thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được nhiều phản ánh của viên chức dân số vì sao không được tăng phụ cấp lên 100%. Chúng tôi xin trả lời vấn đề này như sau: Hiện chúng ta chỉ ưu tiên cho những nghề được Bộ Chính trị cho phép, và trên thực tế, những đối tượng này cũng được đào tạo trong thời gian dài và cũng phải thường xuyên trực tiếp làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Nghị định số 05 đã cụ thể hóa Kết luận số 25 của Bộ Chính trị theo những nội dung như trên”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu thêm: “Chúng tôi đã báo cáo các cơ quan chức năng về những kiến nghị của cán bộ dân số. Và theo Nghị quyết số 99 của Quốc hội ban hành tháng 6/2023 vừa qua đã giao các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách tiền lương thỏa đáng cho các cán bộ công chức nói chung, trong đó có y tế cơ sở, y tế dự phòng. Điều này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 20, với ngành đặc biệt cần đào tạo sử dụng và đãi ngộ đặc biệt, cải cách tiền lương, trong đó, ưu tiên hơn đối với ngành Y. Về ý kiến cán bộ y tế đang có thời gian học dài hơn các ngành khác, chúng tôi cũng đã đề xuất khi học được hưởng lương bậc 2, tuy nhiên đang là đề xuất, chờ chính sách cải cách tiền lương nói chung. Về vấn đề liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng y tế cho công tác khám chữa bệnh, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã có rất nhiều các giải pháp để giải quyết vấn đề này. Bây giờ cũng đã có rất nhiều Luật, các Nghị định, thông tư… các vấn đề, khúc mắc trong năm 2022 cơ bản đã được tháo gỡ”.
17h12 – 17h18: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời 2 ý kiến liên quan đến ngành Giáo dục:
Cụ thể, với ý kiến của đại biểu Trần Mạnh Hùng – Giáo viên huyện Minh Hóa, Quảng Bình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngành Giáo dục - Đào tạo có lực lượng giáo viên, cán bộ gần 1,6 triệu thầy cô. Trong số NLĐ cả nước, đây là một lực lượng lao động đáng kể. Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến lực lượng nhà giáo. Riêng đối với các giáo viên công tác giảng dạy tại miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,…còn được thêm các chính sách ưu đãi khác. Cụ thể, giáo viên ở các trường chuyên biệt, dân tộc nội trú, bán trú được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu, giáo viên phụ trách lớp ghép được hưởng phụ cấp từ 50-70%, giáo viên dạy tiếng dân tộc cũng được hưởng phụ cấp trách nhiệm là 0,3 so với mức lương tối thiểu,… Ngoài ra còn một vài chính sách ưu đãi khác.
Trải qua ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, khối các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng nhiều. Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết số 103 tháng 8/2022 về hỗ trợ cho giáo viên mần non công lập và đã chi trả cho hơn 50.000 người số tiền 158 tỷ đồng. Số tiền này mặc dù không lớn nhưng đã bày tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, không phân biệt công và tư. Tuy nhiên, so với những vất vả, khó khăn, hy sinh của giáo viên công tác tại các vùng đặc biệt thì những chính sách lao động vẫn còn cần có những ưu tiên nhiều hơn mới động viên được đội ngũ giáo viên. Bộ cũng đang tham mưu cho Chính phủ thực hiện một số chính sách như đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, trong đó có sự ưu tiên đối với xây dựng nhà công vụ giáo viên tại các điểm trường khó khăn.
Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp bới Bộ Nội vụ kiến nghị, xem xét việc nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học. Hai bộ cũng đã có thống nhất bước đầu và Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xem xét việc đưa đối tượng giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại, liên quan đến tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non… Bộ GD&ĐT đã chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo sẽ lưu ý các đối tượng nhà giáo trong các môi trường vùng sâu, vùng xa, khó khăn để tăng cường sự ghi nhận đối với đội ngũ giáo viên ở khu vực này.
Trong Diễn đàn này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong tổ chức Công đoàn cũng như chính quyền địa phương lưu ý đến việc còn hơn 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó, giáo viên dạy ở các nhóm trẻ độc lập không được đóng BHXH. Qua đó, đề nghị cần quan tâm đến đội ngũ này để giáo viên được hưởng các quyền lợi.
Còn về ý kiến của đại biểu Phạm Thị Huyền – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2018, chúng ta có luật sửa đổi và bổ sung một số điều liên quan đến trường đại học gọi tắt là Luật 34. Đây là bộ luật quan trọng trong việc điều chỉnh tạo ra các cơ sở pháp lý triển khai đối với tự chủ đại học. Trong thực tế, luật đã đi vào cuộc sống, được các trường, nhà giáo đón nhận, ghi nhận triển khai bước đầu, tuy nhiên có một số điểm còn chồng chéo, vướng mắc, trước mắt so với các luật khác. Bộ ghi nhận những điều này. Trước mắt, về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ đề nghị sửa đổi Nghị định 99, hướng dẫn thi hành Luật 34, trong đó có điều chỉnh một số nội dung để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai. Bộ GD&ĐT đề xuất trong năm 2024 sẽ rà soát sửa đổi Luật 34 để mở đường cho tự chủ đaị học.
Đồng chí Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội phát biểu:
"Sau một buổi chiều làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, trao đổi thẳng thắn, xây dựng, Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.
Diễn đàn diễn ra rất sôi động và thành công. Rất nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã thông tin về Diễn đàn. Các nền tảng số của Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tường thuật, cập nhật kịp thời về Diễn đàn. Mặc dù số lượng đại biểu chỉ có 500 người nhưng đại diện cho đông đủ các thành phần từ công chức, viên chức, công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn và đại diện cho các ngành nghề, vùng miền trong cả nước.
Tại Diễn đàn, chúng ta đã được nghe báo cáo tổng hợp ý kiến của người lao động do Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày với hơn 4.500 ý kiến liên quan đến 45 nhóm vấn đề lớn; đã có 21 lượt ý kiến đại diện cho đoàn viên công đoàn phát biểu trực tiếp. Diễn đàn đã có sự tham gia trả lời của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan. Diễn đàn cũng thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức Trung ương...
Các ý kiến tổng hợp và trao đổi trực tiếp tại Diễn đàn cho thấy, đoàn viên, người lao động đã phản ánh sát với thực tiễn tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của đoàn viên, người lao động cả nước. Đồng thời, phản ánh những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật khiến đoàn viên, công nhân, người lao động còn băn khoăn, bức xúc liên quan đến các nhóm vấn đề như: việc làm, duy trì việc làm bền vững, vấn đề thu nhập và nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của người lao động; các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng và tiếp cận về nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân; vấn đề an sinh xã hội, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chính sách thu hút người lao động và đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; chính sách trong các ngành đặc thù.
Các ý kiến cũng phản ánh thực tiễn thi hành, góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đất đai… Có thể thấy, thời gian qua, với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đời sống của công chức, viên chức, công nhân, người lao động đã được cải thiện đáng kể. Nhưng trên thực tế, đời sống và việc làm của một bộ phận đoàn viên, công nhân, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đất nước chịu tác động nặng nề từ “khủng hoảng kép” do tình hình dịch bệnh Covid – 19, khủng hoảng năng lượng, lương thực, các cuộc xung đột trên thế giới...
Mặc dù hệ thống pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn đã không ngừng được hoàn thiện, song vẫn còn có các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa sát thực tiễn. Việc thực thi pháp luật ở một số nơi, một số thời điểm chưa nghiêm, còn xảy ra vi phạm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Công tác giám sát của các cơ quan hữu quan cũng chưa được thường xuyên, đầy đủ; hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp vẫn còn gặp nhiều khó khăn…
Đây đều là các ý kiến rất cụ thể, thiết thực, nói lên tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động, thể hiện tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức, giai cấp công nhân, người lao động đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan tổ chức Diễn đàn, tôi xin ghi nhận và trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu chân tình, thẳng thắn của các đại biểu đại diện cho đoàn viên, người lao động cả nước và bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc đối với những khó khăn, vất vả mà anh chị em công nhân, người lao động đang hàng ngày phải đối mặt trong lao động sản xuất và đời sống. Tôi cũng biểu dương tinh thần cách mạng, không ngừng nỗ lực, quyết tâm vượt khó, vươn lên của anh chị em công nhân, luôn sát cánh, đồng hành với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ luật cao.
Sức chống chịu của các doanh nghiệp, của nền kinh tế có thể hiện được trong điều kiện khó khăn hay không phụ là nhờ rất lớn ở hơn 52 triệu người lao động của cả nước. Các ý kiến đã cơ bản được Chủ nhiệm các Ủy ban, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan liên quan trả lời. Ban tổ chức Diễn đàn sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, xây dựng báo cáo tổng thuật gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan. Đối với những vấn đề bức xúc, bất cập mà cử tri vừa nêu nhưng chưa được giải đáp, đề nghị các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tiếp thu và khẩn trương giải quyết.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất tại Diễn đàn, tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nội dung kiến nghị về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động phải được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, một số vấn đề đề xuất, kiến nghị đã thuộc Chương trình xây dựng luật của Quốc hội nhiệm kỳ XV; đối với một số vấn đề khác chưa có trong Chương trình thì đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, nếu cần điều chỉnh, bổ sung ngay thì báo cáo đề xuất để Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tại Diễn đàn hôm nay, tôi cũng xin thông tin đến các anh chị em đoàn viên, công nhân, người lao động là tháng 8/2023, UBTVQH sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết đã được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Đây là quyết tâm của Quốc hội, UBTVQH nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật, để mỗi chính sách, pháp luật nói chung và các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động nói riêng sẽ thực sự đi vào cuộc sống, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, qua đó, củng cố niềm tin và tạo động lực cho người lao động yên tâm lao động, sản xuất.
Từ Diễn đàn hôm nay, tôi tiếp tục tin tưởng và mong rằng, các đoàn viên, công nhân, người lao động sẽ chủ động hơn nữa trong việc tham gia phản ánh, góp ý với quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các anh chị em công nhân, người lao động. Thực tế Diễn đàn hôm nay cũng chỉ là một kênh để Quốc hội lắng nghe ý kiến của đoàn viên công đoàn, người lao động. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội còn nhiều kênh khác để lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân cũng như người lao động cả nước.
Nhân dịp này tôi cũng đặc biệt biểu dương và hoan nghênh Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cũng như giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; có nhiều phát hiện, đề xuất, kiến nghị, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động được Công đoàn gửi tới Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật.
Công đoàn đã phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động giải quyết những vụ việc liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, quyền lợi, đời sống của người lao động, từng bước nâng cao phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, tổ chức Công đoàn đã chủ động ban hành và triển khai các gói hỗ trợ đa dạng, quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch; tích cực kiến nghị chính sách và phối hợp với các ngành chức năng để triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người lao động. Cùng với đó, động viên công nhân, viên chức, lao động thi đua lao động sản xuất, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa khôi phục và phát triển kinh tế -xã hội vừa phòng, chống dịch… Từ cuối năm 2022, trước tình hình nhiều đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có Nghị quyết về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Thời gian qua, Công đoàn Việt Nam cũng có rất nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động, thể hiện sự quan tâm sâu sắc với người lao động như: Chương trình “Tết sum vầy”; “Ngày hội công nhân”; “Tấm vé nghĩa tình”; “Chuyến xe nghĩa tình”. Xuân Quý Mão 2023 vừa qua cũng lần đầu tiên có chương trình “Chợ Tết Công đoàn” rất có ý nghĩa, thiết thực với công nhân, người lao động trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của Nhân dân nói chung và công chức, viên chức, người lao động nói riêng.
Đặc biệt, tôi đánh giá cao sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội để tổ chức Diễn đàn ngày hôm nay và mong là, Tổng LĐLĐ nghiên cứu tổ chức Diễn đàn định kỳ, tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức để hiệu quả hơn nữa. Qua đó, đã phát huy hơn nữa vai trò làm chủ, tham gia xây dựng chính sách của người dân, người lao động, góp phần bảo đảm quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế của Quốc hội sát thực, khả thi, có ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động.
Điều này một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ là mọi chính sách, pháp luật đều hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Những kết quả, thành tích của Công đoàn và sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng Huân chương Sao vàng, 3 lần trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Thay mặt UBTVQH, nhân ngày kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Công đoàn Việt Nam, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng thành tích và nỗ lực không mệt mỏi của các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, các thế hệ cán bộ công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động trong suốt thời gian qua.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là thời điểm các cấp công đoàn đang tổ chức đại hội, hướng tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028. Tôi tin tưởng, các đồng chí sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, chất lượng để tổ chức thành công đại hội, thảo luận quyết định những vấn đề lớn về chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động của công đoàn hơn nữa, đề ra được những giải pháp căn cơ, toàn diện để tổ chức Công đoàn thực sự vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết người lao động; góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Thành công của Diễn đàn hôm nay sẽ tiếp tục khẳng định tinh thần luôn đổi mới, hành động quyết liệt của Quốc hội vì lợi ích của Nhân dân, của giai cấp công nhân; đồng thời khẳng định vai trò chủ động, tích cực của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của Nhân dân, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tôi mong rằng tập thể đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục phát huy vai trò, truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng say thi đua lao động sản xuất, tăng năng suất lao động, tích cực nâng cao nhận thức, trình độ, tay nghề đáp ứng với yêu cầu công việc; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta.
Cuối cùng, tôi xin chúc toàn thể các quý vị đại biểu, các đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình sức khỏe, hạnh phúc! Xin trân trọng cảm ơn!"
Phát biểu đáp từ của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang:
Đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn cho biết, chiều hôm nay là một buổi chiều đặc biệt, đúng ngày kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đại diện cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động cả nước rất xúc động và vinh dự được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, được nhận quà động viên, khen thưởng của Chủ tịch Quốc hội, được Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương lắng nghe tâm tư, tình cảm, kiến nghị, đề xuất và chia sẻ thông điệp của lãnh đạo Quốc hội đến cử tri là người lao động cả nước.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đình Khang trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội và cá nhân đồng chí Chủ tịch Quốc hội đối với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn. Những lời động viên, chia sẻ và tiếp thu của lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các ban, bộ, ngành là động lực để đoàn viên, người lao động cả nước hăng say lao động sản xuất và cống hiến; là định hướng quan trọng để tiếp tục chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian tới, công nhân, người lao động nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn về việc làm bền vững, thu nhập, đời sống, kỹ năng nghề nghiệp, về năng suất lao động... Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm mà đồng chí Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp thu, quán triệt và triển khai thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực; trong đó tập trung trí tuệ để tham gia tích cực và có trách nhiệm trong xây dựng chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; đồng thời động viên đoàn viên, người lao động cả nước tiếp tục nỗ lực vượt khó, thi đua lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao.
17h47-17h50: Đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lên sân khấu, tặng quà cho đoàn viên, người lao động xuất sắc, mỗi suất quà gồm 5 triệu đồng và quà lưu niệm của Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho công nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: LĐ & CĐ |
17h50-17h55: Đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội lên sân khấu trao quà động viên các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn (đợt 1). Đồng chí Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang lên sân khấu trao quà động viên đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn (đợt 2).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: LĐ & CĐ |
17h59 – 18h01: Đồng chí Nguyễn Mạnh Kiên – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Giải bóng đá công nhân toàn quốc phát biểu mục đích, ý nghĩa của Giải bóng đá Công nhân toàn quốc. Đây là sự kiện văn hóa có quy mô lớn nhất chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
18h02 – 18h05: Chủ tịch Quốc hội chính thức phát động Giải bóng đá để mở đầu hoạt động có ý nghĩa thiết thực chăm lo đời sống tinh thần và tăng cường đoàn kết trong công nhân lao động. Chủ tịch Quốc hội ký tên lên lá cờ chính thức của giải đấu và ký tên lên quả bóng chính thức của giải đấu.
Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu phát động Giải bóng đá công nhân toàn quốc. Ảnh: LĐ & CĐ |
Chủ tịch Quốc hội lên vị trí trang trọng để thực hiện nghi thức phát động Giải bóng đá công nhân toàn quốc cùng các đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội trao cờ cho Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và đồng chí Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ.
Chủ tịch Quốc hội trao bóng cho đồng chí Nguyễn Thanh Hà - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
18h07: Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 22/11/2024 08:01
Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
Hơn 90% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng. Đây là kết quả cho những nỗ lực đổi mới, đồng lòng trong phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên ngành Y.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng