Nhân viên tố Công ty Outcubator Việt Nam vi phạm hợp đồng lao động
Phóng sự điều tra - 07/11/2024 19:16 MINH KHÔI - NGÔ KHIÊM
Trong đơn, chị Lê H. N. (SN 1993) – kế toán viên Công ty TNHH Outcubator Việt Nam khiếu nại về việc doanh nghiệp đã yêu cầu chị không đến công ty làm việc cho đến khi kết thúc hợp đồng lao động.
Điều đáng nói, trong thời gian này Công ty chỉ trả cho chị N. lương cơ bản theo phụ lục hợp đồng là 6 triệu đồng mà không trả các khoản phụ cấp khác.
Chị Lê H. N. (SN 1993) – kế toán viên Công ty TNHH Outcubator Việt Nam tìm đến Liên đoàn Lao động TP Hà Nội nhờ tư vấn pháp luật. Ảnh: LĐCĐ |
“Treo giò” nhân viên khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động bất thành
Hợp đồng lao động giữa chị Lê H. N. với Công ty TNHH Outcubator Việt Nam có thời hạn 1 năm (từ 12/11/2023 đến hết ngày 11/11/2024). Đến ngày 2/7/2024, chị N. bất ngờ nhận được thông báo mời họp của lãnh đạo Công ty về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Cuộc họp diễn ra chiều cùng ngày. Tại đó, ông Phùng Anh Quân - Phó Giám đốc Công ty nói rằng từ tháng 10/2023, chị N. được giao nhiệm vụ làm hồ sơ chuyển tiền ra khỏi Công ty Terminal 3 India (trụ sở tại Ấn Độ) – đối tác của Công ty Outcubator nhưng đến nay không hoàn thành.
“Công ty thấy kinh nghiệm kỹ năng không còn phù hợp nên muốn thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động”, biên bản họp chiều 2/7 ghi lại lời Phó Giám đốc Công ty TNHH Outcubator Việt Nam.
Phía Công ty đề nghị ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với chị N. từ ngày 2/7/2024, bồi thường cho chị N. 2 tháng lương, thay cho quy định báo trước 30 ngày như Bộ luật Lao động.
Tại cuộc họp, chị N. giải thích rằng nhiệm vụ chuyển tiền ra khỏi Công ty Terminal 3 India không hoàn thành là do lỗi khách quan từ phía đối tác. Trong suốt quá trình làm việc, chị N. đã báo cáo với trưởng nhóm về tiến độ và những khó khăn khách quan.
"Khoản chuyển tiền này đã bị trì hoãn do gặp vấn đề từ trước khi tôi vào Công ty làm việc. Sau khi nhận lại công việc này, có nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến thuế và ngân hàng tại các nước nên giao dịch chuyển tiền vẫn chưa được xử lý. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cho việc chuyển tiền, thường xuyên hỗ trợ kế toán ngân hàng để xử lý các vấn đề về ngân hàng mà chúng tôi gặp phải và báo cáo đầy đủ cho trưởng nhóm để trưởng nhóm báo cáo lên cấp trên. Vào khoảng thời gian tháng 7/2024, Ban Lãnh đạo Công ty hỏi về tiến độ của việc chuyển tiền và trưởng nhóm tôi có báo cáo lại là giao dịch này chưa được thực hiện và công ty kết luận tôi không hoàn thành công việc nói chung và thông báo với trưởng nhóm chấm dứt hợp đồng lao động với tôi khi hợp đồng lao động của tôi vẫn còn thời hạn", chị N. cho biết.
Điều quan trọng hơn, chị N. cho rằng Công ty không có KPI đánh giá mức độ hoàn thành công việc hằng tháng nên không có căn cứ nhận xét chị không hoàn thành. Chị bày tỏ mong muốn tiếp tục được làm việc tại Công ty.
Trường hợp Công ty muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, chị N. chỉ đồng ý với điều kiện được bồi thường 3 tháng lương, xóa thư kỷ luật và có lời xin lỗi với chị.
Đến ngày 11/7/2024, ông Phùng Anh Quân – Phó Giám đốc Công ty TNHH Outcubator Việt Nam thừa ủy quyền Tổng Giám đốc ký quyết định không gia hạn, tái ký hợp đồng lao động đối với chị N. kể từ ngày 12/11/2024 (tức thời điểm kết thúc bản hợp đồng đã ký trước đó).
Quyết định không gia hạn, tái ký hợp đồng lao động và yêu cầu chị N. không đến Công ty Outcubator Việt Nam làm việc. |
Quyết định cũng đề nghị từ ngày 12/7/2024, chị N. “không cần đến Công ty làm việc”. Ngoài ra, Công ty cam kết đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho chị Ngân, chi trả nguyên lương cơ bản theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động (sau khi đã trừ nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội) cho đến khi kết thúc hợp đồng.
Cũng từ thời điểm này, chị N. bị chặn khỏi các nhóm làm việc, bị “cấm cửa”, không được bước chân vào Công ty.
Chị Lê H. N. cho biết: “Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, danh dự cá nhân tôi”.
Khiếu nại đòi quyền lợi
Trong đơn khiếu nại, chị N. cho biết: “Công ty đơn phương yêu cầu tôi ở nhà, vẫn là nhân viên của Công ty nhưng không được trả đủ tiền lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động”.
Lương tháng 8, 9/2024, chị N. chỉ được trả 6 triệu đồng, trừ tiền bảo hiểm xã hội, chị được lĩnh mỗi tháng trên 5,3 triệu đồng.
Trong khi đó, phụ lục hợp đồng lao động ghi rõ tổng thu nhập tối đa của chị N. là 27.500.000 đồng (tương đương 1.100 USD), gồm: lương cơ bản (6.000.000 đồng), hỗ trợ nhà ở (10.000.000 đồng), hỗ trợ đi lại (1.000.000 đồng), hỗ trợ điện thoại (1.000.000 đồng), thưởng mức độ hoàn thành công việc tối đa (9.500.000 đồng).
Số tiền lương chị N. được nhận tháng 6/2024. Ảnh: NVCC |
Số tiền lương chị N. nhận được tháng 8/2024, sau khi chị bị Công ty "cấm cửa". Ảnh: NVCC |
“Công ty giải thích rằng do tôi không đến công ty, không làm việc, không tạo ra sản phẩm nên không được hưởng bất kì các khoản hỗ trợ hay tiền thưởng mức độ hoàn thành công việc”, chị N. cho biết.
Nữ nhân viên cho rằng một loạt hành động như đơn phương yêu cầu chị ở nhà, không cho chị làm việc, thu hồi công cụ làm việc, hủy mọi quyền truy cập và tài khoản làm việc… từ phía Công ty là không giữ cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
“Đây là quyết định đơn phương của doanh nghiệp, không có sự thỏa thuận của hai bên và khi Công ty yêu cầu tôi ở nhà không được làm việc và không trả các khoản hỗ trợ này là ảnh hưởng đến lợi ích về thu nhập đảm bảo mức sống hàng tháng của tôi”, chị N. khẳng định.
Về khoản tiền thưởng theo mức độ hoàn thành công việc: trong biên bản họp lúc 14 giờ ngày 11/7/2024, phía Công ty xác nhận quy chế lương thưởng đã được công bố ở tệp thư mục đã được lưu công khai trên nhóm chung của Công ty. Tuy nhiên, theo chị N., quy chế lương, thưởng này không có chữ ký của Tổng Giám đốc Công ty và không có ý kiến tham khảo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Căn cứ theo khoản 3, Điều 93 về Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động và khoản 2, Điều 104 về Thưởng của Bộ luật Lao động 2019, văn bản này không có giá trị pháp lý để thực hiện.
Hơn nữa, trong văn bản đã đề cập trên không có quy định cụ thể về hệ số mức độ công việc hoàn thành, mà chỉ quy định “việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc được tiến hành sau khi nhân viên hết thời gian thử việc và sau mỗi 6 tháng làm việc tại Công ty (không bao gồm 2 tháng thử việc)”. Trong chương IV của QĐ/012022/OUTCUBATOR về bậc lương, phụ cấp và những quy định về nâng bậc lương, thang bảng lương quy định cho các chức danh công việc của công ty (Phụ lục 01) cũng không có phụ lục 01 đính kèm để thông báo cho nhân viên.
Chị N. nhấn mạnh: “Hằng tháng Công ty không thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành công việc của tôi và Công ty không quy định rõ ràng, cụ thể về các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế lương, thưởng đã công khai cho nhân viên”.
Công ty TNHH Outcubator Việt Nam có địa chỉ tại số 2A, hẻm 52/28/1, đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Ảnh: LĐCĐ |
Thực tế trong thời gian từ 12/11/2023 đến ngày 11/07/2024, hằng tháng Công ty TNHH Outcubator Việt Nam trả khoản thưởng theo mức độ hoàn thành công việc cho chị N. (sau khi đã khấu trừ khoản bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân,..) theo ngày công thực tế làm việc và căn cứ vào bảng chấm công.
Nữ nhân viên cho rằng, do Công ty không thông báo quy chế lương, thưởng có giá trị pháp lý quy định rõ ràng các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc cho nhân viên và khoản thưởng này chị được nhận thường xuyên mỗi kì trả lương nên khoản này chỉ có hình thức trên hợp đồng là tiền thưởng theo mức độ hoàn thành công việc nhưng bản chất không phụ thuộc vào mức độ hoàn thành công việc.
Căn cứ khoản lương chị N. được nhận trong thời gian trước ngày 11/7/2024 chứng minh điều chị nói.
Chị N. đề nghị Công ty TNHH Outcubator Việt Nam khôi phục lại chế độ bảo hiểm cá nhân, nhận đầy đủ lương cơ bản, các khoản hỗ trợ nhà ở, đi lại, điện thoại và tiền thưởng theo mức độ hoàn thành công việc đầy đủ như đã thỏa thuận trong hợp đồng cho toàn bộ khoảng thời gian từ ngày 12/07/2024 đến ngày 11/11/2024.
Để làm rõ thông tin liên quan đến vụ việc trên, ngày 13/8, PV Tạp chí Lao động và Công đoàn đã tới Công ty TNHH Outcubator Việt Nam (số 2A, hẻm 52/28/1, đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) để liên hệ làm việc.
Biển hiệu tại Công ty TNHH Outcubator Việt Nam. Ảnh: LĐCĐ |
Tại đây PV gặp ông Phùng Anh Quân – Phó Giám đốc Công ty. Ông Quân hẹn 3 ngày sau (thứ Sáu, ngày 16/8) sẽ bố trí luật sư đại diện pháp lý cho Công ty làm việc với PV. Tuy nhiên, một ngày trước khi diễn ra cuộc làm việc, vị này bất ngờ nhắn tin thông báo: “Bên phía Công ty đã có quyết định là sẽ không gặp mặt với phóng viên để không tiết lộ các thông tin nội bộ ra bên ngoài, đặc biệt là về các thông tin liên quan đến nhân viên”.
Hôm 18/10, PV tiếp tục gửi công văn tới lãnh đạo Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đề nghị trả lời một số câu hỏi liên quan đến trường hợp chị N. khiếu nại. Đến nay phía Công ty chưa có phản hồi.
Được biết, chị Lê H. N. đã gửi đơn khiếu nại tới Công ty nhưng lãnh đạo không tiếp nhận. Trước tình hình đó, chị N. tiếp tục gửi đơn tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội.
Bà Võ Thị Ngọc Yến - Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết đã nhận được đơn của chị N.
Bà Yến cho biết, theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giải khuyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động, thời gian giải quyết khiếu nại lần đầu trong khoảng thời gian từ 30-45 ngày.
“Thời điểm này vẫn trong thời gian người lao động khiếu nại đến người sử dụng lao động và người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết. Sau khi giải quyết khiếu nại lần đầu mà người lao động không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại thì họ có quyền khiếu nại tiếp và khi ấy cơ quan quản lý nhà nước sẽ tham gia giải quyết. Chúng tôi sẽ làm việc với các bên, tuy nhiên đến thẩm quyền lúc nào thì chúng tôi sẽ làm theo đúng quy định của pháp luật”, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội nhấn mạnh.
Tạp chí Lao động và Công đoàn sẽ tiếp tục thông tin!
Video: Chị Lê H. N. trình bày về vụ việc tại Công ty TNHH Outcubator Việt Nam
Công ty CP Môi trường xanh Friendly thoái thác trách nhiệm với người lao động Làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường xanh ... |
San đất nông nghiệp, làm sân pickleball Hàng loạt lô đất thuộc dự án bỏ hoang, đất kho bãi, thậm chí đất nông nghiệp đã bị san lấp làm sân pickleball - ... |
Công nhân khó tìm nơi chăm sóc trẻ phù hợp Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp và khu chế xuất đã thu hút lượng lớn lao động nhập cư, tạo áp ... |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 29/11/2024 18:47
Vụ Phòng khám Timec nợ lương: Người lao động kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi
Nhiều lần người lao động yêu cầu được ký hợp đồng lao động, nhưng công ty vẫn phớt lờ. Nghiêm trọng hơn, công ty còn nợ lương người lao động kéo dài nhiều tháng khiến cuộc sống của họ vô cùng khốn đốn…
Phóng sự điều tra - 21/11/2024 16:27
Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
Nữ lao động là trụ cột chính trong gia đình, việc bị nợ lương đã khiến cuộc sống của cô lâm vào cảnh túng quẫn.
Phóng sự điều tra - 15/11/2024 20:50
Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam
Sáng nay (15/11), đại diện Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đã tới làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ (Hà Nội) về vụ tranh chấp lao động xảy ra tại công ty này.
Phóng sự điều tra - 13/11/2024 14:33
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định bác sĩ Lê Khắc Thu có đủ sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.
Phóng sự điều tra - 08/11/2024 14:32
Bị nợ lương thử việc, nam công nhân phải vay lãi ngày chăm con ốm
Kết thúc thời gian thử việc 1 tháng vào ngày 30/8, nhưng hơn 2 tháng sau, anh T. (Thanh Oai, Hà Nội) mới được thanh toán lương sau nhiều lần đòi quyền lợi.