"Công nghiệp hóa” hoa hậu
Cà phê tối - 07/08/2024 17:21 MỸ ANH
Cụ thể, ngày 3/8 chung kết cuộc Miss Grand Vietnam 2024 và Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024 đều diễn ra. Miss Grand Vietnam 2024 có 1 Hoa hậu và 4 Á hậu; Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024 có 1 Hoa hậu và 2 Á Hậu. Trước đó một ngày, 8 người đẹp được vinh danh trong một cuộc thi Hoa hậu dành cho doanh nhân.
Tức là, riêng trong tối ngày 3 tháng 8, Việt Nam có 2 Hoa hậu, 6 Á hậu. Cộng với 1 Hoa hậu và 7 Á hậu của ngày 2 tháng 8, Việt Nam có tổng 3 Hoa hậu, 13 Á hậu. Theo thống kê những năm gần đây, trung bình, mỗi năm, Việt Nam có tới 60 cuộc thi nhan sắc. Và, với đà này, con số cuộc thi nhan sắc với những danh xưng Hoa hậu, Á hậu, Hoa khôi sẽ còn tăng chóng mặt.
Câu hỏi cốt lõi đặt ra, các cuộc thi Hoa hậu để làm gì?
Các cuộc thi Hoa hậu đầu tiên trong lịch sử thế giới tổ chức trong bối cảnh xã hội trọng nam khinh nữ nặng nề. Các cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp, tri thức và phẩm hạnh của phụ nữ phần nào là tiếng nói nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong đời sống.
Dần dần, khi xã hội bình quyền hơn, vai trò của phụ nữ là thứ không còn gì phải tranh cãi, người ta bắt đầu thấy nhiều mặt trái của các cuộc thi nhan sắc. Cụ thể, những tiếng nói phản kháng cho rằng, các cuộc thi nhan sắc hiện đại đang bị công nghiệp hóa nghiêm trọng. Hình thức tổ chức của các kỳ thi cũng vô hình hạ thấp vai trò của phụ nữ khi họ phải mặc bikini, trình diễn năng khiếu và thể hiện “trí khôn của ta đây” trước những giám khảo là đàn ông. Điều này là xem nhẹ phụ nữ khi cho rằng họ chỉ có giá trị khi được đàn ông đánh giá. Đó là lý do, gần đây, ban giám khảo các kỳ thi Hoa hậu có sự xuất hiện nhiều hơn của phụ nữ.
Song, có một điều không thể thay thế hay sửa đổi ở các kỳ thi hoa hậu, đó là tiêu chuẩn hóa vẻ đẹp của phụ nữ. Phụ nữ đẹp là phải có chiều cao, mũi thẳng, cằm V-line… Điều này vô hình xem nhẹ những vẻ đẹp khác vốn rất đa dạng và phong phú ngoài đời sống. Nó tạo áp lực về vẻ bề ngoài và thúc đẩy nền công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ khiến những người phụ nữ mang “gương mặt đồng phục”.
Chưa hết, luật lệ của các kỳ thi hoa hậu cũng có nhiều vấn đề. Đa phần, những người phụ nữ tham gia kỳ thi sẽ trải qua các vòng liên quan tới trang phục dạ hội, trang phục truyền thống, trang phục bikini, biểu diễn năng khiếu, trả lời vấn đáp…
Vậy, người phụ nữ mặc áo công nhân, với gương mặt mướt mả mồ hôi trong công xưởng có đẹp không? Người phụ nữ tất tả ngược xuôi theo những con tôm, con tép ngoài chợ mà không phấn son, giày cao gót có phản lại tiêu chuẩn đẹp của các kỳ thi nhan sắc vốn tạo hình tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ không?
Theo như luật thi của các kỳ thi nhan sắc, vô hình, chắc chắn câu trả lời là không. Nhưng với đời sống thực tại, câu trả lời là có. Vẻ đẹp của phụ nữ hay đàn ông nằm ở sự đa dạng. Người này mũi cao, người kia mũi thấp, người này quần là áo lượt, người kia lam lũ tất tả… Mỗi người, mỗi tạo hình, tự thân đều mang vẻ đẹp của tạo hóa. Họ có vai trò riêng trong xã hội và mang cả những sự tự tôn riêng về ngoại hình cũng như trí tuệ, năng khiếu.
Và đến đây, chúng ta sẽ thấy, nhìn chung, các cuộc thi sắc đẹp có cũng được mà không có cũng không sao. Đồng thời, việc công nghiệp hóa, đại trà hóa các cuộc thi nhan sắc cũng là chuyện bình thường của cung cầu. Khi nhiều người trong xã hội theo đuổi sự ghi nhận bên ngoài với tiêu chuẩn vẻ đẹp của nền công nghiệp sắc đẹp, chắc chắn, sẽ còn nhiều hơn nữa những cuộc thi hoa hậu.
Những cụm từ như “đấu trường nhan sắc”, “bản đồ sắc đẹp” là thái quá và nực cười. Sắc đẹp, tự thân nó không cần tranh đấu hay đua chen với bất cứ ai, với bất cứ điều gì. Nó là lòng tự tin tự thân vào cơ thể, trí tuệ tinh thần của cá nhân.
Vẻ đẹp của phụ nữ không cần bất cứ ai chấm điểm hay trao quà!
MỸ ANH
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết "Công nghiệp hóa” hoa hậu, bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. “Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 02/11/2024 14:54
“Cuộc đại phẫu” di tích
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất mục tiêu tu bổ 100% di tích Quốc gia Đặc biệt và 80% Di tích Quốc gia.
Cà phê tối - 30/10/2024 10:33
Công nhân bỏ phố về quê - Đâu có gì mà hốt hoảng!
Thúy, công nhân một nhà máy da giày ở Đồng Nai quyết định về quê làm việc và sinh sống sau gần 10 năm lang bạt từ Bình Dương qua Đồng Nai rồi TP HCM.
Cà phê tối - 28/10/2024 13:42
"Giá bất động sản hư hư ảo ảo"
"Thị trường bất động sản hư hư ảo ảo, khó mà định giá, hôm nay giá này ngày mai lại giá khác", đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ.
Cà phê tối - 28/10/2024 00:27
Eximbank nên minh bạch thông tin hay là truy tìm động cơ xấu?
Ngân hàng Eximbank vừa phát thông cáo phản bác luận điệu từ nội dung văn bản phát tán trên mạng xã hội và thông tin nhạy cảm liên quan, đồng thời nhờ cơ quan chức năng truy tìm động cơ, nguồn gốc phát tán tài liệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Eximbank.
Cà phê tối - 26/10/2024 09:34
Cháy một ngôi chùa
Chùa Phổ Quang (thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) bốc cháy vào ngày 23/10 vừa qua. Ngôi chùa 800 tuổi là Di sản Văn hóa Cấp Quốc gia. Nơi đây cũng sở hữu Bảo vật Quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá.
Cà phê tối - 23/10/2024 15:47
Bảo hiểm y tế và nỗi khổ của người dân
Sau hàng năm trời với bao kêu than vật vã của người bệnh có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải mua thuốc, vật tư, thiết bị… bên ngoài thì Bộ Y tế mới ban hành thông tư đồng ý cho bệnh nhân được bảo hiểm y tế thanh toán trực tiếp nếu vẫn phải như vậy! Nghe thì tưởng hay nhưng mọi việc không dễ như người dân mong mỏi.