Khi hiệu trưởng “ăn chênh” tiền học phí sinh viên
Cà phê tối - 20/01/2025 15:26 Mỹ Anh
Theo cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021, ông Lê Anh Phương (khi đó đang giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế) đã phê duyệt quyết định tổ chức các lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho những học viên có nhu cầu nộp hồ sơ học cao học tại trường này, với mức chi phí là 7,5 triệu đồng mỗi học viên.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Trường Đại học Sư phạm Huế không có khoa Ngoại ngữ, nên các học viên đã được chuyển sang Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Huế để theo học, với học phí gần 5 triệu đồng mỗi người.
Theo kết luận từ cơ quan công an, số tiền chênh lệch hơn 2,6 tỷ đồng đã bị ông Phương và ông Nguyễn Văn Vinh - nguyên Phó trưởng phòng Phụ trách phòng Đào tạo sau đại học thuộc Trường đại học Sư phạm Huế - chiếm đoạt.
Sự việc lập tức thu hút sự chú ý của công luận. Bởi, Giám đốc một trường Đại học bị vướng lao lý liên quan tới chiếm đoạt tài sản. Bởi, ông Phương mang học vị Tiến sĩ với nhiều bài phát biểu với người trẻ về đạo đức, bổn phận. Và hơn cả, bởi nguyên hiệu trưởng một trường Đại học sư phạm, chiếm đoạt tiền của sinh viên của mình.
Mà hình thức chiếm đoạt có thể coi là đơn sơ và trơ trẽn. Đó là thu chênh giá tiền học phí để hưởng lợi. Nguyên hiệu trưởng khi ấy có khác gì con buôn khi dùng quyền lực để khiến sinh viên phải đóng khoản tiền cao gấp rưỡi số tiền học phí thực. Đằng sau những đồng tiền học phí chênh lệch vào túi thầy ấy là bao mồ hôi, nước mắt của phụ huynh gửi gắm cho nhà trường mong tương lai tốt đẹp cho con em.
Trong clip khám xét phòng làm việc của ông Phương, người ta thấy nhiều chữ nghĩa treo tường, người ta thấy cả việc ông Phương quay hết bên này tới bên kia để tránh ống kính camera. Người ta thấy hết những nghịch lý của đời về những thứ đạo mạo, ngời ngời phút chốc trở thành giả trá và bất nhẫn.
Ông Phương đã phải chịu trách nhiệm của mình. Ông sẽ có nhiều thời gian hơn để ngẫm lại sự đắng cay không phải của những năm tháng nằm tù mà còn cả của sự bẽ bàng của việc một người đứng đầu cơ sở giáo dục uy tín lại “ăn” trên “lưng” sinh viên mình.
Câu chuyện cũng là lời cảnh tỉnh tới những người đang làm quản lý giáo dục. Rằng nghề giáo vốn được tôn trọng cả về tinh thần lẫn trên bảng lương trong xã hội đòi hỏi trách nhiệm cao của những người trong ngành. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng từng nhắn với thầy cô dân chúng tin yêu thầy cô “vì trọng đạo mà tôn sư”. Cũng vì thế, thầy cô - đặc biệt là những người quản lý giáo dục - nên ý thức và sống sao để không phụ sự tin yêu đó.
Câu chuyện của ông Phương có thể là cá biệt, không mang tính đại diện. Nhưng nó là lời cảnh tỉnh sâu sắc tới nhiều người, nhiều ngành. Bởi, với sự làm việc rốt ráo, hiệu quả của lực lượng chức năng, chắc chắn, không chỉ ông Phương, mà bất cứ kẻ nào, dù khoác chiếc áo nào, học vị thế nào, với bảng chức vụ trên bàn ra sao cũng phải trả giá- không sớm thì muộn.
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết “Khi hiệu trưởng “ăn chênh” tiền học phí sinh viên”, bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một “ly cà phê” thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR “Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng “ly cà phê” cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: “Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh”. Đọc cà phê tối, tặng “cà phê” là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một “ly cà phê”. Mỗi “ly cà phê” trị giá 23.000 đồng (1 USD). |