Tăng giờ làm thêm: Vấn đề được doanh nghiệp và người lao động quan tâm
Người lao động - 24/03/2022 19:10 MAI LIỄU
Trong bối cảnh phục hồi sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hầu hết doanh nghiệp và NLĐ mong muốn tăng giờ làm thêm để đáp ứng yêu cầu sản xuất và trang trải cuộc sống. (Ảnh: MAI LIỄU) |
Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của NLĐ. Nghị quyết nêu rõ, khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì thời giờ làm thêm là trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong một tháng. Việc này đang được doanh nghiệp và NLĐ quan tâm, nhất là trong thời điểm phục hồi kinh tế do đại dịch Covid-19.
Cần có những kết quả đánh giá thực tế
Đồng chí Ngô Thế Anh – Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, khi Nghị quyết được thông qua, Công đoàn KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã chỉ đạo các cán bộ công đoàn chuyên trách và Chủ tịch công đoàn cơ sở nắm bắt thông tin dư luận, ý kiến của doanh nghiệp và NLĐ.
Đây là vấn đề thời sự, bởi hiện nay doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động, nhiều doanh nghiệp NLĐ bị mắc Covid-19 không thể đi làm, NLĐ chuyển việc làm,... nên họ mong muốn tăng giờ làm thêm để đáp ứng yêu cầu sản xuất các đơn hàng trong và ngoài nước. Nhưng việc tăng giờ làm thêm phải đúng theo quy định, do đó về phía doanh nghiệp, họ đồng tình với việc tăng giờ làm theo Nghị quyết. Còn về phía NLĐ, hai năm qua, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giờ làm thêm không nhiều, không tích lũy được bao nhiêu, trong khi mức lương tối thiểu lại chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu nên họ cũng mong muốn làm thêm để cải thiện cuộc sống, nhất là trong thời điểm giá cả tăng cao.
Đồng chí Ngô Thế Anh nói: "Khi thực hiện việc tăng thời gian làm thêm, Công đoàn cũng như doanh nghiệp cũng cần có những kết quả đánh giá thực tế. Bởi trước đó, để đi đến quy định 40 giờ làm thêm/tháng trong Bộ luật Lao động 2019, các cơ quan liên quan đã phải bàn rất kỹ nhưng cũng còn những trăn trở. Do đó nếu tăng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, đời sống gia đình và tinh thần của NLĐ. Thế nên, cần có sự đánh giá, điều chỉnh theo từng thời điểm để phù hợp hơn, khoa học hơn”.
Ngoài giờ làm việc, công nhân lao động cũng mong muốn được tập luyện thể dục, thi đấu thể thao, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động (Hình ảnh công nhân Công ty Điện tử BSE Việt Nam, đóng tại KCN VSIP Nghệ An). Ảnh: MAI LIỄU |
Cùng quan điểm, đồng chí Vương An Nguyên – Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An cho rằng, việc tăng giờ làm thêm trong thời điểm này là phù hợp nhưng nên thực hiện ngắn hạn. Về lâu dài, cần phải tính toán việc bố trí làm thêm giờ để NLĐ được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Đồng chí Nguyên cho biết, tại KKT Đông Nam có hơn 100 doanh nghiệp, với hơn 30.000 NLĐ. Trong đó, có 46 công đoàn cơ sở, với hơn 24.000 đoàn viên. Lâu nay, một số công ty cũng bố trí cho NLĐ làm thêm giờ, nhất là trong dịp Tết để đảm bảo các đơn hàng. Nhìn chung, các đơn vị thực hiện đúng quy định về số giờ làm thêm, số tiền làm thêm giờ và tuân thủ nguyên tắc vận động NLĐ đồng ý làm thêm giờ.
“Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị kéo dài thời gian làm thêm giờ, NLĐ đã phản ánh, Công đoàn KKT Đông Nam cũng đã trao đổi với doanh nghiệp và họ cũng chia sẻ về tình hình thực tế. Đó là do có những hợp đồng ký kết nếu công ty vi phạm tiến độ giao hàng sẽ bị phạt; nếu thiếu đơn hàng cũng ảnh hưởng đến công ty và việc làm của NLĐ. Ngoài ra, trong một dây chuyền sản xuất, nhiều công nhân mong muốn tăng ca nhưng cũng có một số công nhân vì hoàn cảnh gia đình có con nhỏ, ở xa, họ không muốn tăng ca, khi một số NLĐ không làm thêm giờ thì ảnh hưởng cả một dây chuyền sản xuất. Điều này cũng khó cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An cho biết thêm.
Cũng theo đồng chí Nguyên, thời gian qua, thông qua trang mạng xã hội của Công đoàn KKT Đông Nam, một số công nhân của các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn cũng phản ánh về việc công ty tăng giờ làm thêm kéo dài, Công đoàn KKT Đông Nam cũng đã có ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước để kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp.
Đời sống còn khó khăn nên công nhân lao động mong muốn làm thêm giờ để có số tiền dao động từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/tháng. (Ảnh: MAI LIỄU) |
Cách để NLĐ tự nguyện, vui vẻ làm thêm giờ
Chia sẻ về việc làm thêm giờ, anh Hoàng Văn Thông, công nhân tại KCN Bắc Vinh (Nghệ An) nói: “Hôm nay, tôi đã đọc thông tin về việc tăng giờ làm thêm. Việc này có những thuận lợi nhưng cũng có những bất cập, là vấn đề hai mặt. Như chỗ tôi đang làm, hiện thiếu hụt lao động rất lớn nên công ty mong muốn công nhân tăng ca để đảm bảo đơn hàng và đồng nghiệp tôi cũng muốn tăng ca để có thêm thu nhập. Trong tháng 2, tôi tăng ca 2 giờ/ngày và thực hiện đều đặn trong 26 ngày công, mỗi giờ tăng ca, công ty trả 45 nghìn đồng, tính tiền làm thêm giờ trong tháng của tôi là hơn 2,3 triệu đồng, tổng thu nhập là 7,5 triệu đồng. Khi đơn hàng tăng lên trong năm và dịp Tết, tôi nghĩ số giờ làm thêm tại công ty sẽ tăng lên, như thế thì cũng mệt. Một số công nhân cũng cho rằng, công ty ép công nhân tăng ca trên tinh thần tự nguyện bởi rơi vào tình thế không làm cũng không được”.
Theo nắm bắt của Công đoàn KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa và Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An, số lượng doanh nghiệp bố trí công nhân làm thêm giờ không nhiều. Để đảm bảo sự thống nhất, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất khi tăng giờ làm thêm để thông báo trước cho NLĐ.
Công ty May Wooin Vina (Nghệ An) chọn phương án tuyển đủ số lượng NLĐ để đáp ứng đơn hàng. (Ảnh: MAI LIỄU) |
Ông Nguyễn Xuân Hào – Quản lý sản xuất Công ty May Wooin Vina (Nghệ An) chia sẻ: “Lâu nay, Công ty không bố trí công nhân làm thêm giờ, chúng tôi chọn phương án tuyển đủ lao động để đáp ứng đơn hàng. Hiện Công ty có 2.300 NLĐ. Việc không tăng giờ làm thêm để đảm bảo NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, về sớm chăm lo cho gia đình, NLĐ cũng đồng ý với điều này và gắn bó với Công ty. Thực tế, có nhiều NLĐ sức khỏe không tốt, nếu làm thêm giờ họ không tập trung và dễ dẫn đến tai nạn lao động. Nếu công ty thực hiện tăng giờ làm, chúng tôi sẽ sắp xếp dây chuyền sản xuất chủ động, linh hoạt. Chẳng hạn như sắp xếp những người mong muốn làm thêm giờ vào một chuyền sản xuất và những người không thể hay không mong muốn làm thêm giờ vào một chuyền sản xuất, để họ làm cùng lúc hoặc nghỉ cùng lúc”.
Ông Hào cũng chia sẻ thêm về cách để NLĐ tự nguyện, vui vẻ làm thêm giờ, đó là Công ty thưởng cho họ. Đơn cử như Công ty May Wooin Vina, NLĐ không làm thêm giờ nhưng nếu làm đạt năng suất, hằng tháng có chuyền được thưởng 75 triệu đồng, NLĐ bàn bạc để chia nhau. Từ đó, họ rất vui và tập trung làm việc.
Tăng thời giờ làm thêm: Từ trên 40 giờ và không quá 60 giờ trong một tháng Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và ... |
Chính phủ đề nghị tăng giờ làm thêm với người lao động trong bối cảnh phục hồi kinh tế Ngày 10/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thời gian làm thêm giờ ... |
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng giờ làm thêm ở tất cả các ngành nghề Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cần thiết phải tăng giờ làm thêm, bởi đại dịch Covid-19 kéo dài hai ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…
Người lao động - 06/11/2024 19:48
Lao động nhập cư và làn sóng “bỏ phố về quê”
Nhiều năm gần đây, người lao động nhập cư ở nhiều thành phố, đô thị lớn dần có xu hướng quay trở về quê hương làm việc. Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định này, trong số đó là quan điểm “muốn về gần nhà” và sự thay đổi trong chính sách thu hút nhân lực của các địa phương.
- Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
- Mang những phúc lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động
- Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
- Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
- Cơ hội hiếm có từ dự án Top 1 khu Đông TP HCM khi căn hộ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất