Ngừng việc tập thể: Không vì "chính đáng" mà quên tính "hợp pháp"
Đời sống - 28/02/2024 17:45 QUỐC THẮNG (Thực hiện)
PV: Thưa đồng chí, theo thống kê, giai đoạn từ 2018 đến nay, ở Nghệ An đã xảy ra 22 cuộc ngừng việc tập thể tại 19 doanh nghiệp trên địa bàn 10 huyện, thành, thị. Hầu hết ngừng việc tập thể xảy ra chưa theo đúng trình tự pháp luật, mang tính tự phát và không có sự tham gia của tổ chức Công đoàn. Nguyên nhân của các cuộc ngừng việc này là do đâu?
Đồng chí Nguyễn Văn Thục: Theo quan sát của chúng tôi, cho đến nay, các vụ ngừng việc trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là do tranh chấp về lợi ích. Có thể kể ra một số vấn đề cụ thể như: yêu cầu tăng lương cơ bản, trả thưởng, tăng các loại phụ cấp, nâng chất lượng bữa ăn ca và thái độ ứng xử của bộ phận quản lý đối với NLĐ,...
Nguyên nhân cụ thể của từng tình huống thì có nhiều, nhưng có thể tổng hợp ở 3 nhóm nguyên nhân:
Thứ nhất, dù doanh nghiệp trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng, thời gian làm thêm giờ nhiều nhưng thu nhập của NLĐ vẫn thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho NLĐ ngưng việc tự phát.
Thứ hai, một số trường hợp khác như do tình trạng mới chuyển giao chủ sử dụng lao động, lấy ví dụ tiêu biểu như vụ ngừng việc mới đây tại Công ty TNHH Sein Together Vinh Vina (huyện Thanh Chương, Nghệ An): công nhân lo ngại việc tính lương khoán sản phẩm mà khi đơn hàng thiếu thì thu nhập sẽ không đủ chi tiêu nên yêu cầu trả lương theo thời gian. Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp mắc phải khi chưa xây dựng thang bảng lương, chưa có quy chế trả lương, trả thưởng.
Thứ ba, hầu hết các doanh nghiệp xảy ra đình công đều chưa quan tâm việc tổ chức hội nghị dân chủ hoặc tổ chức đối thoại theo Điều 63, 64 của Bộ luật Lao động. Có doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ không lấy ý kiến NLĐ.
Công nhân Công ty Viet Glory (Diễn Châu, Nghệ An) ngừng việc chiều 2/10/2023 - Ảnh: Huy Đồng |
PV: Theo đồng chí, điểm nổi cộm của những cuộc đình công trái pháp luật đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An là gì?
Đồng chí Nguyễn Văn Thục: Theo tôi đó là một số cuộc đình công có mối liên hệ giữa các cuộc đình công. Đình công chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tại các công ty con. Công ty này đình công sẽ kích động lôi kéo các công ty khác trong tập đoàn đình công.
Đình công chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, tại các doanh nghiệp FDI. Điểm đặc biệt là các yêu cầu, kiến nghị của NLĐ tại các cuộc đình công cơ bản giống nhau, về thời điểm đình công, các kiến nghị cũng giống nhau từ nội dung cho đến mức đòi hỏi. Một số công nhân lao động không tham gia đình công, đi làm thì có hiện tượng bị đe dọa. Khi tình huống diễn ra như vậy, chúng ta cần phân tích rõ nguyên nhân để giải quyết sớm. Vì khi tình hình phức tạp, căng thẳng diễn ra thì sẽ khó giải quyết hơn.
PV: Vai trò của tổ chức Công đoàn trong vấn đề này được thể hiện ở những khía cạnh nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Thục: Khi đã nói là đình công, ngừng việc tập thể tự phát, trái pháp luật nghĩa là công nhân không thông qua tổ chức Công đoàn. Nhưng với trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, các tổ chức Công đoàn luôn nhanh chóng vào cuộc, tiếp xúc, đối thoại, thương lượng giữa các bên để tìm ra tiếng nói chung, tạo ra sự yên tâm cho NLĐ và ổn định trong sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức Công đoàn cần làm tốt việc đàm phán, thương lượng, ký kết và thực hiện nghiêm túc thỏa ước lao động tập thể, tiến tới ký kết thỏa ước lao động cấp ngành.
Tổ chức Công đoàn cũng cần chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật lao động, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho đoàn viên, NLĐ. Bên cạnh đó, tăng cường nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, bức xúc, kiến nghị của NLĐ thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức. Tôi cho rằng, việc dự báo khả năng xảy ra ngừng việc tập thể, đình công để có phương án giải quyết sớm, từ trong “trứng nước” là rất quan trọng.
Tổ chức Công đoàn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ bằng nhiều hình thức. Trong ảnh: Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An thăm hỏi tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ĐVCC |
Trong những vụ ngừng việc, đình công trái pháp luật ở Nghệ An, cán bộ công đoàn đã hiểu rõ về cơ sở và tâm tư của NLĐ nên sự việc được giải quyết một cách nhanh chóng và thỏa đáng. Vai trò đi tìm tiếng nói chung trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa của cán bộ công đoàn trở nên nhiệm vụ chính yếu trong các tình huống này. Có thế, những đòi hỏi, kiến nghị vượt quá khả năng của doanh nghiệp mà NLĐ đưa ra cần được giải thích một cách cụ thể trên cơ sở của quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Việc tổ chức Công đoàn quan tâm tham gia hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện các quy chế, đặc biệt là xây dựng, công khai hệ thống thang bảng lương, quy chế thưởng, chế độ phúc lợi để công nhân lao động được biết lộ trình nâng lương cũng là một công tác để giảm thiểu đình công tự phát.
Chúng tôi thấy rằng, việc công đoàn cấp trên thường xuyên tổ chức buổi tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật lao động nói chung và pháp luật về đình công nói riêng; các kỹ năng thương lượng giải quyết cho ban chấp hành công đoàn cơ sở là tối quan trọng.
PV: Như vậy nghĩa là, tổ chức Công đoàn phải xác định bảo vệ NLĐ là một nhiệm vụ quan trọng nhưng bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng phải được chú trọng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Điều này, nếu không làm cho công nhân hiểu rõ thì vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để?
Đồng chí Nguyễn Văn Thục: Chúng ta thấy, sau ngừng việc trái pháp luật, công nhân đạt được một số yêu cầu. Nếu công tác truyền thông không tốt thì họ vẫn cho rằng, điều quan trọng là đạt được một số quyền lợi và tình trạng ngưng việc trái pháp luật vẫn sẽ diễn ra.
Cần phải nói rằng những kiến nghị của NLĐ là chính đáng, doanh nghiệp cũng đã có tiếp thu bổ sung sửa đổi. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của doanh nghiệp, vì “chính đáng” nhưng phải “hợp pháp”.
Bản thân NLĐ cũng cần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, hài hoà các lợi ích, lắng nghe những đề xuất, phân tích thấu đáo từ tổ chức Công đoàn. Bởi nếu không vì lợi ích chung thì đối tượng chịu thiệt thòi không chỉ là NLĐ, doanh nghiệp mà còn cản trở cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung của tỉnh, thành phố.
Cho nên công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của Bộ luật Lao động là cực kỳ quan trọng. Không thể tuyên truyền suông mà tuyên truyền phải kết hợp với giáo dục pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật lao động bằng các dẫn chứng, trường hợp cụ thể.
Một cuộc ngừng việc trái pháp luật của công nhân. Trong ảnh: Công nhân TNHH Sein Together Vinh Vina (huyện Thanh Chương, Nghệ An) ngừng việc vào ngày 22/2/2024. Ảnh: Nguyễn Nam |
PV: Từ thực tiễn của địa phương, đồng chí có kiến nghị và giải pháp gì nhằm hoàn thiện pháp luật và hạn chế đình công bất hợp pháp?
Đồng chí Nguyễn Văn Thục: Về vấn đề này, theo tôi, có 2 điểm cần xem xét:
Thứ nhất, thực tế cho thấy quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục đình công hiện nay theo Bộ luật Lao động 2019 là tương đối rườm rà, thời gian NLĐ chuẩn bị cho cuộc đình công đang dài trong khi bức xúc của NLĐ đòi hỏi phải giải quyết ngay nên xảy ra đình công tự phát, bất hợp pháp về trình tự, thủ tục là điều khó tránh khỏi.
Một quy định về trình tự đình công theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian chuẩn bị một mặt để NLĐ chấp hành đúng các quy định của pháp luật, mặt khác để họ và doanh nghiệp được bảo đảm về lợi ích và tránh thiệt hại khi việc sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ.
Thứ hai, chúng ta cần tăng cường đối thoại giữa các bên trong quan hệ lao động. Cần tuyên truyền tốt về các trường hợp đối thoại, thương lượng điển hình để có thể nhân rộng mô hình. Công tác này có thể giao cho ban chỉ đạo và tổ công tác liên ngành về giải quyết đình công tại mỗi địa phương nhằm mục đích giải quyết các vấn đề một cách kịp thời, có hiệu quả.
Ngoài ra theo tôi, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, nhất là với các doanh nghiệp thường xuyên có biểu hiện vi phạm, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể và đình công để có biện pháp khắc phục, ngăn ngừa; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm Bộ luật Lao động.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
Vụ hơn 5.000 công nhân VietGlory đình công: Hơn 1.000 công nhân đã đi làm trở lại Liên quan đến vụ hơn 5.000 công nhân tại Công ty TNHH VietGlory (Nghệ An) đã bỏ về không làm việc vào chiều ngày 2/10 ... |
Vụ ngừng việc ở Nghệ An: Gần 80% công nhân đã đăng ký đi làm trở lại Có ít nhất 250 công nhân Công ty TNHH Sein Together Vinh Vina (Thanh Chương, Nghệ An) đăng ký đi làm trở lại sau khi ... |
Vụ ngừng việc ở Nghệ An: Công ty công bố quy chế lương mới Với quy chế lương mới, phụ cấp thâm niên của công nhân Công ty TNHH Sein Together Vinh Vina có thể đạt 500.000 đồng/tháng. |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 13/12/2024 08:19
Hướng nghiệp để công chức, viên chức thích ứng với môi trường mới
Bên cạnh việc động viên về tinh thần, hỗ trợ tài chính thì Chính phủ cũng cần có chính sách hướng nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về nghỉ sau sáp nhập.
Đời sống - 12/12/2024 18:43
“Xây Tết 2025”: Sẽ trao hơn 18.500 phần quà cho công nhân
Chương trình “Xây Tết 2025” do Báo Nhân Dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) dự kiến hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần đến hơn 18.500 công nhân trên cả nước.
Người lao động - 10/12/2024 15:16
Bỏ phố lên non làm thợ điện
14 năm trước, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tiến quyết định rời TP.Huế để đến với vùng cao huyện A Lưới để làm công nhân ngành Điện, rồi bén duyên quyết “ở mãi không về”. Sau nhiều năm phấn đấu, vượt qua nhiều gian khó anh đã gặt hái nhiều thành công, hiện là một trong những gương mặt điển hình của ngành Điện Thừa Thiên Huế.
Đời sống - 09/12/2024 20:18
Công nhân xứ Huế kỳ vọng gì về cách mạng tinh gọn bộ máy?
Nhiều công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn tại tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ kỳ vọng cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ đưa đất nước phát triển, việc làm dồi dào, phúc lợi nâng cao...
Người lao động - 09/12/2024 18:58
Bấp bênh phận đời lao động phi chính thức
Tính đến năm 2023, số lao động phi chính thức ở Hà Nội là 1,89 triệu người và chiếm 50,17% tổng số lao động có việc làm. Dù đây là nguồn lực lớn giúp duy trì việc làm cho một phần lớn dân số, nhưng thường gặp phải những rủi ro về việc làm.
Đời sống - 06/12/2024 15:52
Không để người lao động bị ảnh hưởng tâm lý vì dôi dư!
Sau sáp nhập, sắp xếp sẽ có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư bị ảnh hưởng tâm lý và phải mất thời gian để sắp xếp, bố trí hoặc giải quyết chế độ, chính sách.
- Người “truyền lửa” nhiệt huyết cho Công đoàn BIDV Hồng Hà
- Công đoàn quyết tâm đổi mới, tích cực sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác
- Tỷ lệ nội địa hoá xe VinFast đạt hơn 60%, hướng tới 84% vào năm 2026
- Lượng bán xe VinFast tháng 11/2024 đạt mức kỷ lục
- Thêm cơ hội sống cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối