Tham gia mạng xã hội, làm thế nào không vi phạm luật An ninh mạng?
Đời sống - 27/07/2019 09:08 Minh Hoàng
Ảnh minh họa (laodong.vn) |
Luật An ninh mạng và vấn đề an ninh mạng
Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ tư, ngày 12/6/2018, gồm 7 Chương, 43 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng và nhân dân.
Luật cũng nhận được sự đóng góp ý kiến, tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước; nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Nhật Bản…
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin, phát triển kinh tế tri thức. Bên cạnh tác dụng tích cực, to lớn của nó, nhiều quốc gia đã nhận thấy những nguy cơ đe dọa an ninh mạng và coi đây là thách thức, đe dọa mới, nên đã sớm ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động trên không gian mạng.
Các nước phát triển, nơi công nghệ thông tin xuất hiện sớm nhất chính là những nước đi đầu trong việc luật hóa hoạt động trên không gian mạng, trong đó phải kể đến Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, các tổ chức chính trị, quân sự lớn như EU, NATO... Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia ban hành 40 văn bản luật quản lý không gian mạng.
Việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng ở nước ta là vấn đề cần thiết, cấp bách và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật không hạn chế quyền tự do, dân chủ của nhân dân như một số thế lực phản động rêu rao. Tất cả những điều không bị cấm ở 29 Điều trong Bộ luật Hình sự, những điều luật trực tiếp, những điều luật liên quan và những luật khác sẽ được Nhà nước ta bảo hộ trên không gian mạng.
Song, vấn đề sử dụng mạng xã hội trong các tầng lớp nhân dân thời gian qua có sự hỗn loạn nhất định. Xuất hiện, phát tán nhiều thông tin giả, không có nguồn gốc xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc thành quả cách mạng, nói xấu lãnh tụ. Thông tin bôi nhọ, làm nhục cá nhân tràn lan mà không bị xử lý. Kích động, cổ vũ bạo lực, lôi kéo biểu tình trái pháp luật; tung thông tin thất thiệt gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống…
Luật An ninh mạng ra đời sẽ cung cấp cơ sở pháp lý, chế tài mạnh mẽ để hạn chế, trấn áp các hành vi trên. Là một luật mới, đối tượng điều chỉnh đa dạng, mỗi công dân cần nghiên cứu, tìm hiểu, tham gia hoạt động trên không gian mạng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.
Với tinh thần “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, mỗi công dân cần nhận diện các hành vi bị cấm không được thực hiện theo Luật An ninh mạng để tự chủ trong hành động, có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin, giúp mình và bạn bè, người thân sống, làm việc lành mạnh, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, nhất là do không hiểu biết.
Dưới đây là 6 nhóm hành vi bị cấm trên không gian mạng theo Luật An ninh mạng.
Những hành vi bị cấm
Luật An ninh mạng quy định, nghiêm cấm tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người, đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo người khác phạm tội.
Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng internet, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật, làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm nhập chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
Ngoài ra, tại Điều 18 về “Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” nêu rõ hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm: Chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; giả mạo thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép; tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hành vi khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.