Chuyện về những phận đời đi “bán giấc mơ”
Đời sống - 10/06/2023 05:31 TRẦN LƯU
Nước mắt những phận đời
Mới đây, thông tin về doanh số tiêu thụ cũng như doanh thu của các công ty XSKT phía Nam đã khiến dư luận một lần nữa xôn xao.
Đều đặn mỗi năm, các công ty XSKT luôn có nguồn thu khủng từ hoạt động kinh doanh vé số. Ảnh: Tr.L |
Theo Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, mỗi năm người dân khu vực này có thể chi khoảng 6 tỷ USD để mua vé số. Trong 21 doanh nghiệp XSKT khu vực miền Nam, có 14 tỉnh bán 100% vé số phát hành, nộp ngân sách trên 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 4.500 tỷ đồng. Và câu hỏi đặt ra là: "Các công ty XSKT giàu từ đâu, và giàu như thế nào?".
Lâu nay, nếu ở khu vực miền Bắc, tìm đỏ mắt cũng không thấy người bán vé số, thì ở miền Tây Nam Bộ, người ta có thể tìm mua ở bất kỳ đâu. Họ đến mời chào tận cửa nhà, quán ăn, đường phố...
Ở khu vực này, XSKT đã không còn đơn giản là trò chơi may rủi, mà đã trở thành “nét văn hóa”, được người dân miền Tây ưa chuộng và mua mỗi ngày.
Một người tàn tật bán vé số dạo trên đường phố ở Cần Thơ. Ảnh: Tr.L |
Mỗi tờ vé số có mệnh giá 10.000 đồng với giải đặc biệt cao nhất, nếu trúng thưởng giải đặc biệt 6 con số là 2 tỷ đồng, nên có người ví von: "Nghề bán vé số là nghề đi bán giấc mơ làm giàu".
Vé số in xong được chuyển về các đại lý trước vài ngày so với ngày mở thưởng. Sau đó, người bán dạo sẽ đến các đại lý nhận vé số rồi toả ra khắp nơi để đi bán. Nguồn phát hành chủ yếu của xổ số cũng thông qua họ. Chỉ một số ít người dân tìm mua vé số tại các sạp ven đường.
Đếm lại mớ tiền vừa bán được trong ngày, ông Lê Văn Thành (53 tuổi) chỉ biết thở dài; vì chưa đủ trả tiền trọ tháng này, lấy đâu ra để trả số tiền nợ 4 tháng trước đó.
Ông Thành quê ở Sóc Trăng, 6 năm trước, ông và vợ rời quê lên Cần Thơ mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Họ thuê một phòng trọ nhỏ ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, rồi mỗi ngày rong ruổi khắp nơi, đi hàng chục ki-lô-mét bán vé số.
Từ nhỏ, vợ ông Thành không may mắc chứng bại liệt bẩm sinh. Cho đến mấy năm trước, tới lượt ông Thành lại bị tai biến, rồi cũng không thể đi đứng bình thường được, nên cả 2 vợ chồng đều phải ngồi xe lăn.
Nhờ mọi người thương tình, mỗi ngày 2 vợ chồng bán được hơn 300 tờ vé số, kiếm được hơn 300.000 đồng. Mức thu nhập không cao, nhưng đủ để họ trang trải cuộc sống.
Chung tình cảnh đó là ông Nguyễn Hữu Chương (64 tuổi, ở trọ tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều). Ông Chương quê ở tận Hà Tĩnh, lang bạt vào Cần Thơ từ mấy chục năm trước.
Do nghèo khó, ông chọn nghề đi bán vé số. Đến một dạo, vợ ông mất, rồi đứa con nhỏ đi học về tắm sông không may bị chết đuối.
Một người dân mua vé số từ những người bán dạo. Ảnh: Tr.L |
Tai ương ập xuống gia đình, bỏ lại ông một mình thân già côi cút. Hai năm trước, trong lúc đi bộ băng qua đường bán vé số, ông bị tai nạn giao thông gãy chân.
Với chiếc xe lăn, từ sáng sớm, ông gồng mình lăn mấy chục cây số đến từng ngõ hẻm, góc phố để mời người mua vé số.
Ông Chương bộc bạch: “Bán vé số dạo là công việc mưu sinh mà người ta không còn làm được việc gì khác. Nếu trước đây, mỗi ngày tôi bán được tới 400 tờ, thì bây giờ chỉ bán được gần 100 tờ”.
Những hoàn cảnh như ông Thành, ông Chương… chỉ là một trong số hàng chục ngàn người đang vất vả mưu sinh với nghề bán vé số dạo. Sau khi nhận vé số từ đại lý, họ lặn lội (chủ yếu là đi bộ) khắp nơi, vào tận các con hẻm, ngõ ngách để mời mua vé số. Có người mỗi ngày đi bộ vài chục ki-lô-mét là chuyện thường. Họ đội nắng, đội mưa; đối mặt với nguy cơ sụt giảm về sức khỏe. Thậm chí, có người như ông Chương đã không may gặp tai nạn trên đường đi bán, họ cũng phải tự chịu.
Vất vả là vậy, nhưng bình quân, mỗi tờ vé số bán được, người bán lãi được khoảng trên dưới 1.000 đồng (tùy vào hình thức trả tiền trước hay trả sau cho đại lý). Mỗi ngày, một người có thể bán được 100 - 300 tờ, tương ứng với mức thu nhập 100.000 đồng - 300.000 đồng/ngày.
Nhiều người bán vé số dạo phải sống nhờ sự hỗ trợ của người khác. Ảnh: Tr.L |
Doanh thu từ hoạt động phát hành vé số của các công ty xổ số truyền thống mỗi năm đều đạt tới hàng nghìn tỷ đồng và không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Và nguồn thu đó phần lớn do những người bán vé số dạo mang lại.
Cần tăng quyền lợi cho người bán dạo
Theo các chuyên gia, dù không có giao kết hợp đồng, nhưng hoạt động XSKT đã tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động khắp khu vực phía Nam. Như tại Hậu Giang hiện có hơn 4.600 người bán vé số dạo; ở Trà Vinh là trên 7.000 người, còn như tại Cần Thơ là khoảng 7.500 người…
Tuy nhiên, ở góc độ khác, những người bán vé số dạo là lực lượng chính mang lại nguồn thu khủng cho các công ty XSKT. Họ làm việc vất vả cả ngày lẫn đêm, nhưng người bán lẻ vé số chưa được hưởng các quyền lợi tương ứng, phù hợp với công sức.
Hầu hết họ có đời sống nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa, không được trả lương cơ bản để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Họ không được các công ty XSKT đóng BHXH để được hưởng các chế độ bảo hiểm khi bệnh tật, già yếu, không còn khả năng lao động. Mức hưởng chiết khấu trên 1 tờ vé số bán ra còn thấp...
Người khuyết tật vất vả mưu sinh bán vé số dưới nắng nóng buổi trưa. Ảnh: Tr.L |
TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Lực lượng bán vé số dạo là những người đang nuôi các công ty xổ số. Tuy nhiên, trong khi các công ty thu lợi nhuận lớn, các đại lý cũng ăn nên làm ra, thì người bán vé số dạo vẫn rất vất vả, chỉ đủ sống qua ngày”.
Theo TS. Tâm, những người bán vé số dạo đa phần là trẻ em, người dân có hoàn cảnh khó khăn, người già, người bị bệnh… Có nhiều người không đủ khả năng lao động nên phải đi bán vé số mưu sinh qua ngày. Vì vậy, khi lãi lớn, các công ty xổ sổ cần san sẻ, có thêm chính sách đãi ngộ với người bán vé số dạo, đồng thời có các chương trình xổ số vì người nghèo, bệnh nhân ung thư.
Thực tế cho thấy, với mỗi tờ vé số bán được, người bán chỉ kiếm được 1.000 đồng. Nếu ngày nào không may, chỉ bán được vài tấm vé số thì họ chỉ mua được một ổ bánh mì. Đó còn chưa nói đến việc các đại lý không cho trả lại vé số bán “ế”. Nếu một người bán dạo, một ngày chỉ cần bán ế 5 - 6 tờ vé số thì coi như cả ngày đó không có công.
“Việc các công ty xổ số ăn nên làm ra, đóng thuế đầy đủ là điều rất mừng. Tuy nhiên, khi họ có lãi đến tầm “kỷ lục” cũng nên quan tâm, tăng chính sách đãi ngội đến người bán vé dạo. Bởi, chính những người bán vé dạo mới là kênh phân phối lớn của họ. Việc này không chỉ là cái tình, cái nghĩa mà còn chính là cách các công ty xổ số đang phát triển hệ thống phân phối của mình”, TS. Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, cần tăng múc đãi ngộ đối với những người bán vé số dạo. Ảnh: Tr.L |
TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho rằng: "Về mặt pháp luật, giữa công ty XSKT và những người bán vé số dạo không có gì sai, bởi vì đây là quan hệ thỏa thuận dân sự. Và những người bán vé số không phải là lực lượng lao động của công ty.
Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, người ta tiếp cận vấn đề với thuật ngữ “các bên có liên quan” (tiếng anh gọi là Stakeholders), mà trong đó nổi bật là vấn đề trách nhiệm, đạo đức xã hội của doanh nghiệp.
Không chỉ về mặt pháp luật mà doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải xây dựng những chuẩn mực, dựa trên trách nhiệm xã hội. Trong đó, vấn đề doanh nghiệp cần phải nhìn nhận trước hết là các bên có liên quan".
Theo ông, đó không chỉ là lãnh đạo, quản lý, cán bộ, nhân viên hay khách hàng của công ty mà bao gồm cả những người bị tác động hoặc tác động ngược lại.
Theo nghĩa này, những người bán vé số dạo phải được nhìn nhận là các bên liên quan, một mắt xích quan trọng trong hoạt động kinh doanh xổ số.
Họ là lực lượng lao động góp phần tiêu thụ lượng lớn vé số. Nếu không có lực lượng này thì vé số không thể tiêu thụ lượng lớn và nhanh được. Họ phải được quan tâm, được nhìn nhận với những trách nhiệm xã hội.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi hàng ngàn lao động bán vé số dạo mất việc, nhiều doanh nghiệp xổ số đã hỗ trợ hay phát quà. Nhưng hầu hết chỉ trên cơ sở “lòng trắc ẩn”, còn trách nhiệm xã hội theo nghĩa “anh phải làm” thì chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Trong hoạt động kinh doanh và nguồn doanh thu mang về, các doanh nghiệp xổ số phải dành ra những nguồn và xem đây là trách nhiệm phải làm. Khi đã xác định được trách nhiệm, có nguồn chi, thì sẽ có những công việc cụ thể để chăm lo cho người bán vé số.
Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng cần xem xét đây là những đối tượng phải được hỗ trợ, chứ không thể chỉ dừng ở mức quan tâm.
Mục đích của hoạt động XSKT nhằm “ích nước, lợi nhà”, trong khi đó, hầu hết những người lao động tham gia hoạt động bán lẻ vé số lưu động là người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, già yếu, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa... Cho nên, cần xây dựng một cơ chế, chính sách mới để xác định lại mối quan hệ lao động giữa các công ty XSKT với người bán lẻ vé số lưu động nhằm đảm bảo các quyền lợi cũng như an sinh xã hội cho nhóm đối tượng lao động này.
Ngân hàng vui, doanh nghiệp buồn, người lao động vật vã Doanh nghiệp “kiệt sức” với lãi vay, nhiều công ty vật vã với lãi suất ngất ngưởng, lãi ngân hàng đang làm khó doanh nghiệp, ... |
Đoàn viên, người lao động quan tâm đến việc làm và an sinh xã hội Đoàn viên, người lao động (NLĐ) tại một số tỉnh phía Nam như Long An, Bình Dương, Bình Phước đặt câu hỏi để trao đổi ... |
Đà Nẵng: Ủng hộ hơn 12 tỉ đồng cho người lao động nghèo và trẻ em mồ côi Chương trình văn nghệ gây quỹ từ thiện với chủ đề “Ấm áp tình người” lần thứ 4 đã kêu gọi, vận động từ 100 ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
- Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
- Mang những phúc lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động
- Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
- Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
- Cơ hội hiếm có từ dự án Top 1 khu Đông TP HCM khi căn hộ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất