agribank-plus-4112024-522025

Nhọc nhằn nghề "bảo mẫu" cho những mảnh đời bất hạnh

Được ví như “bảo mẫu”, các nhân viên công tác xã hội Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng cần mẫn mỗi ngày, trao yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh. Họ cũng rất mong có thêm chính sách ưu đãi xứng đáng.

Sự hy sinh thầm lặng

Trong Phòng Trẻ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, chị Phạm Thị Xuân Trâm vừa nhẹ nhàng lau từng kẽ tay cho cháu Trần Quỳnh Thư, vừa âu yếm khuyên bảo cháu Mùa A Tu: “Con ngoan, nhường đồ chơi cho em, lát cô kiếm đồ chơi khác cho con nhé”.

Cháu Trần Quỳnh Thư được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận khi gia đình bỏ lại đây. Cháu bị khuyết tật bẩm sinh, đã 8 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ lên 3, chỉ chập chững vài bước khó khăn trong chiếc cũi nhỏ. Mọi sinh hoạt của Thư đều do các cô, các thầy tại đây chăm lo.

Còn ba anh em cháu Mùa A Tu, Mùa A Sủa, Mùa A Hành vào Trung tâm khi cha, mẹ đi chấp hành bản án hình sự.

Tại Phòng Trẻ nơi chị Trâm làm việc có 4 nhân viên, hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 24 trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh.

“Mỗi trẻ là một số phận, hoàn cảnh khác nhau, trước khi đến đây đều là những mảnh đời bất hạnh, rất cần được an ủi và chia sẻ”, chị Phạm Thị Xuân Trâm nói.

Nghề “Bảo mẫu” của những mảnh đời bất hạnh ở Trung tâm bảo trợ xã hội
Chị Phạm Thị Xuân Trâm - Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng đang chăm sóc cho trẻ. Ảnh: ĐL

Chị Trâm đã làm công việc này được 8 năm, từ khi là cô sinh viên mới ra trường còn ngỡ ngàng với công việc “vừa làm mẹ, vừa làm cô giáo” của trẻ. Giờ đây, khi đã lập gia đình, có con, chị càng hiểu thêm về trách nhiệm công việc của mình. Chị bảo, thêm một ngày gắn bó với trẻ ở đây là thêm một cảm xúc yêu thương, nơi đây đã trở thành mái nhà thân thương thứ hai của chị.

“Mỗi đêm nằm ôm ấp, vỗ về cho từng cháu ngủ, nghĩ đến ở nhà chồng mình đang xoay xở cho con bú sữa bình cũng thấy chạnh lòng. Nhưng nghĩ lại, dù gì thì con mình cũng được hưởng tình yêu thương của cha mẹ, ông bà. Còn các cháu ở đây cần có mình hơn, vì chỉ biết trông chờ nơi các thầy, các cô và mái nhà này”, chị Phạm Thị Xuân Trâm chia sẻ.

Nghề “Bảo mẫu” của những mảnh đời bất hạnh ở Trung tâm bảo trợ xã hội

Anh Phạm Hoàng Long đang chăm sóc trẻ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐL

Phía ngoài hành lang ngay sát Phòng Trẻ, anh Phạm Hoàng Long tay bế một trẻ, ngồi bên bàn ăn dỗ dành hai trẻ khác ăn bữa cơm chiều. Anh Long còn trẻ, chưa lập gia đình nhưng chăm sóc trẻ rất thuần thục.

Anh tâm sự, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được tham gia các hoạt động tình nguyện giúp đỡ các đối tượng yếu thế, anh đồng cảm và thấy mình cần làm gì đó để giúp những hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Sau khi tốt nghiệp, anh Long nộp đơn thi tuyển và chính thức trở thành nhân viên công tác xã hội của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, thấm thoắt đã 3 năm.

“Chúng tôi lo từng bữa ăn, chăm từng giấc ngủ, dạy bảo cho các cháu chẳng quản ngày hay đêm. Nhất là khi các cháu nóng sốt hay ốm đau thì càng cần có bàn tay chăm bẵm và sự sẻ chia của chúng tôi. Chỉ mong sao các cháu được vui tươi như sống giữa lòng người thân trong gia đình mình”, anh nói.

Chị Nguyễn Thị Nghĩa - nhân viên Phòng Người cao tuổi và Tâm thần thì trải lòng: “Nhiều khi các cụ cũng giận hờn, cáu gắt, tìm cách bỏ đi, nếu nhân viên không hiểu sẽ không thể chiều lòng các cụ được. Vì đa số các cụ ở đây đều đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, bệnh tật nhiều mà không có con cháu ở bên chăm sóc. Bởi vậy anh chị em chúng tôi luôn bảo nhau phải kiên trì hơn, cố gắng hơn, chu đáo trong từng lời nói và hành động để các cụ được sống vui vẻ, thoải mái như ở nhà với con cháu”.

Nghề “Bảo mẫu” của những mảnh đời bất hạnh ở Trung tâm bảo trợ xã hội

Chị Nông Thị Dung - Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng chăm sóc cho người cao tuổi. Ảnh: ĐL

Cần thêm chính sách ưu đãi xứng đáng

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Kết cho biết, tất cả cán bộ, nhân viên của Trung tâm đều phải thay phiên nhau trực không quản ngày đêm. Bởi phần lớn đối tượng bảo trợ xã hội ở đây là trẻ sơ sinh, người cao tuổi, và có cả người khuyết tật, người tâm thần thể ổn định...

“Chúng tôi luôn phải tận tâm, tận lực. Bởi ở đây, ngoài hoàn thành công việc, mỗi người chúng tôi còn mang bổn phận làm người thân của đối tượng bảo trợ. Đó là trọng trách của người con, người anh, người chị, người em, hay cha, mẹ của họ”, ông Trần Văn Kết chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, đặc thù công việc khó khăn, vất vả, lại luôn có rủi ro như vậy, nhưng chính sách ưu đãi đối với viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở trợ giúp xã hội còn chưa xứng đáng và còn những bất cập.

Theo ông Trần Văn Kết, đối tượng quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng thường xuyên tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội hầu hết là trẻ em bị bỏ rơi từ không tháng tuổi, trong đó có cả trẻ khuyết tật, bại não, trẻ tự kỷ, tăng động…

Còn với người già thì hầu hết là cô đơn không nơi nương tựa, bị bệnh, có khi liệt nằm một chỗ, hoặc đối tượng tâm thần… cần phải có nhân viên công tác xã hội trực tiếp chăm sóc.

Nhà nước đã có chính sách ưu đãi, thu hút, nhưng chưa tương xứng với công việc của viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở trợ giúp xã hội. Nhất là chúng tôi lại không được hưởng trợ cấp đặc thù như đối với viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy.

"Thực tế trong những năm qua không ít viên chức, người lao động sau khi được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng làm việc thì chỉ một thời gian ngắn đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác vì chưa có những chính sách ưu đãi xứng đáng”, ông Trần Văn Kết chia sẻ.

“Bảo mẫu” của những mảnh đời bất hạnh
Các nhà hảo tâm tặng quà Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐVCC

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng nói rằng, công việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao và cả sự hy sinh bản thân của nhân viên công tác xã hội mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, đó là đem lại hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, chăm sóc trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần thể ổn định... là công việc không chỉ nặng nhọc mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, nhưng hiện nay chưa được xem xét là công việc có tính chất đặc thù.

Cụ thể quy định tại Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ thì chỉ có công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy mới được hưởng trợ cấp đặc thù với mức tối thiểu bằng 500.000 đồng/người/tháng. Chính sách này lại không áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở trợ giúp xã hội công lập.

“Đây là điểm bất cập, Nhà nước cần sớm xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp, nhất là trong xây dựng và hoàn thiện chính sách tiền lương mới tới đây, để động viên, giữ chân họ yên tâm công tác, gắn bó làm việc lâu dài tại cơ sở trợ giúp xã hội", ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Voice: Ông Trần Văn Kết - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng.

Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công chức, viên chức và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng, điều động, biệt phái đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là công chức, viên chức) làm công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Các cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này bao gồm:

a) Cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy gồm: Cơ sở Điều trị nghiện tự nguyện; cơ sở cai nghiện bắt buộc (cơ sở Điều trị nghiện bắt buộc); cơ sở xã hội; cơ sở đa chức năng; cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy;

b) Cơ sở trợ giúp xã hội công lập gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; trung tâm công tác xã hội.

Điều 6. Trợ cấp đặc thù

1. Công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 được hưởng trợ cấp đặc thù với mức tối thiểu bằng 500.000 đồng/người/tháng.

2. Căn cứ vào Điều kiện cụ thể của từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức trợ cấp cao hơn mức quy định tại Nghị định này.

Trúng xe máy, nữ công nhân xúc động phải nhờ dìu lên sân khấu nhận giải

Trúng xe máy, nữ công nhân xúc động phải nhờ dìu lên sân khấu nhận giải

Đêm hội “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang tổ chức dần khép lại. Trong bầu không khí rộn ràng nhưng thấm đẫm tình cảm sẻ chia, giọng MC vang lên, chuẩn bị công bố giải đặc biệt – chiếc xe máy Honda Wave Alpha.
Niềm vui Tết sớm của công nhân Đà Nẵng

Niềm vui Tết sớm của công nhân Đà Nẵng

Sáng 12/1, không khí tại Nhà Văn hóa Lao động TP. Đà Nẵng rộn ràng với hàng trăm đoàn viên và công nhân tham gia chương trình “Ngày hội đoàn viên – Chào xuân Ất Tỵ 2025”.
Virus HMPV: Tình hình dịch bệnh và khuyến cáo từ Tổ chức Y tế thế giới

Virus HMPV: Tình hình dịch bệnh và khuyến cáo từ Tổ chức Y tế thế giới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra thông tin chính thức về tình hình bệnh lý đường hô hấp do virus HMPV (Human Metapneumovirus) gây ra.
Virus HMPV: Cảnh giác không hoảng loạn, hướng dẫn phòng ngừa cho người lao động

Virus HMPV: Cảnh giác không hoảng loạn, hướng dẫn phòng ngừa cho người lao động

Trong bối cảnh các bệnh đường hô hấp diễn biến phức tạp, virus HMPV (Human Metapneumovirus) nổi lên như một mối quan tâm đáng chú ý. Không chỉ gây ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn tuổi, HMPV còn đặt ra thách thức không nhỏ đối với người lao động, đặc biệt trong môi trường làm việc đông người.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao quà Tết cho công nhân Quảng Trị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao quà Tết cho công nhân Quảng Trị

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đã trao tận tay 100 suất quà Tết cho 100 cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?

Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?

Năm 2025, người lao động ở Việt Nam sẽ được hưởng tổng cộng 22 ngày nghỉ lễ Tết, trong đó có 11 ngày nghỉ hưởng nguyên lương và 11 ngày nghỉ liền kề.
Bẫy ngọt ngào - Khói mờ ảo, hiểm họa thật

Bẫy ngọt ngào - Khói mờ ảo, hiểm họa thật

Tác phẩm đạt giải Ba cuộc thi "Sáng tạo các sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma tuý" của tác giả Trần Thị Thu Ánh - giáo viên Trường THPT Vị Thuỷ (tỉnh Hậu Giang).
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 đối với công chức, người lao động như thế nào?

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 đối với công chức, người lao động như thế nào?

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ dài nhất trong năm - Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

'Đóa hoa' thầm lặng tô điểm cho Festival Hoa Đà Lạt

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X – 2024 vừa khép lại với thành công ấn tượng, ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách trong và ngoài nước. Thành công ấy có sự đóng góp lớn từ những người lao động âm thầm, những “đóa hoa” tỏa hương, làm nên vẻ đẹp và sức sống của festival.
Huế lên TP Trung ương: Bước ngoặt lịch sử, người lao động kỳ vọng điều gì?

Huế lên TP Trung ương: Bước ngoặt lịch sử, người lao động kỳ vọng điều gì?

Hôm nay 1/1/2025, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội. Với tên gọi mới - Thành phố Huế, là thành phố thứ 6 trong cả nước trực thuộc Trung ương.