Sai phạm về BHXH ở Sơn La: Không thể “báo giảm” là xong!
Phóng sự điều tra - 15/02/2023 15:54 Ý YÊN
Người lao động thực hiện thay nghĩa vụ đóng BHXH của doanh nghiệp
Như Tạp chí Lao động và Công đoàn đã phản ánh, một thời gian dài, nhiều người lao động tại các Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Công CP Chè Chiềng Ve, Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu, Công ty CP Vinatea Mộc Châu thực hiện thay nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động cho người lao động.
Hằng tháng họ phải trích khoảng 32% tiền lương tương ứng để đóng BHXH (loại hình BHXH bắt buộc).
Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13; Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Luật Việc làm số 38/2013/QH13; Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13, Nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định điều chỉnh tỷ lệ đóng quỹ BHTNLĐ-BNN từ 1% xuống 0,5% từ ngày 1/6/2017: “Người lao động ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp từ 3 tháng thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN bắt buộc theo văn bản quy định hiện hành là 32%, trong đó người sử dụng lao động đóng 21,5%; người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng".
Từ những căn cứ nêu trên, Tạp chí Lao động và Công đoàn từng có bài phản ánh, chỉ rõ những bất cập, sai phạm, đề nghị cơ quan quản lý lao động tỉnh Sơn La tiến hành thanh, kiểm tra để bảo đảm tính minh bạch trong thực thi pháp luật lao động; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
BHXH tỉnh Sơn La - Ảnh: Ý YÊN |
Theo các kết luận thanh, kiểm tra ngày 1/2/2021 của BHXH tỉnh Sơn La, từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020, tại Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu có 385 lao động; Công ty CP Dâu tằm tơ Mộc Châu có 30 lao động; Công ty CP Chè Chiềng Ve Mộc Châu có 21 lao động; Công ty CP Vinatea Mộc Châu có 373 lao động tự đóng 32% BHXH, BHTN, BHYT.
Còn tại Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu, đơn vị đang đóng BHXH, BHTN, BHYT cho 264 lao động ký hợp đồng khoán sản phẩm. NLĐ tự đóng 32% BHXH, BHTN, BHYT.
Tại các kết luận, BHXH tỉnh Sơn La yêu cầu từ tháng 1/2021, các đơn vị lập hồ sơ báo giảm tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho các lao động hợp đồng khoán sản phẩm. Tức là ngừng việc đóng BHXH bắt buộc đối với các lao động nói trên.
Tuy nhiên, các lao động này có được truy thu số tiền họ phải "đóng thay” nghĩa vụ của doanh nghiệp hay không thì chưa được các kết luận thanh – kiểm tra đề cập đến.
Trước đó, ngày 3/8/2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có công văn số 2865/LĐTBXH-BHXH về việc thực hiện BHXH đối với người lao động trong các công ty chè, công ty giống bò sữa trên địa bàn huyện Mộc Châu. Công văn nêu rõ, trong giai đoạn Nghị định số 01-CP và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT đối với người lao động thuộc doanh nghiệp mình mà có hợp đồng giao khoán. Từ ngày 15/2/2017 trở đi, nếu phát sinh hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với người lao động nhận giao khoán thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của pháp luật, trong đó có nghĩa vụ tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động theo quy định.
Về vụ việc này, Luật sư Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho rằng trong quan hệ lao động không có hình thức thỏa thuận liên quan đến vấn đề khoán. Nếu trong trường hợp phía công ty tuyển dụng người lao động vào làm việc thì đây là quan hệ lao động và bắt buộc công ty phải ký hợp đồng lao động, chứ không phải ký hợp đồng khoán. Việc báo giảm tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho các lao động không phù hợp với quy định của pháp luật lao động.
Cũng theo ông Hà, trong trường hợp phần đóng này có số liệu cụ thể trên cơ sở các biên bản thanh tra của các cơ quan và người lao động có các chứng từ về vấn đề đó, thì có quyền yêu cầu công ty phải hoàn trả toàn bộ số tiền đó.
Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật lao động?
Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu từng có tới 385 lao động ký hợp đồng khoán sản phẩm tham gia BHXH bắt buộc và phải đóng 32% tiền lương hằng tháng cho khoản này. Ngay sau khi có kết luận thanh, kiểm tra của BHXH tỉnh Sơn La, doanh nghiệp này đã lập hồ sơ báo giảm tham gia BHXH, BHTN, BHYT đối với các lao động nói trên.
Trả lời PV Tạp chí Lao động và Công đoàn về việc đơn vị có thực hiện thống kê thời gian thu sai và mức thu sai theo quy định của Luật BHXH 2014 và truy thu, trả lại cho người lao động hay không, ông Phạm Hải Nam – Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu nói rằng: “Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ là cái này chúng tôi làm sai. Không bao giờ đặt vấn đề chúng tôi sai ở phần 21,5% (theo quy định, người sử dụng lao động đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%) đâu mà hằng năm phải ngồi cộng lại là bao nhiêu”.
Ông Phạm Hải Nam – Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (trái) và đại diện doanh nghiệp làm việc với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn - Ảnh: Ý YÊN |
Căn cứ vào bản Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) xây dựng tháng 3/2018 của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, chúng tôi nhận thấy Chương VII (BHXH, BHYT, BHTN) nêu rõ đối với các hộ nhận khoán chăn nuôi, hợp đồng trồng trọt và nhận khoán dịch vụ có tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN thì tự đóng cho bản thân và người lao động trong hộ, nguồn tự cân đối trong quỹ tiền lương của hộ. Thời gian đóng theo chu kỳ sản xuất kinh doanh, vụ mùa thu hoạch.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, khi thực hiện TƯLĐTT, trường hợp các nội dung của thoả ước sai quy định pháp luật thì toàn bộ thoả ước đó trở thành vô hiệu. Cụ thể, đối với những người lao động không nằm trong danh sách đóng BHXH bắt buộc mà lại đưa vào danh sách đóng BHXH bắt buộc là sai quy định. Hơn nữa, điều kiện để người lao động được tham gia đóng BHXH bắt buộc là công ty phải có hợp đồng lao động, xây dựng thang bảng lương. Có nghĩa là xác lập mối quan hệ lao động. Và theo đó, dựa trên quy định của Luật BHXH 2014, người lao động chỉ đóng 10,5% các loại bảo hiểm còn doanh nghiệp bắt buộc đóng 21,5% tiền lương hằng tháng.
Bà Lê Thị Lệ - Trưởng phòng Tổ chức lao động, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu nói rằng khi đơn vị xây dựng TƯLĐTT đã được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La xem xét, xác nhận xây dựng theo đúng quy định pháp luật. Thêm nữa, hằng năm các đoàn thanh tra làm việc cũng không có ý kiến việc thu tiền BHXH của người lao động nói trên là đúng hay sai, nên mới dẫn tới tình trạng này.
“Trước đấy, năm nào cũng có việc thanh, kiểm tra với công ty mà không đưa vấn đề này ra”, ông Phạm Hải Nam – Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu nói thêm.
Trong TƯLĐTT Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu năm 2018, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La xác nhận “Các nội dung TƯLĐTT của Công ty đã xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, phúc lợi xã hội, chế độ BHXH, BHYT, BHTN, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi...”.
Vậy trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến đâu? Doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật lao động (mà cụ thể là Luật BHXH) hay cố tình vi phạm? Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh ở bài viết tiếp theo.
Trích cuộc trao đổi ngày 6/1/2023 giữa Phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn với Lãnh đạo Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: Phóng viên: Xin bà thông tin cho Tạp chí, Công ty có biết rằng nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với các quy định của pháp luật? Nếu các nội dung của thoả ước sai quy định pháp luật thì thoả ước đấy trở thành vô hiệu (từng phần hoặc toàn bộ) hay không? Bà Lê Thị Lệ - Trưởng phòng Tổ chức lao động, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: Khi chúng tôi xây dựng thoả ước lao động tập thể thì được Sở LĐ-TB&XH Sơn La xem xét, công nhận việc xây dựng theo đúng quy định pháp luật. Người ta có công văn trả lời thoả ước này đúng pháp luật thì chúng tôi thực hiện chứ không phải chúng tôi tự thực hiện. Khi xây dựng thoả ước, chúng tôi đều thông qua Sở LĐ-TB&XH và được công nhận đúng. Nói về việc vô hiệu thì tại thời điểm đó, nếu thoả ước xây dựng không đúng thì Sở LĐ-TB&XH phải trả lời rằng thoả ước này không đảm bảo, không đúng pháp luật. Chứ bây giờ có văn bản công nhận rồi, chúng tôi cứ thực hiện theo văn bản này thôi. Phóng viên: Đối với những người lao động không nằm trong danh sách đóng BHXH bắt buộc mà lại đưa vào danh sách đóng BHXH bắt buộc là sai quy định. Hơn nữa, điều kiện để người lao động được tham gia đóng BHXH bắt buộc là công ty phải có hợp đồng lao động, xây dựng thang bảng lương; có nghĩa là xác lập mối quan hệ lao động. Và theo đó, dựa trên quy định của Luật BHXH 2014, người lao động chỉ đóng 10,5% các loại bảo hiểm còn doanh nghiệp bắt buộc đóng 21,5% tiền lương hằng tháng. Cớ sao bắt họ đóng 32%, đóng thay khoản của doanh nghiệp? Bà Lê Thị Lệ - Trưởng phòng Tổ chức lao động, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: Hằng năm, các đoàn thanh kiểm tra làm việc cũng không có ý kiến việc thu tiền BHXH của người lao động nói trên là đúng hay sai, nên mới dẫn tới tình trạng này. |
Sai phạm về BHXH ở Sơn La: Đã có kết quả thanh – kiểm tra các đơn vị Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn từng có bài phản ánh việc người lao động (NLĐ) ở một số công ty trên địa ... |
Hơn 200.000 người lao động là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH Thông tin về tình trạng chậm, trốn đóng BHXH được đồng chí Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam công bố tại ... |
Công ty Dệt 19/5 Hà Nội “chây ì” khoản nợ bảo hiểm xã hội Không chỉ nợ lương, Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội tại Hà Nam hiện đang nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) số tiền trên ... |
Công ty vi phạm quyền lợi BHXH, người lao động có thể khởi kiện Sau làn sóng mất việc, giảm giờ làm, tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và các ... |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 21/11/2024 16:27
Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
Nữ lao động là trụ cột chính trong gia đình, việc bị nợ lương đã khiến cuộc sống của cô lâm vào cảnh túng quẫn.
Phóng sự điều tra - 15/11/2024 20:50
Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam
Sáng nay (15/11), đại diện Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đã tới làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ (Hà Nội) về vụ tranh chấp lao động xảy ra tại công ty này.
Phóng sự điều tra - 13/11/2024 14:33
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định bác sĩ Lê Khắc Thu có đủ sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.
Phóng sự điều tra - 08/11/2024 14:32
Bị nợ lương thử việc, nam công nhân phải vay lãi ngày chăm con ốm
Kết thúc thời gian thử việc 1 tháng vào ngày 30/8, nhưng hơn 2 tháng sau, anh T. (Thanh Oai, Hà Nội) mới được thanh toán lương sau nhiều lần đòi quyền lợi.
Phóng sự điều tra - 07/11/2024 19:16
Nhân viên tố Công ty Outcubator Việt Nam vi phạm hợp đồng lao động
Một nhân viên kế toán của Công ty TNHH Outcubator Việt Nam (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa làm đơn khiếu nại lãnh đạo Công ty không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng lao động.
Pháp luật lao động - 06/11/2024 09:48
Công ty CP Môi trường xanh Friendly thoái thác trách nhiệm với người lao động
Làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường xanh Friendly thoái thác trách nhiệm trả nợ tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đã làm việc cho Công ty này.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng