Chuyện đời người đi bộ ngàn cây số về quê - Kỳ 1: Người khác thường
Đời sống - 08/05/2022 09:26 PHẠM XUÂN DŨNG
Dư luận dậy lên một câu hỏi: Vì sao đến hôm nay rồi khi dịch dã đã lắng xuống mà vẫn còn cảnh người lao động phải đi bộ về quê, trong khi quãng đường từ TP.HCM về Quảng Bình dài đến 1.300 cây số? Thực hư câu chuyện thế nào, liệu có gì ẩn khuất phía sau?
Anh Chu Đức Thắng. Ảnh: PXD |
Ra tận nơi để... mắt thấy, tai nghe
Chiều 7/5 chúng tôi tức tốc từ Quảng Trị chạy hơn 100 cây số đến sát phà Quán Hàu thì tìm đường vào xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khi trời vừa tối. Sau vài lần hỏi thì tôi đã đến được đội 2, thôn Quyết Tiến. Hỏi tên anh Chu Đức Thắng, một chị đáp: "Vùng này làm gì có ai họ Chu? Hay anh sang quán cà phê bên cạnh hỏi xem sao?".
Chúng tôi vội sang quán cà phê, thấy một nhóm thanh niên đang ngồi chơi, chắc đang thư giãn sau buổi ăn tối. Khi nghe hỏi chuyện, một anh thanh niên vội nói: "À, đúng là anh Thắng con bà Khuyên. Còn họ Chu hay không thì cháu không biết. Để cháu dẫn vào".
Đưa chúng tôi vào đến trước ngõ, thấy khách có vẻ ngỡ ngàng, anh thanh niên nói tiếp: "Nhà thì cũng khang trang nhưng chẳng khá giả gì đâu..." rồi bỏ lửng... Anh cất tiếng gọi: "Bà Khuyên ơi, có khách..." nhưng chẳng thấy ai đáp.
Một thanh niên xuất hiện lặng im. Tôi vội chào và hỏi: "Xin hỏi, anh có phải là anh Thắng, Chu Đức Thắng?". Người đàn ông nửa như gật đầu, nửa có vẻ như không.
Trước mặt tôi là một người đàn ông tầm vóc nhỏ thó, gương mặt sạm nắng và có vẻ hốc hác. Nhắc lại sau một chuyến đi khác thường, thỉnh thoảng nhìn vào khoảng không trước mặt Thắng cười không thành tiếng một cách bí hiểm. Một người cũng dễ gần nhưng có vẻ không dễ hiểu.
Sau vài câu đối thoại làm quen, rồi gạn hỏi, được biết anh Thắng năm nay 37 tuổi, chưa lập gia đình, từng vào Nam làm công nhân bao bì ở quận Bình Chánh, nên bắt đầu câu chuyện cần giải mã.
Tôi gợi chuyện: "Anh có phải là Chu Đức Thắng đi bộ từ trong TP.HCM để về quê như mọi người và báo chí hôm nay đã nói hay không?". Anh đáp gọn: "Vâng, đúng là tôi, nhưng tôi có làm gì sai đâu, tôi cũng không ăn cắp, ăn trộm, không làm hại ai".
Khi hỏi tiếp vì sao anh lại quyết định đi bộ về quê mà không nhờ công ty hay anh em bạn bè cùng làm giúp đỡ tiền xe về quê, anh đáp: "Tôi mất hết giấy tờ và tiền bạc, làm ăn cũng không được, toàn gặp rủi ro nên muốn về quê. Mình muốn về thì cứ về thôi, nhờ ai chi phiền hà. Mình cứ đi bộ để coi có về nhà được không và coi cuộc đời mình khổ đến đâu cho biết".
Lại hỏi anh gặp chuyện gì không may? Anh đáp: "Ừ, thì nhiều khi đi đường, vô tình bị xe tông, tỉnh ra thấy mình đã nằm trong bệnh viện... Không biết chuyện gì đã xảy ra".
Tác giả trò chuyện cùng anh Thắng. Ảnh: XD |
Tiện đâu ngủ đó
Khi hỏi hành trình đi bộ ra sao trong thời tiết mưa nắng thì anh thản nhiên cho biết: "Có gì đâu, mình cứ đi bộ thôi và dùng tâm mình quét sạch đường sá. Mọi người thấy mình đi bộ thì gọi lại cho mình đồ ăn, tối đến thì tiện đâu ngủ đó, có khi ngủ võng, có khi ngủ vỉa hè, không làm phiền ai... cứ thế mà đi hơn nửa tháng. Đến khi gặp Công an Quảng Ngãi, họ nói đừng đi bộ nữa, để họ gửi nhờ xe mà về quê, thì mình lên xe...".
Trong khi tôi trò chuyện thì những người hàng xóm, phần nhiều là phụ nữ nghe nhà có khách nên sang chơi. Họ ngồi nghe và góp chuyện. Một người xen vào giải thích: "Thắng đi bộ mà đi chân đất mới khiếp. Anh xem bàn chân của nó. Thắng đưa chân lên đi cháu".
Thắng làm theo, tôi thấy hai lòng bàn chân anh chai sạn và dày lên, sẫm lại một màu. Hình dung bàn chân này đã đi hàng trăm cây số dọc theo quốc lộ 1, bất giác tôi rùng mình, còn những người phụ nữ chứng kiến thì xuýt xoa không dứt. Có người che mặt.
Anh Chu Đức Thắng và con chó nhỏ đồng hành trong chuyến đi bộ khác thường. Ảnh: PXD |
Một con chó vàng dễ thương chạy lại, ai đó reo lên: "Đây, ai đời đã đi bộ vất vả mà có người cho con chó cũng nhận, đem từ trong đó ra đây, bạn đồng hành với Thắng đó". Anh Thắng cười, mắt dịu lại, ôm con chó vào lòng âu yếm.
Một người góp chuyện thêm trong tình nghĩa xóm giềng: "Nó nói đi làm kiếm tiền giúp mẹ trả nợ mà rồi cũng không được gì. Còn mẹ nó, bà Khuyên chắc bây giờ còn kiếm rơm về nuôi bò. Bà làm đủ việc, không từ nghề gì. Một mình bà, bơm thuốc trừ sâu thuê cho bà con nơi đây, người cứ quắt lại nhưng không ngơi tay, làm cả ngày, tối rồi còn làm. Có hôm khi đi bơm thuốc, đêm xuống, mệt quá, bà tạm ngả lưng bên bờ ruộng cho đỡ mỏi, ngờ đâu ngủ đến sáng mới về nhà..."
Tôi nhìn đồng hồ, bữa cơm tối đã qua từ lâu mà bà Khuyên vẫn chưa về...
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về câu chuyện và số phận của anh công nhân đi bộ về quê ở kỳ sau. Kỳ 2: "Bà mẹ khác thường".
Người dân tặng xe máy cho những công nhân đi bộ về quê tránh dịch Những thành viên của Fanpage Đắk R’Lấp 24H đã tặng 5 chiếc xe máy cho công nhân, người lao động đi bộ, đạp xe đạp ... |
Những cuộc hồi hương lặng lẽ: Ngủ vạ vật lề đường, hái lá cây làm chiếu Mất việc kéo dài, nguồn thức ăn cạn kiệt khiến nhiều lao động tự do quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc không thể ... |
Những cuộc hồi hương lặng lẽ - Kỳ 2: Giữa đường gặp quý nhân Thật khó hình dung nỗi vất vả và những bất trắc có thể xảy đến với những lao động nghèo bỏ phố về quê, nếu ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng