Ngộ độc thực phẩm: Phải trừng trị để làm gương
Người lao động - 07/06/2024 19:42 TRẦN LƯU
73 công nhân nghị bị ngộ độc thực phẩm tại Nghệ An: Có 51 người đã ổn định sức khỏe |
Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 2.100 người là nạn nhân (tăng hơn 200% so với cùng kỳ), trong đó có 6 người tử vong.
Đặc biệt gần đây, liên tiếp ghi nhận một số vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng như vụ 438 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nhập viện; vụ 73 công nhân nhập viện do ngộ độc tại Công ty TNHH MLB TENERGY (huyện Yên Thành, Nghệ An).
Riêng tại Đồng Nai, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh này đã ghi nhận liên tiếp 2 vụ ngộ độc thực phẩm. Nghiêm trọng nhất là vụ ngộ độc bánh mì tại thành phố Long Khánh khiến hơn 500 trường hợp nhập viện, trong đó có 13 trẻ em điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, 2 trường hợp nhập viện ở TP. HCM.
Mới đây, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, cháu bé bị nặng nhất trong vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai đã tử vong sau gần 1 tháng hồi sức tích cực. Trước đó, cháu bé đã ngưng tim ngưng thở, sốc nhiễm trùng nặng, tổn thương đa cơ quan, phải thở máy, lọc máu.
Các Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết khi cháu bé chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 thì đã trong tình trạng rất nặng, tiên lượng xấu. Dù các bác sĩ đã tận tình điều trị nhưng bệnh nhi đã tử vong sau gần một tháng điều trị.
Theo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân trong vụ ngộ độc cho thấy có vi khuẩn Salmonella và E.coli, kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì Cô Băng ghi nhận 4/8 mẫu có vi khuẩn Salmonella.
Công nhân ở Vĩnh Phúc điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt. Ảnh: BVCC. |
Gần đây, một vụ ngộ độc thực phẩm khác cũng đã xảy ra ở Công ty TNHH Dechang Việt Nam (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) khiến 95 công nhân phải vào viện điều trị.
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 19.000 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống... Ngoài ra, có hơn 1.400 doanh nghiệp có hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho người lao động. Doanh nghiệp hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau như tự tổ chức bữa ăn ca tại chỗ, thuê nhà cung cấp bữa ăn ca, phát tiền, hỗ trợ một phần chi phí…
Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý, nhưng tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến rất phức tạp, các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, khu chế xuất, tại các trường học, các đám cưới, đám giỗ… có xu hướng tăng lên về số lượng và quy mô.
Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết nóng ẩm phù hợp cho vi sinh vật phát triển, nhất là trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật, thì có cả nguyên nhân chủ quan. Đó là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, nhất là tuyến cơ sở chưa tốt.
Quy định của pháp luật đã nêu rõ các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải lưu mẫu thực phẩm và kiểm định nhưng nhiều cơ sở không thực hiện. Có quy định phải kiểm soát thực phẩm đầu vào nhưng nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không đảm bảo điều kiện ATTP nhưng vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thậm chí, có những cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP về kinh doanh các sản phẩm nông sản nhưng lại thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát ATTP.
Hoặc có những cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho các bếp ăn tập thể…
Các cấp công đoàn tăng cường giám sát bữa ăn ca, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Trong ảnh: Lãnh đạo LĐLĐ TP. Cần Thơ thăm công nhân trong một bữa ăn ca. Ảnh: Tr.L. |
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết, toàn tỉnh có hơn 19.300 cơ sở thực phẩm. Trong đó, ngành y tế quản lý hơn 11.700 cơ sở. Đến nay, có 1.015/1.056 cơ sở thực phẩm ở tuyến tỉnh và hơn 1.500/hơn 1.700 cơ sở ở tuyến huyện được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Số cơ sở thức ăn đường phố do tuyến xã quản lý là hơn 8.000 cơ sở.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra vấn đề ATTP tại hơn 5,6 ngàn cơ sở thực phẩm. Kết quả có 539 cơ sở vi phạm, trong đó có 134 cơ sở bị xử phạt vi phạm số tiền 670 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác buộc phải tiêu hủy.
Riêng trong trong 5 tháng đầu năm, có 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 657 người mắc. Nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh và Trảng Bom là do vi sinh vật Salmonella spp và Staphylococcus aureus. Riêng vụ ngộ độc thực phẩm ở thành phố Biên Hòa không xác định được nguyên nhân do không còn mẫu lưu thực phẩm.
Luật sư Phương Văn Thêm – Trưởng VPLS Phương Gia thuộc Đoàn LSTPHCM, cho biết: Hiện nay, pháp luật đã quy định rất rõ việc xử lý các vi phạm liên quan đến ATVSTP cũng như các tác nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Tùy vào tính chất, mức độ, quy mô của mỗi vụ việc mà cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính hoặc khởi tố vụ án hình sự để điều tra.
Công nhân lao động nhận bữa ăn ca tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ. Ảnh: Tr.L. |
Trong đó, tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có khung 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.
Ở khung 4, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn phải chịu hình phạt bổ sung: Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, pháp luật Việt Nam đã hoàn thiện, quy định rất chặt chẽ về xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực VSATTP, chỉ cần tổ chức, cá nhân vận dụng đúng, xử lý nghiêm minh thì các vụ ngộ độc thực phẩm như hiện nay rất ít xảy ra.
Thời gian qua, vẫn có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra, gây bất an, lo lắng trong cộng đồng. Trong đó, nguyên nhân khách quan chỉ chiếm ít phần trăm, đa số điều tra được bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan, như lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng để đưa những hàng hóa, thực phẩm bị hư hỏng độc hại vào môi trường sử dụng; đặc biệt là lợi nhuận rất cao từ việc thực phẩm không đủ chất lượng làm nguồn cung đã khiến các đối tượng bất chấp quy định pháp luật. Bên cạnh đó còn có các hành vi sử dụng hóa chất độc hại đưa vào bảo quản…
Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát; đặc biệt là nghiêm khắc trừng trị, giáo dục, răn đe nhóm tội phạm này để làm gương cho xã hội...
Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh công tác giám sát bữa ăn ca tại doanh nghiệp; qua đó lưu ý các doanh nghiệp coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đầy đủ dinh dưỡng trong từng bữa ăn. Hằng năm, các cấp Công đoàn tỉnh Đồng Nai đều phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, tiền lương, thưởng và chất lượng bữa ăn ca tại các đơn vị. Trong mỗi đợt kiểm tra, giám sát, đều nhắc nhở các doanh nghiệp quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn ca và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hình thức đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung về bữa ăn ca được thực hiện ngày càng thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS thương lượng, đề xuất với chủ sử dụng lao động từng bước nâng dần chất lượng bữa ăn giữa ca, nhằm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để người lao động tái sản xuất sức lao động, cải thiện sức khỏe… |
Kết quả kiểm tra ban đầu vụ 73 công nhân ngộ độc thực phẩm tại Nghệ An Liên quan vụ 73 công nhân ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH MLB Tenergy (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), trao đổi với ... |
Phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng Sau hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có các vụ ngộ độc khiến hàng trăm công nhân bị ảnh hưởng đến ... |
Gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm Kiểm soát nguyên liệu đầu vào chưa tốt, người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa nắm rõ các quy định về an toàn thực ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…
Người lao động - 06/11/2024 19:48
Lao động nhập cư và làn sóng “bỏ phố về quê”
Nhiều năm gần đây, người lao động nhập cư ở nhiều thành phố, đô thị lớn dần có xu hướng quay trở về quê hương làm việc. Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định này, trong số đó là quan điểm “muốn về gần nhà” và sự thay đổi trong chính sách thu hút nhân lực của các địa phương.
- Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
- Mang những phúc lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động
- Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
- Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
- Cơ hội hiếm có từ dự án Top 1 khu Đông TP HCM khi căn hộ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất