Giải pháp nâng cao đời sống cho người lao động trong bối cảnh lạm phát hiện nay
Đời sống - 27/10/2022 15:10 ThS. LẠI SƠN TÙNG - Học viện Cảnh sát nhân dân
Nguyên nhân khách quan
Bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine đang diễn ra hết sức phức tạp là yếu tố không nhỏ khiến giá xăng dầu liên tục tăng trong năm 2022, qua đó tác động trực tiếp khiến giá thành sản phẩm sản xuất và giá hàng hóa qua khâu lưu thông cũng tăng theo. Lý giải cho nguyên nhân này là bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế. Xăng dầu cũng là chi phí đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt xăng dầu chiếm từ 40 - 45% trong cơ cấu giá thành vận tải1.
Giải pháp nâng cao đời sống cho người lao động trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Hình minh họa (Nguồn: vneconomy.vn). |
Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp, phần nào khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, để duy trì sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải tiết giảm chi phí, tăng giá sản phẩm hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc một công ty cổ phần chuyên sản xuất hàng thực phẩm chia sẻ, hiện chi phí xăng dầu chiếm 25-30% tổng chi phí sản xuất của đơn vị, tác động mạnh vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến thu nhập NLĐ. Giá xăng liên tục tăng cao khiến giá nguyên liệu tăng gấp 3-4 lần so cùng kỳ năm trước, buộc đơn vị phải lên phương án tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.
Hay như trường hợp của anh Lê Thắng, giám đốc một công ty chuyên sản xuất gạch men xây dựng cho biết, chi phí đầu vào sản xuất gạch đã tăng khoảng 40-50%, trong đó xăng dầu chiếm khoảng 35% giá thành (tăng gấp hai lần năm trước), than đốt lò nung chiếm tới 40%, rất khó mua do khan hiếm và giá thành cũng tăng "nóng" theo giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng cao đã gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp, đánh mạnh vào nỗ lực gượng dậy sau hơn hai năm đình trệ vì dịch Covid-19. Hiện đơn vị phải giảm công suất xuống còn 60%, giá sản phẩm chỉ dám tăng khoảng 10% nhằm giảm lỗ do yếu tố cạnh tranh thị trường và nhu cầu của người dân đang giảm xuống, chưa kể lượng hàng tồn kho lớn, tăng khoảng 30-40% so năm trước. Giải pháp hiện nay của công ty là chỉ duy trì sản xuất cầm chừng, cho các nhà bán lẻ nợ tiền hàng kéo dài thêm từ 1 đến 3 tháng, cố gắng xoay xở trong "cơn bão giá" hiện nay2. Trước những áp lực đó, việc các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, NLĐ tại các bộ phận sản xuất là điều không thể tránh khỏi, đồng nghĩa với việc là nhiều NLĐ sẽ mất việc làm, thu nhập không ổn định, đời sống ngày một khó khăn hơn.
Giữa thu nhập thực tế và thu nhập danh nghĩa của NLĐ có mối quan hệ mật thiết với nhau qua tỷ lệ lạm phát. Khi lạm phát tăng lên mà thu nhập danh nghĩa không thay đổi thì sẽ làm cho thu nhập thực tế của NLĐ giảm xuống. Nếu các cấp có thẩm quyền không có biện pháp kiểm soát lạm phát sớm thì không chỉ chuyện cơm ăn áo mặc của NLĐ, người nghèo; việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế trong ngắn hạn... mà những kế hoạch, mục tiêu kinh tế - xã hội cũng sẽ khó thực hiện được.
Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu tăng, giá các loại mặt hàng thiết yếu tăng, mọi chi phí dịch vụ cũng theo đó mà tăng theo trong khi đó, thu nhập của những người lao động vẫn “dậm châm tại chỗ”. Ảnh minh họa (Nguồn: vneconomy.vn). |
Sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp
Ngày 30/01/2022, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới 350.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này hướng tới các đối tượng là người dân, NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Điều đáng nói trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết, Chính phủ đã dành ưu tiên lớn đến việc an sinh xã hội, việc làm cho người dân, NLĐ gặp khó khăn do dịch bệnh. Và trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thiết yếu, lạm phát tăng cao như hiện nay thì việc triển khai các gói hỗ trợ đó càng phải đẩy nhanh, nhất là các gói hỗ trợ an sinh xã hội, việc làm cho NLĐ, người nghèo, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giảm thuế để ổn định giá cả sản phẩm... Đồng thời, để nâng cao hơn nữa đời sống cho NLĐ trong bối cảnh lạm phát xảy ra, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, trên cơ sở Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục thực hiện tốt những nội dung trong từng bản Kế hoạch đã được triển khai cụ thể trước đó theo tinh thần của Chị thị số 16 nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp. Hạn chế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tác động của đại dịch Covid-19 đến đời sống, việc làm của công nhân lao động.
Các cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách trợ giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát cao đến người nghèo, người lao động. Ảnh: PNJ. |
Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách trợ giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát cao đến người nghèo, NLĐ. Mặt khác, các cơ quan quản lý cần quyết liệt, sâu sát hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý thật nghiêm đối với các hành vi tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Hơn nữa, các tổ chức Công đoàn của từng doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần nắm được danh sách cụ thể của những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, qua đó tham mưu cho ban lãnh đạo doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ phù hợp cho những NLĐ này nhằm giảm bớt gánh nặng đè lên vai họ, giúp cuộc sống của NLĐ bớt khó khăn hơn. Các doanh nghiệp có quy mô lớn cần nghiên cứu, chủ động xây dựng mô hình ký túc xá, trường học, khu vui chơi giải trí và cải thiện môi trường làm việc thường xuyên cho NLĐ. Ngoài ra, công đoàn cơ sở phải tăng cường rà soát, huy động các nguồn lực để ngày càng có nhiều đoàn viên khó khăn được trao "Mái ấm Công đoàn"...
Thứ ba, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với tư cách là đơn vị chủ quản cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ. Trong bối cảnh mà mọi chi phí đều tăng cao, trong khi thu nhập của NLĐ vẫn “dậm chân tại chỗ”, thì việc thay đổi chế độ tiền lương là một trong những giải pháp giúp giảm bớt khó khăn cho NLĐ. Mặc dù việc tăng chi phí tiền lương cho NLĐ có thể sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, tuy nhiên, đây có thể được coi là động lực giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Việc tăng lương có ý nghĩa thiết thực để NLĐ ổn định đời sống, giúp giữ chân NLĐ lại doanh nghiệp, động viên tinh thần đối với NLĐ, để NLĐ làm việc một cách hăng say nhằm tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Đồng thời, việc tăng lương kịp thời lúc NLĐ đang khó khăn, thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Không những thế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần quán triệt, yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường vận động, phối hợp cùng đối tác cung cấp sản phẩm hàng hóa chất lượng để NLĐ trong các doanh nghiệp được mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ với mức giá ưu đãi.
Trong bối cảnh mà mọi chi phí đều tăng cao, trong khi thu nhập của người lao động vẫn “dậm chân tại chỗ”, thì việc thay đổi chế độ tiền lương là một trong những giải pháp giúp giảm bớt khó khăn cho người lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Quảng Ninh. Ảnh: T. Thủy. |
Thứ tư, để thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, giảm áp lực lạm phát từ xăng dầu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính cần sớm rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí, nhất là thuế bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu. Giải pháp này được xác định là chìa khóa góp phần giảm thiểu tác động trái chiều làm giảm hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Không những thế, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến về giá cả, lạm phát trên thế giới nhằm nhanh chóng, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các bộ, ban ngành có liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng mà nhà nước quản lý như: điện, dịch vụ y tế, giáo dục, …
Chú thích:
1 https://vneconomy.vn/ts-nguyen-bich-lam-gia-xang-dau-leo-thang-ap-luc-lam-phat-va-vi-mo-rat-lon.htm
2 https://nhandan.vn/chat-vat-vi-gia-xang-dau-tang-post702544.html
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng