Quy định rút bảo hiểm xã hội một lần cần xem xét kỹ lưỡng
Pháp luật lao động - 04/11/2023 08:24 MINH KHÔI (THỰC HIỆN)
PV: Thưa luật sư, rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm, tác động lâu dài đến lưới an sinh. Từ nhận định này, xin ông chia sẻ đôi điều về hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần hiện đang được người dân, người lao động rất quan tâm?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Ngày 10/10/2023, Chính phủ có Tờ trình Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), số 527/TTr-CP. Theo đó, Chính phủ đã báo cáo xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/7/2025) không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW. Ảnh: NVCC |
Với phương án này, dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018. Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ dễ nhận được sự đồng thuận hơn của người lao động.
Ngoài ra, đối với nhóm 2 của phương án này chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dẫn đến số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Ưu điểm của phương án 2: Theo Chính phủ, phương án này đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW; hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Phương án này vừa đáp ứng được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống, quyền lợi của người lao động trong thời gian dài hạn.
Gia tăng quyền, lợi ích cho người lao động giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. |
Tuy nhiên, phương án này chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Người lao động đã giải quyết một phần thời gian đóng, chỉ còn bảo lưu lại được một phần nên sẽ ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (thời gian đóng ngắn) khi tiếp tục tham gia. Ngoài ra, theo phương án này, tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.
PV: Theo ông, nếu chọn một trong hai phương án trên, để Luật Bảo hiểm xã hội đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động thì chúng ta nên điều chỉnh gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột cơ bản nhất của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, do tính bao phủ của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và do tác động đến thu nhập, đời sống của một bộ phận lớn dân cư. Chính vì vậy, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật liên quan (Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động…) luôn có mối quan hệ rất chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Do đó việc quy định rút bảo hiểm xã hội một lần trong cả hai phương án trên đều tiềm ẩn những vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tương thích với những pháp luật liên quan, cụ thể như sau:
Với phương án 1: Về cơ bản quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động được chọn lựa giữa bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần nến có nhu cầu.
Tuy nhiên, có sự khác biệt ở chỗ, nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như: (i) Chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng hưu; (ii) Hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; (iii) Hưởng bảo hiểm y tế do NSNN đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; (iv) Hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; (v) Trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm thì người lao động còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt. Trường hợp người lao động lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Như vậy với phương án này gần như không thay đổi nhiều so với quy định trước đó và cũng không tác động quá nhiều đến các quy định của luật liên quan. Ở đây chỉ có tính toán đến trường hợp người lao động sau ngày 1/7/2025 thì phải xử lý những băn khoăn của họ như thế nào.
Người lao động làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội quận Bình Thạnh, TP. HCM. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Với phương án hai: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Vậy với 50% tổng thời gian đã đóng hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội sẽ được hiểu và quy định cụ thể như thế nào? cần được làm rõ.
Chẳng hạn sau khi rút 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng theo mức nào, thời gian hưởng là khi nào, các chế độ liên quan như bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp có bị ảnh hưởng không?...
Nếu không được hưởng thì sau khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian đóng bao lâu sẽ được khôi phục các chế độ phúc lợi như người không rút bảo hiểm xã hội một lần… và nhiều vấn đề khác liên quan đến luật lao động và các luật liên quan.
Chúng ta thấy, cả hai phương án đều có những “vướng mắc” riêng, việc áp dụng các quy định cứng nhắc mà tạo ra những sự bất bình đẳng hay không tạo ra được những quyền lợi cho người lao động thì các giải pháp đó sẽ không bền vững. Các chính sách bảo hiểm xã hội phải linh hoạt để làm sao thu hút hơn người lao động tham gia vào hệ thống và đặc biệt là chính sách phải tạo được niềm tin cho người lao động, khuyến khích người lao động càng ở lâu thì càng lợi.
Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, cần tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp vấn đề này.
Người lao động đến rút tiền BHXH một lần tại Bảo hiểm xã hội quận Gò Vấp, TP. HCM. Ảnh: TL |
PV: Theo Luật, theo phương án nào thì hệ thống vẫn phải đảm bảo quyền rút bảo hiểm xã hội một lần cho người dân một cách thoả đáng, theo ông, đó là gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo Dự thảo Luật, thì phương án thứ nhất vẫn đảm bảo cho người dân quyền rút bảo hiểm xã hội một lần. Cụ thể, phương án thứ nhất vẫn giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực. Như vậy, người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước thời điểm Luật này có hiệu lực và chưa đủ 20 năm thì vẫn tiếp tục được hưởng bảo hiểm xã hội một lần; còn người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật này có hiệu lực mà có thời gian đóng dưới 15 năm thì chỉ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư, hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Do quy định này không ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi của những người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên cơ bản sẽ ít khả năng gặp phản ứng.
Bên cạnh đó với phương án 1, trong những năm đầu số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, nhưng giảm càng nhiều những năm sau. Dần tiến tới tiếp cận theo thông lệ quốc tế, chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp không đủ điều kiện/không có khả năng được hưởng lương hưu hàng tháng. Qua đó, giúp người lao động vẫn được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
PV: Hiện tình trạng doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội của người lao động diễn ra khá phổ biến và nhiều trường hợp chưa có phương án giải quyết, theo ông, Luật nên có giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi người lao động?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thứ nhất, cần có các điều khoản cụ thể và rõ ràng về việc đóng bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp theo chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung các văn bản hướng dẫn kịp thời những nội dung về bảo hiểm xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Cần thiết lập các quy định rõ ràng về việc nộp tiền bảo hiểm xã hội theo đúng thời hạn và số lượng cần nộp.
Thứ hai, cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra định kỳ để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội đúng quy định. Các cơ quan quản lý cần có cơ chế kiểm tra hiệu quả và trừng phạt nghiêm khắc việc vi phạm.
Thứ ba, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, cố tình nợ bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần có các biện pháp bồi thường cho người lao động bị ảnh hưởng bởi việc doanh nghiệp không nộp bảo hiểm xã hội.
PV: Cảm ơn ông!
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần xuất phát từ những người “trong cuộc” “Làn sóng” rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần đang gia tăng; tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH đang còn ở ... |
Vì sao công nhân nghỉ việc chờ rút bảo hiểm xã hội một lần? Các ý kiến cho rằng: “Sẽ không ai muốn rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần nếu như việc để lại có lợi cho ... |
Bảo hiểm xã hội - đừng để người lao động thiếu niềm tin Khi bắt đầu ký hợp đồng lao động, bạn nộp quỹ bảo hiểm xã hội, như năm này là 32% thu nhập mỗi tháng (phía ... |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 21/11/2024 16:27
Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
Nữ lao động là trụ cột chính trong gia đình, việc bị nợ lương đã khiến cuộc sống của cô lâm vào cảnh túng quẫn.
Pháp luật lao động - 18/11/2024 06:07
7 trường hợp phải tổ chức đối thoại theo Bộ luật Lao động năm 2019
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định 7 trường hợp khi có vụ việc phải tổ chức đối thoại. Người sử dụng lao động, người lao động và cán bộ công đoàn cần biết những quy định này để thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động.
Sổ tay pháp luật - 16/11/2024 08:39
Những điều cần biết về đối thoại tại nơi làm việc theo pháp luật lao động
Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 đã có những quy định cụ thể về đối thoại tại nơi làm việc. Quy định này nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Phóng sự điều tra - 15/11/2024 20:50
Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam
Sáng nay (15/11), đại diện Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đã tới làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ (Hà Nội) về vụ tranh chấp lao động xảy ra tại công ty này.
Phóng sự điều tra - 13/11/2024 14:33
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định bác sĩ Lê Khắc Thu có đủ sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.
Phóng sự điều tra - 08/11/2024 14:32
Bị nợ lương thử việc, nam công nhân phải vay lãi ngày chăm con ốm
Kết thúc thời gian thử việc 1 tháng vào ngày 30/8, nhưng hơn 2 tháng sau, anh T. (Thanh Oai, Hà Nội) mới được thanh toán lương sau nhiều lần đòi quyền lợi.
- Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
- Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
- 06 cách giúp công nhân lao động thêm việc thêm tiền
- Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
- Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?