Bị giữ tiền lương, công nhân về quê đón Tết trong lo lắng
Đời sống - 29/01/2022 18:14 DUY HƯNG
Gia đình chị Lò Thị Thy chuẩn bị lên xe để về quê ăn Tết. Ảnh: DUY HƯNG |
Về quê mà không có quà Tết, thưởng Tết
Vội vã tìm xe về Sơn La, chị Lò Thị Thy (công nhân một công ty chuyên sản xuất và cung ứng lốp xe trên đường Láng - Hòa Lạc, TP Hà Nội) vừa vui, vừa buồn.
Chị kể, vui vì dịch Covid-19 đã được kiểm soát, chị cùng chồng được trở về nhà với các con. Nhưng buồn vì hai vợ chồng chỉ được nhận lương tháng 11 và tháng 12/2021 mà chưa nhận được lương tháng 1/2022. Công ty cũng không tặng công nhân một suất quà Tết nào để động viên người lao động.
Chị Lò Thị Thy chia sẻ nỗi niềm của người lao động. Ảnh: DUY HƯNG |
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Thy cùng chồng xuống Hà Nội làm việc. Hai vợ chồng thuê trọ tại Đồng Trúc, Thạch Thất, TP Hà Nội. Trong suốt thời gian dịch bệnh, công ty chị vừa phòng, chống dịch vừa tổ chức sản xuất. Hằng tháng, tổng tiền lương của 2 vợ chồng cũng được từ 13 đến 14 triệu đồng. Trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt nơi nhà trọ, hai vợ chồng cũng dành dụm được chút ít gửi về nuôi con và bố mẹ già ở Thuận Châu (tỉnh Sơn La).
Về quê chuyến này, chị Thy buồn lắm. Chị nói: “Công ty hứa sẽ chuyển lương tháng 1/2022 cho tôi nhưng đến giờ phút này, tôi chưa nhận được tiền nên rất băn khoăn. Tôi đã hy vọng nhận được số tiền này để sửa sang lại ngôi nhà cũ cho các con khỏi sợ hãi khi trời mưa gió. Nhưng nghĩ cho cùng, dù tôi phải đợi lương tháng và không có thưởng Tết, quà Tết, tôi vẫn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều anh em, bạn bè”.
Lò Văn Hoàng chia sẻ những mong muốn và dự định trong năm mới 2022. Ảnh: DUY HƯNG |
Chỉ sang một nam thanh niên mặc quần bò màu bạc phếch, làn da đen sạm vì nắng gió, chị Thy cho biết đó là em Lò Văn Hoàng - cháu của chị. Hoàng mới 17 tuổi, làm cùng công ty với chị Thy từ tháng 12/2021.
Gia cảnh của Hoàng cũng rất khó khăn. Nhà đông anh chị em. Mẹ Hoàng chỉ làm ruộng nuôi mấy người con. Chưa tốt nghiệp cấp 3, Hoàng tự nghỉ học để tìm việc làm. Khấp khởi xuống Hà Nội làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát, Hoàng rất háo hức về tiền lương dịp Tết.
Trước khi về quê, Hoàng được công ty trả lương tháng 12/2021 là 6 triệu đồng. Hoàng cất số tiền này ở tận đáy chiếc ba lô và giữ thật chặt bên mình. Hoàng sợ mất. Không có quà Tết, không có thưởng Tết và chưa nhận được lương tháng 1/2022. Số tiền này sẽ giúp mẹ Hoàng sắm sửa cho gia đình một cái Tết no đủ và mua hạt giống để gieo trồng cho vụ sau.
“Năm mới đến, em mong công việc ổn định, được trả đủ tiền lương, được quan tâm đến chế độ thưởng Tết. Sang năm em sẽ xuống Hà Nội làm tiếp, cố gắng làm việc chăm chỉ để đỡ đần mẹ, các em của em không phải bỏ học...”, Hoàng tâm sự.
Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Nghĩa "tay xách, nách mang" đồ đạc chuẩn bị lên xe về quê hương Cao Bằng - Ảnh DUY HƯNG |
Đâu đó vẫn còn những mảnh đời ngang trái…
Ở bến xe, chúng tôi vẫn còn thấy những người lao động khó khăn, chưa có tiền lo sắm Tết. Chị Nguyễn Thị Nghĩa, quê ở huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) cùng con gái 7 tuổi đang “tay xách, nách mang” đồ đạc về quê. Nước mắt chực trào ra khi chị Nghĩa kể về đứa con gái bé bỏng: “Con gái mắc bệnh xương thủy tinh. Từ khi phát hiện ra bệnh của cháu, tôi đang là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Vân Trung (tỉnh Bắc Giang), tôi phải nghỉ làm để chăm con. Chồng tôi làm thợ xây, nay đây mai đó. Dịch Covid-19 khiến chồng tôi không có việc làm, phải quay về nhà làm ruộng. Hơn một năm nay, tháng nào tôi cũng phải đưa con xuống Hà Nội khám và điều trị bệnh nên rất tốn kém. Mỗi lần trái gió trở trời nhìn con gái xuất huyết toàn thân mà vợ chồng tôi không cầm lòng được. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương giãn cách xã hội, không có xe khách, tôi phải thuê xe cứu thương chở cháu xuống Hà Nội hết 5 triệu đồng/lượt. Tiền trong nhà đã cạn kiệt. Nghĩ thương con, thương gia đình mình, nhất là ngày Tết đang đến gần”.
|
Nói rồi, chị khóc. Được biết, thời gian qua, vợ chồng chị Nghĩa phải vay mượn anh em, họ hàng rất nhiều. Mong muốn của chị Nghĩa trong dịp Tết đến, Xuân về thật giản đơn. Con gái khỏi bệnh là món quà lớn nhất của vợ chồng chị.
Dù là chị Thi, chị Nghĩa, em Hoàng hay bất cứ người lao động xa quê nào cũng chỉ có mong muốn lớn nhất là Tết Nhâm Dần 2022 được quây quần bên gia đình, đón một cái Tết hạnh phúc đủ đầy, hi vọng năm mới và nhiều năm về sau cả gia đình mạnh khỏe hạnh phúc, công việc thuận lợi không bị nợ lương.
Bến xe Mỹ Đình vắng vẻ những ngày cận Tết. Ảnh: DUY HƯNG |
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, Công đoàn ngành đã triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Trong năm qua, các cấp Công đoàn đã chủ động kiến nghị, giám sát người sử dụng lao động thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ. Từ đó, không để người sử dụng lao động lợi dụng hoặc buộc người lao động tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn quy định. Các cấp Công đoàn tiếp tục đôn đốc, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương cho người lao động. |
Xe Công đoàn đưa công nhân về quê ăn Tết Hàng trăm gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Công đoàn Hà Nội hỗ trợ xe ô tô đưa về ... |
Công nhân ở trọ sẽ được xét nghiệm Covid-19 miễn phí sau kỳ nghỉ Tết Việc tổ chức xét nghiệm RT-PCR Sars-CoV-2 do LĐLĐ TP Hải Phòng tổ chức, nhằm giúp sớm sàng lọc các trường hợp nhiễm Covid-19 trong ... |
Công nhân xa quê vui Xuân, đón Tết cùng Công đoàn TP. HCM TP. HCM đã và đang triển khai “Tết sum vầy” đến tất cả đoàn viên, người lao động khó khăn không về quê ăn Tết ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- Chủ tịch Công đoàn luôn trăn trở cùng công nhân, người lao động
- Thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên tại Quảng Trị
- Chị Phùng Thị Thúy Hường: 30 năm sống như những đóa hoa
- Hướng dẫn mới nhất về thanh toán tiền khám bệnh bảo hiểm y tế
- Fan Việt bùng nổ cảm xúc sau lời chào chính thức từ Imagine Dragons